Công Đồng Vaticano 2 được mệnh danh là Công Đồng của sự canh tân và sự canh tân ấy tất nhiên có ảnh hưởng tới việc dạy và học giáo lý “ Công Đồng đã không trực tiếp đề cập tới chủ đề giáo lý và những tài liệu của Công Đồng quy chiếu về giáo lý thì rất ít. Tuy nhiên Công Đồng đã có một tác động sâu xa và mấu chốt trên giáo lý. Sự đóng góp cốt yếu của Công Đồng hệ tại việc làm sáng tỏ những yếu tố nền tảng của giáo lý về mục tiêu và nội dung của nó. Đối với Lời Chúa thì giáo lý là sự loan báo Lời và kêu gọi phục vụ Lời. Còn với đối tượng là tín hữu thì giáo lý được coi là sự giáo dục đức tin và trong chiều kích thể chế thì chính Giáo Hội hành động và diễn tả trong giáo lý. Những tài liệu của Công Đồng nói rất đầy đủ về ba thực tại này là = Lời, Đức Tin và Giáo Hội ( Hiến chế Mạc Khải – Sắc lệnh Truyền Giáo – Hiến chế Giáo Hội – Hiến chế về Mục Vụ. Nguồn giaolyductin.Org 12/9/2013 – Những Thách Đố Mới Của Giáo Lý Hôm Nay ).
Canh tân có nghĩa là đổi mới, vậy đổi mới giáo lý có phải là để đưa ra một thứ giáo lý khác hay không ? Đúng là hiện nay đang tồn tại một thứ giáo lý khác nhưng cái sự khác ấy chỉ là khác với giáo lý trước Công Đồng. Trước Công Đồng không có giáo lý theo như quan điểm hiện nay mà chỉ có những câu hỏi, thưa đơn giản gọi là Kinh Bổn Hỏi mục đích là để giáo dân hiểu biết về những lẽ cần thiết trong đạo. Còn ngày nay Giáo Lý cũng vẫn là những câu hỏi thưa nhưng nhắm đến việc trả lời những câu hỏi tại sao mang tính thần học. Ví dụ = Hỏi vì sao Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật ? Thưa = Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật để biểu lộ và thông ban vinh quang của Người. Hỏi = Thiên Chúa tạo dựng con người làm sao ? Thưa = Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến người. ( Tòa GMXL – Hồng Ân Huấn Giáo – Gl Thêm Sức ).
Trẻ em cứ học thuộc lòng những câu hỏi thưa đại loại như thế và đương nhiên cũng chỉ biết như thế, làm sao có thể khác đi được ? Mặc dầu vậy những cái gọi là …biết ấy chẳng những chẳng ích lợi chi cho đức tin mà còn chứng tỏ sự thất bại của tiến trình khai tâm Kitô giáo “ Rất cụ thể và rất thường giáo lý khai tâm, xa “ khai tâm” và kết thúc ngược đời. Sự kiện này tỏ cho thấy là tiến trình khai tâm Kitô giáo là một thất bại. Rõ ràng Bí Tích Thêm Sức mà một số người gọi là “ Bí Tích Giã Từ” ( Sacrement de l Adieu ) hoặc là Bí Tích cuối cùng ( dernier des Sacrements ) biểu lộ nơi nhiều người trẻ sự kết thúc thực hành tôn giáo và cả đối với một số người là sự kết thúc chính đức tin Kitô giáo. Sự ngược đời và thất bại này phát xuất từ tiến trình khai tâm Kitô giáo mà trong thực tế đã trở thành tiến trình “ kết thúc” đời sống Kitô giáo. ( Nguồn giaolyductin.org. Ngày 12.9.2013 – Những Thách Đố….).
Bí tích Thêm Sức lẽ ra phải là nguồn ơn Chúa Thánh Thần khiến con người trưởng thành trong đức tin nhưng lại làm cho mất đi. Thực sự nếu nói mất thì cũng không đúng bởi vì người ta chỉ mất cái mà trước đó đã có chứ không không ai mất cái chưa từng có. Cái không có được nói ở đây chính là niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thật vậy tin Thiên Chúa hiện hữu là một trong ba nhân đức tối cần gọi là nhân đức đối thần ( Tin – Cậy – Mến ). Trong ba nhân đức ấy thì đức tin là trọng yếu nhất. Phải có lòng tin mới có lòng Cậy lòng Mến. Bởi đức tin trọng yếu như vậy nên được gọi là cánh cửa mở vào Đạo và cánh cửa ấy chỉ có thể được mở ra qua con đường thực hành.
Chúng ta vẫn nói Giáo Lý là công cuộc giáo dục đức tin. Điều ấy hoàn toàn chính xác bởi lẽ khi phân tích chữ Giáo Lý ta thấy nó có hai nghĩa một là Giáo và hai là Lý. Giáo nghĩa là giáo hóa là sửa đổi. Còn Lý là chân lý. Hiểu như thế thì mục đích của giáo lý là làm sao để con người có thể đạt tới chân lý. Lý là chân lý đồng thời cũng là nguyên lý của sự vật, cái sở dĩ nó vốn là vậy. Nguyên lý, cái vốn là vậy triết học Tây Phương gọi là Yếu Tính ( Essence ) hoặc Être = Cái nó Là. Còn Đông Phương Lão Tử gọi là Tự Nhiên. Trong đời có bốn thứ lớn = Đạo lớn – Trời lớn – Đất lớn – Người cũng lớn. Nhưng người cho là lớn bởi biết theo Tự Nhiên “ Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên ( Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên – ĐĐK chương 25 ).
Cái Tự Nhiên Lão Tử nói ở đây chính là Tính bản Nhiên ở nơi mỗi người. Tính Bản Nhiên ấy Đạo Chúa không phải cái chi khác mà là Hình Ảnh Thiên Chúa. Con người được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ) Hình Ảnh Thiên Chúa dĩ nhiên không phải là Thiên Chúa nhưng cũng không thể khác Thiên Chúa. Điều này có thể ví như những hạt bụi đất sét và khối đất sét thì không khác nhau nhưng cũng không phải là không khác nhau. Nếu khối đất sét mà khác với những hạt bụi của nó thì sẽ không có gì được tạo từ chúng nên chúng là không khác nhau. Nhưng nếu chúng là đồng nhất không khác nhau thì sẽ không thể có sự phân biệt nào giữa các hạt bụi đất sét và khối đất sét.
Sự khác và không khác của con người đối với Thiên Chúa cũng giống như hạt bụi với khối đất. Khác là bởi con người là vật thụ tạo, còn không khác là bởi con người từ trong yếu tính là Con Thiên Chúa bởi Thiên Chúa mà sinh. Vốn dĩ được sinh bởi Thiên Chúa thế nhưng do ảnh hưởng Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt nên con người ngày càng xa lìa Thiên Chúa để trở nên như những đứa con hoang đàng. Mặc dầu vậy Thiên Chúa như Người Cha nhân từ lúc nào cũng ngóng đợi đứa con hư trở về ( Lc 15, 20 ). Không những ngóng đợi Thiên Chúa còn sai Con Một của Ngài xuống thế hầu để cho cha và con được giải hòa với nhau “ mọi sự đều ra từ ĐCT. Ngài đã nhờ Đức Kitô mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi chức dịch giải hòa. Ấy là ĐCT vốn ở trong Đức Kitô khiến cho thế gian hòa lại với Ngài chẳng kể cho tội lỗi nặng nề của họ và đã ủy thác Đạo Giải Hòa cho chúng tôi” ( 2C 5, 18 -19).
Để thực hiện công cuộc hòa giải này, Đức Kitô đã khởi đầu bằng việc kêu gọi con người phải ăn năn sám hối và hết lòng tin vào Tin Mừng “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn chừa cải tội lỗi và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 14 ). Tin Mừng, Tin Vui hay Tin Lành ý nghĩa của nó chỉ là một cái Tin đem lại sự Vui Mừng. Có gã ăn mày kia suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ xin ăn cho đến ngày nọ có người nói cho biết trong túp lều của mình có chôn giáu một kho báu và y tin điều ấy. Đức Kitô đòi hỏi chúng ta cần phải tin vào Tin Mừng có nghĩa là tin có Nước Trời ở trong ta. Cái việc tin ấy là vô cùng cần thiết thế nhưng đó chưa phải là mừng, là vui là lành. Gã ăn mày tin lời ấy nhưng nếu chỉ có thế mà không chịu đi về túp lều mình để ra công ra sức đào bới hầu tìm kiếm kho báu thì phỏng ích lợi gì đâu ? Hiểu như vậy thì lòng tin cần phải gắn với việc làm, nếu không thì như Thánh Giacobê nói đó chỉ là đức tin chết “ Ap ra ham tổ phụ chúng ta khi dâng con mình là Isaac trên bàn thờ há chẳng bởi công việc mà được nên công chính sao ?Thế thì ngươi thấy đức tin đồng công với công việc của người và nhờ công việc mà đức tin được trọn vẹn” ( Gc 2, 21 -22).
Đức tin phải có việc làm mới nên trọn vẹn và cốt lõi việc làm ở đây chính là tinh thần tìm kiếm Thiên Chúa. Giáo lý nếu hiểu như là công cuộc Giáo Dục Đức Tin thì việc giáo dục ấy nhất thiết phải gắn với việc tìm kiếm Thiên Chúa. Nguyên nhân sâu xa khiến Giáo Lý xa rời đức tin đến nỗi Bí Tích Thêm Sức lại trở thành Bí Tích Giã Từ là do ảnh hưởng của thần học = Không tìm kiếm mà trước sau chỉ muốn giải nghĩa Thiên Chúa bằng những câu hỏi tại sao, tại sao. Hỏi tức là trả lời và một khi đã có câu trả lời thì còn tìm kiếm chi nữa ?. Chúa nói có tìm mới gặp, không tìm thì chẳng bao giờ có thể gặp. Mặt khác tìm kiếm ở đây không phải là tìm một Đấng nào khác ở bên ngoài mình, bởi đó đức tin không thể thiếu và đức tin như đã biết đó là cánh cửa mở vào Đạo. Nhất định là phải làm cách sao để Giáo Lý trở thành như việc gõ vào cánh cửa đức tin và hễ đã gõ thì thế nào cửa cũng được mở “ Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì được mở cho” ( Lc 11, 10) ./.
Phùng Văn Hóa