5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 05-2022

22/05/22 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – C
Ga 14,23-29

 

BÌNH AN ĐÍCH THỰC

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)

Suy niệm: Một con người tài ba lỗi lạc như Napoléon mà cũng phải thốt lên: “Cách giữ lời hứa tốt nhất là đừng bao giờ hứa.” Có lẽ hơn ai hết ông cảm nghiệm được sâu xa tính cách bất toàn, hay thay đổi của con người chúng ta. Quả thực, nhiều khi chúng ta hứa mà không thực hiện điều mình đã hứa. Chúa Giê-su hứa với các môn đệ một lời hứa thật độc đáo: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không như thế gian ban tặng.” Đối với Chúa, giữa lời hứa với hiện thực không có khoảng cách. Đó mới là sự bình an đích thực, sự bình an trong tâm hồn của người đặt niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, sự bình an chúng ta có thể thấy nơi những ai “yêu mến và giữ lời của Thiên Chúa.”

Mời Bạn: Ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thứ bình an giả tạo xuất hiện với muôn hình vạn trạng làm cho chúng ta dễ bị lầm tưởng. Vì thế, phân biệt được đâu là bình an đích thực của Chúa ban tặng, đâu là thứ bình an giả tạo do chúng ta tạo ra thực sự là điều hết sức cần thiết. Để được bình an Chúa ban, bạn phải trả giá bằng cách hy sinh sự bình an giả tạo đời này, bạn ạ!

Chia sẻ: Lâu nay tôi và gia đình tôi sống trong sự bình an nào?

Sống Lời Chúa: Với tất cả những người mà bạn gặp gỡ, bạn hãy luôn cư xử cách vui tươi thân thiện bằng tình bác ái siêu nhiên thực sự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh hóa xin đổ tràn tâm hồn con gia đình con bình an của Chúa để chúng con có thể đem chia sẻ bình an ấy cho anh em con nữa.

 

23/05/22 THỨ HAI TUẦN 6 PS
Ga 15,26-16,4a

 

CÙNG VỚI THÁNH THẦN

Đức Giê-su nói: “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15,26-27)

Suy niệm: Báo chí và các chuyên viên đều đồng ý rằng bầu giáo hoàng là cuộc bầu cử khó tiên đoán nhất thế giới, chẳng hạn như việc Đức Gioan-Phaolô II đắc cử năm 1978. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta tin rằng có sự soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ngài được sai đến từ nơi Chúa Cha vẫn âm thầm hoạt động trong lòng mỗi người, trong lòng thế giới để làm chứng cho Đức Giê-su. Vấn đề là chúng ta có nhận ra, lắng nghe hay phớt lờ Ngài? Tông đồ Phê-rô rất xác tín về sự hiện diện tác động của Thánh Thần. Công thức quen thuộc của ngài: “Chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần ;” hoặc: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. Các tông đồ không hành động một mình, nhưng 24/24 giờ, các ngài nhận ra và làm mọi việc, bất kỳ lớn nhỏ, đều “cùng với Thánh Thần”.

Mời Bạn: Tự hỏi mình xem tại sao bạn thấy khó làm chứng cho Đức Ki-tô phục sinh, tại sao bạn ngại sống cho những giá trị của Tin Mừng như siêu thoát với của cải, từ bỏ, hy sinh… Phải chăng vì bạn quên mất sự hiện diện và ơn soi sáng nâng đỡ của Thánh Thần?

Chia sẻ: Gia đình tôi, nhóm của tôi… sẽ có những hoạt động cụ thể nào để làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh, cùng với Thánh Thần?

Sống Lời Chúa: Sáng sớm khi thức dậy, tôi sẽ dành vài phút dâng ngày cho Chúa, và nhớ ngày hôm nay làm mọi việc bổn phận, cùng với Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, cảm tạ Chúa luôn ngự trong tâm hồn chúng con, như người bạn thân thiết. Xin cho chúng con nhận biết và cùng hành động với Chúa. Amen.

 

24/05/22 THỨ BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11

 

THÁNH THẦN SOI SÁNG THẾ GIAN

“Khi Đấng Phù Trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,8)

Suy niệm: Trên thập giá, Đức Ki-tô hoàn tất công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha đã giao phó (x. Ga 19,30). Giờ đây, được tôn vinh ở bên hữu Thiên Chúa, Ngài sai Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, từ nơi Chúa Cha, đến với các môn đệ (x. Ga 15,26) để tiếp tục công việc cứu độ qua việc thánh hóa nhân loại. Chúa Giê-su báo trước khi Thánh Thần đến, Ngài không dạy gì ngoài việc “làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (x. Ga 15,26) và soi trí mở lòng giúp ta hiểu thấu những lời Đức Ki-tô đã dạy, để ta tuân giữ lời Ngài và nhờ đó sống tình thân với Chúa Cha như Đức Ki-tô đã sống.

Mời Bạn: Thánh Thần đưa dẫn ta đi vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su, để những ai tin Ngài thì được cứu thoát. Chỉ những ai ngoan ngoãn theo ơn soi sáng của Thánh Thần mới thấy rõ tội lỗi mình mà từ bỏ, nhờ đó được ơn hoán cải, được thánh hoá để cùng tham gia sứ vụ làm chứng nhân cho Đức Ki-tô phục sinh.

Chia sẻ: Theo bạn, bắt đầu cầu nguyện, các tín hữu đọc kinh Chúa Thánh Thần, là có ý nài xin Ngài ban ơn gì vậy?

Sống Lời Chúa: Trước mỗi việc làm bạn nhớ cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn phân định thánh ý Chúa và nhờ ơn Ngài trợ giúp bạn được thêm sức mạnh thực thi sứ vụ Chúa soi sáng cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin cho chúng con dám nhìn nhận tội lỗi của mình. Xin đổ mưa ơn thánh Chúa biến đổi chúng con trở nên người mới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Amen.

 

25/05/22 thừ TƯ TUẦN 6 PS

Th. Bê-đa khả kính, linh mục, tiến sĩ HT
Ga 16,12-15

 

ĐÓN NHẬN ÂN BAN THÁNH THẦN

“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,13)

Suy niệm: Món quà vô giá Chúa Phục sinh trao ban cho các môn đệ chính là Chúa Thánh Thần. Vô giá, vì nhờ Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới được dẫn tới sự thật toàn vẹn, được sống hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, cũng như hiệp thông với nhau trong tình yêu. Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí cho các môn đệ hiểu kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, được thực hiện cách trọn hảo nơi người Thầy chí thánh, cũng như giúp người môn đê nhận biết sự thật về Thiên Chúa và về chính bản thân mình. Ngài còn luôn hiệp hành với các ông, ban sức mạnh nâng đỡ, lôi kéo họ tới lối sống từ bỏ chính mình, hiến thân hy sinh để phụng sự cho Đấng là Sự Thật.

Mời Bạn: Ngày xưa nhờ việc mở lòng đón nhận, bàn hỏi, lắng nghe Chúa Thánh Thần trong mọi sự, các Tông đồ, dù yếu đuối mỏng giòn, vẫn bước đi trong đường lối của Thiên Chúa, làm cho Tin Mừng Phục sinh ngày càng lan rộng khắp nơi. Đó cũng là sứ vụ ngày nay, người Ki-tô hữu được mời gọi thực hiện để có thể chung lòng xây dựng một Hội thánh hiệp hành, có khả năng đem ơn cứu độ cho mọi người. Bạn có nghĩ như thế không?

Sống Lời Chúa: Trước khi bắt tay làm việc gì, bạn thực lòng xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ở lại và soi lòng mở trí cho chúng con. Xin giúp chúng con khiêm tốn lắng nghe, hăng hái thực thi ý Chúa. Nhờ đó, mỗi ngày chúng con được đến gần hơn với sự thật toàn vẹn, trở nên chiếc cầu nối kết Thiên Chúa với mọi người. Amen.

 

26/05/22 THỨ NĂM TUẦN 6 PS
Th. Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
Ga 16,16-20

 

QUA ĐAU KHỔ TỚI VINH QUANG

“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

Suy niệm: Còn nhớ một câu chuyện vui kể, một đoàn người cùng đi, mỗi người đều vác một cây thập giá. Có một anh nghĩ, sao mình không cắt cây thập giá của mình ngắn đi một chút nhỉ? Cho đỡ nặng! Nghĩ là làm, anh cắt cây thập giá của mình ngắn đi một đoạn. Cuối con đường gặp một con hào rộng bằng chính cây thập giá của mỗi người. Mọi người đều bắc cây thập giá của mình làm cầu để bước qua, nhưng anh thì không thể vì cây thập giá của anh quá ngắn. Mẩu chuyện vui nhưng diễn tả một sự thật: phải bước theo Đức Giê-su trên con đường hẹp, con đường đau khổ của thập giá để đến vinh quang với Ngài. Việc vui tươi đón nhận những đau khổ gặp trên đường đời, giúp thanh luyện chúng ta khỏi những tội lỗi, cho chúng ta được tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa và cùng được hưởng phần phúc chiến thắng vinh quang ấy của Đức Giê-su.

Mời Bạn: Có nhiều đau khổ trong đời không mời cũng đến. Bạn có phải là người né tránh đau khổ với bất cứ giá nào không? Bạn đón nhận những thách đố và đau khổ trong đời sống thế nào? ĐTC Phan-xi-cô động viên chúng ta: “Đức tin của chúng ta được thách đố để thấy rượu mà trong đó nước sẽ được biến đổi, để khám phá ra hạt lúa mọc giữa cỏ dại” (Niềm Vui Tin Mừng, số 84).

Chia sẻ về một kinh nghiệm đã đón nhận và vượt qua đau khổ của bạn.

Sống Lời Chúa: Đón nhận những đau khổ tự nhiên (thời tiết, bệnh tật…) cách nhẫn nại, vui tươi và bác ái, nhất là với những người đang chịu đau khổ vì mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết yêu mến và vui tươi đón nhận thập giá Chúa trao mỗi ngày. Amen.

 

27/05/22 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Ga 16,20-23a

 

NIỀM VUI KHÔNG AI LẤY MẤT

“Niềm vui của anh em không ai lấy mất được.” (Ga 16,22)

Suy niệm: Niềm vui đích thực, trọn vẹn, chính là niềm vui Chúa Ki-tô ban tặng cho ta sau Ngài khi sống lại từ cõi chết. Niềm vui ấy có tính trường cửu, tối hậu, vì một khi Chúa chiến thắng tử thần, không ai hoặc không thứ gì có thể cướp được nữa. Sống thời hậu-phục-sinh của Chúa Ki-tô là ta đang thừa kế, nếm cảm phần nào niềm vui ấy. Thế nhưng, cũng như với các môn đệ ngày xưa, đó không phải là niềm vui dễ dãi, rẻ tiền, mà phải trải qua lắm đau khổ mới cảm nếm được niềm vui. Tựa như người mẹ đau đớn khi sinh con, nhưng khi đứa con ra đời, chỉ thấy niềm vui, không nhớ gì đến chuyện đau buồn nữa. Cũng vậy, chỉ khi nào chấp nhận quên mình hy sinh, cho đi sự sống, vui vẻ trao ban, ta mới có thể trải nghiệm niềm vui sâu lắng trong tâm hồn, thanh thản trên khuôn mặt, do Đấng Phục sinh ban tặng. 

Mời Bạn: Ước gì lời hứa của Chúa về việc ban niềm vui vĩnh cửu, không ai lấy mất được ấy, nâng đỡ bạn trong lúc gian nan, khủng hoảng: nỗi buồn sẽ qua đi, niềm vui sẽ kéo dài mãi. Lời hứa ấy đồng thời cũng là lời nhắc nhở bạn chưa hoàn toàn có được niềm vui đời đời ấy, vì bạn đang còn ở trong thế gian, đang phải chiến đấu với bóng tối của sự dữ, tội lỗi, đau khổ…

Sống Lời Chúa: Dấu hiệu bạn tin vào Đức Ki-tô là bạn luôn vui tươi và lan toả niềm vui đó cho tất cả những ai tiếp xúc với bạn. Mỗi khi bắt đầu một ngày sống, bạn hãy nhắc mình điều đó để thực hiện trong ngày.

Cầu nguyện: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.” Lạy Chúa, ước gì lời này luôn nâng đỡ, khích lệ con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen.

 

28/05/22 THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28

 

CẦU XIN NHÂN DANH THẦY

“Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” (Ga 16,23b)

Suy niệm: Thầy Giê-su nhắn nhủ các môn đệ những lời này trước khi chịu khổ hình và phục sinh. Người là Đấng Trung gian giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Nói đúng hơn, nơi Ngài, trời và đất hội tụ; nơi Ngài nhân loại được qui tụ thành một gia đình, có Thiên Chúa là Cha. Ngài còn là bạn, một người bạn quyền thế, có thể đáp lời bạn không mệt mỏi, người mà bạn có thể gõ cửa, “làm phiền” bất kỳ lúc nào, không ngại ngùng (x. Lc 11,5-13). Đây là “mối quan hệ tình bạn với Đấng mà chúng ta biết Ngài và Ngài yêu thương chúng ta” (Th. Têrêxa Giêsu). Cầu nguyện là một công việc đòi hỏi sự kiên định, quyết tâm và không hổ thẹn, vì chúng ta cầu nguyện cùng với và “nhân danh” Thầy Giê-su (cc. 23.26).

Mời bạn: Anh em cứ xin thì sẽ được…” (Lc 11,9). Bạn nhận thấy lời hứa này của Thầy Giê-su ứng nghiệm thế nào trong cuộc sống thường ngày của mình? Luôn luôn đúng? Phải chăng có lắm khi bạn cầu xin mà không được? Bạn à, bạn và tôi cần xem lại mối tương giao giữa mình với Chúa. Lời thánh Têrêxa Avila có thể soi sáng cho bạn và tôi thấy rõ hơn: “Mọi người thấy khó khăn khi cầu nguyện, nguyên nhân là họ cầu nguyện như thể không có Thiên Chúa ở đó vậy.

Sống Lời Chúa: Tìm đến và thinh lặng trước Thánh Thể hay Thánh giá Chúa, thưa với Chúa những vấn đề của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thường hay kêu cầu điều này điều kia, mà quên rằng Chúa là người bạn luôn chờ con đến ở lại, chuyện trò với con. Xin cho con dành một khoảng thời gian riêng tư với Chúa trong ngày qua việc tham dự Thánh lễ và cầu nguyện riêng. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts