5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 03-2023

 

05/03/23 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – A
Mt 17,1-9

 

VINH QUANG CỦA CHÚA

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Qua sự kiện biến hình, Chúa Giê-su cho ba môn đệ thấy trước vinh quang của Ngài là để củng cố đức tin của các ông. Ngày hôm nay Chúa Giê-su tiếp tục củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của ta khi cho bánh và rượu trở thành Thịt Máu Ngài trên bàn thờ mỗi ngày. Ngài tiếp tục bày tỏ vinh quang của mình cho những ai có lòng tin. Là người nhận lãnh ánh sáng vinh quang của Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải phản chiếu ánh sáng vinh quang ấy cho người khác qua chính đời sống tốt đẹp của mình.

Mời Bạn: Trên bàn thờ Thập giá Chúa Giê-su đã cho đi sự sống mình để cứu độ nhân loại. Để ở với và nuôi sống nhân loại, Ngài tiếp tục cho đi chính Thân Mình Ngài mỗi ngày. Vì vậy, cả con người và cuộc sống của bạn đều là ân huệ Chúa ban. Bạn hãy nỗ lực sống thế nào để người khác nhận ra vinh quang của Ngài chiếu tỏa nơi bạn, như một cử chỉ đền đáp ân tình của Ngài.

Chia sẻ: Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi mọi người hoán cải, canh tân đời sống để đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Bạn và tôi sẽ sống thế nào để được biến đổi trong Chúa?

Sống Lời Chúa: Nỗ lực sống tốt trong mùa Chay để đẹp lòng Thiên Chúa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng đời sống chúng con là ân huệ Chúa thương ban. Chúng con xin dành trọn cuộc đời mình để tán tụng, tri ân và ngợi khen Chúa. Amen.

 

06/03/23 THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lc 6,36-38

 

HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Suy niệm: Để được vào Nước Trời thì có tới tám con đường là Tám Mối Phúc Thật, nhưng đích điểm thì chỉ có một, đó là Thiên Chúa. Thiên Chúa thì phong phú vô biên vô cùng, nhưng trình bày cho chúng ta dung mạo của Cha Ngài thì Chúa Giê-su chỉ tô đậm có một nét: Thiên Chúa là Đấng nhân từ; và Ngài dạy chúng ta nên giống Chúa Cha ở nét ấy: “nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ”. Như thế, Chúa Giê-su cho biết chính Thiên Chúa Cha, Đấng nhân từ hay thương xót là đỉnh cao lý tưởng cho ơn gọi nên thánh của chúng ta. Một cách thực hành, “nhân từ như Chúa” cũng có nghĩa là không giữ mãi oán thù, kết án nghiệt ngã cho nhau, nhưng biết bao dung, tha thứ và sống quảng đại với nhau. Thiên Chúa “không ai thấy bao giờ” (Ga 6,46), dạy chúng ta hãy vâng nghe lời Con yêu dấu của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), chính Ngài đã nêu gương “nhân từ như Chúa” qua cuộc sống, lời rao giảng và nhất là qua cuộc khổ nạn của Ngài.

Mời Bạn: Hiển nhiên, để “nhân từ như Chúa” theo gương Đức Ki-tô, không có cách nào khác hơn là học biết Ngài qua Kinh Thánh, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô” (thánh Giê-rô-ni-mô). Bạn đã coi việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa như phương thế không thể thiếu cho con đường nên thánh của mình hay chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn quyết tâm luôn trung thành với việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết lắng nghe, biết suy niệm và thực hành lời Chúa dạy trong mỗi ngày sống của chúng con. Amen.

 

07/03/23 THỨ BA TUẦN 2 MC
Th. Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta, tử đạo
Mt 23,1-12

 

NÓI VÀ LÀM

“Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23,3)

Suy niệm: Ông bà ta thường nói: ‘Trăm voi không được bát nước xáo’ để chê trách những người nói thì ba hoa khoác lác còn hành động thì không có gì. Chúa Giê-su nhiều lần lên án các kinh sư và phái Pha-ri-sêu về điều này. Hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ luật, nắm rõ luật, và còn có quyền giải thích luật. Thế nhưng, họ “chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,46). Chúa Giê-su dạy tuân giữ những điều họ nói, vì thế giá của chính Lề Luật, mà còn vì thẩm quyền của họ, là những người “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy”. Đồng thời phải biết phân định để đừng học theo lối sống của họ.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta đều cần tự vấn: Liệu có khi nào tôi cũng trở thành một kẻ nói mà không làm không? Có khi nào tôi dễ dàng đưa ra những lời khuyên đạo đức, nhưng lại không nghĩ mình phải là người đầu tiên thực hiện không? Ngạn ngữ La-tinh có câu: ‘Verba volant, scripta manent’ (tạm dịch: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo). Là môn đệ Chúa chỉ nói suông ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà thôi là chưa đủ, mà phải thực hành ý Chúa Cha nữa, thì mới xứng đáng được vào Nước Trời (x. Mt 7,21).

Sống Lời Chúa: Khi suy niệm Lời Chúa hằng ngày, bạn luôn đề ra một quyết tâm để thực hiện theo Lời Chúa dạy, và cuối ngày bạn kiểm điểm xem mình đã thực hiện điều quyết tâm đó thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa lời nói và việc làm là một khoảng cách rất xa. Xin Chúa thêm sức để chúng con tập cho mình có thói quen nói Lời chúa và sống như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

08/03/23 THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ
Mt 20,17-28

 

QUYỀN BÍNH CỐT ĐỂ PHỤC VỤ

“Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26)

Suy niệm: “Quyền lực dẫn đến tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Quyền lực được tạo ra với chủ đích mang lại thiện ích chung cho con người. Nhưng bản chất của quyền lực lại là thứ gây nghiện, khi dùng “quá liều” trở thành thuốc độc giết chết nhân cách con người với những hậu họa khôn lường: nhẹ thì áp đặt, thống trị, nặng đưa đến phá hủy, giết chết. Chúa Giê-su khuyên các môn đệ tránh chuyện tranh giành quyền lực, càng không nên theo kiểu thế gian là lấy quyền để “hành”, để “trị” người khác, nhưng để phục vụ, thậm chí đến mức hy sinh cả mạng sống mình (x. Mt 20,28). Lời khuyên ấy giúp ta hiểu rằng quyền bính trong lãnh đạo là lối hành xử, là năng lực để xây dựng, phát triển chứ không phải là để đè bẹp, hạ bệ kẻ khác.

Mời Bạn: Bàn tay của quyền lực thường đi đôi với hủy diệt, bàn tay của tình yêu luôn đầy sáng tạo” (Sri Chinmoy). Hành xử kiểu chuyên chế, thống trị và đè bẹp là dạng thức quen thuộc của những nhà độc tài. Ở đó không có chỗ cho sự phát triển nhân cách nhưng trái lại, hủy diệt. ‘Dùng quyền để phục vụ’ vừa thỏa sức sáng tạo, vừa mang lại giá trị tích cực cho ta; đồng thời đó là cách Chúa Giê-su mời bạn sống trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài giá trị nhân văn, đời sống ấy còn mang lại cho bạn những giá trị thiêng liêng cao quí phù hợp với Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn phận sự của mình hằng ngày cách vui tươi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Amen.

(Kinh Hòa Bình)

 

09/03/23 THỨ NĂM TUẦN 2 MC
Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na, nữ tu
Lc 16,19-31

 

LẤP ĐẦY VỰC THẲM

Con ơi, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.(Lc 16,26)

Suy niệm: Điểm đáng lưu ý trong dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô không phải sự khác biệt mà là điểm tương đồng trong thân phận của hai người: đó là cả hai người cuối cùng đều chết; và tiếp đến nếu những thức ăn thừa mứa rớt xuống từ bàn ăn của ông nhà giàu không thể đến được tay La-da-rô thì ngược lại một giọt nước mát từ ngón tay La-da-rô đang ngồi trong lòng Áp-ra-ham cũng không thể nhỏ xuống đầu lưỡi của ông nhà giàu trong âm phủ. Trong xã hội văn minh hiện đại vẫn tồn tại thứ vực thẳm ngăn cách ấy nhưng lớn hơn nhiều: bờ bên này vực thẳm là những người ăn một tô súp giá 100 đô với những thìa muỗng mạ vàng, bờ bên kia là những người bới móc trong các núi rác tìm kiếm những mảnh thức ăn thừa. Nếu như ngay trong thế giới này không san lấp được vực thẳm ấy, thì nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong thế giới bên kia với số phận đôi bên bị đảo ngược; lúc ấy “bên ni muốn qua bên nớ” cũng không thể được nữa.

Mời Bạn: Dù bạn chưa phải là tỷ phú, bạn cũng có thể vô tình hay hữu ý đào ra những hố ngăn cách kiểu đó giữa bạn với tha nhân do lối sống hưởng thụ ích kỷ của mình. Bạn hãy san lấp những hố ngăn cách đó bằng một lối sống biết chia sẻ với tha nhân vì theo lời thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, “người giàu không phải là người sở hữu nhiều của cải mà là người có khả năng cho đi.”

Sống Lời Chúa: Trích một phần thu nhập của mình để dành vào việc chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng chia sẻ để con trở nên giống Đức Giê-su, Con Chí Ái Chúa hơn.

 

10/03/23 THỨ SÁU TUẦN 2 MC
Mt 21,33-43.45-46

 

SINH HOA LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)

Suy niệm: Ngôn sứ I-sai-a đã ví dân Do Thái, dân riêng của Chúa, như một vườn nho quý giá được Ngài yêu thương chăm sóc một cách thật đặc biệt. Tiếc thay, vườn nho ấy bị tàn phá tan hoang, cây nho quý bị thoái hoá trở thành nho dại (x. Is 5,1-7; Tv 79,13-14). Hôm nay, Chúa Giê-su kể lại bài ca vườn nho ấy bằng một dụ ngôn và Ngài cho biết thảm trạng ấy là do bàn tay của các tá điền, chẳng những làm cho vườn nho hoang tàn mà còn dã tâm chiếm đoạt cả vườn nho nữa. Ông chủ vườn nho đã ra quyết định tối hậu đối với bọn tá điền hung ác, ám chỉ những người lãnh đạo Do Thái đương thời, đồng thời cũng là thông điệp cho mỗi người chúng ta trong thời đại này: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta là một cành nho, đồng thời là tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa là Hội thánh. Chúng ta được mời gọi nên thánh và được sai đi để “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”. Hãy là những sứ giả đem Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô đến những người mà bạn gặp gỡ trong cuộc sống hôm nay.

Sống Lời Chúa: Là công dân Nước Trời, bạn tận tâm phục vụ những người mà bạn có bổn phận phải chăm sóc với ý hướng “sinh lợi cho Nước Thiên Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cám ơn Chúa cho chúng con được là con dân Nước Chúa, và chúng con có bổn phận làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Xin ban thêm niềm tin và lòng yêu mến Chúa trong tâm hồn chúng con để suy nghĩ, cử chỉ, hành động của chúng con nên khí cụ kiến tạo Nước Chúa!

 

11/03/23 THỨ BẢY TUẦN 1 MC
Lc 15,1-3.11-32

 

tấm lòng người cha nhân lành

“Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,25)

Suy niệm: “Tôi là một đứa con hoang đàng thời hiện đại.” Đó là định nghĩa của Cha P.X. Trần An, dòng Biển Đức, về chính mình. Thật vậy, từ một người nghiện cờ bạc, ma túy, rượu chè và tù tội, ngài đã hoán cải và hơn nữa, trở thành tông đồ cho những con người muốn từ bỏ đường tội lỗi để sống xứng đáng với phẩm giá con người. Người con hoang đàng trong bài dụ ngôn chỉ muốn được về nhà cha để làm một đầy tớ. Thế nhưng, người cha đã phục hồi tước vị người con cao quý cho anh. Chiếc áo dài tượng trưng cho sự tôn trọng; chiếc nhẫn tiêu biểu cho quyền bính; đôi giày là dấu chỉ tư thế người con -nô lệ không được mang giày. Thật ra, anh luôn là con, luôn có một chỗ cao trọng trong trái tim cha.

Mời Bạn: Người cha tha thứ cho con, ông không la mắng, cũng chẳng trách móc. Ông như quên đi tất cả quá khứ của con. Yêu thương luôn bao gồm tha thứ (forgive) và quên (forget). Vì thế, khi nào bạn vẫn đêm ngày ghi khắc lầm lỗi của một người thân quen, là dấu chắc chắn bạn chưa thật sự tha thứ!

Sống Lời Chúa: Nhìn lên mẫu gương của Thiên Chúa, người Cha nhân lành, để biết tha thứ lầm lỗi của một người xúc phạm đến mình, và tập quên, không nghĩ đến sự xúc phạm của họ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con cũng như người con hoang đàng khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con. Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Ước gì mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân. Amen.

(Rabbouni)

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts