VẤN ĐỀ 18: Tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo
TRẢ LỜI
1. Quan hệ giữa tôn giáo và các chế độ chính tri:
Trong các xã hôi phong kiến và tư bản, tôn giáo thường được tôn trọng và tự do phát triển. Đây cũng là điều hợp lý: Các tôn giáo nói chung và Ki-tô giáo nói riêng đều nhằm mục đích giúp con người hướng thiện. Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ phải noi gương Đấng giáo chủ để ăn ngay ở lành, cũng dạy tín đồ làm điều tốt và tránh điều xấu, dạy mọi người thực thi công bình bác ái, sông hòa hợp với tha nhân, vâng phục quyền bính hợp pháp, cùng hợp tác xây dựng một xã hội ấm no hạnh phúc ngay từ trần gian để sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng mai sau… Đó là những điều thiện hảo mà tôn giáo mang lại cho nhân loại, nên thường bất cứ chế độ chính trị nào nếu muốn tồn tại và bền vững, cũng đều công nhận tôn giáo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân ghi trong hiến pháp và luật pháp. Vì đây là quyền căn bản của con người hay nhân quyền: Mọi người đều có quyền tin hoặc không tin theo một tôn giáo.
2.Về sứ vụ Thiên Sai của Đức Giê-su:
Ít-ra-en là một dân tộc nhược tiểu nên thường bị các nước lớn xâm lược đô hộ hoặc bị bắt đi lưu đày, nên họ luôn ước mong về một Đấng Thiên Sai sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang và biến dân Do thái thành một dân tộc hùng cường giống như trong triều đại của Vua Đa-vít và Sa-lô-mon.
Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa hứa ban một Đấng Cứu Thế dòng dõi Đavít, được sinh ra tại Bê-lem do một trinh nữ (x. Mt 1,20-23). Người được trao sứ vụ cứu nhân loại bằng sự hi sinh mạng sống, tình nguyện chết trên cây thập giá để đền tội thay và sống lại để phục hồi sự sống cho loài người (x. Mt 1,21).
Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su đã được xức dầu thiêng liêng để tấn phong làm Đấng Thiên Sai (x. Mt 3,16). Rồi Người đã công bố tại hội đường Na-da-rét chương trình cứu thế của Người theo lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Tuy nhiên các đầu mục là các tư tế Đền Thờ, Kinh sư và Biệt phái đã không công nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Lý do vì nội dung lời dạy của Người mang tính hiếu hòa như: Hãy lấy ơn báo oán, tha thứ luôn luôn (x. Mt 18,22), nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân, yêu thương cả kẻ thù của mình …(x. Mt 5,38-48) là những điều họ không thể chấp nhận. Đức Giê-su cũng nhiều lần vi phạm luật nghỉ việc ngày hưu lễ Sa-bát của Mô-sê (x. Mt 12,1-8), Người đả kích lối sống đạo đức giả dối bề ngoài của các luật sĩ biệt phái (x. Mt 23,13-36). Nhất là Người tự cho mình là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, điều mà các đầu mục Do Thái cho là phạm thượng ! (x. Mt 26,63-66). Nên cuối cùng các đầu mục Do thái đã liên kết với chính quyền Do thái bắt bớ, kết án tử hình cho Người, và còn áp lực đòi Tổng Trấn Phi-la-tô của đế quốc Rô-ma xử tử Người trên cây thập tự (x. Mt 27,20-26). Nhưng sau khi bị giết chết, đến ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại (x. Mt 28,5-8) và đã đổ ơn Thánh Thần xuống trên các Tông đồ và Hội Thánh (x. Cv 2,1-13), làm cho đạo Công giáo lan truyền đi khắp nơi bắt đầu từ thủ đô Giê-ru-sa-lem, khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất theo lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi lên trời (x. Cv 1,8).
Đức Giê-su thực sự là Vua Thiên Sai, nhưng không như dân Do thái trông mong. Người là Vua hòa bình ngồi trên lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem (x Lc 19,35-40). Người thiết lập một Nước Trời, nhưng Nươc Người không thuộc về thế gian này. Những ai thuộc về chân lý thì nghe tieng của Người (x. Ga 18,33-36). Người chính là Vua Mục Tử yêu thương đoàn chiên và sẵn sàng thí mạng mình vì đoàn chiên (Ga 10,11). Người mời gọi những ai muôn theo Người phải khiêm hạ rửa chân cho nhau, bỏ mình vác thập giá mình mà theo Người (x. Lc 9,23-24).
3. Về việc lợi dụng tôn giáo:
Đọc lịch sử thế giới, dường như trong quá khứ, tại một số nước Âu châu như Nga, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tôn giáo đặc biệt đạo công giáo xem ra đã từng được đề cao và có lúc đã trở thành chỗ dựa vững chắc của chính quyên phong kiến: Các nhà lãnh đạo cao cấp trong tôn giáo như hồng y, giám mục… rất được trọng vọng và có một vị trí cao trong triều đình… Do đó khi chế độ phong kiến suy đồi do tham nhũng thối nát, dân chúng dù có bất mãn, vẫn không dám mạnh dạn đứng lên làm cách mạng lật đổ. Vì thế trong cuộc cách mạng vô sản, K. Marx cho rằng tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo.
Tuy nhiên, cho dù thực sự có bị vua quan lợi dụng đi nữa, tôn giáo cũng không vì thế mà trở nên xấu và cần phải loại trừ. Cũng giống như người ta không thể nại vào lý do: vì lưỡi dao sắc bén đã từng làm đứt tay người sử dụng, nên phải loại bỏ dao sắc; Hay do xe hơi tốc độ quá nhanh đã gây nhiều tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người, nên cần phải cấm dùng xe hơi… Cũng vậy, tôn giáo có giá trị giúp con người nên tốt trong mọi thời đại và dưới bất kỳ chế độ chính trị nào. Sở dĩ trong quá khứ, đôi khi tôn giáo đã bị lợi dụng, là do đã có sự lẫn lộn giữa thế quyền và giáo quyền.
Ngày nay, để khỏi đi vào vết xe cũ và để khỏi trở thành công cụ phục vụ thế quyền, tôn giáo cần phải được tách biệt khỏi các chế độ chính trị. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo tuy luôn khuyến khích giáo dân chu toàn nghĩa vụ công dân và tích cực tham gia các hoạt động đảng phái chính trị để phục vụ đất nước, nhưng lại cấm các giáo sĩ nắm giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyên. Nhờ tách biệt khỏi các chế độ chính trị mà Giáo Hội luôn trong sạch để có thể mạnh dạn lên tiếng bênh vực quyền lợi chính đáng của dân chúng theo Lời Chúa dạy.
TÓM LẠI: Cho dù trong quá khứ, tại một số nước phong kiến, tôn giáo có thể đã bị lợi dụng để bảo vệ chế độ. Nhưng tôn giáo chân chính không bao giờ đồng hóa với cường quyền bạo lực, với nếp sống xa hoa ích kỷ, với chính sách bóc lột bất công của bất cứ chế độ chính trị nào. Ngày nay, ai cũng nhìn nhận: muốn thi hành đúng vai trò của mình, tôn giáo cần phải tách biệt khỏi thế quyền, để không bị đồng hóa với thế quyền, dễ dàng nói lên tiếng nói trung thực của lẽ phải, bênh vực quyền lợi của đại đa số người nghèo theo thánh ý Thiên Chúa.
PHÚT HỒI TÂM :
LỜI CHÚA:
Khi ấy Đức Giê-su mở sách ngôn sứ I-sai-a, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. (Lc 4,18-22).
LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay mỗi tín hữu chúng con quyết tâm tiếp nối công việc cứu thế của Chúa bằng sự chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ những người đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần, loại trừ các nỗi sợ hãi, giải thoát những người đang bị áp bức, xoa dịu các đau khổ, an ủi những kẻ cô đơn, biểu lộ Chúa qua những công việc bác ái của mình. Xin cho chúng con biết thực thi sứ vụ người môn đệ của Chúa, tích cực góp phần để làm cho lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a về triều đại Thiên Sai sớm được ứng nghiệm, để công bố một năm hồng ân và làm cho Nước Chúa hiện diện giữa lòng xã hội hôm nay. AMEN.
Lm. Đan Vinh, HHTM