Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý lấy từ Kinh Tin Kính: Chúa Giêsu “đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”. Dùng trình thuật của Thánh sử Luca Đức Thánh Cha nói: Cuộc sống dương thế của Đức Giêsu đạt tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là khi Người từ trần gian này về với Thiên Chúa Cha và được nâng lên bên hữu Người. Phúc Âm Thánh Luca kể như sau: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51).
Đức Thánh Cha giải thích: Khi Người “lên” Thành Thánh, nơi sẽ thành toàn cuộc “xuất hành” của Người khỏi đời này, Chúa Giêsu đã trông thấy đích điểm là Trời, nhưng Người biết rõ là con đường đem Người trở về với vinh quang của Thiên Chúa Cha, đi qua Thập Giá, đi qua sự vâng phục chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định rằng “việc nâng cao lên trên thập giá có nghĩa và loan báo việc nâng cao của việc lên trời” (số 661). Cả chúng ta nữa cũng phải biết rõ rằng trong cuộc sống Kitô của mình việc bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa đòi hỏi hy sinh, đôi khi đòi hỏi thay đổi các chương trình của chúng ta. Việc lên trời của Chúa Giêsu xảy ra một cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi Chúa đã rút lui vào để cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, để sống trong sự kết hiệp xâu xa với Thiên Chúa Cha: một lần nữa, chúng ta thấy rằng lời cầu nguyện ban cho chúng ta ơn thánh giúp sống trung thành với chương trình của Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói: Vào cuối Phúc Âm Thánh sử Luca kể lại biến cố Lên Trời một cách rất ngắn gọn. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ ra ngoài về phía Bêtania và Người giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi chúc lành cho họ, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời. Bấy giờ các ông bái lậy Người, rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,50-53).
Đức Thánh Cha ghi nhận hai yếu tố của trình thuật và nói: Trước hết, trong khi lên Trời Chúa Giêsu thành toàn cử chỉ chúc lành của linh mục và chắc chắn các môn đệ diễn tả đức tin của mình với cử chỉ phủ phục, quỳ gối và cúi đầu. Đây là một điểm quan trọng đầu tiên: Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất và đời đời với cuộc khổ nạn của mình đã đi qua cái chết và mồ chôn, đã phục sinh và lên Trời; Người ở bên Thiên Chúa Cha, nơi Người luôn mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9,24). Như Thánh Gioan khẳng định trong thư thứ nhất: Người là trạng sư của chúng ta. Thật là đẹp biết bao khi nghe điều này! Khi một người bị thẩm phán mời hay phải ra toà, điều đầu tiên phải làm là tìm một trạng sư để bênh vực mình. Chúng ta có một trạng sư luôn luôn bênh vực chúng ta, Người bênh vực chúng ta khỏi các xách nhiễu của quỷ dữ, Người bênh vực chúng ta khỏi chính chúng ta, khỏi các tội lỗi của chúng ta. Anh chị em rất thân mến, chúng ta có trạng sự đó: chúng ta đừng sợ hãi đến với Người và xin lỗi, xin phước lành, xin lòng thương xót! Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là trạng sư của chúng ta: Người luôn luôn bênh vực chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó.
Như thế, việc Chúa Giêsu lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại trao ban an ủi đối với con đường đời ta: trong Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, nhân loại đã được đem lên gần Thiên Chúa; Người đã mở lối cho chúng ta; Người giống như người dẫn đầu toán leo núi, đã lên tới đỉnh và kéo chúng ta lên, bằng cách dẫn đưa chúng ta tới với Thiên Chúa. Nếu chúng ta tín thác cuộc sống chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho Người hướng dẫn chúng ta thì đúng thật là chúng ta ở trong các bàn tay chắc chắn.
Có một yếu tố thứ hai: Thánh sử Luca kể rằng các Tông đồ, sau khi đã nhìn thấy Chúa Giêsu lên Trời, họ trở lại Giêrusalem “với niềm vui lớn”. Điều này xem ra hơi lạ. Nói chung, khi chúng ta chia tay các người thân trong gia đình hay bạn hữu, để ra đi vĩnh viễn và nhất là vì cái chết, có sự buồn sầu tự nhiên, bởi vì chúng ta sẽ không trông thấy mặt họ nữa, chúng ta sẽ không lắng nghe được tiếng của họ nữa, chúng ta sẽ không còn có thể hưởng nếm sự trìu mến và sự hiện diện của họ nữa. Trái lại, Thánh sử nêu bật niềm vui sâu xa của các Tông đồ. Tại sao vậy? Chính bởi vì với cái nhìn của đức tin các vị hiểu rằng, cho dù khuất mắt họ, Chúa Giêsu vẫn luôn luôn ở với họ, Người không bỏ họ và trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người nâng đỡ, hướng dẫn và bầu cử cho họ.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Ở đầu sách Công vụ Tông đồ, Thánh sử Luca cũng kể lại việc lên Trời để nhấn mạnh rằng biến cố này giống như vòng xích nối liền cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Giáo Hội. Ở đây, Thánh Luca cũng nêu bật áng mây che phủ Chúa Giêsu khỏi cái nhìn của các môn đệ, còn đứng đó để chiêm ngưỡng Chúa Kitô lên trời về với Thiên Chúa Cha (x. Cv 1,9-10), Khi đó có hai người mặc áo trắng can thiệp mời các vị đừng ở yên bất động nhìn trời, nhưng hãy dưỡng nuôi cuộc sống mình và làm chứng cho sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong cùng một cách thức mà các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1,10-11).
Đức Thánh Cha giải thích lời các thiên thần mời đoàn môn đệ: Đó là lời mời gọi ra đi từ việc chiêm ngưỡng quyền là Chúa của Đức Giêsu, để có từ Người sức mạnh đem Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày: chiêm ngắm và hành động, cầu nguyện và làm việc, như Thánh Biển Đức dạy, cả hai việc đều cần thiết cho cuộc sống Kitô của chúng ta.
Anh chị em thân mến, biến cố lên Trời không ám chỉ sự vắng mặt của Chúa Giêsu, mà nói với chúng ta rằng Người sống giữa chúng ta một cách mới mẻ; Người không còn ở trong một chỗ chính xác của thế giới như trước khi lên trời nữa. Giờ đây Người ở trong quyền là Chúa của Thiên Chúa, hiên diện trong mọi nơi mọi lúc, gần gũi từng người trong chúng ta. Trong cuộc sống chúng ta không bao giờ cô đơn: có Chúa chịu đóng đanh và phục sinh hướng dẫn chúng ta. Và với chúng ta có biết bao nhiêu anh chị em hằng ngày trong thinh lặng và kín ẩn, trong cuộc sống gia đình và làm việc, trong các vấn đề và các khó khăn của họ, trong những nỗi vui buồn và hy vọng của họ, họ sống đức tin mỗi ngày và cùng với chúng ta đem quyền là Chúa của tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới.
Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện và chúc mọi người có những ngày viếng thăm Roma tươi vui và bổ ích. Với đông đảo các bạn trẻ ngài xin Chúa Phục Sinh đổ tràn đầy tình yêu của Người trong trái tim họ để họ sẵn sàng hăng say theo Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa nâng đỡ các anh chị em đau yếu để họ chấp nhận gánh nặng của khổ đau với tâm hồn thanh thản. Ngài xin Chúa hướng dẫn các cặp vợ chồng mới cưới để gia đình họ lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách noi gương sống của Thánh Gia.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã đứng chào các giám mục và một số quan khách. Rồi ngài đi sang hai bên để bắt tay chào, nói chuyện và lắng nghe các tín hữu, cũng như hôn và thoa đầu các trẻ em, trong khi các bạn trẻ thì không ngừng gọi tên Đức Thánh Cha. Cũng có người tặng Đức Thánh Cha chiếc áo của đội bóng đá Argentina.
Khi xe díp chở ngài xuống khỏi thềm Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha bảo tài xế dừng xe để ngài xuống bắt tay chào các người tàn tật ngồi trên các xe lăn. Ngài hỏi thăm, an ủi và chúc lành cho họ. Có một em bé mù ban đầu không chịu để cho Đức Thánh Cha hôn nhưng sau đó quàng tay ôm cổ Đức Thánh Cha và không muốn rời ngài nữa. Ngài cũng đã ôm hôn nhiều người tàn tật khiến cho giới trẻ lại càng gọi tên Đức Thánh Cha to hơn.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV