Việc phúc trình công tác tại các cấp Hội Đồng ở đây luôn diễn ra một cách gay cấn và choán rất nhiều thời giờ. Sở dĩ có sự gay cấn đó phải chăng là do chúng ta đã không có sự thống nhất trong quan điểm về công tác ? Thực tế thì Senatus đã có một biểu mẫu phúc trình rất chi tiết cụ thể. Phân tích đây là công tác thực hiện, đây là công tác khác. Những công tác nào được phép tính kết quả v.v…Việc làm của Hội Đồng cấp trên đưa ra biểu mẫu như thế xét ra là cần thiết và cũng dễ dàng cho các đơn vị phúc trình. Tuy nhiên nếu chỉ biết căn cứ vào biểu mẫu ấy để kê khai ra công tác này công tác khác với những số lần số giờ thì khó mà tránh khỏi khô khan máy móc. Việc phúc trình của các cấp Hội Đồng dù là của Curia, Comitium hay Senatus về thực chất cũng là công việc của hội viên trong các phiên hội hàng tuần. Sự khác biệt là ở chỗ tại présidium thì việc phúc trình ấy là của hội viên, còn tại cấp Hội Đồng là của présidium hoặc Curia, Comitium v.v..Phúc trình của hội viên chỉ mang tính cá nhân còn tại Hội Đồng là của tập thể và dĩ nhiên như thế tầm mức ảnh hưởng của nó phải rộng lớn hơn, quan trọng hơn. Mặt khác thành phần dự họp tại các présidia chỉ là hội viên bình thường còn tại các cấp Hội Đồng là ủy viên, bởi đó cho nên nhận thức chắc hẳn phải cao hơn nhưng cũng trách nhiệm hơn.
So sánh như vậy để cho thấy tính chất vừa khác vừa không khác trong việc phúc trình giữa présidium và các cấp Hội Đồng. Sự khác biệt ở đây nên hiểu đó chỉ là ở mức độ quy mô chứ bản chất vẫn là một, có nghĩa nếu việc phúc trình của présidium đòi hỏi những gì thì ở các cấp Hội Đồng cũng phải như vậy. Trước hết đó là tính chất quan trọng của việc phúc trình “ Đối với buổi họp, phúc trình trong phạm vi của nó cũng quan hệ như kinh nguyện vậy. Cả hai bổ túc cho nhau vì cả hai đều là yếu tố cần thiết cho buổi họp” ( TB câu 202 Chương 18 ).
Phúc trình công tác được coi như quan hệ ngang với kinh nguyện. Tại sao thế ? Bởi vì Legio chính là việc Tông Đồ, chỉ cầu nguyện không thôi mà không có ước nguyện làm Tông Đồ cho Chúa thì không xứng là hội viên Legio, chiến sĩ của Đức Mẹ. Ngược lại nếu chỉ có công tác mà không cầu nguyện thì công tác ấy không phải việc Tông Đồ. Chính vì quan niệm công tác cũng quan hệ như việc cầu nguyện thế nên chúng ta biết việc phúc trình của présidium hay của các cấp Hội Đồng chỉ diễn ra sau lần hạt năm chục Kinh Mân Côi. Một phiên hội nào của Legio mà không có phúc trình và góp ý của các hội viên thì kể như phiên hội đó thất bại. Sở dĩ việc phúc trình và góp ý cho bản phúc trình quan trọng như thế là vì như Thánh Gioan Kim Khẩu nói đó chính là phúc trình với Chúa về phần rỗi của anh em mình “ Anh em Kito Hữu, anh em phải phúc trình không phải chuyện riêng của anh em mà thôi, còn phải phúc trình về cả thế giới nữa” ( TB câu 335 chương 33 ).
Nói phúc trình về cả thế giới xem ra có vẻ lớn lao quá thế nhưng ở đây Thủ bản muốn nhắc nhở chúng ta là phải phúc trình công tác trong tinh thần của người Tông Dồ nghĩa là để lo phần rỗi cho hết thảy mọi người. một khi đã hiểu như thế thì cả với đơn vị phúc trình cũng như người góp ý cho bản phúc trình đều sẽ thấy đây là một công việc hết sức quan trọng và…hào hứng “ Buổi họp phải linh động và vui vẻ. Những điều phúc trình phải làm cho mọi người yêu thích và có dịp học hỏi thêm. Phiên họp quá buồntẻ làm cho tuổi trẻ lánh xa và présidium ( Curia, Comitium ) phải kể là yếu kém” ( TB câu 203 Chương 18 ).
Người ta chỉ yêu thích và thấy cần học hỏi nơi những bản phúc trình khi nó đích thực là việc tông đồ. Trái lại như Thủ Bản nói nó chỉ khiến người ta buồn tẻ và xa lánh. Không buồn tẻ và xa lánh thế nào được khi mà quanh đi quẩn lại trong các phiên họp Hội Đồng người ta chỉ nêu thắc mắc nào về số lần số giờ, nào về thế nào là công tác chính công tác phụ. Đi bán vé số, giữ xe có được tính là công tác tiếp xúc hay không. Hoặc bất đồng về việc tại sao công tác sạch sẽ Thánh Đường được cha xứ chỉ định lại không được tính giờ. Không cho tính giờ sẽ bỏ không làm công tác nữa v.v…và v.v…
Người ta vào Legio có khi rất tích cực trong việc khuếch trương cũng như thăm viếng này nọ. Thế nhưng rất có thể đó không phải việc Tông Đồ. Lý do là vì những việc ấy chỉ là để thỏa mãn cho “ Cái Tôi” mà thôi. Đang khi đó ơn gọi Legio là việc Tông Đồ mà để có thể làm việc Tông Đồ thì phải bỏ “ Cái Tôi” đi. Bỏ “ Cái Tôi” nói thì dễ mà làm thì rất khó. Không ai có thể bỏ được “ Cái Tôi” trong một thời hạn nào đó nhưng chỉ có thể bằng việc theo đuổi Legio trong suốt cuộc đời bằng cách thực hành công tác trong tinh thần Tông Đồ “ Công tác Legio thường là khó, nếu hội viên trong khi họp không theo dõi kỹ và khích lệ nhau để cùng cố gắng thêm thì hội viên dễ bỏ cuộc. Nhưng tại sao lại bỏ cuộc khi ta vào Legio là cố ý làm những gì đáng phải làm” ( TB câu 204 Chương 18 ).
Những việc đáng phải làm đó chính là ơn gọi làm Tông Đồ của người Legio. Người có ơn gọi và quyết tâm theo đuổi ơn gọi đó chắc chắn sẽ được Chúa cho hưởng phúc đời sau vô cùng “ Những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính. Những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang đời đời” ( Rm 8, 30 ) ./.
Phùng Văn Hóa