Sách Tháng Mân Côi

BÀI ĐỌC: NGÀY 15 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ hai – Năm Sự Vui: Ðức Bà đi viếng bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

1. Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, đon đả ra đi, lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giuđa.

2. Maria vào nhà Giacaria và chào bà Isave. Thoạt khi bà nghe lời Maria chào thì hài nhi nhảy mừng trong dạ bà.

3. Bà Isave được đầy Thánh Thần, thốt lên lời: “Trong nữ giới có Tôn Nương là diễm phúc”.

4. Và đáng chúc tụng thay! Hoa quả lòng Tôn Nương. Bởi đâu tôi được thấy này là Mẹ Chúa đến với tôi.

5. Vì này, tiếng Tôn Nương chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng.

6. “Phúc cho Tôn Nương vì đã tin rằng mọi điều Chúa truyền cho Tôn Nương sẽ ứng nghiệm.”

7. Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… Vì Ngài đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ Ngài.

8. Này từ đây mọi đời sẽ khen tôi có phúc. Vì Ðấng Quyền Năng đã làm cho tôi những điều cao cả.

9. Maria đã lưu lại với Isave chừng 3 tháng rồi trở về nhà. (Suy niệm 9 câu trên đây một ít phút rồi đọc Kinh Lạy Cha và tiếp 10 Kinh Kính Mừng).

Giai Thoại

Nhành lá chữa bệnh ung thư

Cụ Quận Công Nguyện Hữu Bài, người được mệnh danh là Giám Mục Tòa Ngoài, đã lưu lại bút như sau:

Ðời Tự Ðức (1830-1883), tại La Vang có người bị bệnh ung thư cổ. Bệnh nhân phải nhức nhối không tả nổi, vì ung nhọt đã ăn thấu tận cổ. Nhà nghèo, thuốc thang cũng không cứu được, đương sự chỉ còn mong được chết.

Chị vợ đạo đức, ngày đêm lần hết chuỗi này đến chuỗi nọ để cầu cứu với Mẹ nhân lành. Nàng thường đến nhà thờ La Vang van nài cùng Ðức Trinh Nữ.

Một tối cầu nguyện, nàng ngủ thiếp trước tượng Mẹ. Nàng mơ thấy một nàng Tiên xinh đẹp, xiêm y lộng lẫy hiện ra bảo nàng:

– Con hãy dậy mà về, dọc đường hễ thấy cành lá nào bò ngang qua, con hãy bẻ đem về nhai đặt lên ung nhọt nhà con, bệnh sẽ hết.

Thiếu phụ tỉnh giấc, vội vã xách nón, lạy tạ Mẹ và ra đi. Trên lối về nàng gặp nhành lá vất vưởng ngang đường, nàng hái đem về và làm theo ý Người trong mộng.

Ðêm đến người chồng bớt rên rỉ và ngủ được. Gà chưa gáy sáng thiếu phụ thấp thỏm và rón rén đến giường người chồng và… Ôi! Kỳ lạ: ung thư líp miệng, rồi không mấy chốc lành hẳn!

Tin lạ bay nhanh như chớp, và chỉ một buổi sáng, mọi người thôn đông xóm đoài đều mừng cho người láng giềng may mắn.

Một số người xộc xạo trở lại con đường thiếu phụ đã gặp được “kim chi ngọc diệp” vạn ứng kia. Nhưng họ không tìm thấy nữa.

Lời Nguyện

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, xin cho con một tâm hồn dịu hiền, khiêm nhượng, biết yêu thương không mong chờ đáp trả… Một tâm hồn bao la và bất khuất, không một vô ơn nào đóng lại, không sự thờ ơ nào làm chán nản. Một tâm hồn say đắm vinh quang Chúa Kitô, nứt rạn vì tình yêu Ngài, và vết thương chỉ được hàn gắn khi lên đến trời. (Léonce de Grandmaison, Dòng Tên).

BÀI ĐỌC: NGÀY 16 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ ba – Năm Sự Vui: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

Thứ Ba: Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

1. Hoàng Ðế Augustô ra sắc chỉ truyền kiểm tra toàn thể thiên hạ. Mọi người phải về nguyên quán mình để khai sổ bộ.

2. Giuse từ Nadarét về quê Ðavít là thành Bêlem để khai sổ bộ cùng với Maria đang có thai.

3. Khi ở đó Maria đến ngày sinh, Bà sinh con trai đầu lòng lấy tã vấn con, đặt nằm trong máng cỏ vì không có chỗ cho Ông Bà trọ.

4. Trong vùng ấy có mục đồng đêm khuya canh thức ngoài trời. Thiên sứ hiện đến với họ sáng ngời làm họ kinh khiếp.

5. Thiên sứ nói: “Ðừng sợ! Này ta đem tin đại mừng cho các ngươi và cho toàn dân: Hôm nay vị Cứu Chúa là Ðức Kitô đã sinh ra cho các ngươi trong thành Ðavít.

6. Và đây là dấu cho các ngươi: “Các ngươi sẽ gặp thấy một Hài Nhi mình vấn tã đặt trong máng cỏ”.

7. Bỗng đâu đến hợp với Thiên sứ có đoàn lũ cơ binh trên trời đồng ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

8. Khi Thiên sứ về trời rồi, các mục đồng hối hả đi đến Bêlem, đã gặp Maria và Giuse cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.

9. Rồi các mục đồng lui về tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa về mọi điều họ đã nghe và được thấy. (Suy niệm 9 câu trên một ít phút rồi độc Kinh Lạy Cha và tiếp 10 Kinh Kính Mừng).

Giai Thoại

Một cây cổ thụ vô cùng rợp bóng

Tháng Năm năm 1798, Vua Cảnh Thịnh, kế vị vua Quang Trung, mật lệnh giết sạch các người Công Giáo. Trong ba năm thanh trừng ác liệt đạo thánh, một số giáo dân tỉnh Quảng Trị, để bảo vệ Ðức Tin, chạy trốn lên rừng La Vang.

Ngày đêm, các người tị nạn quây quần dưới một cây đa rợp bóng và liên lỉ đọc Kinh Mân Côi để tha thiết xin được che chở dưới một cây cổ thụ khác vô cùng rợp bóng ơn thiêng: Ðức Trinh Nữ Maria.

Trước muôn lời nguyện lâm râm vang vọng khắp núi đồi đánh động lòng Mẹ bén nhậy xót thương. Ngài ẵm Chúa Hài Nhi hiện ra nhiều lần với nét mặt muôn vàn nhân hậu và yên ủi vỗ về:

“Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin, từ nay hễ ai chạy đến khẩn cầu Mẹ ở đây, Mẹ sẽ ban ơn theo ý nguyện” (Sách Ðức Mẹ La Vang trang 17). Ðể minh họa đậm nét tình Mẫu tử, Mẹ đã làm rất nhiều phép lạ. Kể sau đây một trong những ơn lạ lúc ban đầu.

Một nhà thờ mái tranh vách lá được dựng lên để ghi dấu bước chân Mẹ.

Ông từ về Trí Bưu, xứ đạo quận Hải Lăng, để xin cha xứ tiền mua vải may màn trang trí bàn thờ.

Bà từ đi vắng.

Một chị bán vải ngang qua đền thờ, nghe tiếng gọi trong nhà ông từ:

– Ðem vải mua cho.

– Thím mua bao nhiêu?

– Năm cây, mỗi cây giá mấy?

– Nhất giá: mỗi cây 6 quan tiền.

– Chị vui lòng bán chịu, mai đến lấy tiền được không?

– Ðược, được thím mua cho nhà thờ mà!

– Cám ơn nhé, mời nước, mời trầu, nghỉ chân đã…

Rất cảm động trước tình hiếu khách, hàn huyên một hồi, khách chủ tạm biệt trong tình lưu luyến. Bà từ cất vải vào hòm xe (thứ rương có bánh xe).

Ngày hôm sau, chị bán vải trở lại lấy tiền. Bà từ sửng sốt vặn hỏi:

– Ô hay, cái chị lạ lùng chưa, ai mua vải của chị, mà lại mua chịu đến 5 cây?

Chị bán rong, còn cảm thấy ngọt ngào dư vị nhã nhặn ngày hôm trước, ôn tồn đáp:

– Thím có vẻ ngạc nhiên, nhưng tôi còn kinh ngạc hơn nữa.

– Chị lầm nhà rồi! Chị tào lao quá! Hôm qua tôi đi vắng kia mà!

Thấy bà từ không còn dịu dàng như hôm trước, lại cãi chối, ngang ngược, người kháck lên giọng quả quyết với bộ điệu:

– Hôm qua, chính thím đã mua vải của tôi, 5 cây 30 quan, thím hẹn tôi hôm nay đến lấy tiền.

– Mua vải thì còn vải, vậy vải tôi để ở đâu mới được chứ?

– Thấy thím bỏ vải vào hòm xe chứ đâu. Tức như bò đá, bà từ chạy đến mở hòm xe. Và lạ lùng thay: 5 cây vải thật và luôn cả 30 quan tiền nữa!

(Theo văn khố lưu trữ tại Vương Cung Thánh Ðường La Vang).

Lời Nguyện

Lạy Mẹ Maria, nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã chia sẻ sinh lực cho Ngôi Hai Nhập Thể, Mẹ cùng chung một mạch sống với Con Mẹ. Thiên Chúa đã làm người trong lòng Mẹ và Mẹ đã đi sâu hơn vào sự sống liên kết với Thiên Chúa. Vì thế, đời sống, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa mở đầu và bảo đảm sự cứu rỗi của chúng con, và cũng là phần di sản đặc biệt của đời Mẹ. Chính Mẹ đã trợ tá cho việc cứu chuộc này để trở nên Mẹ chúng con.

Xin Mẹ cho chúng con luôn luôn xứng đáng là con của Mẹ.

BÀI ĐỌC: NGÀY 17 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ bốn – Năm Sự Vui: Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong Ðền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

1. Khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế theo luật Maisen thì Ông Bà đem Hài Nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa.

2. Như luật dạy: Con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, phải dâng kính Chúa cùng với 1 cặp chim gáy hay 2 bồ câu tơ.

3. Ở Giêrusalem có một người công chính đạo đức tên là Simêon được Thánh Thần linh báo sẽ không phải chết trước khi thấy Ðức Kitô.

4. Ðược linh cảm, ông lên đền thờ, gặp Ông Bà bồng Hài Nhi Giêsu đến, liền xin ẵm lấy Ngài trên tay mà chúc tụng Thiên Chúa.

5. “Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ thác bình an như lời Người phán. Vì mắt tôi đã thấy ơn Người Cứu độ…”

6. Cha Mẹ Con Trẻ kinh ngạc vì các điều nói về Ngài. Ðoạn Simêon chúc lành cho Ông Bà. Rồi nói cùng Maria Mẹ Ngài:

7. “Con trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã và nhiều chỗi dậy, làm dấu cho người ta chống hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phát lộ ra.

8. Và tâm hồn Bà, mũi gươm sẽ đâm thâu.”

9. Lễ xong Ông Bà trở về Nazarét. Còn Hài Nhi lớn dần, dũng mạnh, đầy khôn ngoan và ân sủng Thiên Chúa. (Suy niệm 9 câu trên một ít phút rồi đọc Kinh Lạy Cha và tiếp 10 Kinh Kính Mừng).

Giai Thoại

Ðức Mẹ Trà Kiệu

Trà Kiệu thuộc quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trước đây là thủ đô đầu tiên của nước Chiêm Thành. Trà Kiệu, linh địa của Chiêm Quốc, hiện nay là một trong những linh địa của Việt Nam. Từ năm 1870, Trà Kiệu đã có khoảng 4.000 giáo dân, những trái cây đầu mùa trên cánh đồng truyền giáo ở Miền Trung.

Năm 1885 hưởng ứng hịch Cần Vương, phong trào Văn Thân nổi dậy với khẩu hiệu “sát tả”, tức là sát hại những người sống đạo Thiên Chúa

mà Văn Thân cho là đạo tà. Năm này là năm bắt đạo nhiều nhất ở Việt Nam:

– 22 linh mục, 60 thầy giảng, 300 nữ tu và 30.000 giáo dân bị sát hại.

– 250 nhà thờ và nhà nguyện, 2 chủng viện, 40 trường học, 17 viện mồ côi, 13 dòng và hầu hết nhà cửa của 55.000 giáo dân bị đốt phá.

– 200 xứ đạo từ Ðà Nẵng trở vào gần hoàn toàn tan rã.

Ngày 1.7.1885, đồng số phận, Trà Kiệu bị 4.000 quân Văn Thân bao vây thình lình. Linh mục Nhơn, chánh xứ với 2.000 giáo hữu chỉ biết ẩn náu dưới cánh tay Mẹ Maria. Với một tinh thần quyết tử, để bảo vệ Ðức Tin, suốt 21 ngày họ tổ chức tự vệ với giáo mác.

Mỗi lần chống cự lại, nam nữ trẻ già sốt sắng lần hạt MÂN CÔI trước ảnh Ðức Mẹ.

Quân Văn Thân võ trang đầy đủ và đông gấp mấy lần quân phòng thủ. Họ đã chiếm các đồn Bửu Châu, phía đông và Kim Sơn, phía tây, và đặt súng hạng nặng bắn xả vào Trà Kiệu. Người ngoại quốc ngoài biển đếm độ 500 phát đại bác bắn phá làng Công Giáo này.

Quân tự vệ đã chống lại nhiều đợt tấn công và cố giải vây. Ngày 8.7.1885 trận chiến xẩy ra ác liệt, quân Cần Vương tổng tấn công và tiến sát vào lũy tre làng. Ðội nữ binh trừ bị võ trang dao rựa, quyết tử trước ảnh Ðức Mẹ, đã phá được vòng vây phía tây. Quân Cần Vương vừa chạy vừa la: “Ðạo quân xông xa đông quá, chạy thôi”.

Ba mặt kia nghe cũng cùng rùng kéo nhau tẩu tán, bỏ lại vô số súng đạn và gươm giáo.

Những ngày kế tiếp trọng pháo từ hai phía đông tây bắn tới tấp nhắm nhà thờ Trà Kiệu. Một khẩu thần công lớn từ tỉnh kéo đến cách nhà thờ 100 mét do một pháo quan điều khiển đã nhả đạn liên hồi đến nhà thờ, nhưng chỉ trúng một phát nhẹ, còn lưu dấu tích đến ngày nay.

Ðến sau, sĩ quan đó tiết lộ:

– Cố ý bắn Người Ðàn Bà xinh đẹp, áo trắng tinh, đứng ngay trên nóc nhà thờ, mà cứ bị bắn quá cao, chỉ trúng có một phát, mà trúng nhà thờ thôi.

Quân Văn Thân đóng trên đồi Kim Sơn vẫn kêu rằng:

– Lạ thật, Người Ðàn Bà kia cứ đứng mãi trên nóc nhà thờ, dù ta cố nhắm thế nào cũng không bắn trúng.

Cha xứ và giáo dân nghe nói, nhìn lên không ai thấy, chỉ có bà Chính và bà Nhã thấy được Ðức Mẹ. Ngoài ra quan lính tấn công còn thấy nhiều thiếu niên mặc âu phục trắng từ trên không xuống lũy tre xanh cầm gươm bạc sáng ngời đánh giúp quân Công Giáo.

Ngày 21.7.1885, thừa thắng xông lên, quân tự vệ trở lại thế công, bao vây đồn Bửu Sơn và kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ Giáo dân Trà Kiệu tử trận 40, bên kia trên 300 tử thi đều được an táng hết sức tốt đẹp.

Trong những năm khói lửa, Ðức Trinh Nữ Maria còn tái xuất ở chốn sông Thu núi Bửu để hỗ trợ con dân Việt Nam, như luôn luôn nói lên lòng ưu ái của Mẹ. Và lần thứ ba, cũng tại nơi linh địa Quảng Ðà này Ngài lại viếng thăm.

Ông Lâm Hoài Nam cho biết lần đó là năm 1967, ngày Lễ Ðức Mẹ Thánh Linh hiện xuống.

“Trong lúc gần 300 trẻ em Hùng Tâm Dũng Chí đang sinh hoạt dưới chân núi Bửu Châu hồi 3 giờ chiều, thình lình một tiếng nổ vang lừng trên đỉnh núi, bầu trời trở nên vàng chói. Toàn thể các trẻ em và một số người bỡ ngỡ nhìn lên thấy Bà Ðẹp tay bồng Chúa Hài Ðồng xuất hiện trên không trung, cùng với 12 thánh Tông Ðồ và vô số Thiên Thần theo hầu. Các trẻ em liền quỳ gối hát kinh và cầu nguyện.

Hiện tượng kéo dài chừng 45 phút rồi tan dần. Các trẻ em và người lớn hiện diện tại đó quả quyết là đúng sự thực.”

Lời Nguyện

Lạy Mẹ, xin cho con nhân đức vâng lời như Chúa và Mẹ đã vâng lời.

Xin cho con hiểu và làm những lời các con cái thân yêu Mẹ dạy:

– Mỗi lần bỏ ý riêng và vâng lời, có công hơn xây một ngàn bệnh viện. (Thánh Anre Avellin).

Nâng cao cái rác lên vì nhân đức vâng lời, đẹp lòng Chúa hơn là cầu nguyện lâu dài và đánh tội chảy máu (Thánh Rodriguez).

BÀI ĐỌC: NGÀY 18 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ năm – Năm Sự Vui: Ðức Bà tìm được Ðức Chúa Giêsu trong Ðền Thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

1. Hằng năm cha mẹ Ngài đi Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua. Khi Ngài lên 12 tuổi, Ông Bà cũng đưa Ngài đi dự lễ.

2. Lễ xong, Ông Bà trở về, trẻ Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Ngài không hay.

3. Nghĩ là Ngài có trong đoàn lữ hành nên Ông Bà đi một ngày rồi mới hay, và cố tìm Ngài giữa hàng bà con quen thuộc.

4. Nhưng không tìm ra, Ông Bà mới quay trở lại Giêrusalem. Và sau ba ngày tìm kiếm, Ông Bà đã gặp được Ngài trong Ðền Thờ.

5. Ngài đang ngồi giữa các tiến sĩ mà nghe và hỏi. Ai nấy đều sửng sốt về tri thông minh và về các lời Ngài đối đáp.

6. Thấy Ngài, Ông Bà ngạc nhiên. Mẹ Ngài nói: “Này con, tại sao con làm thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con”.

7. Nhưng Ngài đáp: “Tại sao tìm con? Chẳng lẽ không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?” Nhưng Ông Bà không hiểu lời Ngài nói.

8. Rồi Ngài xuống với Ông Bà về Nazarét. Và Ngài hằng tùng phục Ông Bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ hết các điều ấy trong lòng.

9. Ðức Chúa Giêsu cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dáng trước mặt người ta.

(Suy niệm 9 câu trên một ít phút rồi đọc Kinh Lạy Cha và tiếp 10 Kinh Kính Mừng).

Giai Thoại

Giai thoại 1: Tìm được Chúa nhờ mẫu ảnh MÂN CÔI

Giáo sĩ Ðắc Lộ kể:

“Ở vùng biên giới phía Nam Sông Gianh, giáo sĩ gặp một gia đình quân nhân rất đạo đức, ông Phanxicô và bà Têrêsa. Ông bà trở lại nhờ mẫu ảnh Ðức Mẹ MÂN CÔI. Trước khi trở lại, bà là một cô đồng bóng, trong nhà có nhiều miếu thờ các cô các cậu. Ðược một người bên ngoại bán cho một mẫu ảnh Ðức Mẹ MÂN CÔI, bà đem về lập miếu thờ trong vườn, đêm ngày hương nến sùng kính.

Ðức Mẹ đưa ông bà tìm thấy đạo thật. Sau khi trở lại, hai ông bà nhiệt thành hoạt động tông đồ giáo dân, đưa nhiều người trở lại, và nhà ông bà trở thành nhà nguyện của họ đạo mới. Chiếc miếu dâng kính Ðức Mẹ được trang hoàng đẹp đẽ hơn và lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ càng hăng nồng hơn nữa.

Giai thoại 2: Tìm được Chúa nhờ nắm lá Trà Kiệu

Từ ngày Ðức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu tháng 7 năm 1885, Ngài đã ban rất nhiều ơn lạ. Một đền thờ xinh đẹp được dựng lên trên đỉnh đồi Bửu Châu năm 1898 để ghi ân và dâng kính Ngài.

Bà Bùi Thị Thẹn, nhà ở dưới chân đồi, có 2 người con bị bệnh thương hàn biến chứng phù thũng. Bà hết sức lo chữa trị cho con, nhưng vẫn tiền mất tật mang. Trước sự tuyệt vọng chờ ngày chết của con, bà nghĩ: “Còn nước còn tát”, nên dù là ngoài đạo, bà leo đồi và hết sức thành tâm van vái Ðức Trinh Nữ đã lừng danh cứu dân độ thế. Khẩn nguyện xong bà hái một nắm lá đem về sắc cho con uống. Và lạ lùng thay, hai người con thấy bệnh thuyên giảm và lành hẳn.

Thiên hạ hết sức kinh ngạc và trầm trồ ca ngợi Ðức Linh Mẫu bên đạo.

Nhiều người lương giáo tuôn đến xin bà Thẹn hái lá Ðức Mẹ và cũng thấy linh nghiệm chữa lành các bệnh tật. Ba mẹ con đã trở lại đạo và sống đạo sốt sắng.

Lời Nguyện

Lạy Thánh Nữ Ðồng Trinh, giữa muôn ngàn niềm vui thiên quốc, xin Mẹ đừng quên những ưu phiền của trần gian.

Xin hãy ghé mắt nhân lành nhìn đến những ai đang đau khổ, đang chiến đấu với các khó nguy và không ngừng kề môi vào chén đắng của cuộc đời.

Xin đoái thương những kẻ yêu nhau nhưng phải xa cách.

Xin đoái thương đến sự cô độc của con tim.

Xin đoái thương sự yếu đuối của lòng tin.

Xin đoái thương những đối tượng yêu thương của chúng con.

Xin đoái thương những ai khóc lóc, những ai kêu khấn, những ai run sợ.

Lạy Mẹ Maria, xin ban cho chúng con tất cả niềm tin cậy và an bình. (L.m. Perreyve).

BÀI ĐỌC: NGÀY 19 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ nhất – Năm Sự Thương: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

Thứ Nhất: Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

Ðêm đã về khuya, Ðức Giêsu đến vườn cây dầu để cầu nguyện. Là Thiên Chúa, Ngài thấu suốt tất cả những nỗi thống khổ, từng nét một đang chờ đợi Ngài, bắt đầu từ khuya thứ năm cho đến 3 giờ chiều thứ sáu: Chiếc hôn phản bội, lời thề chối bỏ, những lời vu cáo, những tiếng nhục mạ, những trận mưa roi, khoanh gai, cơn khát, thập giá, búa đinh, giấm chua, lưỡi đòng, những suối lệ… chừng ấy đổ xô, dồn dập trước mắt Ngài. Ðồng thời Chúa thấy vô số lời phỉ báng, vô số tội ác do nhân loại triền miên chuốc phạm trong chuỗi thời gian vô cùng tận từ Adong cho đến người cuối cùng của ngày tận thế, trong đó có anh, có chị, có từng người một chúng ta và tội lỗi nặng nhẹ của mỗi chúng ta.

Chúa thấy rõ sự xấu xa và sức tàn phá của tội khiên. Nên là con người, Chúa quá sầu muộn, quá kinh hoàng, qúa run rẩy, sợ hãi đến nỗi máu từ các lỗ chân lông trào ra như mồ hôi, theo y khoa công nhận. Cuộc tử nạn của Chúa đã bắt đầu từ đó. Bấy giờ, tuy không chứng kiến trong vườn Giếtsimani, nhưng Ðức Maria đã hiệp thông sự đau khổ vô cùng của con Ngài từ ngày lão thánh Ximêong nói tiên tri. Chúa và Ðức Mẹ đang ăn năn tội thay cho nhân loại, thay cho mỗi người chúng ta.

Giai Thoại

Một cô gái điếm bay lên như một bồ câu tuyệt diệu

Trong tác phẩm Vita quyển IV của Lansperge có thuật truyện một kỹ nữ tên là Hêlen.

Một hôm, nàng tò mò vào nhà thờ và tình cờ nghe một bài giảng về Kinh Mân Côi.

Lúc về, nàng mua một tràng chuỗi và giữ thật kín. Lúc đầu nàng lần hạt nhưng không mấy hứng thú.

Tuy nhiên, lần hồi Ðức Trinh Nữ cho nàng tràn ngập vui sướng thiêng liêng và thưởng thức muôn ngàn dịu ngọt đến nỗi lần mãi cũng không thỏa lòng.

Do đó, thiếu phụ cảm thấy ghê tởm và nhức nhối khi chạnh nhớ kiếp giang hồ. Nàng dứt khoát bỏ đời bê tha và tìm an vui trong phép giải tội. Với nỗi niềm đau xót cực độ, người đàn bà tội lỗi khóc như mưa những tội lỗi đã phạm, khiến cha giải tội nức lòng cảm phục.

Tắm gội xong trong ơn nghĩa thánh, thiếu phụ đến quì trước tượng Ðức Mẹ để tạ ơn Ngài đã biện hộ và che chở cho mình.

Trong khi lần hạt, nàng nghe tiếng âu yếm của Ngài từ tượng phán ra: “Hêlen, quá khứ con chỉ phạm tội nặng nề làm mất lòng Thiên Chúa và Mẹ; nay con hãy bắt đầu cuộc sống mới và con sẽ được Mẹ ban ơn cho dồi dào.”

Hổ thẹn vì được Mẹ tỏ tình quá nhân hậu như thế, tội nhân than thở: “Kính thưa Mẹ Ðồng Trinh, con chỉ là một tên ác phụ. Nhưng Mẹ là Ðấng quyền thế vô song, xin hỗ trợ con, con xin phú trót thân con cho Mẹ, và con muốn dùng những ngày còn lại để ăn năn thống hối tội lỗi”.

Được Mẹ Maria thương giúp, Hêlen can đảm phân phát cho người nghèo tất cả tài sản nàng có và sống đời khổ hạnh tột mức. Nhưng cơn cám dỗ như những làn sóng cuồng loạn tới tấp ào ạt vây hãm và tấn công nàng không ngớt. Nhưng với khí giới cổ điển vừa tự vệ vừa tái kích là Kinh Mân Côi giúp nàng luôn chiến thắng. Thánh sủng từ từ mưa xuống tâm hồn nàng, cả những ơn siêu nhiên như thần thị, tiên tri và phát lộ.

Sau hết được tiên báo ngày lâm chung, Đức Mẹ Maria với Chúa Con hiện xuống thăm nàng. Nàng tắt thở, hồn bay lên như hình bồ câu tuyệt diệu.

Lời Nguyện:

Lạy Mẹ, xin cho chúng con siêng năng lần hạt MÂN CÔI, để được Mẹ ban ơn luôn luôn cảm thấy ghê tởm và nhức nhối vì đã xúc phạm đến Chúa.

Lạy Mẹ, chúng con hết lòng ăn năn thống hối tội lỗi chúng con và quyết không bao giờ phạm, dù một tội nhẹ cũng không.

BÀI ĐỌC: NGÀY 20 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ hai – Năm Sự Thương: Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

Ðức Giêsu bị buộc vào cột đá, khiến Ngài phải đứng khòm lưng. Hai tay Ngài bị trói vào nhau ngang tầm thắt lưng. Áo Ngài còn ướt đẫm máu tươi bị lột bỏ dưới chân. Một sợi dây thắt lưng xiết chặt bụng Ngài để giữ chiếc khố vải cũng nhuộm hồng sắc máu. Bọn lý hình phần thì giận dữ, phần vì say máu, đứa này gậy đập, đứa kia roi quất ác liệt, khiến các mảnh thịt Ngài vun vút bay theo các chót roi. Thân Ngài cày lên biết bao vết thương sâu hoắm tươm máu đỏ, vết sưng, vết bầm, vết bể… Các mạch máu nơi tay Ngài đã bong ra và trở nên bầm đen. Nơi vai Ngài lủng lẳng một miếng thịt nhỏ sắp đứt lìa… và còn nhiều nơi khác cũng thế.

Thương tích làm cho lòng ta vô cùng tê tái, đó là vết thương ở đôi mắt Ngài. Ngày thường đôi mắt xinh đẹp biết bao. Nay sưng húp chẳng mở được, lại có máu chảy ra, nhất là con mắt bên phải. Tóc Ngài dính cục với nhau, phủ lấp mặt, lấp miệng… Từ đầu và từ các vết thương máu cứ đổ ra và chảy dọc dài khắp mình Chúa. Các trận đòn đã xé nát thân thể Chúa Trời.

Josepha Menendez được Chúa cho thấy, cảm động quá, tả lại nét được, nét mất, thiếu sót vụng về như trên và thêm:

“Nhìn Ngài, lòng tôi trào lên một niềm xót thướng… khiến tôi cảm thấy rằng từ này về sau và trọn cả đời tôi, tôi sẽ có đủ can đảm để gánh chịu mọi khổ đau, vì chẳng có một khổ đau nào có thể sánh với một phần nhỏ đau khổ của Ngài”.

Giai Thoại

Hữu phúc, vô phúc, rồi lại hữu phúc

Alain da la Roche và Bonafacius thuật rằng ở Florence, nước Ý, có một thiếu nữ tên là Bénite, nghĩa là Hữu Phước, nhưng thực ra phải gọi là Vô Phước, vì cuộc đời bê bối của nàng lúc bấy giờ. Cũng may cho nàng, Thánh Ða Minh đến giảng ở Florence và ngày kia nàng đến nghe Ngài hoàn toàn vì tò mò. Nhờ Chúa thương, bài giảng đánh động lòng nàng và rung chuyển đến tận xương tủy. Nàng khóc sướt mướt và đến xin xưng tội ngay với thánh nhân. Ngài giải tội cho nàng và dạy lần Chuỗi MÂN CÔI để đền tội. Khốn thay! chạnh lòng nhớ cảnh giang hồ, con ngựa cái lại phi nước đại theo đường cũ. Nghe tin đau khổ ấy, Thánh Ða Minh đi tìm nàng và đưa nàng tái hồi chính lộ, xưng tội lại và lấy Chuỗi MÂN CÔI làm thuốc cai á phiện dục tình.

Ðể củng cố nàng trên đường phúc thiện, Chúa cho nàng thấy hỏa ngục và những tội nhân, vì nàng đang quằn quại trong biển lửa muôn đời:

“Các suối lửa chảy vào cuống họng tội nhân, toàn thân mỗi người bị ép giữa hai thớt lửa. Ðôi mắt họ bị móc tròng, giây thần kinh bị kéo ra, thân mình họ bị gấp đôi không thể cử động được. Các mùi hôi thối nặc nồng, nhất là mùi diêm sinh, mà thây ma, mùi hôi tanh ghê gớm trộn với các luồng khói đen nghịt, sặc sụa xông lên đều khắp làm các tội nhân lộn gan lộn ruột, mửa ra nước xanh nước vàng. Thân hình lở lói, các tội nhân bị một lũ quỉ đỏ lòm hoặc đen sì chạy đến vồ lấy; chúng xỉ mạ, chửi bới, khạc nhổ vào mặt; chúng kéo chân lôi tay, xô qua đẩy lại và dằn vặt đủ cách; chúng nhận chìm tội nhân xuống ao bùn và phân tanh hôi; chúng lôi lên quật rảy, xỉa xói, trói đạp; chúng đốt lửa đỏ rực, kẹp tội nhân giữa hai thanh sắt, nướng chúng bên này, quay trở bên kia cho đến khi thân chúng đỏ như cục than hồng; chúng

lại nhúng tội nhân vào vạc dầu sôi sùng sục rồi vất vào một bể nước đá, nước tung xèo, khói bốc lên khét lẹt; chúng lôi phăng tội nhân ra, lấy dao xẻo từng thớ thịt, gọt từng đốt xương, máu tuôn ra như suối và phút chốc thịt vằm ra liền dính lại, xương xắt nhỉ lại liền ngay”.

Bénite ngất đi như hấp hối trước thị kiến hỏa ngục. Nàng kêu van Ðức Trinh Nữ phù hộ và liên miên không ngớt lần hạt, lần hạt mới đàn áp được dục tình, lần hạt mới khỏi sa vào hỏa ngục. Từ đó, Bénite đã trở nên một thiếu nữ thánh thiện.

Lời Nguyện

Cảm thấy đau khổ đè nặng trên tâm hồn và thân xác, Thánh Phanxicô Năm Dấu cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin hãy ghé mắt nhìn con, xin hãy cứu giúp con, xin hãy giúp con vui lòng chịu đựng những bệnh tật giày vò thân xác con.

Tiếng đáp lại:

– Hỡi Phanxicô, con có biết cái làm cho chiếm được nước vô giá phải có giá trị thế nào không? Con nên biết các nỗi khổ con đang chịu có giá trị hơn tất cả của cải trần gian: dù cho tất cả núi non biến thành vàng, dù cho tất cả các thứ đá biến thành hột xoàn, dù cho tất cả nước biển biến thành dầu thơm!

Phanxicô thưa lại:

– Vâng, lạy Chúa, con cũng hiểu giá trị các sự đau khổ Chúa gởi cho con, con biết Chúa muốn dùng các nỗi thống khổ để phạt tội con ở đời này, để thương xót con ở kiếp sau.

Tiếng đáp lại:

– Hỡi Phanxicô, hãy vui mừng, đường con đang đi là đường dẫn đến cõi sống thiên thu vạn đại!

Lạy Chúa xin cho con quán triệt lời Chúa dạy.

BÀI ĐỌC: NGÀY 21 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ ba – Năm Sự Thương: Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

Ðánh đòn Chúa xong, quân lính quây quần chung quanh để bày trò chế diễu. Thiên hạ đã đồn và nhiều lần cũng muốn tôn Ðức Giêsu làm vua, là cứu tinh của dân Do Thái. Nay quân lính nhạo Ngài, mặc cho Ngài một áo đỏ, giả làm hồng bào. Triều thiên chúng đội cho Ngài là một vòng gai sắc nhọn đóng vào đầu. Ðấy là thứ gai mòng dài và nhọn. Josepha Menendez được Chúa cho thấy nhiều cái gai to đã phóng sâu vào não Chúa, một cái có lẽ dài nhất, đâm phụp vào trán để rồi mũi nhọn trồi ra nơi mí mắt trái khiến mắt sưng húp lên.

Phủ việt lính cho Chúa cầm là một que sậy: Chúng quì mốt gối trước mặt Ngài và chế nhạo: “Muôn tâu vua Do Thái”, rồi chúng khạc nhổ vào mặt Ngài, giật lấy que sậy đánh bổ xuống mão gai… trò hề đó được diễn đi diễn lại để dấy lên những thác cười xối xả sỉ nhục và phỉ báng xuống Chúa Cả Trời Ðất. Ngài cam chịu như thế để đền bù, để hạ nhiệt độ kiêu căng của ta, để vơi đi trong tim óc ta những tình ý nặng trĩu độc ác, dơ bẩn xúc phạm đến Ngài.

Chúa nêu lên cho ta bài học biết cam chịu sỉ nhục để ăn ở khiêm nhu.

Có một số thánh nhân không được chịu sỉ nhục, đã đi tìm sỉ nhục, như giả điên để người ta coi rẻ mình, kéo một con chó chết đi giữa đường để người ta chế nhạo.

Giai Thoại

Khí giới sắc bén, khiên mộc bảo đảm để chống lại mọi mưu thần chước quỉ, để kiên trì chịu các thứ cực hình và bền đỗ giữ vững Ðức Tin cho đến cùng, Chư thánh tử đạo đã dùng thứ siêu khí giới: đó là Kinh Mân Côi. Quả như lời khẳng định của Chân Phước Alain de la Roche: “Khi tôi đọc Kinh Kính Mừng: Satan chạy trốn, hỏa ngục run rẩy”.

Xấp xỉ 100 ngày bị giam trong ngục năm 1794, ba mươi hai nữ tu ở Orange nước Pháp, ngày nào cũng đọc 1.000 Kinh Kính Mừng để chuẩn bị máy chém.

Thầy Giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi Miền Trung năm 1644, khi đến pháp trường, quì gối đọc Kinh Kính Mừng sốt sắng, liên lỉ cho đến khi bị đâm.

Ngày 1.11.1861, tại Hải Dương, các quan bố trí 500 lính và 3 con voi đi hai hàng cho quan giám sát được 2 người che lộng dẫn đầu, tiếp đến là 3 cái cũi nhốt 3 vị anh hùng tử đạo, trong cũi đầu Cha Bình Almato, cầm tràng hạt đọc to Kinh Kính Mừng Maria hết sức sốt sắng. Người ta có cảm tưởng như là một cuộc rước kiệu Ðức Mẹ MÂN CÔI do một linh mục điều khiển.

Á Thánh Anrê Trần Văn Trông, tử đạo lúc 20 tuổi, được Ðức Lêô XIII ca tụng đặc biệt giữa hằng triệu người tập trung tại La Mã. Ròng rã trong mười tháng bị giam ở Huế. Ngài không bao giờ buông Tràng Hạt thân yêu. Lúc đến tử địa, Ngài quì giữa những mưa gió, mặt hớn hở, tay lần hạt.

Khi quan Thái Bộc Hồ Ðình Hy bị giam vì đạo, nhiều cơn cám dỗ ồ ạt đến tấn công ngài, ngoài bã vinh hoa phú quí, ngài còn bị nhiều quan bạn đến nài nỉ ngài chối đạo, họ dùng thiên mưu vạn kế, đến cả phủ phục lạy ngài. Vua Tự Ðức, tiếc một vị công thần xuất chúng, cử người thân nghĩa đến thuyết phục ngài, cử cả cung phi mỹ nữ đến xin ngài giả vờ bỏ đạo. Ngài dùng một thứ khí giới hết sức sắc bén để chống lại: Cả ngày lâm râm lần hạt. Khách hàng quan thấy thế trầm trồ khen ngợi: “Ông này thật gan dạ, chẳng hề siêu lòng xuất giáo, dù vai mang gông nặng trình trịch, mà tay luôn luôn cầm tràng chuỗi tụng kinh”.

Lời Nguyện

Kính lạy Mẹ MÂN CÔI, xin cho chúng con luôn khôn ngoan, biết dùng khí giới sắc bén MÂN CÔI để dẹp loạn ba thù, biết dùng khiên mộc bảo đảm MÂN CÔI để tự vệ khi cám dỗ tấn công.

Tha thiết xin Mẹ cho chúng con được thông hiệp với những đau khổ gây nên bởi những gai nhọn đâm sâu vào đầu Chúa, và cũng đã đâm thâu trái tim Mẹ để đẩy xa những ô trọc đang đầu độc tim óc chúng con.

BÀI ĐỌC: NGÀY 22 THÁNG 10

Mầu nhiệm thứ bốn – Năm Sự Thương: Ðức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

Ðức Giêsu đã tâm sự ngày 21.3.1923 với Josepha Menendez:

“Ðang khi Trái Tim Cha chìm đắm trong bể đắng cay sầu khổ, bọn lý hình đang tâm đặt lên vai bể nát của Cha cây khổ giá nặng nề làm sao!”

Cây khổ giá Chúa vác bằng gỗ tùng rất nặng, dài 4 thước rưỡi, ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 kí. Chúa vác đi trên khoảng đường khấp khểnh, đầy đá sỏi, dài 100 mét. Ngài đã bị đánh đòn, bị hành hạ suốt đêm, không còn hình tượng người ta nữa, làm sao vác nổi, nên phải cố gắng bước đi, mệt nhoài lảo đảo, Ngài phải ngã quỵ 3 lần:

Ðức Giêsu lại giải thích ý nghĩa 3 lần ngã của Ngài:

– Lần thứ nhất, đem lại cho các linh hồn đã bám rễ trong thói hư tật xấu, sức mạnh để cải tà qui chánh.

– Lần thứ hai, khuyến khích các linh hồn yếu đuối, các linh hồn mù quáng và quá buồn phiền vì âu lo… Vươn mình lên lấy lại nhiệt tình trên đường nhân đức.

– Lần thứ ba, giúp các linh hồn thống hối vào giây phút quyết liệt nhất, giờ lâm chung.

Trên đường đến tử địa, đã có Mẹ cùng đi. Nhìn đôi mắt đẫm lệ của Ngài dán vào Con với tấm lòng tan nát dạt dào yêu thương, Chúa đã tìm được sức mạnh để đi hết con đường đau khổ dẫn đến Núi Sọ.

Chúng ta hãy thiết tha xin Mẹ song hành cùng ta trên đường đời đầy chông gai và cạm bẫy để cùng Mẹ đến Nước Trời.

Giai Thoại

Mộng Hoa

Mộng Hoa, hai tiếng êm đẹp đó không phải là một cái tên phảng phất thi vị, hay no đầy hứa hẹn thường được đặt cho người ta. Mộng Hoa đây là một tài hoa, kỷ niệm mãi một ơn lạ và cụ thể hóa một tâm hồn tình biết ơn; tài hoa vừa mới hai mươi tám xuân thu đã được các báo từ Nam chí Bắc như Annam nouveau, Trung Bắc Tân Văn, Tiếng Dân Ngộ Báo, Phụ Nữ v.v… đã một thời thi nhau ca ngợi.

Hai ông bà Nguyễn Khắc Nhân đã luống tuổi mà chỉ có 3 trai, nên rất ước ao một người con gái. Một lần kia, ông cụ lên La Vang để cầu xin ơn ấy. Và tối ngày ông đi hành hương về, bà nằm thấy một Bà rất tốt đẹp, bận toàn trắng cầm nhiều tràng hoa thọ kép. Bà Nghè xin một tràng, Bà kia cho, xin thêm tràng nữa thì Bà mỉm cười và biến đi. Người nằm chiêm bao liền thức dậy và thuật lại cơn mộng ấy cho chồng nghe.

Ông cụ Nhân liền quả quyết:

– Thế là Ðức Mẹ La Vang đã nhậm lời mình. Mình sẽ có thai và sinh con gái.

Và từ ngày đó bà Nghè nhận thấy có thai thật. Ðến ngày 15 tháng 8 năm 1913, hai ông bà cùng đi đến nhà thờ Thạch Hãn để dự lễ như mọi khi. Ði được nửa đường, bà thấy trong mình có khác nên trở về. Ông cụ cứ tiến một mình, nhưng đến Thánh Ðường, được tâm linh báo thế nào, lại cũng trở về nốt. Về tới nhà thì vợ đã chuyển bụng, có cô mụ hộ sinh mà sinh vẫn không được. Ông cụ cũng rành khoa sản dục,

xét thấy hai nghịch, liền thầm thĩ kêu xin cùng Ðức Mẹ, và nhờ ông Giáo Dĩ mượn ngựa phóng lên La Vang khấn Ðức Linh Mẫu cùng xin nước phép.

Sau khi sản phụ được uống nước La Vang và được vỗ lên trán thì sinh nở ngay một cách dễ dàng. Ông Nhân liền ôm con đến trước bàn thờ Ðức Trinh Nữ và cầu nguyện: “Lạy Ðức Mẹ, đây thật là con của Mẹ. Chúng con xin dâng cho Mẹ”. Ông cụ liền đặt tên ngay cho nhi nữ là Nguyễn Thị Phi Phụng và âu yếm nói với con:

“Ba ao ước sau này con sẽ được huy hoàng như chim phụng. Nhưng nếu con sẽ làm nên gì vẻ vang thì con sẽ mang tên là Mộng Hoa để kỷ niệm ơn lạ mà má chiêm mộng”.

Ba ngày sau, em bé được rửa tội và hân hạnh mang Thánh danh Maria để rồi 16 năm sau, nấc thang nghệ thuật đã tiến dẫn tên Maria Mộng Hoa nổi bật lên trên báo chương khắp toàn quốc. Chắc chắn nữ sĩ Maria Mộng Hoa không hãnh diện với danh tiếng một thời của mình, cho bằng vui sướng ghi nhớ một ơn lạ suốt đời và nung nấu thầm kín một tâm tình biết ơn đối với Mẹ La Vang.

Giai Thoại 2

Tràng Chuỗi MÂN CÔI với những kẻ ốm liệt

Linh mục Gioakim Soler, dòng ba Ða Minh, đã chứng kiến một phép lạ Ðức Mẹ ban cho một dì phước và ngài thuật lại như sau:

Tại Phước Viện Ða Minh Vinh Nước Y Pha Nho có một dì phước bị bệnh tê liệt trầm trọng. Dì ốm o gầy mòn và không thể cử động được. Suốt hai năm liệt giường liệt chiếu, dì lần Chuỗi MÂN CÔI và suy niệm năm sự Thương Khó Chúa, nên đã chịu đựng đau khổ hết sức can đảm, không bao giờ để lộ một chút phiền hà.

Ðức Mẹ soi sáng cho bà Tu Viện Trưởng và các chị đồng tu khiêng chị ra nhà thờ, đặt nằm trước tượng Ðức Mẹ. Cả Dòng lần chỗi 150 để

cầu nguyện cho chị được thuyên giảm, nếu đẹp lòng Chúa và sáng danh Ðức Mẹ.

Trong chuỗi đầu, suy gẫm năm sự vui, dì theo dõi một cách khó nhọc, vì cảm thấy trong mình kiệt lực. Ðến chuỗi thứ hai, gẫm năm sự Thương, dì bắt đầu cảm thấy sức khỏe lần lần hồi phục. Và chuỗi cuối cùng, chiêm niệm năm sự Mừng, dì tươi hẳn lên và coi như mình vô bệnh, dì tự mình chỗi dậy, quì lên: mọi con mắt đổ dồn đến dì, ngơ ngác. Tim và mắt ai nấy nhấp nháy muôn tình sáng láng như nghìn sao.

Tất cả các nữ tu lớn nhỏ hiện diện trước sự lạ, đều hết sức cảm động, có người phải sa lệ.

Sau Kinh Kính Mừng thứ 150, thánh ca Magnificat được xướng lên trang trọng để cảm tạ quyền phép vô song của Ðức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời.

Lời Nguyện

Kính Lạy Mẹ MÂN CÔI, Mẹ thật là Ðấng an ủi kẻ âu lo và hằng chữa những kẻ ốm liệt. Kính xin Mẹ thương ban cho nhiều người tật bệnh ốm đau được an thuyên, nhất là những kẻ chào kính Mẹ bằng Kinh Mân Côi.

>> Mục Lục Sách Tháng Mân Côi

Chia sẻ Bài này:

Related posts