Cùng Mẹ theo Chúa lên núi 40 ngày chay tịnh, nguyện cầu và thi hành bác ái:
Một bạn trẻ với tâm trạng buồn: “Tại sao con hết lòng cầu nguyện với Chúa từ lâu, cho con quen một người bạn trai tốt để tiến tới hôn nhân. Nhưng dường như ai cũng phản con. Người con quen nhiều nhất cũng chỉ được 13 tháng là bỏ con? Tại sao vậy? Con cầu Chúa điều đó cả mấy năm rồi, đâu gì sai quấy mà sao Chúa chẳng nghe lời con xin?” Muốn hiểu tại sao hãy cùng Mẹ lên Núi 40 ngày trong chay tịnh và nguyện cầu.
Một bà mẹ đau khổ mếu máo thở than: “Tôi đã hy sinh cả đời cho con của tôi. Tôi nghĩ không có gì có thể làm cho con tôi mà tôi đã không làm. Vậy mà nó vừa lên đại học được 6 tháng cháu đã nghe bạn bè xấu bỏ nhà đi, hỗn láo với cha mẹ, xa nhà thờ… Tôi cầu nguyện cho cháu bỏ đàng tội lỗi, nhưng càng ngày cháu càng xa gia đình và xa Chúa. Tôi thật chán nản, có lúc đâm nghi ngờ không hiểu Chúa có thật không? Muốn có đức tin trong lúc này hãy cùng Mẹ vào rừng vắng 40 ngày Chay Thánh để tìm gặp Chúa.
Trên một lá thư, một người vợ trẻ viết: “Vì tin tưởng chồng, con để cho anh về Việt Nam thăm gia đình một mình. Không ngờ khi trở lại Mỹ, chồng con đã làm con chán nản. Chưa trở lại được một tháng anh đã đòi về Việt Nam nữa, lấy lý cha mẹ anh đang cần anh về. Sau khi dò hỏi thì con biết chồng con đã dan díu với một người đàn bà hàng xóm. Con thật đau khổ, cô đơn, thất vọng, và chán đời. Tại sao chuyện này lại xảy ra cho gia đình con? Muốn hiểu tại sao hãy âm thầm kiên nhẫn đến với Mẹ, đồng hành với Mẹ và xin Mẹ đưa lên Núi ăn chay đừng nói lời bất mãn, kiêng gặp những ai thêu thùa vấn đề, để chỉ thầm lặng khóc với Mẹ và xin Mẹ dậy biết cách vác thánh giá theo Chúa trong lúc bị chồng phản bội.
Một cú điện thoại từ xa tâm sự: “Mới chỉ cưới nhau được gần 1 năm, con đã thấy không thể nào kéo dài cái hôn nhân này hơn. Không ngờ vợ con thay đổi quá nhiều. Trước khi cưới thì nàng nói nàng không cần tiền chỉ cần hai đứa thương nhau là điều nàng mong muốn. Vậy mà chẳng may con mất job, chưa tìm ra job mới, vậy mà nàng đã nay đem con so với người này, mai đem con đọ với người khác. Con cố gắng tâm sự để nàng thông cảm nhưng lúc chưa tâm sự nàng còn cho con ăn cơm, sau vài lần tâm sự, nàng bỏ con đói và mì không có mà nhai… Bây giờ con mới hiểu cái khó khăn của gia đình nó như thế nào. Chán ơi là chán!” Đáp trả ơn gọi hôn nhân hay đi tu, cũng là chấp nhận vác thánh giá hàng ngày để làm chứng nhân cho Chúa, và để rồi có cơ hội sống cái phúc thật mà Chúa hứa trong phúc âm, “phúc cho ai bị ngược đãi, vu khống…” Muốn hiểu và biến cái khổ thành cái phúc Chúa hứa, ta phải can đảm, bắt đầu đồng hành với Mẹ mỗi ngày trong Mùa Chay Thánh 40 ngày để Mẹ dạy và chia sẻ kinh nghiệm của Mẹ cho ta.
Mỗi ngày, mỗi người có bao nhiều là hình thức khổ đau thánh giá đè trên vai. Có mấy người gặp khó không than, mấy ai đụng khổ không sầu. Và ai là người cảm nhận được cái phúc thật trong cái khó nghèo, bắt bớ, đọa đầy, vu oan… của những mối phúc thật trong Phúa Âm.
Có lẽ, một trong nỗi khổ tâm lớn nhất mà con người thời nay đang phải chịu, đó là cái khổ phải chờ đợi đương đầu với những khó khăn đang dằn vặt. Không kiên nhẫn, không muốn chờ đợi, muốn sớm chấm dứt ngay cái đau khổ, nên bất mãn, chán nản, hận thù, mất khôn, mất trí, làm loạn, bệnh hoạn… rồi bất hòa và chiến tranh. Sao mà khó thế!
Nếu đem so cái khổ đau, cái trớ trêu, cái khó khăn, cái bất công, cái thánh giá của mỗi người và của mọi người trên trần gian này, có lẽ cũng không ai có cái khổ, cái đau, cái nhức nhối, cái bị phản, cái phải nhục, cái trò ăn cháo đá bát cho bằng Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Ngài là Đức Maria. Vậy mà các ngài không bao giờ than thở với tâm trạng bi quan yếm thế, chán nản và hận đời, nhưng ngược lại vẫn kiên nhẫn tín thác đợi chờ, vẫn âm thầm chấp nhận. Ôi! quả là nhiệm mầu!
Trước cái khó, ai cũng thấy chóng mặt quay cuồng. Thánh Phêrô, được Chúa chọn làm thủ lãnh để cai quản các Tông Đồ và để thay Ngài hướng dẫn Giáo Hội ban đầu, cũng chẳng khác gì con người tầm thường, cũng lúng túng trước khó khăn, cũng yếu hèn trước cái khổ, nên gặp khó là Phêrô tức khắc phản ứng liền theo thói thế gian. Có lần Chúa vừa nói đến đau khổ, đến bị oan là Phêrô nóng mặt phản đối ngay, Chúa nặng lời mắng Phêrô là Satan.
Để luyện Phêrô hiểu và biết vác thánh giá theo Ngài, Chúa đã để cho Phêrô va chạm với mọi hình thức khó khăn ở đời, và ngã gục trước những thánh giá để Phêrô thấm được cái yếu của bản thân mình. Có những lần Chúa mới chỉ nói đến thánh giá thôi thì Phêrô đã điên tiết hốt hoảng và phản ứng ngay tức khác theo tính nóng nảy của mình. Có điều Phêrô ngã gục trước thánh giá đau khổ, Phêrô biết mình yếu và khiêm tốn thống hối và lắng nghe Chúa dạy, nên Chúa tha và Chúa tiếp tục huấn luyện Phêrô.
Dù đã dậy nhiều về ý nghĩa khổ đau và thánh giá, thực tế Phêrô cũng như các Tông Đồ khác đều vẫn chẳng hiểu bao nhiêu. Trước biến cố Chúa bị bắt và chịu thương khó, dù đã báo trước để các ngài biết cách đối phó. Nhưng khi xảy ra, người hăng nhất như Phêrô lại chối Chúa công khai, các vị khác thì hốt hoảng bỏ chạy… Chúa thấy rõ chẳng vị nào hiểu và dám can đảm bước theo Ngài. Thế nên trước giờ chết, Chúa phải nhờ đến Mẹ Ngài là người hiểu và hoàn toàn trung thành vác thánh giá theo Ngài, để thay Ngài huấn luyện và dạy các Tông Đồ những mầu nhiệm của thánh giá của khổ đau, để tất cả các ngài sau này không chỉ chấp nhận vác thánh giá mà còn phải biết dùng xương máu mình mà xây dựng Giáo Hội và làm chứng nhân cho Chúa.
Cùng đồng hành với Mẹ lên núi 40 ngày có nghĩa gì? Có nghĩa là:
– Hãy phó dâng cho Mẹ hồn xác chúng ta, với tất cả thời giờ, hoạt động, tư tưởng, ước muốn, niềm vui, nỗi buồn, lo lắng… để Mẹ giúp chúng ta biến tất cả khó khăn nên cái phúc ân trong tinh thần của Mùa Chay.
– Hãy cùng Mẹ sống tinh thần cầu nguyện với Chúa, dù trên đường lái xe, trong sở làm, nơi học đường, hay trong gia đình, và ở bất cứ đâu. Hãy cùng Mẹ dâng Chúa tâm tình biết ơn, một lời cầu phó thác, cho mình, cho tha nhân, cho các trẻ em không may mắn.
– Đồng hành với Mẹ, mỗi ngày trong Mùa Chay dành một số thời giờ, ít là 15 phút lên Núi với Chúa trong thinh lặng, xa mọi sự, xa mọi người, lên núi ngay trong phòng riêng, tới một nhà thờ, hay bất cứ đâu có không khí thinh lặng, để chỉ cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với tất cả tâm hồn và con tim.
– Hãy trao dâng những nước mắt khổ đau, những rướm máu bởi gai thánh giá đang vác cho Mẹ để Mẹ hòa trong tình Mẹ, biến tan trong Máu Thánh Con Mẹ dâng trên Bàn Thờ, để hiến dâng Chúa Cha, ban cho ta sự an bình, và sức sống tình yêu.
– Hãy đồng hành theo Mẹ, mời Mẹ vào đời mình, xin Mẹ về nhà mình để Mẹ khám bệnh tổng quát xem linh hồn mình có bị virus nguy hiểm gì đang phá hủy hạnh phúc cuộc sống và gia đình không?
Lm. Joemarie Hoàng, CMC
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ