Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 08-2013

TRANG HỌC TẬP

                                                                                   

VAI TRÒ CỦA ĐỨC NỮ TRINH
TRONG NHIỆM CUỘC CỨU RỖI

Để hiểu rõ hơn vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, BBT xin trích nguyên văn các số 55-59 của Chương VIII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II.

Mẹ Ðấng Cứu Thế trong Cựu Ước

Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (x. St 3,15). Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14 so sánh với Mk 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa.

Ðức Maria trong việc truyền tin

Nhưng Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Ðiều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là “Ðấng đầy ân phúc” (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng: “Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài” (Lc 1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Ireneô nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với thánh Ireneô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”.

Ðức Maria và thời thơ ấu Chúa Giêsu

Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được bà ấy chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó vị tiền hô nhảy trong lòng mẹ (x. Lc 1,41-45). Rồi ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài. Trong đền thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Simeon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ (x. Lc 2,34-35). Khi trẻ Giêsu lạc mất, Cha Mẹ đã lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong đền thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người. Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ Chúa Giêsu giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2,41-51).

Ðức Maria
và đời sống công khai Chúa Giêsu

Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-11). Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc 2,19 và 51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Ga 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Ga 19,26-27).

Ðức Maria sau khi Chúa lên trời

Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Ðồ trước ngày Hiện Xuống “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người” (Cv 1,14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

(Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 55-59).

 

THÂN XÁC MẸ THÁNH THIỆN VÀ VINH HIỂN

Đức Giáo hoàng Piô XII

Khi giảng dạy hay diễn thuyết cho dân ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa hồn xác lên trời, các thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ vẫn nói về sự kiện Đức Maria được đưa lên trời như là một chân lý đã được các Kitô hữu hiểu biết và tin nhận. Các ngài đã giải thích rõ hơn về sự kiện đó, dựa vào những lý lẽ sâu sắc hơn để trình bày ý nghĩa và bản chất của sự kiện, nhất là cho mọi người thấy rõ rằng: lễ này không phải chỉ để kính nhớ thân xác Đức Trinh Nữ Maria sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giêsu Kitô, Con Một của Mẹ.

Thánh Gioan Đamát là vị giảng thuyết trổi vượt về chân lý vẫn được lưu truyền này. Khi so sánh hồng ân Mẹ được đưa về trời cả thân xác với các ân huệ và đặc ân khác Mẹ đã nhận được, thánh nhân đã nói rất hùng hồn như sau: “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời.

Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và phải được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người.”

Còn theo thánh Giêmanô Contantinô, nếu thân xác Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa:

“Theo Kinh Thánh, Mẹ kiều diễm; thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết, và đích thực là nơi Thiên Chúa ngự. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể tan thành bụi đất. Nhưng vì là thân xác con người, nên phải được biến đổi mới có thể đạt tới cuộc sống tuyệt vời bất hoại. Tuy nhiên, vẫn chính thân xác ấy nay sống động, vinh hiển rạng ngời, toàn vẹn và được thông chia sự sống hoàn hảo.

Một tác giả cổ thời quả quyết: “Vì Đức Maria là Mẹ hiển vinh của Đức Kitô, mà Đức Kitô chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh bất tử, nên Mẹ phải được Đức Kitô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống như thân xác Người, nghĩa là không bao giờ bị hư hoại. Chính Người là Đấng đã cho Mẹ được chỗi dậy, ra khỏi mồ và là Đấng đã đưa Mẹ lên với Người, bằng cách nào thì chỉ một mình Người biết.”

Tất cả những lập luận suy tư của các thánh giáo phụ đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng cuối cùng, mà Kinh Thánh lại trình bày rõ ràng cũng như đặt ngay trước mặt chúng ta một Đấng Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa. Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người Con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của người Con ấy.

Nhất là phải nhớ rằng: ngay từ thế kỷ thứ hai, Đức Trinh Nữ Maria đã được các thánh giáo phụ trình bày như Eva mới, mặc dù lệ thuộc Ađam mới, nhưng lại liên kết hết sức chặt chẽ với Ađam mới trong cuộc chiến chống lại địch thù từ hoả ngục xông lên. Cuộc chiến ấy như “tiền phúc âm” đã tiên báo, sẽ dẫn đến chiến thắng trọn vẹn trên tội lỗi và tử thần. Trong các tác phẩm của vị Tông Đồ dân ngoại, tội lỗi và tử thần luôn đi đôi với nhau. Vì thế, cuộc chỗi dậy vinh hiển của Đức Kitô là phần cốt yếu và chiến lợi phẩm cuối cùng trong chiến thắng đó thế nào, thì cuộc chiến mà Đức Trinh Nữ cùng tham gia với Con mình cũng phải kết thúc bằng việc tôn vinh thân xác đồng trinh của Mẹ như thế. Thánh Tông Đồ cũng nói: Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi trong chiến thắng.

Thế nên, ngay từ thuở đời đời, do cùng một quyết định tiền định duy nhất, thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời đã được kết hợp một cách huyền nhiệm với Đức Giêsu Kitô, được ơn vô nhiễm khi thành thai, được ơn đồng trinh vẹn tuyền khi làm Mẹ Thiên Chúa, được hết lòng cộng tác với Chúa Cứu Chuộc, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi, thì cuối cùng Mẹ cũng được chiến thắng tội lỗi và tử thần. Chiến thắng này là phần thưởng rất cao quý giữa những đặc ân Mẹ đã được.

Nhờ đó, Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng và cả hồn lẫn xác được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là hoàng hậu sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời.

(Trích Tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng của Đức Giáo hoàng Piô XII, Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, 15/8).

 

Kinh Tin Kính

Thánh Louis Marie Grignion de Montfort

Kinh Tin Kính, hay Tín Biểu của các Thánh Tông Đồ, được đọc khi bắt đầu lần đến cây thánh giá ở ngay đầu tràng chuỗi, là một bản tóm lược trọn hảo tất cả chân lý Kitô giáo.

Đây là một kinh nguyện có một tác dụng lớn lao, vì đức tin là cội rễ, là nền tảng và là khởi sự của tất cả mọi nhân đức Kitô giáo, của tất cả mọi nhân đức đời đời và của tất cả mọi lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa Toàn Năng. “Ai đến với Thiên Chúa phải tin tưởng…” (Dt 11,6). Bất cứ ai muốn đến với Thiên Chúa, trước hết, phải tin tưởng, và, càng tin, kinh nguyện của họ càng đáng công, càng có thần lực và càng tôn vinh Thiên Chúa.

Ở đây, tôi sẽ không cắt nghĩa Kinh Tin Kính từng li từng tí. Nhưng tôi không thể không đặc biệt đề cập đến những chữ đầu tiên “Tôi tin kính Đức Chúa Trời” là những chữ vốn có một công hiệu lạ lùng trong việc thánh hóa linh hồn chúng ta và khu trừ ma qủi, vì những chữ này bao gồm tác động của 3 thần đức là tin, cậy, mến.

Chính nhờ đọc “Tôi tin kính Đức Chúa Trời” mà các thánh đã chiến thắng các cơn cám dỗ, đặc biệt là các cơn cám dỗ nghịch lại đức tin, đức cậy và đức mến, tấn công các ngài trong đời sống hay trong giờ lâm tử. Đây cũng là những lời cuối cùng của thánh Phêrô tử đạo. Một người lạc đạo đã chặt đầu thánh nhân ra làm hai, bằng nhát gươm hung ác, và thánh Phêrô, mặc dù đang hấp hối chết, bằng một cách nào đó, đã dùng ngón tay của mình để viết xong những lời này trước khi tắt thở.

Kinh Mân Côi gồm chứa nhiều mầu nhiệm về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và vì đức tin là chìa khóa duy nhất để khai mở những mầu nhiệm này cho chúng ta, nên chúng ta phải bắt đầu đọc Kinh Mân Côi bằng Kinh Tin Kính hết sức sốt sắng, càng mạnh tin bao nhiêu, Kinh Mân Côi chúng ta đọc càng đáng thưởng bấy nhiêu.

Đức tin này phải sống động và phải được soi động bởi đức ái. Nói cách khác, để lần hạt Mân Côi cách xứng đáng, cần phải có ơn nghĩa Chúa, hay ít là phải tìm kiếm ơn nghĩa Chúa.

Đức tin này phải vững mạnh và kiên trì, tức là, người ta không được tôn sùng theo cảm quan hay tìm an ủi thiêng liêng trong việc lần hạt Mân Côi; hoặc không được bỏ lần hạt vì đầu óc tràn đầy những chia trí vô ý vô tứ, những cảm nghiệm chán chường trong tâm hồn và những mệt mỏi kiệt quệ hầu như liên lỉ nơi thân xác.

Cảm xúc, an ủi, chán chường, chia trí hay chú ý liên lỉ của trí tưởng tượng đều không cần thiết; chỉ cần đức tin và ý hướng ngay lành là đủ. “Một mình đức tin là đủ” (the Pange Lingua).

(Bí Mật Kinh Mân Côi – Bông Hồng 11).

 

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Tên gọi của ngày lễ hôm nay nói lên một ân huệ rất đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Đức Maria. Đức Mẹ được về trời, không chỉ có phần linh hồn, nhưng cả thân xác nhân loại của Mẹ cũng được về trời. Điều đó có nghĩa là một con người trọn vẹn được cứu chuộc và tôn vinh. Ơn cứu chuộc nhờ công nghiệp của Đức Giêsu là ơn cứu chuộc dành cho con người toàn diện. Chúng ta hãy đọc lại tín điều được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố ngày 01-11-1950: “Chúng Tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác”. Thiên Chúa muốn cứu với con người cả hồn và xác {…} Ơn cứu độ cũng không chỉ dành riêng cho con người, mà còn dành cho cả vũ trụ. Hình ảnh người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải Huyền cho thấy Đức Maria là một người phụ nữ vũ trụ. Tác giả say sưa chiêm ngắm một người Phụ nữ kỳ lạ “mình mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”. Giáo Hội Công giáo đã nhận ra chính là hình ảnh của Đức Maria, người Phụ nữ đã cộng tác với Thiên Chúa để sáng tạo một dân tộc mới trong Đức Giêsu Kitô. 12 ngôi sao tượng trưng cho 12 chi tộc của Israel mới, được tái tạo nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Như thế, cùng với Mẹ, cả một vũ trụ được canh tân tỏa sáng, đem lại niềm hân hoan cho những ai thuộc về Đức Giêsu. Mẹ Maria, một tín hữu suốt đời khiêm cung và tuân phục thánh ý Chúa, thì nay chính Chúa đã dùng cả vũ trụ mà trang điểm cho Mẹ. Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú… đó là những vị thần linh đối với một số tín ngưỡng bình dân, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, những gì mà nhiều người coi là thần linh nay chỉ là đồ trang sức của Mẹ.

(Lược trích; nguồn: kinhthanhvn.org)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment