Barbara Varenhorst trong cuốn sách nhan đề là Real Friends (Những người bạn chân thật) có viết về một phụ nữ tên Erma như sau.
Hôm đó, một người đàn bà tên là Erma có việc đi Chicago bằng phi cơ. Cô đến phi trường khoảng nửa tiếng trước khi máy bay cất cánh. Làm thủ tục xong, Erma ngồi chờ nơi phòng đợi. Trong lòng cô còn đang bực mình vì những chuyện không vui tuần vừa rồi. Cô lấy một cuốn sách hay ra đọc.
Nhưng rồi bỗng Erma nghe tiếng một người đàn bà khác đã có tuổi ngồi bên cạnh nói:
-Tôi đoán rằng tại Chicago trời lạnh lắm.
Erma mắt không rời cuốn sách, đáp lại cách lơ đễnh:
-Có thể lắm.
Người đàn bà có tuổi kia tiếp tục nói. Erma tiếp tục trả lời lại bằng những câu cụt ngủn lạnh lùng.
Thế rồi bà ta nói ra một tin động trời.
-Tôi hiện đi theo xác chồng tôi đem về Chicago. Anh ấy đã chết đột ngột sau 53 năm hôn phối.
Đến đây, quả tim Erma nhảy lên, đập nhanh đập mạnh. Cô nhận thức được rằng người đàn bà đang ngồi bên cạnh mình là người đau khổ, cần một người khác biết lắng tai nghe, biết cảm thông, hầu bà có thể thổ lộ tâm tình, cho vơi sự đau khổ đang đè nặng tâm hồn bà. Bà ấy không van xin một lời khuyên nhủ. Không van xin bạc tiền. Bà chỉ đi tìm một người biết lắng tai nghe. Thế mà Erma đã vô tình, làm người hoàn toàn xa lạ.
Bây giờ cô xếp sách lại, bỏ xuống ghế, đưa hai tay cầm lấy tay bà kia, và lắng tai nghe bà kể lể nỗi niềm đau thương của bà.
Trong khi lắng tai nghe bà kia kể lể, Erma quên hết các vấn đề khó khăn của mình. Cô bỗng cảm thấy tươi trẻ lại, can đảm hơn, mạnh mẽ hơn.
Khi tiếng người nhân viên hàng không vang lên trong máy phóng thanh, báo tin đã đến giời đi Chicago, Erma khoác tay bà kia lên máy bay. Tới nơi, họ chia tay nhau, tới chỗ ngồi của mình. Họ ngồi cách nhau vài ba hàng ghế.
Khi Erma đang đứng bỏ chiếc áo quàng lên hộp đựng hành lý phía trên đầu, Erma nghe bà kia nói với người hành khách bên cạnh bà y như đã nói với cô trước đây..
“Tôi đoán rằng ở Chicago trời lạnh lắm…”
Nghe vậy, Erma tự nhiên thốt lên một lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa ban cho người hành khách kia ơn biết nhẫn nại và lắng tai nghe với tất cả tấm lòng thương yêu.
Câu chuyện đây giống như câu truyện Chúa phán trong bài dụ ngôn hôm nay về người phú hộ và người ăn mày nghèo khổ tên là Lazarô. Người giàu có đầy đủ hết mọi sự. Còn Lazarô thì thiếu thốn hết mọi sự. Lazarô rất cần sự giúp đỡ và chỉ cần rất ít thôi. Nếu người phú hộ kia muốn giúp đỡ Lazarô, thì chỉ cho anh ăn những mụn bánh từ bàn tiệc của ông rơi xuống đất cũng đủ. Nhưng ông không bao giờ để ý đến Lazarô cả. Ông coi Lazarô như không có. Cách xử trí của ông đối với Lazarô không khác gì cách xử trí của Erma lúc ban đầu đối với người đàn bà đau khổ trong câu chuyện nói trên.
Cái tội làm cho người phú hộ trong dụ ngôn hôm nay phải chịu cực hình trong địa ngục là tội gì?
Ông không bảo đầy tớ đuổi Lazarô ra khỏi cổng nhà của ông.
Ông không đánh đập Lazarô mỗi khi ông đi ngang qua chỗ anh nằm.
Ông không chưởi bới rủa nộp Lazarô mỗi khi ông trông thấy anh.
Vậy tội làm cho người phú hộ phải chịu cực hình là tội gì?
-Thưa là tội ông ta coi Lazarô như không có! Tội ông ta không phải là một tội phạm vì đã làm một điều không được làm. Tội ông là một tội thiếu sót. Không làm điều đáng lý ông phải làm (sin of omission). Tội người phú hộ là tội không lay một ngón tay để giúp đỡ một tí, một tí thôi, người nghèo cực cần được giúp đỡ.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn về chúng ta và xã hội chúng ta hôm nay. Ai trong chúng ta mà không nhận thấy rằng câu chuyện Lazarô đang tái hiện hằng ngày giữa chúng ta ? Đang tái hiện trong mọi tầng lớp của xã hội chúng ta đang sống?
Con người chúng ta, xã hội chúng ta đang đặt ưu tiên của mình trên vật chất hơn là trên con người.
Tổng thống Eisenhower trước đây có nói : “Mỗi một cái súng được đưa ra, mỗi một chiến hạm được hạ thủy, mỗi một hỏa tiễn được bắn đi, xét cho cùng là một cuộc đánh cắp người nghèo đói, không cơm ăn áo mặc.”
Tổng thống John K. Kennedy còn nói mạnh hơn nữa: “Khi người ta đặt ưu tiên của vật chất trên con người, không những người ta hủy hoại lớp người nghèo cực, mà còn hủy hoại cả xã hội mình đang ở giữa. Nếu một nước tự do mà không lo cứu vớt lớp người nghèo, người ta cũng không thể cứu vớt được lớp người giàu.”
Nếu chúng ta không lưu tâm đến những kẻ túng thiếu ở giữa chúng ta, thì không những chúng ta hủy hoại họ, mà hủy hoại cả chính bản thân chúng ta nữa.
Nói như vậy, có những người cũng còn cho là mơ hồ, chưa nhìn thấy một câu trả lời cụ thể cho cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại. Vậy chúng ta có thể trả lời cho bài học của dụ ngôn hôm nay bằng ba cách.
Thứ nhứt. Chúng ta xử sự như người phú hộ trong Phúc âm hôm nay: nhắm mắt lại trước mọi hoàn cảnh không may mắn, trước mọi đau khổ đang xảy đến chung quanh chúng ta.
Thứ hai. Chúng ta không nhắm mắt lại trước hoàn cảnh đau thương, khỗ cực, túng thiếu đang xảy ra chung quanh. Chúng ta lên tiếng phản đối ầm ĩ, bằng lời nói, hoặc bằng ngòi viết. Nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi! Chúng ta không lay ngón tay để làm một việc gì khác nữa cả, ngoài ra lời nói và ngòi viết.
Sau cùng, thay vì nhắm mắt lại trước những cảnh đau thương khổ cực, thay vì đứng nguyền rủa bóng tối do hoàn cảnh tạo nên, chúng ta thắp lên một ngọn đèn, và thực hành một cử chỉ cụ thể nào đó.
Ngọn đèn của một mình tôi xem ra mờ yếu. Nhưng nếu ngần nầy người trong nhà thờ hôm nay, mỗi người cùng thắp lên một ngọn đèn, thì sẽ tạo ra một rừng ánh sáng, đuổi bóng tối âm u ra khỏi khu vực của chúng ta.
Nếu mỗi người con cái Chúa đều thắp lên một ngọn đèn như vậy, thì không bao lâu ánh sáng sẽ lan toả ra khắp nơi, trong làng mạc chúng ta sinh sống, trong thành thị chúng ta hoạt động, torng quốc gia chúng ta đang cư ngụ, trong toàn thế giới.
Vậy bây giờ chúng ta hãy bắt đầu thực hành những việc nhỏ mọn, như Erma đã làm đối với người đàn bà đau khổ tại phi trường trong câu chuyện mở đầu. Nghĩa là làm những gì chúng ta có thể làm. Đây là sứ điệp của bài Tin Mừng mà Đức Yê-su thách đố chúng ta hôm nay:
“Chúng con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã thương yêu chúng con.”
Khi chúng ta xử đại lạnh lùng đối với nhau thì mọi sự đều bế tắc hỗn loạn. Khi chúng ta biết thương yêu lẫn nhau, thì mọi sự thảy đều xuôi gió thuận buồm.
Lm Vũ Minh Nghiễm, CSsR
VietCatholic Network