Chuyện mỗi tuần – chuyện về TÌNH BẠN

Vị giáo sĩ và nhà sử học người Anh – Thomas Fuller ( 1608 – 1661) – có một câu nói đơn giản nhưng rất trân trọng đối với Tình Bạn : Tình bạn thì hiếm, nhưng bạn bè thì không hiếm…

Tình Bạn ngày xưa đã hiếm và hôm nay còn hiếm hơn…Hay là hiếm ở mọi thời ???

Dù là hiếm đấy, nhưng không phải là không có những Tình Bạn đáng trân trọng…và được người đời ca tụng…

Và – dĩ nhiên – đề cập đến Tình Bạn thì không thể nào không đụng đến hai thuật ngữ quen thuộc và được dành riêng để diễn tả : ấy là Tri Kỷ và Tri Âm…

Tri kỷ : tri là biết và kỷ là tôi – người bạn tri kỷ là người bạn biết và hiểu rõ “cái tôi” của tôi…

Hai chữ Tri Kỷ này có được là do câu chuyện Tình Bạn của cặp đôi bằng hữu Bảo Thúc Nha và Quản Trọng thời Xuân Thu (772 TCN – 479 TCN) …

Hai người đều là thương nhân và vẫn đi buôn chung với nhau…Khi chia phần huê lợi, Thúc Nha luôn luôn dành cho Quản Trọng nhiều hơn…Gia nhân nhà họ Bảo lấy làm khó chịu…Và ông giải thích : Quản Trọng không màng chi chút ít hơn thiệt ấy đâu, nhưng vì biết gia đình Quản Trọng không khá giả chi nên chắc chắn là cần tiền hơn ta, và vì thế ta nhường ông một chút vậy thôi…Khi cùng tham gia chiến trận, Quản Trọng nấp đàng sau khi tiến binh và đi hàng đầu khi lui binh…Binh sĩ tỏ ra khinh thường…Thúc Nha giải thích: Trọng không phải vì hèn nhát mà chỉ vì còn mẹ già cần săn sóc…nên ông vì hiếu mà cần phải sống…Nghe biết Thúc Nha bênh vực mình như vậy, Quản Trọng nói: Sinh ta ra là cha mẹ ta, hiểu ta là Thúc Nha…Nguồn gốc hai chữ “Tri Kỷ” là từ mối tương giao bằng hữu hiếm hoi này…Sau này trở thành một chính trị gia và kinh tế gia lỗi lạc, Quản Trọng lên tới chức Tể Tướng nước Tề cũng là nhờ  Bảo Thúc Nha biết rất rõ những ưu điểm của bạn để tiến cử và khuyết điểm để chở che…

Tri Âm : tri là biết – âm là tiếng (đàn) …Tri âm là nghe tiếng đàn, biết tâm tình của nhau…

Đấy là câu chuyện bằng hữu giữa Bá Nha – Chung Tử Kỳ thời Chiến Quốc ( 403 TCN – 221 TCN)…

Bá Nha là danh sĩ đời nhà Tần, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hàn Dương, nhân đêm trung thu trăng thanh gió mát, ông cho lệnh dừng thuyền, uống rượu, ngắm trăng…Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy, nhưng bản đàn chưa dứt…thì giây đàn bỗng đứt…Thầm nghĩ trong lòng : nơi này đèo heo hút gió, lẽ nào có người biết nghe đàn làm cho giây đàn vội đứt…Thì ra người nghe là một tiều phu tên Chung Tử Kỳ…Bá Nha nối lại giây đàn, gảy khúc nào…Tử Kỳ đọc lên khúc ấy và diễn tả bằng lời tâm tư của Bá Nha gửi gắm nơi bản đàn…Hai người vô cùng tâm đắc…Họ hẹn với nhau mùa thu năm sau sẽ gặp lại nơi đây để cùng so giây, gảy đàn…Thế nhưng năm sau, Bá Nha giong thuyền đến cạnh núi Mã An trên sông Hàn Dương chờ dợi…Mãi không thấy Tử Kỳ, ông lần bước thăm hỏi thì được biết Tử Kỳ lâm bạo bệnh mà qua đời…Trước khi mất, Tử Kỳ có dặn dò người nhà an táng ông bên cạnh núi Mã An trên sông Hàn Dương…Bá Nha xách đàn đến mộ Tử Kỳ, bày đồ lễ tế, rồi so giây đàn gảy một khúc ai điếu và khóc lóc thảm thiết…Chấm dứt khúc đàn, Tử Kỳ xách cây đàn đập nát và thề không bao giờ  đàn nữa…vì đã hết bạn tri âm…Hai chữ tri âm phát xuất từ đấy…

Lại có câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ…

Họ là đôi bạn “tâm giao” từ thủa thiếu thời…

Dương Lễ nhà nghèo, Lưu Bình giàu có…nên đem bạn mình về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn…rất tâm đắc…Dương Lễ biết phận mình nghèo nên ra sức học…Lưu Bình nhà giàu nên ham chơi…Đến khoa thi, Dương Lễ đậu và được bổ làm quan…Lưu Bình thi rớt, buồn và sa vào chuyện rượu chè, cờ bạc…Hết tiền, chợt nhớ đến Dương Lễ…nên tìm đến phủ để nhờ giúp đỡ…Dương Lễ tránh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với với dĩa cà thấm ra đãi…tỏ vẻ khinh bạc…Tức giận và tủi nhục ra về…Trên đường, Lưu Bình ghé lại Nghinh Hương quán, làm quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng…Nghe Lưu Bình thi hỏng cả hai khóa, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên nên bền chí, nàng sẽ lo liệu mọi việc để Lưu Bình yên tâm ăn học và giao hẹn là chỉ khi nào Lưu Bình thi đỗ mới tính đến chuyện vợ chồng…

Nhờ sự giúp đỡ của Châu Long, Lưu Bình ráng học…và ba năm sau gặp khoa thi, ông thi đỗ trạng nguyên…Trở về chốn cũ, nhưng Châu Long biệt tích…Hỏi thăm, không ai biết…Chợt nhớ tới chuyện bị khinh bạc năm xưa, Lưu Bình quyết định đến gặp Dương Lễ mắng cho mấy câu…Dương Lễ vui vẻ đón tiếp bạn, và đang khi Lưu Bình định mở miệng… thì thấy Châu Long tươi cười bước ra chào…Dương Lễ giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình…Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ cố ý tỏ ra khinh bạc là để khích mình và sơ bạn mình không chốn nương tựa…nên sai người thiếp thứ ba thay mình giúp đỡ bạn cho đến khi thành đạt…Phải chăng hai chữ “tâm giao”…là để diễn tả Tình Bạn hiếm hoi này ?

Và không phải chỉ là chuyện xưa…mà – trong hôm nay – vẫn có nhưng Dương Lễ – Lưu Bình khá là tuyệt vời…Người viết muốn nói đến câu chuyện của Ngô Mạnh Đạt và Châu Nhuận Phát…

Họ là đôi bạn diễn viên rất thành công…và đặc biệt Ngô Mạnh Đạt có những vai diễn kinh điển nổi tiếng khắp đôi bờ Hồng Kông và Trung Quốc…

Tuy nhiên sau này Ngô Mạnh Đạt ham mê tửu sắc và bài bạc…Công việc chỉ qua loa cho xong…Cuối cùng coi như tự tay hủy đi sự nghiệp của chính mình…và còn mang thêm một món nợ khổng lồ…

Nhớ đến người bạn Châu Nhuận Phát của mình lúc này khá thành công trong làng giải trí, Ngô Mạnh Đạt đến xin vay 300.000 USD, nhưng Châu Nhuận Phát lạnh lùng nói : tự mình giải quyết !

Mệt mỏi và chán chường lại còn bị bạn nối khố tạt một gáo nước lạnh vào mặt, Ngô Mạnh Đạt muốn chết…Nhưng ngay lúc đó thì có một đạo diễn đến mời anh nhận một vai diễn…Ngô Mạnh Đạt vui mừng nắm lấy thời cơ và hết lòng cho công việc cũng như rèn luyện bản thân để diễn xuất…Bộ phim được trình chiếu và Ngô Mạnh Đạt nhận được được rất nhiều lời khen ngợi…Ông cũng đủ tiền để trả món nợ, đồng thời là diễn viên đoạt giải Kim Tượng của năm ấy…

Châu Nhuận Phát cũng có mặt trong lễ trao giải…Khi Ngô Mạnh Đạt ngỏ lời cám ơn đạo diễn…thì vị đạo diễn mỉm cười cho biết là Ngô Mạnh Đạt nên cám ơn Châu Nhuận Phát…Thì ra  người đã tiến cử Ngô Mạnh Đạt với vị đạo diễn chính là Châu Nhuận Phát…

Vài ba câu chuyện về Bạn và Tình Bạn nhằm để trân trọng mái nhà thâm tình ở Bê-ta-ni-a Chúa vẫn ghé khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem, và đặc biệt trong lần ghé này trước khi đi vào cuộc Thương Khó & Tử Nạn để cứu chuộc – lần ghé có “bình dầu thơm dành cho ngày mai táng”…Người viết rất thích khung cảnh và bầu khí của căn nhà này, bởi vì nó cho thấy Vị Thiên-Chúa  cần đến Tình Bạn biết bao khi Người ở trong “phận ngưởi” và đứng trước thử thách …

Dĩ nhiên Bạn chứ không là Bạn Bè…

Bè – cánh – phe – nhóm…là những thứ bạn vô bổ…

Vậy cho nên mới thấm thía lời của Thomas Fuller : Bạn thì hiếm, nhưng bạn bè thì không hiếm…

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts