Kinh Thánh từ bao đời nay vẫn được giáo hội tin, giảng dạy là sách chứa đựng những chân lý vĩnh cửu và tác giả của sách ấy chẳng phải ai khác mà đó chính là Thiên Chúa Đấng Thượng Trí Vô Song. Thế nhưng niềm tin ấy đã bị lung lay và hầu như sụp đổ trước những khám phá khoa học. Có hai phát kiến gây ảnh hưởng đến đức tin cách nghiêm trọng:
1/- Về Thiên văn
Trong giới khoa học người ta lấy Nicolas Corpecnic [1473- 1543] với phát kiến hệ nhật tâm (mặt trời là trung tâm) của ông để như một thứ mốc phân chia hai thời kỳ. Từ Corpecnic trở về trước là thời Ptolemy [83- 161] thuộc hệ địa tâm (trái đất là trung tâm). Trong hệ địa tâm này người ta cụ thể là Thần Học Âu châu trung cổ cho rằng trái đất là trung tâm bất động của vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo cùng với toàn bộ các công trình của Ngài. Thiên Chúa đã sáng tạo bằng cách dùng đất nặn ra các loài động vật chim muông. Riêng con người thì còn hà hơi vào để cho nó có linh hồn v.v… Thiên Chúa cũng lập ra vườn Địa Đàng và vườn ấy có địa điểm cụ thể rõ ràng (có vẽ cả bản đồ) ở nước Irac nơi vùng Tây Nam Á châu bây giờ.
Tất cả những gì ghi chép trong sách Sáng Thế ký được hiểu theo nghĩa đen như thế đều hoàn toàn trái ngược với phát kiến khoa học của Corpecnic và tiếp đến là của Gallileo [1564 – 1642] Trái đất tự quay quanh mình một vòng 24 giờ và quay quanh mặt trời một vòng 365 ngày. Kiến thức khoa học ấy bây giờ ngay cả một học sinh cấp hai cũng biết. Ấy vậy mà cách đây bốn thế kỷ đó là một sự kiện long trời lở đất. Phản ứng của giáo hội thời đó thật là gay gắt, Gallileo chỉ chút nữa đã bị đưa lên giàn thiêu. Mặc dầu vậy trong vấn đề này: Trái đất có là trung tâm hay không, cho đến nay khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên thiên văn vô cùng tiến bộ, khám phá ra vô vàn vô số thiên hà cách xa trái đất hàng tỉ năm ánh sáng thì dường như đức tin Kitô giáo vẫn vậy …chẳng có chi thay đổi, vẫn là một thử thách không thể vượt qua.
Sau khi cơ quan hàng không vũ trụ NASA phát hiện ra sự sống trên Sao Hỏa thì các giáo hội Kitô đã đồng loạt lên tiếng. Ông John Polkinghome một giới chức Anh giáo và là giám đốc Queens College trả lời báo The Guardian “Tranh luận trong giới tôn giáo về sự sống trên các hành tinh khác đã kéo dài từ bao thế kỷ nay. Vấn đề đặt ra như sau: nếu đức Kitô chết để chuộc tội cho nhân loại vậy thì những người ở hành tinh khác sẽ ra sao, liệu họ có được cứu chuộc không ? Nếu họ cũng cần cứu độ thì Thiên Chúa cũng mặc lấy xác phàm của họ như đã mặc lấy xác loài người hay chăng” (Xem TB CG&DT số 1073 ngày 15-9-1996)
Nguyên nhân đưa đến sự tranh cãi dằng dai cả mấy thế kỷ của giới khoa học và giới tôn giáo mà vẫn không thể giải quyết đó là vì chẳng bên nào chịu nhận ra được bản chất thực sự của việc cứu độ rằng cứu cái gì ? Cứu cách sao? v..v. Giáo hội một mặt vẫn ra sức chống đỡ, mặt khác đức tin vẫn cứ đội nón ra đi không hề ngoái lại. Ngoài ra đức tin còn phải đối mặt với một thế lực khác nguy hại không kém đó là học thuyết tiến hóa.
2/- Về mặt tiến hóa
Nếu phát kiến hệ nhật tâm của Corpecnic là cuộc cách mạng trong thiên văn thì Darwin với thuyết tiến hóa là cách mạng trong sinh học. Thật vậy trước Darwin [1809-1882] tư tưởng duy tâm tôn giáo thống ngự trên khắp các lãnh vực từ triết học cho tới sinh vật học với quan điểm cho rằng toàn thể vạn vật trong đó có cả con người đều đã được Thiên Chúa tạo dựng cùng một lần và chúng không hề có sự biến đổi nào qua không gian và thời gian. Adam và Eva là hai người nam và nữ đầu tiên đã sống trên trái đất này cùng với núi non sông ngòi chim muông thú vật v..v. Cũng chính bởi tin tưởng Adam là con người bằng xương bằng thịt thế nên căn cứ vào gia phả đã được ghi chép mà người ta định ra niên đại của vũ trụ chỉ mới được tạo dựng trước công nguyên có 4923 năm. Niên đại này quá nhỏ nhoi so với lịch sử năm tỷ năm của trái đất. Mặc dầu vậy giáo hội thời đó cũng không cho phép bất cứ ai được nói khác: Trong quyển “Lịch sử vạn vật” Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 (Bảy mươi ngàn) năm thế mà đã bị coi là một xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán, khi Darwin chết người ta còn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng 4923 năm trước kỷ nguyên và cuốn tự điển Larouse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường (N.V. Thọ – Le Comte du Nouy và học thuyết viễn đích)
Thật ra trước Darwin đã có Lamark (1744-1929) nhà khoa học tự nhiên người Pháp nổi tiếng với tác phẩm “Triết học về động vật học”. Trong đó nêu luận chứng cho rằng “sự thay đổi của môi trường bên ngoài dẫn tới sự xuất hiện những tính chất mới của sinh vật và những tính chất mới này được di truyền lại”. Đây là một quan điểm rất mới và hoàn toàn khác với những điều người ta vẫn tin được chép trong sách sáng thế. Quan điểm của Lamark thời ấy đã rất chi là tiến bộ. Dẫu vậy ông vẫn bị coi là duy tâm khi chủ trương bản thân vật chất không thể vận động và sự phát triển của hữu sinh cũng như của vô sinh là tuân theo “mục đích nội tại của Thượng Đế”. Sau Lamarck nửa thế kỷ, “Học thuyết tiến hóa” chính thức ra mắt với tác phẩm có cái tựa khá dài “Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên hay là sự bảo tồn những dạng thích nghi trong đấu tranh sinh tồn”. Với tựa sách dài thậm thượt như vậy, gần như Darwin đã tóm lược toàn bộ học thuyết của mình.
Ở đây ta thấy thuyết Darwin hoàn toàn bác bỏ Đấng Thần Linh Tạo Hóa như là nguyên nhân sáng tạo vạn vật để thay thế vào đó là hai yếu tố. Một là chọn lọc tự nhiên và hai là đấu tranh sinh tồn. Thuyết tiến hóa tỏ rõ sức sống của nó được củng cố bằng những khám phá khoa học ngày càng nhiều trên khắp lãnh vực từ thiên văn cho đến địa chất. Từ sinh vật học cho đến di truyền học v.v…Với hoàn cảnh rất ư bất lợi cho đức tin như thế giáo hội cuối cùng đã phải xoay chiều “Trong một Thông điệp tháng 8 năm 1950, ĐGH Pio XII tuyên bố giáo dân được học thuyết tiến hóa miễn là thuyết ấy chỉ tìm căn nguyên thể xác con người trong một sinh cơ tiền tại và từ đầu thế kỷ XX thay vì dùng Thánh Kinh để phi bác thuyết tiến hóa, các nhà biện giải TK ngược lại đã cố giải thích TK cho phù hợp với các khám phá khoa học” (N.v.Thọ. SĐD)
Sau biết bao nỗ lực giải thích TK cho phù hợp với khoa học. Có một thực tế này là đức tin vào sự hiện hữu của một Đấng Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, và của Giacop (Lc 23,37) đã biến mất để nhường chỗ cho những khái niệm chết khô về Ngài. Pierre Teilhard de Chardin, một linh mục, một chuyên gia địa chất học, sinh vật học lỗi lạc đã phát biểu về đức tin thế này “Tôi tin rằng cuộc tiến hóa này tiến tới thần linh. Tôi tin rằng Thần Linh sẽ kết thúc trong Thượng Đế hữu ngã. Tôi tin rằng Thượng Đế hữu ngã tuyệt đối là đấng Christ đại đồng phổ quát” (Georges Magloire. T. de Chardin)
Tin rằng tiến hóa sẽ dẫn tới Thần Linh. Điều ấy chứng tỏ cái gì nếu chẳng phải là đã đương nhiên bác bỏ tôn giáo và cách riêng là phủ nhận vai trò cứu độ của Đức Kitô khi Ngài nói “Ta là đường là sự thật Và là sự sống, Không ai đến được với CHA mà không qua Thầy” (Ga, 14,6). Cuộc khủng khoảng đức tin hiện nay xét cho kỹ đó là hậu quả gây ra do việc dung hòa đức tin và khoa học của Thần học duy lý cách nay hàng ngàn năm.
Phùng Văn Hóa