Em.
Tôi đậu nhà Em một tuần. Em có một đứa con trai ba tuổi. Em lại sắp có một đứa con nữa. Em rất vui vẻ, hồn nhiên. Em niềm nở với tôi:
– Tối hôm nay có văn công về chiếu phim. Anh Tám đi coi không? Em đưa anh đi.
– Tôi nghĩ là không nên đi.
– Anh sợ người ta ăn hiếp hả? Có Em mờ!
Tôi nghĩ thầm trong bụng: Em rất hạnh phúc với chồng, với con. Có lẽ chồng Em là một người có địa vị trong xã hội đang đi công tác ở trên huyện, hoặc trên tỉnh gì đó. Thấy Em vui, tôi cũng vui lây.
Thế rồi, có rất đông người đến họp ở nhà Em. Tôi hỏi có chuyện gì thế, thì Em khinh khỉnh, không thèm trả lời. Tôi tò mò theo dõi…Thì ra cha Em mời chánh quyền xã và bà con lối xóm để xử vụ án Cán bộ hủ hoá vợ liệt sỹ. Anh cán bộ trẻ tuyên bố một cách thành khẩn:
– Con nhìn nhận là con sai gắt. Bây giờ cấp trên phạt cái gì, thì con cũng chịu hết. Con chỉ xin một điều là đừng đưa con ra tập thể.
– Đồng chí có vợ thì không thể cưới con Kim Em được. Nhưng phải bồi thường để nó nuôi con.
– Con Kim Em là vợ liệt sĩ, nên phải bồi thường xứng đáng.
-Thì nhiêu? Mẹ anh cán bộ trẻ hỏi.
– Cả hai đứa đều sai hết. Bây giờ chỉ lo cho đứa con thôi. Trước hết là hai tạ than cho con Kim Em sanh. Sau đó là hai chục giạ lúa để nó nuôi con cho tới khi đi làm được.
Cãi qua cãi lại rồi kết thúc vẫn là hai tạ than và hai chục giạ lúa. Ai nấy ra về, cười nói vui vẻ. Còn Em thì lỉnh đi đau mất tiêu.
Tôi ra bờ kinh, thơ thẩn một mình, nghĩ mông lung về một cuộc đời và một nếp sống xa lạ.
1. Tôi đến nhà Em vào một buổi chiều thật đẹp. Còn hai tuần nữa mới Tết, nhưng lòng người đã rộn lên niềm vui. Lúa đầy bồ. Cá đầy đìa. Cha Em ân cần hỏi thăm người khách không mời mà tới:
– Chú ở tận đâu lận?
– Tôi ở gần lắm, ở ngay vàm Bào Trấu đây thôi.
– Chú làm nghề gì?
– Tôi làm linh mục. Bà con thường kêu là ông cha.
– À, vậy là làm lớn dự ạ. Tui bây phải kêu bằng chú đang hoàng nghen! Hỗn láo là hổng được a!
Cha Em dạy tụi Em như thế. Vậy mà Em cứ kêu tôi bằng anh ngọt sớt. Ban đầu tôi nghĩ rằng Em là người vui tính. Từ sau “Vụ xử”, tôi lại nghĩ khác. Chồng Em mới hy sinh chưa được hai năm, Em đã tằng tịu với người có vợ và có bầu được sáu tháng. Chỉ còn ba tháng nữa Em sẽ phải nằm than, thế mà Em lại rủ tôi đi coi chiếu bóng, không một chút mặc cảm nào hết. Tỉnh bơ!
Em lấy chồng, sanh con, đó là chuyện muôn đời của thế sự. Văn hoá đông, tây, kim cổ đều coi trọng hôn nhân. Luật và lệ đan móc lấy nhau chằng chịt để hôn nhân bền vững. Hôn nhân, gia phong, dòng tộc, tam cương, trực hệ, bàng hệ…trăm năm hạnh phúc, keo sơn, sắt cầm… Đều là những từ ngữ, những ý niệm, những luật lệ làm đẹp cho đời sống hôn nhân. Thế mà Em đã lấy chồng, đã sanh con, em lại có bầu với người có vợ…tỉnh queo như con gà mái ăn quẩn quanh bên cạnh con gà trống.
2. Ngoại tình là một trọng tội, là khởi đầu của biết bao nhiêu nỗi bất hạnh đổ xuống trên một gia đình. Em hãy nghĩ đến người đối tác của Em. Vợ anh ta sẽ phải khóc vật vã. Vợ chồng Em nặng lời nhau, chửi mắng nhau. Một bầy con ngơ ngác, oà khóc theo mẹ. Công việc gia đình bê trễ. Chẳng ai muốn làm việc. Trẻ em chẳng muốn đi học. Nội ngoại bu vào, kẻ bênh bên đây, người bênh bên kia. Tình nghĩa sui gia lạnh lẽo, rã rời…Và biết đâu đấy, một ngày nào đó, vợ chồng phải ly tán. Mấy đứa trẻ vô tội phải rơi vào cảnh khổ hơn mồ côi.
Nếu Em không thể ở vậy nuôi con, thì Em cứ bước thêm một bước nữa, một cách hợp pháp. Nhưng hãy bước một cách cẩn trọng, chuẩn bị kỹ càng để hai đứa con của Em phải được người cha kế yêu thương đùm bọc như con ruột, hoặc gần như thế. Em hãy lãnh lấy mọi thiệt thòi, để hai đứa con của Em được nuôi nấng và giáo dục chu đáo. Chính chúng nó sẽ rửa sạch lỗi lầm của Em.
Thành thật mà nói, nếu có người đàn ông nào chân thành yêu Em, muốn cưới Em, thì người đó cũng sẽ yêu hai đứa con của Em. Dù sao, Em vẫn phải yêu cầu người ấy: “Nếu anh yêu Em thì xin anh yêu cả hai giọt máu này của Em.Xin anh thương chúng nó như con của anh. Nếu không thì…Em ở vậy thôi”
3. Tôi không hài lòng chút nào về “vụ xử” của Em. Anh cán bộ trẻ sai lầm: đúng. Em cũng sai lầm:đúng. Nhưng đứa bé ở trong bụng Em không hề có một sai lầm nào hết. Nó đã là người, nó có quyền được yêu thương, được nuôi nấng và dạy dỗ cho đến khi trưởng thành. Vậy mà xã hội chỉ yêu cầu cha nó đóng góp vào công việc ca cả này hai tạ than và hai mươi giạ lúa. Hai tạ than và hai mươi giạ lứa là số vốn nhân đạo! Người đàn ông trong trường hợp này không còn là đấng nam nhi oai phong lẫm liệt nữa. Hắm chỉ là một thằng đực chạy rông, không hơn không kém.
4. Em sẽ nằm than. Tôi đem chuyện này kể cho một nữ bác sĩ. Bà cười. Có thể bà cười, vì bà thấy tôi ngơ ngác. Nhưng cũng có thể bà cười, vì Em còn lạc hậu.
Nồi than dưới gầm giường sẽ làm ấm thân thể của Em. Nhưng nó cũng ngốn hết một lượng oxy khá lớn trong căn buồng vừa chật hẹp vừa bít bùng của người đàn bà đẻ. Cả mẹ lẫn con đều bị nhốt trong một môi trường đã bị ô nhiễm bởi khí Cacbônic được thải ra từ 120kg than đước.
Em.
Đang lúc tôi viết cho Em, thì có một người dẫn một em gái đến nhờ tôi giúp đỡ.
– Hoàn cảnh của em này thế nào?
– Nó học hết lớp năm, cha ghẻ nó bắt nghỉ, vì không có tiền mua tập cho nó. Xin cha giúp.
– Một cuốn tập chỉ tốn mười ngàn rưỡi. Cha nó một ngày uống hết một lít rượu bốn ngàn đồng, hút hết một gói thuốc Samson hai ngàn đồng. Như vậy không phải vì nghèo, vì là cha ghẻ.
– Bởi vậy…
Em nghĩ sao?
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu