Sách Tháng Mân Côi

Mẫu 4: SỐNG ĐỨC ÁI QUA KINH MÂN CÔI

(Được trích từ sách “Sống Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi” của Lm. Fx. Đào Trung Hiệu, OP.)

SỐNG ĐỨC ÁI QUA KINH MÂN CÔI: MÙA VUI

Mầu nhiệm thứ nhất: Truyền tin

Suy niệm: Tình yêu nhập thể

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, người ta sẽ đặt tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

Noi gương Đức Kitô, người tín hữu ở giữa mọi người, sống như mọi người và yêu mọi người. Như thế, họ phải từ bỏ thái độ hẹp hòi, phe phái, thái độ kỳ thị giai cấp, chủng tộc. Phải biết đón nhận những gì tốt đẹp đúng đắn nơi tha nhân. Hãy học theo gương thánh Phaolô: “Tôi trở nên yếu đuối với người yếu đuối, để lợi được những người yếu đuối. Tôi trở nên mọi sự cho mọi người để mọi người được ơn cứu độ (1Cr 9,22-23).

Lạy Chúa,

Xin cho con tinh thần sống hòa đồng.

Xin đừng để con đòi hỏi ưu đãi, tiếp đón,

đừng để con tự mãn kiêu căng…

Nhưng biết hòa mình với mọi người,

ở mọi nơi trong mọi lúc cách vô điều kiện.

Xin cho con yêu nhân loại như Chúa yêu,

và sống giữa họ để làm chứng cho Chúa.

Xin thanh luyện lí do dấn thân của con trong xã hội trần

thế, để mọi người qua con,

nhận biết rằng Chúa hết lòng yêu thương họ.

Mầu nhiệm thứ hai: Đức Mẹ đi thăm bà Isave

Suy niệm: Tình yêu cảm tạ

Nếu ai yêu mến Chúa, sẽ thấy mình được Chúa yêu muôn vàn. Tất cả đều là hồng ân. Dùng suốt đời để cảm tạ cũng chưa cân xứng. Được ơn thì phải biết ơn. Nhưng cách biết ơn xứng đáng nhất là sử dụng các ơn đó theo ý người ban tặng.

Hãy học theo gương Mẹ Maria, khi được bà Isave chúc mừng, Mẹ đã cất lên lời kinh Cảm tạ (Magnificat) mà Giáo Hội qua bao đời vẫn dùng để cầu nguyện. Trong niềm tri ân Thiên Chúa, không có chi đẹp lòng Người hơn là rộng rãi thi ân cho những người sống chung quanh.

Lạy Chúa,

chúng con thích tìm lời khen ngợi trần thế,

mà quên rằng nếu không có Chúa,

chúng con chẳng làm được gì.

Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Ngài,

đã cho con được làm người,

đã cho con được sống,

cho con trí tuệ để hiểu biết,

cho con quả tim để yêu mến.

Con xin cảm tạ Ngài,

vì những tài năng Chúa đã ban,

vì tha nhân Chúa ban tặng,

vì thời giờ Chúa gửi đến,

để con có thể yêu thương và phục vụ tha nhân.

Và nhất là, lạy Chúa, con xin cảm tạ Ngài,

vì ân sủng, niềm vui

và bình an của Chúa ngự trị trong tâm hồn con.

Mầu nhiệm thứ ba: Chúa giáng sinh

Suy niệm: Tình yêu phó thác

Lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Augustô xem ra hoàn toàn trần thế, nhưng không ngoài chương trình quan phòng của Thiên Chúa, để ứng nghiệm lời tiên tri Mikêa về Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, quê hương của tổ phụ Ngài.

Đức Maria, mặc dầu sắp đến ngày sinh, vẫn hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa toàn năng. Đức Mẹ theo thánh Giuse về quê đăng ký hộ khẩu. Quả thật, nếu tin nơi quyền phép Thiên Chúa, thì như thánh Phaolô tuyên bố: “Mọi sự đều sinh ích cho kẻ kính mến Chúa” (Rm 8,28).

Lạy Chúa,

Tìm được ý Chúa trong cuộc sống quả là khó,

và hoàn cảnh con gặp phải,

hầu như không bao giờ thuận lợi hoàn toàn.

Nhưng con tin nơi quyền năng Chúa.

Chúa sáng tạo vạn vật từ hư không,

Chúa muốn con an bình dù giữa chiến tranh,

muốn con thánh thiện giữa cảnh sa đọa,

muốn con cố gắng và tin vào Chúa.

Lạy Chúa,

đường lối Chúa thật kì diệu, khó hiểu,

nhưng vẫn chan hòa ánh sáng.

Bởi vì: không có gì vượt khỏi quyền phép vô biên Chúa.

Mầu nhiệm thứ bốn: Dâng Chúa trong đền thờ

Suy niệm: Tình yêu dâng hiến

Simêon dâng đời mình “Xin để tôi tớ Ngài ra đi bình an” (Lc 2,29). Anna dâng lời “tán tạ Thiên Chúa” (c.38). Thánh Giuse dâng đôi chim theo luật dạy (c.24). Mẹ Maria dâng lòng, sẵn sàng đón nhận lưỡi đòng Simêon loan báo. Và Đức Giêsu dâng chính mình lên Chúa Cha. Tình yêu là thế đó: là chia sẻ, ban tặng, là dâng hiến, là muốn tất cả những gì mình có đều thuộc về kẻ mình yêu. Và lễ vật quý giá nhất Thiên Chúa muốn, là chúng ta dâng hiến chính bản thân mình cho Ngài.

Lạy Chúa,

Con xin dâng Chúa trọn vẹn những gì thuộc về con.

Con xin dâng Chúa:

tất cả những cố gắng, thiện chí;

tất cả những gì Chúa cho con:

trí tuệ, thân xác, tình yêu, mạng sống;

và tất cả những gì con đã, đang, hay sẽ thực hiện;

dâng những hy vọng, dự định và tương lai đời con.

Con xin dâng Chúa:

tất cả mọi tội lỗi và nết xấu để Chúa chấn chỉnh lại,

và tất cả những dấu hiệu chứng tỏ con mến Chúa.

Mầu nhiệm thứ năm: Tìm lại Chúa trong đền thờ

Suy niệm: Tình yêu hiểu biết

Đức Mẹ và thánh Giuse gặp lại được Đức Giêsu ngồi giữa các tiến sĩ, nghe và hỏi họ. Mọi người nghe đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp (Lc 2,46).

Người yêu mến Chúa sẽ luôn cố gắng chăm chỉ học hỏi giáo lí để hiểu biết thêm về Ngài. Họ không thể bằng lòng để mình ngu dốt về Thiên Chúa và các chân lý ngàn đời. Bởi vì không thể yêu cái mình không biết. Và thêm hiểu biết sẽ thêm lòng yêu mến. Thế nhưng, việc hiểu biết này không nhất thiết bởi lý trí. Đức Maria khi chưa hiểu đã ghi nhớ và suy niệm, Mẹ hiểu nhờ tình yêu và lòng tin tưởng nơi Chúa.

Lạy Chúa,

Xin cho con biết nghe Lời Chúa cách chăm chú, kính cẩn,

biết suy niệm và thực hành,

những gì Lời Chúa truyền dạy.

Xin cho con biết suy niệm các mầu nhiệm Chúa,

để thấy Chúa đáng mến vô cùng,

để biết sống thế nào là mến Chúa,

và thế nào là sống trong tình yêu Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho con biết noi gương Ngài:

“lo việc Chúa Cha” trước nhất,

và nhiệt thành việc nhà Chúa suốt đời.

SỐNG ĐỨC ÁI QUA KINH MÂN CÔI: MÙA SÁNG

Mầu nhiệm thứ nhất: Phép rửa tại sông Gio-đan

Suy niệm: Bác ái thì khoan dung

Sứ mạng chính của Đức Giêsu là sứ mạng phục vụ công lý. Không có gì có thể khiến Ngài bỏ cuộc. “Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân”… “cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”. Nhưng công lý của Chúa là công lý tình thương. Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ và cứu vớt. “Ngài sẽ không cãi vã,

không kêu to, chẳng ai nghe thấy Ngài lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,18-21). Ngài là vị mục tử không ngại vất vả, tìm cho bằng được từng con chiên lạc để đem về đàn.

Lạy Chúa,

hơn bao giờ hết nhân loại ngày nay kêu gào công lý,

nhưng công lý của chúng con thường bất toàn.

Đó là công lý của kẻ mạnh, công lý của người thắng,

công lý dựa trên quy luật cạnh tranh,

đặt nền trên bạo lực và loại trừ lẫn nhau.

Xin cho con biết kiên nhẫn với tha nhân

như Chúa đã kiên nhẫn với con.

Xin cho con xác tín vào sức mạnh của tình thương,

để không cậy dựa vào bất cứ điều gì khác,

khi nỗ lực chiếu tỏa ánh sáng văn minh tình thương,

và đẩy lui bóng tối văn hóa sự chết.

Mầu nhiệm thứ hai: Tiệc cưới Ca-na

Suy niệm: Tình yêu phủ lấp những thiếu sót

Qua phép lạ tại tiệc cưới Ca-na, chúng ta nhận ra tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài có mặt trong đời sống nhân loại hằng ngày. Ngài thấu hiểu những ưu tư của chúng ta, sẵn sàng can thiệp và bổ sung những lỡ lầm thiếu sót.

Dù chủ nhà chưa lên tiếng yêu cầu, Đức Maria đã can thiệp với Con mình. Mẹ chia sẻ tình cảnh bối rối của họ, và tìm cách giải quyết như là việc của chính mình. Còn Đức Giêsu, khi thực hiện phép lạ, đã cho ta thấy đâu là điểm tựa vững chắc đem đến cho nhân loại niềm vui trọn vẹn. Chúa chính là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề.

Lạy Chúa, con bất toàn nhưng đòi người khác phải hoàn hảo, con đầy thiếu sót nhưng lại hay than thở kêu ca.

Xin cho con biết thông cảm với những yếu đuối của anh em, biết chia sẻ và giúp nhau vượt khó.

Xin cho con biết sống tinh thần của Bài ca Bác Ái.

Nghĩa là, biết sống “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,… không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Xin cho con biết tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Mầu nhiệm thứ ba: Chúa công bố Nước Trời

Suy niệm: Tình yêu không biên giới

Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu vào hội đường và đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Rồi Ngài nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19.21).

Khác với quan niệm hạn hẹp của dân Do Thái, Đức Giêsu đến với mọi người. Đối tượng ưu tiên của Ngài là trẻ thơ, người nghèo, bệnh nhân và tội nhân, dù là dân ngoại hay người Samari. Đôi khi Ngài còn lấy họ làm gương cho các môn đệ.

Lạy Chúa, lúc đầu chúng con muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín.

Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng, và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa, nối người với người, và nối con người với Tạo Hoá.

Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết nắm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.

(Trích Manna).

Mầu nhiệm thứ bốn: Chúa biến hình trên núi

Suy niệm: Yêu nhau không phải chỉ để nhìn nhau

Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba lều, một cho Ngài, một cho Môsê, một cho Êlia”. Hoàn toàn bỡ ngỡ và vui mừng, có lẽ Phêrô muốn kéo dài mãi những khoảnh khắc hạnh phúc này. Thế nhưng, Chúa đã dẫn các môn đệ xuống núi. Họ sẽ phải cùng đi với Thầy lên Giêrusalem.

Cũng thế, cuộc đời tín hữu không thể dừng lại ở những cảm nghiệm đặc biệt, những giây phút sốt sáng nhiệt thành, những ngọn lửa tình yêu nồng nàn, hoặc niềm vui ngọt ngào trào dâng. Tất cả những kỷ

niệm khó quên ấy phải trở thành động lực giúp họ kiên vững theo chân Chúa, và giúp họ hoàn thành sứ vụ Chúa đã trao.

Lạy Chúa, yêu nhau không phải để nhìn nhau mà để cùng nhau nhìn về một hướng. (Saint Exupéry)

Xin ban cho con tình yêu của Chúa, tình yêu dẫn con đến với muôn người.

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng giúp con luôn hăng hái lên đường.

Mầu nhiệm thứ năm: Chúa lập bí tích Thánh Thể

Suy niệm: Yêu như Thầy đã yêu

Sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu nói với họ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Điểm mới trong giới răn yêu thương dành cho các Kitô hữu chính là yêu như Thầy đã yêu (Ga 15,13). Ngài là Đấng yêu thương họ đến cùng, đã gọi họ là bạn hữu, đã cầu nguyện cho họ, đã cúi xuống rửa chân cho họ, và thể hiện tình yêu cao cả nhất là hy sinh tính mạng vì họ.

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim mới, và đổ xuống trên con tinh thần mới của Ngài.

Xin cất khỏi con quả tim chai đá, và thay thế bằng trái tim biết yêu thương. (Ed 36,26-27)

Xin đổ xuống trên chúng con Thần Trí của Chúa, Đấng hướng dẫn con sống theo các lệnh Chúa truyền, tuân giữ và đem ra thực hành các luật Ngài ban.

Chúa thấu hiểu những cơn đói cơn khát của nhân loại: đói cơm bánh, đói tình thương, khát công lý, khát hy vọng… và Chúa dạy chúng con: “Hãy cho họ ăn”.

Xin cho con trở thành khí cụ để tình yêu Chúa đến với họ, và để tình yêu của Chúa được tỏa lan trên khắp địa cầu.

SỐNG ĐỨC ÁI QUA KINH MÂN CÔI: MÙA THƯƠNG

Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa nơi vườn cây dầu

Suy niệm: Tình yêu thống hối

Khi yêu nhau, người ta không muốn cho kẻ mình yêu phải sầu khổ. Do đó, việc suy niệm những nỗi sầu khổ của Chúa trải qua trong vườn cây dầu vì tội lỗi chúng ta, phải làm sống lên trong ta tâm tình thống hối.

Khi Chúa đến dùng bữa tại nhà một người biệt phái, có một người đàn bà tội lỗi đến khóc dưới chân Ngài, lấy tóc lau và xức thuốc thơm. Người biệt phái tỏ vẻ thắc mắc. Chúa kể cho ông dụ ngôn ‘người chủ tha cho hai con nợ’ và kết luận: “Tội chị ta tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì chị ta yêu mến nhiều. “Kẻ được tha ít thì mến ít” (Lc 7,47).

Lạy Chúa, xin cho con một lương tâm trong sáng, để nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt đẹp, để nhận ra cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì thiện hảo.

Xin cho con một lương tâm lành mạnh, để không khi nào cố tình bước sâu vào tội lỗi.

Xin cho con biết hối tiếc khi lầm lỡ, hối hận khi sa ngã, và hối cải làm vui lòng Chúa.

Xin cho con vui tươi: đón nhận ơn tha thứ trong bí tích hòa giải, và đền tạ bằng cách yêu Chúa, yêu tha nhân nhiều hơn.

Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu bị hành hình

Suy niệm: Tình yêu vượt muôn trở ngại

Việc chiêm ngắm các hình khổ Đức Kitô chịu vì yêu thương, làm phát sinh người Kitô hữu niềm tri ân sâu xa, có sức giúp họ vượt qua những trở ngại lớn nhất làm họ khó yêu Thiên Chúa: là những đam mê, tham vọng và tính ích kỉ.

Nói rằng mình đau buồn khi nghĩ đến những đau đớn của Đức Giêsu mà không đi đến chỗ vâng lời Ngài, thì không phải là yêu mến thực sự, mà là chế nhạo Ngài. Nếu yêu mến Chúa chân thành, mọi cảm xúc nồng nàn phải đưa ta đến một đời sống đạo đức.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu được bề sâu của Tình yêu Chúa.

Xin cho con yêu mến Ngài nồng nàn, vượt qua mọi đam mê và tính hưởng thụ.

Xin cho con mến yêu Ngài thật sự, vượt qua mọi khô khan và tính lười biếng.

Xin cho con yêu mến Ngài tha thiết, vượt qua mọi hy sinh chướng ngại trên con đường yêu mến.

Lạy Chúa, hình dung ra những cực hình Ngài chịu vì con, thì tất cả những gì con có thể phải từ bỏ vì Chúa, chẳng nghĩa lý chi cả.

Mầu nhiệm thứ ba: Chúa chịu sỉ nhục

Suy niệm: Yêu nhau trong lời nói

Nghĩ đến những sỉ nhục Chúa Giêsu chịu, ta thấy bất mãn với đám đông lý hình. Thế nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta cũng sỉ nhục Ngài trong anh em chúng ta. Khi chúng ta chửi rủa, nói hành nói xấu, làm mất danh dự của những người xung quanh, Đức Kitô vẫn đang bị nhân loại xúc phạm.

Chính Ngài xác định: “Những gì các ngươi làm cho những kẻ bé mọn này là làm cho chính Ta” (Mt 25,40) Và Ngài nhắc nhở chúng ta: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, các ngươi xét đoán thế nào thì sẽ bị xét đoán thể ấy” (Mt 7,1-2).

Lạy Chúa, Chúa cho chúng con miệng lưỡi để ca tụng Chúa, và để đối thoại, thông cảm với nhau.

Xin chấm dứt nơi con, những lời nói chua cay độc địa, để chỉ nói những lời xây dựng.

Xin chấm dứt nơi con những lời nói dư thừa vô ích để biết lắng nghe, hiểu biết lẫn nhau.

Xin cho con yêu anh em thành thực, bênh vực người cô thế, khích lệ ai nản lòng, an ủi người sầu khổ, hướng dẫn người thiện chí.

Xin cho con đừng lạm dụng môi miệng Chúa ban, để xúc phạm đến Chúa trong tha nhân.

Mầu nhiệm thứ bốn: Chúa vác Thánh Giá

Suy niệm: Yêu thương trong việc làm

“Và khi điệu Ngài đi, họ bắt được Simon, là người xứ Kirênê từ ngoài đồng về, họ đặt khổ giá cho ông vác đằng sau Chúa Giêsu” (Lc 23,26).

Có lẽ ông Simon không thể nghĩ đến tầm mức cao quí khi được vinh dự vác thập giá cho Đức Kitô. Ngày nay cũng thế, thường chúng ta không thể ngờ được: khi ta từ chối chia sẻ gánh nặng của tha nhân, là ta đánh mất cơ hội chia sẻ gánh nặng của Đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người.

“Xin dạy con biết quảng đại, biết phục vụ Chúa như Chúa đáng phục vụ, biết cho không tính toán, biết chiến đấu không sợ thương tích, biết làm việc không cần an ủi, biết tận lực không chờ phần thưởng, ngoài sự nhận biết rằng: con đã làm theo thánh ý Chúa”. (Thánh Ignatio)

Xin cho con đừng chối từ điều gì mà tha nhân cần đến con.

Xin cho con: “Đừng yêu mến nhau bằng đầu môi, chóp lưỡi, nhưng là bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).

Mầu nhiệm thứ năm: Chúa trên Thánh Giá

Suy niệm: Yêu thương thì tha thứ

Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những người đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Và như vậy, Ngài đã nêu gương thực hiện điều Ngài dạy chúng ta: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Lạy Chúa, Chúa đã dạy: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14).

Xin cho con bình tĩnh tìm hiểu họ hơn, để thấy phần lớn các lầm lỗi là do yếu đuối hơn là cố tình.

Xin đổi mới chúng con, để đừng lấy ác báo ác, để đừng cứng cỏi khắt khe với nhau,

và để noi gương Chúa, Đấng “đến không phải để hủy diệt mà để cứu vớt” (Lc 9,56).

Lạy Chúa, xin dạy con kiên nhẫn giúp đỡ họ như Chúa đã kiên nhẫn và giúp đỡ con vậy.

SỐNG ĐỨC ÁI QUA KINH MÂN CÔI: MÙA MỪNG

Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa phục sinh

Suy niệm: Tình yêu chia sẻ

Buổi sáng phục sinh, Maria Mađalêna và một Maria khác đến thăm mộ Chúa Giêsu. Các bà được Thiên Thần báo tin Ngài đã sống lại. “Vội vàng bước ra khỏi mộ, vừa sợ vừa rất đỗi vui mừng, họ chạy đi báo tin cho các môn đồ Ngài” (Mt 28,5).

Còn hai môn đệ đi làng Em-mau, sau khi nhận ra Chúa lúc Ngài bẻ bánh, vội chỗi dậy về Giêrusalem gặp nhóm mười một, và chia sẻ với nhau Tin Mừng Phục Sinh. Các tông đồ xác định: ‘Chúa đã sống lại và hiện ra với Phêrô’, họ liền thuật lại việc họ nhận ra Chúa lúc bẻ bánh” (Lc 24,34-35).

Lạy Chúa, cho đi thì sướng hơn là nhận lãnh, Chúa muốn con “yêu người khác như chính mình”.

Con muốn rằng tất cả mọi người khác đều có phần trong những gì con có.

Con muốn rằng họ được chia sẻ những gì con tìm thấy, khám phá ra.

Và nhất là : xin cho ánh mắt nụ cười và hành động chúng con, luôn làm chứng cho niềm vui dịu dàng, của những kẻ đã hội ngộ với Đức Chúa phục sinh.

Khi đó, lạy Chúa, con cũng được chia sẻ niềm vui của họ.

Mầu nhiệm thứ hai: Chúa thăng thiên

Suy niệm: Tình yêu phổ quát

“Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Đó là mệnh lệnh Chúa truyền phải hoạt động truyền giáo, và một cách mặc nhiên dạy chúng ta phải lưu tâm đến những người chưa đón nhận phép rửa.

Đạo Công Giáo là đạo chung của mọi người. Người tín hữu nào giới hạn tình yêu mình trong những ai cùng tín ngưỡng là chưa hiểu gì về đạo, là tự mâu thuẫn với danh xưng của mình. Với tất cả những ai chưa biết Chúa: Ngài muốn chúng ta đến với họ, muốn họ cũng được nghe Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin dâng Chúa toàn thể nhân loại, xin cho con yêu tất cả yêu mọi người như Chúa yêu.

Lạy Chúa, “này con đây, thân xác con đây, trái tim con đây, linh hồn con đây.

Xin cho con lớn đủ vươn tới tất cả thế giới, mạnh đủ để mang nó trên vai, trong sạch đủ để ôm ấp nó, mà không hề muốn giữ nó lại.

Xin cho con nên nơi gặp gỡ, nhưng là nơi gặp gỡ tạm thời.

Xin cho con thành con đường dài vô tận, đón nhận mọi người và đưa họ về với Chúa” (theo Michel Quoist).

Mầu nhiệm thứ ba: Lễ hiện xuống

Suy niệm: Tình yêu hiệp nhất

Theo thánh Phaolô: “Đặc sủng thì có nhiều nhưng cũng do một Thánh Thần… Thần Khí ban cho mỗi người những ân điển khác nhau để mưu lợi ích chung… Vì cũng như chỉ có một thân mình, nhưng có nhiều chi thể, và tuy có nhiều chi thể nhưng chỉ là một thân mình thì Đức Kitô cũng vậy. Vì trong Thần Khí, tất cả chúng ta trở thành một thân mình duy nhất” (1Cr 12,5-13).

“Công việc chính của Thánh Thần không phải là soi sáng kẻ này người nọ, mà là nung đúc và thực hiện nhiệm thể Chúa Kitô” (Yves-Congar).

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là linh hồn, là nguồn sống của Giáo Hội.

Xin Ngài tái tạo và tụ họp những ai cùng tin Đức Kitô, để ở trong một Giáo Hội.

Xin cho những anh em ly khai, trở về hiệp nhất trong một đàn chiên.

Xin cho chúng con sử dụng những ân điển Chúa ban để phục vụ Hội Thánh.

Lạy Chúa Thánh Linh, nhờ Ngài, chúng con mới có thể cầu nguyện với Chúa Cha, lời “Abba”, thưa Cha, và trở thành con cái Chúa.

Xin cho chúng con: sống với nhau như anh em trong cùng một gia tộc của Ngài.

Mầu nhiệm thứ bốn: Đức Mẹ lên trời

Suy niệm: Tình yêu thanh thoát

Việc chiêm ngưỡng Đức Mẹ về trời thúc bách chúng ta định hướng cho đời mình: Phải tiến về quê trời vinh quang.

Theo thánh Gioan, muốn được như vậy phải sống yêu thương: “Kẻ yêu mến anh em thì lưu lại trong sự sáng (1Ga 2,10). Nhưng Ngài còn thêm: “Anh em đừng yêu mến thế gian và các điều có trong thế gian… Vì mọi sự có trong thế gian: đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt và kiêu hãnh về của cải, không do tự Cha nhưng do tự thế gian. Và thế gian cùng những đam mê của nó đang qua đi; còn kẻ làm theo ý Chúa thì lưu tồn thiên thu vạn đại” (1Ga 2,15-17).

Lạy Chúa, xin thanh luyện trái tim con.

Xin cho tình yêu con thật tinh tuyền không chút ích kỉ, không mảy may lợi dụng, không vì tham lợi, hay để thỏa mãn tính kiêu căng.

Xin cho con yêu Chúa trước nhất và trên hết, và yêu mọi người bằng tình yêu phát sinh từ Chúa, và yêu vì Chúa.

Xin cho con được gia nhập vương quốc yêu thương bất diệt của Ngài.

Mầu nhiệm thứ năm: Đức Mẹ được vinh thưởng

Suy niệm: Đức mến cao trọng nhất

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng nhân loại và thiên thần, mà tôi không có lòng mến thì chỉ là thanh la não bạt. Giả như tôi được ơn tiên tri, và biết hết mọi sự mầu nhiệm, được tất cả lòng tin khiến chuyển được đồi núi, mà lại không có lòng mến, tôi vẫn là không. Giả như tôi có đem cả gia tài bố thí hay chịu thiêu, mà lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi… Lòng mến không tàn phai, ơn tiên tri và ơn ngôn ngữ sẽ không còn, ơn hiểu biết và ơn tiên tri ta được có

hạn. Khi mọi sự trọn lành đã đến, điều có hạn sẽ chấm dứt… Vậy nay còn tin cậy mến, nhưng trong bộ ba ấy, đức mến cao trọng nhất” (1 Cr 13).

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, Chúa dựng nên con vì thương yêu, và sẽ phán xét chúng con về tình yêu.

Giới răn trọng nhất là “mến Chúa, yêu người”.

Xin cho mọi việc con làm: được ướp nồng trong tình yêu, để con chỉ hành động vì mến Chúa.

Xin cho tình yêu chúng con: được phát triển luôn mãi đối với tha nhân chúng con gặp.

Xin cho chúng con tình yêu của Mẹ Maria, để cũng được vinh thưởng với Ngài. Amen.

>> Mục Lục Sách Tháng Mân Côi

Chia sẻ Bài này:

Related posts