Sách Tháng Mân Côi

BÀI ĐỌC: NGÀY 08 THÁNG 10

Ý nghĩa 10 Kinh Kính Mừng trong chục của Chuỗi MÂN CÔI

Tại sao Đức Mẹ lại không dạy loài người chỉ đọc 5 hoặc 8 Kinh Kính Mừng sau mỗi ngắm mà lại phải đọc 10 Kinh? Sau 10 Kinh Kính Mừng liên tiếp, chúng ta lại suy đến mầu nhiệm, nó có ý nghĩa quan trọng nầy: 10 Kinh Kính Mừng này, mỗi Kinh tượng trưng cho một nhân đức của Đức Mẹ. Chúng ta đọc Kinh Mân Côi với ý nghĩa đã được trình bầy ở trên đây, chúng ta lại xin cho được những nhân đức của Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, hầu cho phần rỗi chúng ta nhờ đó mà được tăng phần tốt đẹp hơn, trước nhan thánh Chúa.

Thế nên, càng lần nhiều Chuỗi MÂN CÔI bao nhiêu, chúng ta càng được Mẹ Thiên Chúa trang điểm cho chúng ta những nhân đức cao đẹp của Mẹ nhiều bấy nhiêu. Cũng nhờ bởi những nhân đức ấy, chúng ta mới được tình yêu soi dẫn và tuôn đổ cho chúng ta nguồn ân sủng của Thiên Chúa.

Giai Thoại

Một chiếc tàu tự rẽ sóng

Linh Mục Nguyễn Tri Ân, Dòng Đa Minh, tác giả nhiều sách về Đức Mẹ Maria. Ngài lấy làm hân hạnh kể lại câu truyện cảm động sau đây, do một cha chánh xứ nhờ ngài phổ biến. Cha xứ bảo đảm biến cố đích thực đã xảy ra cho con chiên ngài.

Tại Nam Định, có một gia đình chài lưới đạo đức. Một hôm mấy cậu con ra khơi đánh cá. Bỗng một cơn dông tố kéo đến làm cho con thuyền của mấy cậu đứt dây chằng và phiêu bạt giữa ba đào hỗn loạn.

Bồi hồi, khắc khoải trước cơn nguy biến có thể làm triệt nòi, người gia trưởng, miệng không ngớt đọc Kinh Kính Mừng chân nhảy lên chiếc bè, quyết đi tìm để góp công sức và kinh nghiệm. Rủi thay trận cuồng phong dai dẳng và hung ác làm phiêu linh luôn chiếc bè giữa biển nước mênh mông.

Tuy nhiên, miệng ông vẫn luôn luôn lâm râm “…Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho con, cầu cho chúng con khi này, vâng khi này…”

Sau bốn ngày đêm vật lộn với gió loạn sóng cồn, quá đói rét và mỏi mệt, ông lả người, nằm sõng soài lên chiếc bè, mặc cho sóng gió cuốn trôi, nhưng miệng ông vẫn không mệt mỏi bập bẹ Kinh Kính Mừng.

Bỗng đâu ông thấy có người đến nhấc đỡ ông lên một chiếc tàu rất lớn, rồi được ân cần cấp cứu và bồi dưỡng trọng hậu.

Khi ông được hồi phục, vị thuyền trưởng, người Công Giáo, đến chào mừng và cho ông biết: “Đúng ra tàu không đi hướng này, nhưng không biết có sức nhiệm mầu nào thúc ép tàu rẽ sóng qua đây. Bây giờ sung sướng cứu nguy cho ông, tôi mới hiểu áp lực thiêng liêng đó. Chắc ông đã van vái một Đấng nào?

Câu chuyện đang dở dang thì một thủy thủ đến trình ông thuyền trưởng: “Có một chiếc thuyền đang bềnh bồng trên mặt sóng.”

Lại một pha cấp cứu hào hứng nữa: thả xuồng nhỏ xuống bơi vớt mấy chàng thanh niên hốc hác và bải hoải đang vật lộn với ba đào.

Khi các người lâm nạn đã lên hết trên chiếc tàu lớn, họ ngơ ngác nhìn nhau và sung sướng nhận ra… Một niềm vui, một niềm vui khôn tả ôm choàng cả mọi người, cả mấy ngư dân và cả mấy cha con đạo đức lại ca lên: “Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ.”

BÀI ĐỌC: NGÀY 09 THÁNG 10

Kinh Sáng Danh và Kinh Lạy Cha trong tràng hạt MÂN CÔI

Trong cả tràng hạt MÂN CÔI, ta đọc 15 Kinh Sáng Danh và 15 Kinh Lạy Cha. Ta ôn lại ý nghĩa hai Kinh tuyệt diệu đó.

“Sau mỗi chục Kinh Kính Mừng với ý nghĩa trình bày trong ngày mồng tám, chúng ta lại tôn vinh Ba Ngôi cực trọng Thiên Chúa trong kinh Sáng Danh, với ý tán tụng Chúa là Đấng hằng có đời đời, vô thủy vô chung. Đó cũng là Kinh mà chúng ta đọc để suy nghĩ chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong vũ trụ… thay cho những người chối bỏ vì kiêu căng.

Trong Kinh Lạy Cha, ta khóc với Thánh Nữ Têresa Hài Đồng, ta run lên vì cảm động và sung sướng được gọi Thiên Chúa là Cha.

Thánh Gioan Kim Khẩu chia Kinh này làm 6 phần: 3 lời nguyện và 3 lời xin.

Lời Nguyện 1: Xin “Danh Cha cả sáng”. Người Do Thái quen xưng “Danh” thay người. Danh Cha đây là chính mình Cha được thiên hạ nhận biết, mến yêu, tôn thờ.

Lời Nguyện 2: “Nước Cha trị đến”. Xin cho Hội Thánh lan rộng khắp nơi, người người thờ Chúa thống trị trong mọi tâm hồn.

Lời Nguyện 3: “Ý Cha thể hiện”. Câu này minh giải câu trên, điều kiện phải có để Chúa thống trị là thừa hành ý Chúa.

Câu “dưới đất cũng như trên Trời, có thể là câu kết cho cả 3 lời nguyện trên.

Điều xin 1: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Ta xin Chúa lương thực phần hồn phần xác.

Điều xin 2: “Xin Cha tha nợ”. Nợ là tội (Lc 11,4) một kiểu nói bóng tuyệt hảo. Chúa đã dạy ta tha thứ cho tha nhân như Ngài đã rộng lòng tha thứ cho ta trong dụ ngôn tên đầy tớ ác ôn (Mt 18,23-35).

Điều xin 3: “Xin chớ để ta sa chước cám dỗ”. Thiên Chúa không cám dỗ ai (Gc 1,13), Ngài thử thách như đã thử thách Abraham và nhiều thánh nhân. Ta xin Chúa đừng để ta gặp thử thách ác liệt quá sức ta.

Câu xin “cứu ta khỏi sự dữ” hay kẻ dữ dịch đúng tiếng Hy Lạp. Câu này bổ túc câu “chớ để ta sa chước cám dỗ” là sự dữ, khỏi tay “kẻ dữ” là “quỉ cám dỗ”.

“Khi lần hạt với Bernadette ở Lộ Đức -và với mỗi người chúng ta- Mẹ Maria không đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Ngài vừa ngiêng mình mấp máy đôi môi để cùng Ngài thầm thĩ đọc Kinh Sáng Danh mà thôi, là Kinh tán tụng Chúa Ba Ngôi vô cùng khả kính, là trường ca của chư vị Thần Thánh và muôn loài thụ tạo. Đó là phần chuỗi chỉ thích hợp với Ngài mà thôi. Ngài không phải đọc Kinh Lạy Cha là tiếng con van nài đến Cha Trên Trời, xin được khỏi đói, xin tha tội vạ và xin khỏi chết phần hồn. Ngài không phải lặp lại chính Ngài Kinh Tấu Lạy Bà của Đặc sứ Gabriel.”

“Tuy nhiên, Ngài vui nhận Kinh Kính Mừng của hàng mục tử -và của mỗi người chúng ta- và nhã ý chứng minh bằng cách đếm từng hạt trên chuỗi riêng của Ngài. (Đức Mẹ Lộ Đức của Xuân Lý, trang 21).

Giai Thoại

Dệt áo cho Mẹ

Nữ chân phước Gioanna Xicôpenli (Scopelli) sinh năm 1428 ở nuớc Ý.

Từ hoa xuân, trinh nữ đã muốn đội lúp Dòng Kín. Trong lúc chờ đợi được hân hoan bước vào Nhà Chúa, nàng mặc áo nhặm và nịt mình bằng xiềng sắt. Khi cha mẹ đã mất, nàng muốn lập một Dòng Kín mới vào năm 1485. Mỗi ngày nàng dâng trọn 5 giờ để đọc kinh cầu nguyện.

Khi muốn khấn xin một ơn trên, nàng dệt cho Mẹ một cái áo nàng gọi là áo choàng óng chuốt tơ và mướt dịu chung sa, dệt bằng Kinh nồng cốt MÂN CÔI, phụ thêm Kinh Lạy Nữ Vương, Kinh Kính Chào Sao Biển và Kính Ớ Bà Chủ Vinh Quang.

Nhờ thánh ý óng chuốt tơ trời và mướt dịu nhung sa thiên thánh, dệt bằng Kinh Mân Côi nòng cốt đó một nhà dòng mới được thành lập không tốn một xu tiền nhà, lương thực nhiều lần từ đâu mang tới phòng ăn nhà dòng, khi không còn một xu dính túi.

Cũng nhờ cẩm bào thiên thánh đó nhiều người đã ra khỏi bè rối Anbigioa (Albigeois), trong đó có một thanh niên lợi hại tên là Augutino.

Cẩm y canh cửi bằng Kinh Kính Mừng của Á Thánh Xicôpenli: nhắc ta nhớ đến một thiếu nữ chăn chiên nghèo hèn, đã lội suối băng ngàn tìm cây nứa với thành nan trơn láng, và hái lá móc phơi khéo trở nên trắng nõn nà, để làm cho Mẹ một áo trong một nguyện đường, mất hút nơi sơn cùng thủy tận. Bầy sơn nữ đó cũng đội lên đầu Mẹ tràng hoa rừng chung kết với hoa Kinh Mân Côi, nên đã được Mẹ hiện ra cùng ca đoàn trinh nữ nâng nàng trên cánh nhạc mê ly khải hoàn về trời.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã phán khi sáng tác lời nguyện này (Kinh Lạy Cha): “Đây là cách các con phải cầu nguyện.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt trong mỗi lời Chúa nói biết bao kho tàng tư tưởng và biết bao ơn giúp chúng con thấu hiểu những tư tưởng đó. Xin Chúa soi sáng tâm trí con và mở rộng tầm mắt con bằng cách nói với trái tim con. Chớ gì lý trí và Đức Tin con cùng cố gắng làm nổi bật lên những lời giảng dạy tuyệt diệu giấu ẩn trong lời nguyện vắn tắt này.

Tiếc thay chúng con đã bao lần lặp lại lời kinh và nó đã thành nhạt nhẽo trên môi miệng chúng con. Khi đọc quá nhanh, những lời Kinh đó không còn ý nghĩa; và thói quen đáng tiếc đã biến kinh nguyện sống động này thành một công thức vô hồn.

Hồn hỡi, hãy trả lại sự sống cho kinh nguyện đó đi. Hãy ra khỏi sự ơ hờ không thấy gì, không cảm gì đi! (Kinh Sĩ Lêopolô Beaudenom).

BÀI ĐỌC: NGÀY 10 THÁNG 10

Một tượng trưng duyên dáng

Giáo Hội đặt lên môi Đức Maria những lời kiều diễm này của Thánh Kinh:

“Ta mang hoa như cây hồng trên bờ suối”. Xưa nay ta vẫn gọi Tháng Mười là tháng MÂN CÔI, Văn Côi, Môi Khôi, MÂN CÔI. Cha chính Hương, tác giả tự điển Việt-Hán, gọi là Môi quí, linh mục Phạm Thanh Nhân đặt là tháng Vườn Hồng theo La ngữ (Rosarium), Pháp ngữ (Rosaire); các danh xưng đều chỉ là Hoa Hồng.

Hoa Hồng là một trong những tượng trưng đẹp Kinh Mân Côi và nhiều mầu nhiệm chứa đựng trong đó.

Hoa màu lửa, lá hình trái tim và những hạt vàng tập trung vào lòng chỉ dấu những người đọc Kinh Mân Côi cháy lên tình yêu Chúa hợp nhất trong dây tình đồng đạo để một lòng, một trí, một tiếng đồng ca ngợi và mến yêu Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Lá xanh cây hồng tiêu biểu các Mầu Nhiệm Vui.

Gai biểu trưng cho các Mầu Nhiệm Thương.

Hoa biểu trưng cho các Mầu Nhiệm Mừng.

Có những hoa chớm nụ: Chỉ Đức Giêsu còn thơ ấu.

Có những hoa hé nở: Chỉ Ngài chịu thương khó.

Có những đóa nở to: Chỉ Ngài trong vinh quang.

Hoa hồng đẹp làm vui thích: đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong mầu nhiệm vui, an ủi các tội nhân.

Có gai góc: đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong mầu nhiệm thương giục ta đau buồn các tội đã phạm.

Hoa tỏa hương dịu dàng: đó là Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong mầu nhiệm mừng thu hút ta ao ước phần rỗi muôn đời.

Hoa hồng lớn lên và nẩy sinh nhờ sương Trời; nở hoa nhờ ánh sáng dương: MÂN CÔI là một đóa hoa được Thần Trời đưa xuống, trời cho nẩy sinh và phát triển nhờ sương là ân phúc tuôn xuống.

Giai Thoại

Bị quỉ bóp cổ chết vì tình ma chuột

Linh Mục Anphongsô Andrađa làm nổi bật lòng lân ái vô biên của Đức Trinh Nữ đối với người chỉ kính tôn Ngài hằng ngày bằng một vài Kinh Kính Mừng với giai thoại sau đây:

Năm 1604, ở Phờlăng (Flandres), một thành phố, phía Đông Bỉ, có 2 sinh viên sao lãng việc đèn sách và sa đà trong các cuộc truy hoan và dâm dục.

Cũng như mọi đêm khác, một đêm kia hai cậu đến nhà một gái giang hồ để thỏa tình mây mưa. Rítsa (Richard) về, cậu kia nán lại.

Về nhà, thay quần áo gần xong, Rísta sực nhớ kính Đức Trinh Nữ. Phần mệt nhọc, phần buồn ngủ, chàng phải phấn đấu kịch liệt mới đọc mấy Kinh Kính Mừng, đọc không sốt sắng, mắt nhắm mắt mở, rồi chàng lên giường ngủ li bì.

Ngủ được một giấc say sưa, chàng thức dậy vì có tiếng gõ cửa thật mạnh. Cửa chưa kịp mở, người bạn đã đứng sừng sững trước mặt, diện mạo biến đổi hẳn, thật hì hợm và không thể nhìn ra được, Rítsa bỡ ngỡ hỏi:

– Mày là ai?

Anh kia đáp:

– Sao, mày không nhìn ra tao à?

– Nhưng mày làm sao mà thay đổi dữ vậy?

Tao thấy mày như có quỉ.

– A, bất hạnh cho tao, tao đã phải mất linh hồn.

– Tại sao vậy?

– Mày biết, là vừa ra khỏi cái nhà khốn nạn ấy, tao bị một con quỉ vồ lấy và bóp cổ chết tươi. Xác tao nằm sõng soài giữa đường và linh hồn tao sa vào hỏa ngục. Còn mày, mày nên biết là hình phạt đó đang chờ mày. Nhưng Đức Trinh Nữ đã cứu mày khỏi, nhờ một chút tôn kính nghèo nàn là ít Kinh Kính Mừng mày đọc hằng ngày để kính Ngài. Phước cho mày, nếu mày biết lợi dụng lời cảnh cáo của Mẹ Thiên Chúa ban cho mày qua miệng tao.

Hắn vừa nói vừa hé áo tơi để lộ lửa phần phật cháy và bầy rắn lúc nhúc đang xâu xé hắn, rồi biến mất.

Bấy giờ Rítsa sấp mặt xuống đất, khóc ròng khóc rã để cảm ơn vị Cứu Tinh của chàng; và trong khi nghĩ đến việc đổi đời chàng nghe chuông Kinh Mai ở Dòng Phanxicô.

Chàng kêu lên: “À, chính đó là nơi Chúa muốn ta vào để ăn năn thống hối.”

Chàng chạy ngay đến Dòng để xin tu. Các tu sĩ biết cuộc đời bê bối của đương sự, nhất định không chịu. Nhưng vừa khóc bù lu bù loa, chàng kể tự sự nguồn cơn.

Hai cha Dòng đến con đường chàng chỉ và thấy ngay thây ma của anh bạn chàng bị bóp họng và đen như cục than.

Vậy Rítsa được vào nhà Chúa, lấy Kinh Kính Mừng Maria làm hơi thở và của ăn hằng ngày để sống thánh. Một người khác cũng tên là Rítsa chứng kiến biến cố hi hữu đó, đã xin nhập Dòng Phanxicô, được phái đi truyền đạo ở Nhật Bản và được hỏa thiêu vì danh Chúa ngày 10 tháng 9 năm 1622. Ngài được phong Á Thánh năm 1867.

Lời Nguyện

Ôi Mẹ Maria chí ái! Kinh Kính Mừng Mẹ đã làm cho bao chuyện lạ! Xin cho Kinh muôn vàn thiên thánh ấy trở nên hơi thở và lương thực của chúng con.

BÀI ĐỌC: NGÀY 11 THÁNG 10

Phương pháp lần hật Mân Côi

Kính Mừng Maria hay Ave Maria, hay như Hàn Mạc Tử: “Tấu lạy Bà đầy ơn phước cả…”

Chúng ta Kính Mừng Mẹ:

– Với Thiên Sứ Gabriel khi Truyền Tin: Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà.

– Với chị họ của Mẹ là Ysave khi thăm viếng: Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà được chúc phúc.

– Chúng ta kêu chức năng Mẹ đối với trái tim Con Mẹ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời:

– Chúng ta chắc chắn được Mẹ ân cần thương giúp: cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này.

– Chúng ta hy vọng được hạnh phúc hứa ban về sau: và trong giờ lâm tử. Amen.

Đọc đi đọc lại những lời Kinh Kính Mừng đó, những Tấu Lạy Bà đầy ơn phước cả đó, làm sửng sốt một đôi người.

Lời nguyện khiêm tốn, đơn sơ gồm những danh từ được tái tụng không nhàm chán, giống như đường canh, xuyên qua đó thốt lên tình yêu mến và tin cậy của ta, cả những khi ta thấm mệt hoặc quặn đau.

Niệm châu-đọc Kinh Kính Mừng cũng gọi là niệm châu, vì đọc những lời quí báu như phun châu nhả ngọc-niệm châu thôi, ta chưa cho là đủ. Ta còn suy gẫm các mầu nhiệm nghĩa là những biến cố trọng đại trong đời sống Chúa Giêsu và đời sống Mẹ Maria.

Như vậy, tràng hạt MÂN CÔI làm ta sống lại trong 150 Kinh (3 chuỗi, không cần đọc liên tục), sống lại những giai đoạn của đời Mẹ lẫn Con, từ những niềm vui Giáng Sinh đến vinh quang Thiên Đàng qua đau khổ Thương Khó.

Vì cuộc đời Đức Trinh Nữ, do nhiều khía cạnh, giống như đời ta, lẫn lộn vui tươi và đau khổ.

Chuỗi MÂN CÔI giúp ta bất cứ thống khổ nào cũng như bất cứ hoan lạc nào cũng có thể thánh hóa được.

Với những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương và Mừng, tiến từ đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống lại, từ đời sống chóng qua đến đời sống bất diệt, ta biết nhìn đời ta và những sự xẩy ra hằng ngày dưới ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa liên quan đến ta và liên quan đến thế trần.

Chúng ta phải lần chuỗi sốt sắng. Về vấn đề này, một ngày kia, Đức Mẹ tâm sự với chân phước Olali (Eulalie): Ngài thích một chuỗi sốt sắng và lần khoan thai hơn là ba chuỗi đọc hấp tấp và không tâm thành. Bởi vậy, tốt hơn hết là quỳ gối mà lần hạt trước một ảnh Đức Mẹ. Cũng xin lưu ý là lần chuỗi chung tốt hơn lần riêng.

Giai Thoại

Tự sát vì nghi chồng ngoại tình

Câu truyện thật lạ lùng sau đây do Thánh Anphongsô trích trong quyển Kho Tàng MÂN CÔI của Đa Minh Riera. Các tác giả Auriemma và Andrađa cũng thuật truyện này.

Một nhà quí phái hết lòng sùng kính Đức Mẹ, đã thiết kính trong nhà (khu nhà rộng mênh mông) một nguyện đường nhỏ và chưng một tượng Đức Maria thật diễm lệ.

Trước tượng Mẹ, ông mải miết cầu nguyện, không những ban ngày mà cả ban đêm, ông cũng gián đoạn giấc điệp để đến lần hạt, đọc kinh tôn vinh Nữ Vương vô vàn kính yêu.

Bà vợ ông-vốn là người thật nhân đức-nhận thấy những lúc đêm vắng canh chầy, đức lang quân thức dậy đi đâu và chỉ về ngủ lại sau một thời gian thật dài. Nàng nghi và ghen dữ dội.

Ngài kia, để nhổ cái gai mãi châm chích mình, nàng đánh bạo hỏi chồng có yêu ai ngoài nàng không.

Ông mỉm cười đáp: “Em biết là anh có yêu một bà khả ái nhất thiên hạ. Anh đã dâng cả trái tim cho bà và thà chết chẳng thà không yêu bà.”

Chàng muốn nói Đức Trinh Nữ và lòng trìu mến Ngài. Nhưng vợ chàng nghĩ chắc và muốn xác định cho rõ, hỏi thêm: có phải để đến với bà đó, mà đêm nào chàng cũng đi không? Chàng trả lời phải, và không ngờ lời mình đã gieo thác loạn vào tâm can người đàn bà khổ đã lầm nghĩ, càng nghĩ càng mạnh hơn.

Máu ghen sôi lên làm mờ ám, khiến một đêm kia, khi chồng thức dậy đi như thường lệ, nàng chụp lấy con dao tự cắt cổ mình chết tươi.

Anh chàng công tử sau khi đọc kinh lần hạt, về ngủ lại và thấy giường đẫm ướt. Chàng gọi vợ, vợ không đáp, chàng cầm vai lắc, vợ bất động. Thắp đèn, chàng thấy máu me lênh láng, vợ bị cắt cổ chết. Chàng hiểu vì ghen, nàng tự sát.

Chàng vội vã trở lại nguyện đường, khóc như mưa như gió và bập bẹ: Lạy Mẹ, Mẹ biết con đau khổ biết chừng nào. Nếu Mẹ không an ủi con, con biết chạy đến cùng ai? Mẹ thấy rõ là nếu con không đến đây lần chuỗi, đọc kinh kính Mẹ, âu là vợ con đã không chết và mất linh hồn. Mẹ, Mẹ có thể bồi thường cho con tai ương khủng khiếp đó, Mẹ làm đi, Mẹ, con khẩn khoản xin Mẹ thương con.

Người công tử chưa dứt lời nguyện, một tớ gái chạy đến bảo chàng trở về phòng vì bà nhà đang gọi. Nhưng ông không thể tin được diễm phúc đó và bảo người nữ tỳ:

– Em chạy về xem thật quả bà nhà có gọi anh không.

Thiếu nữ chạy đi và trở lại thưa:

– Ông về gấp, bà nhà đang đợi.

Chàng chạy, bay về phòng và bà vợ phủ phục xuống chân chàng, dầm dề châu lụy và rối rít xin chàng tha thứ và thêm:

– A, anh yêu dấu! Đức Mẹ Chúa Trời vừa cứu em khỏi hỏa ngục.

Hai vợ chồng giàn giụa nước mắt sung sướng và biết ơn, vội vã đến nhà nguyện phủ phục suốt đêm dưới chân “Bà khả ái nhất thiên hạ.”

Sáng hôm sau, họ mời thân bằng quyến thuộc đến dự tiệc. Bà chủ nhà kể lại đầu đuôi câu chuyện và đưa cổ để mọi người xem dấu sẹo khi tự sát.

Người nào cũng thấy lòng mình dạt dào tình mến yêu Đức Trinh Nữ và quyết đọc Kinh lần hạt nhiều hơn nữa để tăng trưởng lòng mến Mẹ.

Lời Nguyện

Kính Lạy Mẹ MÂN CÔI, xin cho chúng con cũng có được quyết tâm như vậy.

BÀI ĐỌC: NGÀY 12 THÁNG 10

Mẹ Maria lệnh cho ta dùng phương pháp cứu rỗi là Lần Hạt

Có người chê đó là phương thế tầm thường và dễ dàng. Suy luận ấy nhắc lại câu truyện tổng tư lệnh Naaman mắc bệnh cùi được Ngôn Sứ Elisê bảo: muốn được lành chỉ tắm 7 lần ở Sông Hòa Giang. Ông tướng khinh phương thuốc quá tầm thường, đùng đùng nổi giận ra về. Bộ hạ can: giá vị tiên tri bảo ngài làm một điều khó, ngài cũng phải làm, huống chi đây là một việc quá dễ. Nghe phải, ông tướng đã không cho đây là một việc quá dễ. Nghe dễ và đã được cứu hai phần hồn xác (II Vua 5,1-19).

Tắm sông 7 lần là việc tầm thường và hơi chán, nhưng được người của Chúa chỉ dạy đã trở nên thuốc thần. Thiên Chúa đã thường dùng nhan nhản những phương tiện quá tầm thường để làm vô số công việc tuyệt diệu.

Romano Guardini, văn hào lỗi lạc nước Đức đã viết: Trong việc lần hạt MÂN CÔI, tác động lặp đi lặp lại làm cho người ta dễ rơi vào hành động máy móc và nhàm chán. Nhưng có phải bản chất của tràng hạt MÂN CÔI là đem đến nhàm chán không? Trước hết, nếu xét các kinh đọc, ta sẽ thấy tái hiện cả một lịch sử cứu độ… Tất cả những mầu nhiệm ấy đang được áp dụng vào ta. Ta trông ơn Chúa giúp đỡ khi sống và trong lúc chết. Rồi ta hợp với các Thiên Thần ngợi khen danh Chúa Ba Ngôi. Lời kinh nguyện của ta không bi lạc lõng trong giây phút này, nhưng cùng hòa âm với muôn vật từ khởi thủy trời đất. Và đây, cả cuộc đời Chúa Cứu Thế được tái diễn trong 15 suy gẫm vắn tắt. Ta sẽ được làm chứng cho lịch sử Cứu Độ và thông phần vào ơn Cứu Chuộc. Cách cầu nguyện cao trọng ấy mà bị ta coi thường sao?…

Khi hai người thương nhau, người ta không đem khoe tình yêu nơi công cộng. Họ không bắt nhau phải ăn ở cao sang rồi tìm những lời hoa mỹ xưng tụng lẫn nhau. Những loại tình yêu ấy, nếu có, chỉ là những thứ tình yêu giả tạo, ích kỷ và hướng về sự tan rã. Trái lại những tình yêu chân chính, họ âm thầm sống với nhau. Họ không chán phải lặp lại chữ yêu. Càng nói đến chữ yêu bao nhiêu, họ càng say sưa bấy nhiêu.

Đối với Đức Maria là Mẹ ta, một người Mẹ yêu thương và quyền thế, làm sao ta có thể nhàm chán khi nhắc đến tên Mẹ, đến tước hiệu của Mẹ và tình yêu Mẹ? Vậy lý do sâu xa làm ta không quí trọng lối cầu nguyện do Mẹ chỉ dạy đúng là vì ta thiếu tình yêu đối với Mẹ, ta chưa học hiểu đủ về Mẹ, ta chưa hiểu được bản chất cao sang đích thực của con người được tiêu biểu nơi Mẹ và nơi Con Mẹ.

Giai Thoại

Hai Ấn kiều thọ ân Mẹ La Vang

Cha Giuse Trần Văn Trang là một linh mục nhân đức và học biết rộng. Ngài là tác giả nhiều sách tương đối giá trị, một trong những vị đã từ đầu có công lưu bút tích về Đức Mẹ La Vang. Sau Giáo Sĩ Bomin, tác

giả những dòng lịch sử La Vang đăng trong Niên sử Truyền Bá Đức Tin năm 1901, cha Trang đã viết cuốn “Tự Tích Tôn Kính Đức Mẹ La Vang”, xuất bản năm 1923 tại Qui Nhơn.

Ngài đã kể lại nhiều ơn lạ mà Đức Linh Mẫu ở Núi Đồi Việt Nam, đã ban cho nhiều người.

Theo ngài, sau đây là những ơn lạ đã được ban cho hai người Ấn Độ.

Đầu năm 1922, ông Lesages, quán ở Pođichéry thuộc Ấn Quốc, được bổ nhiệm đến Sở Quân Thuế An Thành, gần Huế. Hai vợ chồng Lesages rất đạo đức, ngoài tập quán lần hạt MÂN CÔI hằng ngày còn có thói quen mời các linh mục Việt Nam và ngoại quốc lân cận đến dùng cơm tại nhà.

Ngày kia, trong số thực khách có cha già Luận. Ông bà Lesages đến cúi đầu xin cha đáng kính cầu nguyện cho được sinh con vì là vợ chồng son, trên mười năm rồi. Cha Luận hứa sẽ cầu nguyện và khuyên ông bà nên cầu cùng Đức Mẹ La Vang ban cho ơn ấy.

Hai ông bà hành hương đến nơi linh địa cầu xin ban cho ơn lạ. Đức Mẹ nhậm lời…

Độ nửa tháng sau, một người đồng hương và bạn thân Lesages là ông S. Sanjivy đến thăm. Bấy giờ ông này giữ chức lục sự Tòa Án Đà Nẵng.

Ông bà kể cho khách ơn lạ Đức Mẹ La Vang đã ban và ca ngợi sự linh ứng của Đức Trinh Nữ ở chốn Núi Đồi Việt Nam.

Ông S. Sanjivy chăm chỉ nghe. Hiện ông đang phải bối rối như tơ vò, vì đang là nạn nhân của một vụ kiện lớn. Nếu ông không được trắng án trong vụ tố tụng này, ông phải mất chức, bị nhục nhã và tương lai sẽ vô cùng đen tối. Chính ông chánh án cũng bảo trước: “Nếu ông bạn không khéo biện bác và để người ta chứng minh đủ bằng cớ thì dù tôi là bạn đồng nghiệp cũng không cứu nổi”.

Ông S. Sanjivy liền nài nỉ bạn lần hạt cầu nguyện và dẫn mình đến La Vang để xin ơn cứu thoát đại họa.

Một toán 5 người Ấn Kiều và đoàn tùy tùng ăn mặc sang trọng đã đến nơi linh địa. Cha Bạch và cha Chuyên đã tiếp đón phái đoàn hành hương ngoại quốc này.

Phái đoàn đến quì dưới chân Đức Mẹ xuất hiện và cầu nguyện rất sốt sắng.

Vài ba tháng sau, ông Lesages, ông bà S. Sanjivy đem vô số đèn nến tới nhà thờ thắp sáng choang để tạ ơn Đức Mẹ.

Ngày hôm sau, ông S. Sanjivy thân hành đến gặp cha Trang, bấy giờ làm chánh xứ Phú Ngấn, xin dâng 5 đồng làm lễ tạ ơn Đức Mẹ La Vang (5 đồng năm 1922 có lẽ mua được 2 lượng vàng).

Người Ấn thuật lại đầu đuôi sự việc cho cha nghe như đã kể trên và kết luận:

– Thật con đã nhờ ơn Đức Mẹ La Vang mà khỏi bị án một cách lạ lùng. Nếu không, con đã bị thải hồi và phải vô cùng nhục nhã. Vậy xin cha dâng lễ tạ ơn Đức Mẹ cho con.

Sau đó ông S. Sanjivy xin cha Trang một bản lịch sử La Vang để phổ biến bằng ngoại ngữ.

Lời Nguyện

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin giữ trong con một tâm hồn trẻ thơ tinh tuyền trong suốt như một dòng suối. Xin đem đến cho con một tâm hồn đơn sơ, không vướng mang chất chứa sầu muộn. Một tâm hồn cao đẹp để hiến dâng, luôn rộng mở cho cảm thông nhân ái. Một tâm hồn trung tín quảng đại, không hay quên bất cứ việc thiện nào, không oán hờn dẫu mảy may sự ác. Xin cho một tâm hồn dịu hiền, khiêm nhượng, biết yêu thương không mong chờ đáp trả. Vui sướng để được

xóa mờ nơi con tim bằng hữu, trước tình yêu Con Chí Thánh Mẹ. Một tâm hồn bao la và bất khuất, không một vô ơn nào đóng lại, không sự thờ ơ nào làm chán nản. Một tâm hồn say đắm vinh quang Chúa Kitô, nứt rạn vì tình yêu Ngài, và vết thương chỉ được hàn gắn khi lên đến trời.

BÀI ĐỌC: NGÀY 13 THÁNG 10

Luôn luôn đọc Kinh Mân Côi cả khi thấy khô khan hay chia trí

Như đã trình bày trong ngày 11, phương thức đọc Kinh Mân Côi là:

1. Phải cố gắng đọc Kinh ngoài miệng.

2. Đồng thời suy niệm các mầu nhiệm trong Chuỗi MÂN CÔI.

Điều kiện 1 tương đối dễ, vì chỉ cần đọc khoan thai, rõ ràng và ý thức ý nghĩa. Tuy nhiên linh mục Cangardel, tác giả tập sách “Bệnh Nhân Đến Lộ Đức” xác định: “Tư tưởng ta không cần tiến theo nhịp của làn môi”.

Điều kiện 2 tương đối khó vì đòi phải cầm trí suy nghĩ những mầu nhiệm và quyết noi theo gương Chúa và Đức Mẹ đã nêu lên.

Việc suy niệm này tùy hoàn cảnh, khả năng và trình độ của mỗi người. Chúng ta nhớ lời thánh tiến sĩ Bonaventura: “Một bà già quê mùa có thể yêu mến Chúa hơn một tiến sĩ thần học”.

Có người khi thấy khô khan, có kẻ không thể cầm trí, liền ngã lòng không đọc Kinh Mân Côi nữa, vì nghĩ rằng có đọc cũng uổng công vô ích. Nghĩ vậy thật lầm.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII trong Hiến chế “Pretious” ngày 13.5.1727 đã tuyên bố: “Đối với những người không có khả năng suy niệm các mầu nhiệm MÂN CÔI thì lần chuỗi sốt sắng cũng đủ.”

Thêm một tiếng nói có thẩm quyền nữa của nguời thừa hưởng gia nghiệp Thánh Đa Minh, Linh mục Alain de Rupert, ngài viết: “Có một người ngoan đạo, đã bỏ đọc Kinh Mân Côi trong một thời gian, vì thấy mình khô khan đãng trí, không thể suy niệm những mầu nhiệm như ý muốn. Đức Mẹ hiện ra cho đương sự và minh giải cho ông đừng lầm nghĩ như vậy và cứ tiếp tục đọc Kinh Mân Côi dù thấy khô khan hay đãng trí. Trường hợp đọc kinh không sốt sắng như vậy mà cố gắng đọc, công đức lại càng lớn hơn. Vì Đức Mẹ càng lưu ý đến lòng thành thực và sự cố gắng của ta.”

Giai Thoại

Các danh nhân lần hạt MÂN CÔI

Có rất nhiều danh nhân hết sức tôn sùng Kinh Mân Côi, dù bị cám dỗ có rất nhiều giai thoại về niệm châu của vô số danh nhân, nhưng xin hạn chế sau đây một ít mẫu điển hình.

Đức Leô XIII, một vị Giáo Hoàng vĩ đại, mỗi khi thư thả, cầm chuỗi lần hạt ngay. Ngài khẳng định: “Muốn được ơn soi sáng để điều khiển Giáo Hội, phương pháp linh nghiệm hơn cả là đọc Kinh Mân Côi.”

Có ai bù đầu cho bằng ông vua của thế giới đạo? Thế mà Đức Piô XI cũng tìm ra được thời giờ để mỗi ngày lần 3 chuỗi. Bởi vậy Ngài phải thức ngày nào cũng quá nửa đêm. Ngài tuyên bố: “Ngày nào không đọc hết Kinh Mân Côi, ngày đó coi như vô ích”.

Đức Piô XII khi đi dạo trong thượng uyển Vatican được Đức Mẹ MÂN CÔI cho thấy phép lạ cả thể mặt trời liên tiếp trong 3 ngày. Vị Giáo Hoàng được toàn thể thế giới khâm phục này nhiều lần qui tụ cả thiếu nhi La Mã đến điện Vatican quỳ chung quanh ngài đọc Kinh Mân Côi. Khi ngài băng hà, người ta quấn tràng hạt ngài thường dùng vào tay để nói lên ý chí dù sống dù chết, ngài không rời tràng hạt thân yêu.

Ông Franco, quốc trưởng Tây Ban Nha, trước khi giải quyết một vấn đề quan trọng, đến lần hạt trong nguyện đường riêng.

Ông Nguyễn Hữu Bài, thượng thư bộ lại, tương đương với thủ tướng Việt Nam, ngày nào cũng lần hạt MÂN CÔI.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi còn là Phủ Trưởng Hải Lăng, thường đi chân không hành hương đến La Vang lần nhiều chuỗi mới về.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử, tại nhà thương phung Qui Hòa luôn luôn lần hạt và đã ca tụng Mẹ bằng một kiệt tác Ave Maria.

Thánh Tôma và Bonaventura là 2 vị tiến sĩ lừng danh thời Trung Cổ ngày nào cũng trìu mến lần chuỗi. Thánh Phanxicô Khó Khăn, bạn thân của Thánh Đa Minh cũng vậy.

Linh Mục Olier sáng lập và tiên khởi giám đốc chủng viện Xuân Bích, Đức hồng y bác học Bêruyn (Bérulle), đại danh Fénelon và nhà hùng biện lỗi lạc Bossuet lần hạt hằng ngày để được thần lực và soi sáng.

Các thân nhạc Haydn và Mozart tìm nguồn hứng trong bí quyết MÂN CÔI.

Ông Bùi Tuân, dân biểu quốc hội trước đây, là 1 nhà văn thánh thiện. Sau khi trở lại là 1 tông đồ nhiệt thành bằng ngòi bút. Một hôm nhà thơ Ái Thần đến thăm ông ở Bồng Sơn. Hai bạn văn, để tỏ tình thân mật, cùng ngủ chung một giường. Ái Thần từ Huế vào mệt, ngủ giấc dài, thức dậy vẫn thấy Bùi Tuân quỳ trong mùng lần hạt. Đồng hồ điểm 12 tiếng.

Lời Nguyện

Lạy Mẹ, những gương tôn sùng Kinh Mân Côi mãnh liệt quá, hấp dẫn quá, không thể không lôi kéo mạnh chúng con được. Chúng con nguyện luôn luôn dâng lời chào Mẹ.

Cả khi khô lá úa, cả khi trí loãng mây trôi, cả khi lòng bạc như vôi: có Mẹ lưu ý đủ rồi!

BÀI ĐỌC: NGÀY 14 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ nhất – Năm Sự Vui: Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

Thứ nhất: Thiên Thần truyền tin cho Ðức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được lòng khiêm nhường.

1. Thuở ấy Thiên sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến với một trinh nữ tên là Maria đã đính hôn với Giuse thuộc nhà Ðavít.

2. Vào nơi trinh nữ ở, Thiên sứ chào: Kính Mừng Tôn Nương đầy ơn phúc. Chúa ở cùng Tôn Nương. Trong nữ giới có Tôn Nương là diễm phúc.

3. Những lời chào đó làm Maria xao xuyến lắm và Người ngẫm nghĩ xem lời chào ấy có nghĩa gì.

4. Thiên sứ tiếp: “Maria đừng sợ vì Tôn Nương đã được ơn sủng nơi Thiên Chúa. Và này nơi lòng dạ Tôn Nương sẽ chịu thai và sinh con trai, Tôn Nương sẽ đặt tên là Giêsu”.

5. Ngài sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Ðavít cha Ngài, và sẽ hiển trị muôn đời trên nhà Giacóp.

6. Bấy giờ Maria thưa với Thiên sứ: “Ðiều ấy làm sao được vì tôi không nghĩ đến việc phu thê”.

7. Thiên sứ đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ đến trên Tôn Nương và quyền năng Ðấng Tối Cao rợp bóng trên Tôn Nương, vì thế Trẻ Thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

8. Kìa Isave chị họ Tôn Nương từng bị tiếng là son sẻ đã mang thai lúc tuổi già được 6 tháng rồi, vì với Thiên Chúa, chẳng có gì là không có thể.

9. Maria liền nói: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng như lời Thiên sứ truyền”. Và Thiên sứ cáo biệt Trinh Nữ.

(Suy niệm 9 câu trên đây một ít phút rồi đọc Kinh Lạy Cha và tiếp 10 Kinh Kính Mừng).

C.C. Các câu suy niệm Mầu Nhiệm Mùa Vui trích ở tập sách: “Cách Lần Chuỗi Sốt Sắng – Sao Mai” 1973.

Giai Thoại

Kinh Kính Mừng trong cuộc Thánh Du của Ðức Mẹ Fatima

Thập hương tuốn đến Fatima như hội, người ta chưa cho là đủ. Một sáng kiến hữu ích nảy ra: Rước Mẹ MÂN CÔI Fatima đến thăm viếng từng nước để nhắn nhủ thiên hạ thi hành 3 Mệnh lệnh, trong đó có mệnh lệnh “hằng ngày lần hạg MÂN CÔI”.

Nước Việt Nam được diễm phúc nghênh tiếp Mẹ MÂN CÔI Fatima tháng 7 năm 1950.

Trong Thánh Lễ tại Hải Phòng, từng loạt bồ câu được thả ra trắng xóa như muôn đóa hoa hòa bình được tung lên. Chúng đứng trên bàn kiệu kết thành những vòng hoa tươi sáng rung rinh, lóng lánh ngọc nhãn… Trên không trung một chiếc thủy phi cơ bay liệng và mưa xuống từng loạt hoa hồng thắm. Tiếp đến, bốn chiếc phóng pháo biểu diễn rất ngoạn mục trên trời xanh để chào mừng Ðức Trinh Nữ…

Giai Thoại

Một biến cố làm thiên hạ sửng sốt

Một thiếu phụ bị bệnh bất toại lâu năm, chân tay co quắp, nhất cử nhất động gì cũng phải nhờ người khác. Dịp cung nghinh Mẹ đến Toledo, tỉnh nhà, bà xin gia nhân và bạn hữu làm tuần cửu nhận cầu Mẹ MÂN

CÔI cho bà lành bệnh. Ngày tượng thánh đến, bà xin chở bà đến tận nơi.

Trong những ngày trước tòa Mẹ bà lần chuỗi này đến lần chuỗi nọ và thầm mong với chức năng vô cùng cao cả, Mẹ Chúa Trời chiếu cố đến phận hèn.

Tới ngày bế mạc đại hội, và vẫn “đi bệnh, trở về bệnh”, tuy nhiên, lòng tràn ngập hân hoan và hy vọng.

Dọc đường, bà cứ nằm và những hạt chuỗi láng bóng lướt qua đôi tay cứng đờ bụm lại và miệng bà vẫn:

“Ave Maria con dâng lời chào Mẹ, khi đời đầy tả tơi, và khi cô đơn lệ rơi!”

Lúc xe hành hương rẽ vào con đường làng hẻo lánh, bỗng nhiên, bà cảm thấy có điều lạ trong mình, bà nhấc tay lên, bà nhấc chân lên, và ôi là lạ: Bà thấy tay chân cử động như người vô bệnh.

Bà vội vàng đứng thẳng lên như người tráng kiện. Bà hoan hỉ cao rao quyền phép Ðức Mẹ MÂN CÔI.

Toàn thể giáo lữ vô cùng cảm kích. Họ đề nghị ngừng lại, cho người hỏa tốc đem tin mừng cho gia nhân và cha chánh xứ cùng mọi người trong làng.

Nam phụ lão ấu đều tuôn đến, xếp thành đội ngũ, vừa đi vừa hát Kinh Mân Côi để tạ ơn Mẹ.

Cuộc biểu tình đạo đức tự động kéo đến nhà thờ. Cha chánh xứ đon đả ra mừng bà và Phép Lành Mình Thánh tiếp diễn cho bà và cho mọi người tham dự.

Từ ngày đó và đến sau bà mạnh khỏe, và Kinh Mân Côi đối với bà đã trở thành đề tài hấp dẫn khắp không gian và thời gian.

Lời Nguyện

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, “Mẹ là nguồn an vui của chúng con, một tiếng khẩn cầu tuyệt đẹp!” Nhưng ai có quyền nói điều ấy.

Người thực sự cảm thấy vui vì Mẹ Maria, vì là Kitô hữu, vì biết mình là con của Cha trên trời…

“Vâng, con muốn vui tươi như Kitô hữu. Lạy Mẹ Maria, chớ gì, niềm vui của con trở nên như tiếng tạ ơn của con và là phần thưởng cho Mẹ.”(A. Valensin, Dòng Tên).

>> Mục Lục Sách Tháng Mân Côi

Chia sẻ Bài này:

Related posts