Hồi thế kỷ XVI Công Đồng Chung Trento đã dành nhiều phiên họp để thảo luận việc đưa ra công thức giáo lý liên quan tới các bí tích nói chung, và liên quan tới từng bí tích riêng rẽ. Nhưng phải công nhận rằng ngoài các minh xác tín lý đã có, giáo huấn của Công Đồng đã không ghi dấu khúc rẽ định đoạt nào đối với nền thần học bí tích. Sự kiện này khá dễ hiểu, nếu chúng ta chú ý tới bối cảnh lịch sử trong đó Công Đồng được triệu tập và nhóm họp. Nó tạo thuận tiện cho việc tranh luận hơn là đào sâu vấn đề; và chính nền thần học thời đó, khi không nghèo nàn, thì cũng đã không phong phú hơn nền thần học kinh viện.
Tư tưởng của việc cải cách, khi dùng các từ, thay đổi vấn đề tương quan giữa lời nói – bí tích, đức tin – bí tích. Và khi nhất định lựa chọn lời nói và đức tin như là các yếu tố duy nhất và chuyên biệt của ơn cứu rỗi, là trên thực tế đã xác định các từ trong diễn văn của Công Đồng. Nhưng viễn tượng, trong đó Công Đồng Chung Trento chấp nhận khai triển đề tài do phong trào cải cách tin lành áp đặt, lại khá khác biệt với viễn tượng nằm bên dưới diễn văn của các anh em cải cách tin lành. Đối với họ, vấn đề tương quan đức tin – bí tích không phải chỉ là, hay cho bằng vấn đề của các xe chuyển vận hay các phương thế hiệu qủa của việc công chính hóa mà kitô hữu có thể sử dụng, nhưng là kết qủa cuối cùng của một kiểu quan niệm mới về sự công chính hóa, bản chất của Giáo Hội và cả nhiệm cục hướng dẫn lịch sử cứu độ nữa. Bên trong thế giới của cuộc cải cách tin lành đề tài nói trên trở thành một tiêu chuẩn kiểm thực và kỳ thị tính cách đích thật của sự kiện kitô. Trái lại, viễn tượng, trong đó Công Đồng Chung Trento soạn thảo giáo lý của mình về tương quan đức tin – bí tích, bị giới hạn trong diễn văn hạn hẹp hơn của các phương tiện của sự công chính hóa. Tuy nhiên, trong khóa họp thứ VI (c.8) Công Đồng khẳng định rằng đức tin là ”nền tảng và là gốc rễ của mọi sự công chính hóa”. Trong khóa họp thứ VII đề tài chỉ được coi như vấn đề sự không đủ cứu rỗi của đức tin nếu không có sự bổ túc của các bí tích, và một cách đặc biệt, như là vấn đề sự cần thiết của đức tin đối với sự hữu hiệu của các bí tích, nghĩa là đề tài vai trò của ”opus operantis” đối với ”opus operatum”, tức hành động ban ơn thánh bất kể người nhận bí tích là ai.
Hơn nữa các Nghị Phụ công đồng sẽ nhấn mạnh việc giới thiệu các bí tích như là các phương thế cần thiết cho việc công chính hóa, tức ơn tha tội và việc chiếm hữu được ơn thánh, và các vị coi là phụ thuộc và ít quan trọng sự kiện các bí tích có thể và phải được coi như một thời điểm đào tạo đức tin và một chứng thực nền tảng của đức tin. Cũng vì thế đối với các tín hữu tin lành giáo huấn của Công Đồng Chung Trento xem ra là một lựa chọn các bí tích gây thiệt hại cho tầm quan trọng của đức tin. Do đó, họ không chậm trễ tự coi mình là Giáo Hội của lời Chúa và đức tin, và coi Giáo Hội Roma là Giáo Hội của các bí tích. Như vậy một cách vĩnh viễn, nếu phong trào cải cách và phong trào chống cải cách đã có thể là dịp tốt, từ phía công giáo cũng như từ phía tin lành, giúp đào sâu giá trị của tính cách bí tích, được hiểu như là nhiệm cuộc điều khiển lịch sử cứu độ, và không phải chỉ như là đặc thái của vài phương tiện thánh hóa, thì dịp này đã bị bỏ lơ.
Nền thần học công giáo hậu công đồng chung Trento sẽ bước đi trong chiều hướng giáo huấn của Công Đồng. Tuy nhiên, ít nhất vài tác phẩm lớn thời đó không nhậy cảm đối với các khích lệ đã được phong trào cải cách đưa ra, sẽ chứng minh cho thấy chúng biết đọc hiểu tương quan giữa đức tin và bí tích trong một viễn tượng rộng rãi hơn viễn tượng của Công Đồng Chung Trento. Một trong các tác phẩm đó là cuốn ”De sacramentis” của triết gia và thần học gia Melchiorre Cano. Ông Cano khẳng định rằng các bí tích chắc chắn là cần thiết, nhưng trong cùng mức độ trong đó một niềm tin rõ ràng được diển tả bằng các dấu chỉ có thể cảm nhận được, cần thiết cho mọi người để được cứu rỗi. Điều này tương đương với kiểu nói rằng nếu đức tin có thể được coi như phục vụ các bí tích, thì các bí tích cũng được coi như phục vụ đức tin. Trong tác phẩm ”De controversiis christianae fidei” Về các tranh luận của đức tin kitô” Đức Hồng Y Bellarmino, tuy bị thống trị bởi âu lo tranh luận, nhưng không lên án cả khối các luận thuyết của phe cải cách, và không khước từ chúng mà không đưa ra các minh xác và các phân biệt tế nhị. Đề tài tương quan đức tin – bí tích chiếm một chỗ đáng kể trong tác phẩm, và liên quan tới viễn tượng thắng thế thì đức tin luôn luôn cần thiết đối với sự hữu hiệu của các bí tích. Đức Hồng Y Bellarmino nhấn mạnh rằng vai trò của đức tin không tùy thuộc vai trò của các bí tích, và trong mọi trường hợp nhiệm vụ cứu rỗi của đức tin và của các bí tích không thể được hiểu hay miêu tả trong các từ khác.
Tuy sống đồng thời với Đức Hồng Y Bellarmino, nhưng học giả Suarez khai sinh ra một suy tư thần học về các bí tích trả lời cho các đòi hỏi phương pháp khá khác biệt. Thật thế, tác phẩm của ông, ít nhất trong một phần, có thể được coi như một khởi đầu hướng tới chỗ cơ cấu hóa và sẽ trở thành mô thức của các sách thần học trong các thế kỷ sau. Trong tác phẩm ”Commentaria ac disputationes in III partem D. Thomae – Chú giải và thảo luận phần III của Toma” các vấn đề do phía tin lành đưa ra được chú ý, nhưng chỉ như là một cập nhất bắt buộc, cần được để gần việc phân tích và chú giải các luận thuyết của nền thần học kinh viện.
Như thế người ta bắt đầu lộ trình chậm chạp, nhưng từ từ hướng tới một nền thần học bí tích khá nghèo nàn trong nội dung, nhưng nhất là lộn xộn trong phương pháp. Khi đặt để các tác phẩm này dưới nhãn quan phê bình, thật không khó nhận ra rằng trong khảo luân về các bí tích nói chung, như chúng ta có thể tìm thấy trong bất cứ sách thần học nào, việc lựa chọn các đề tài, việc tổ chức và các phương pháp khai triển trình bầy đáp ứng các tiêu chuẩn khá phân tán. Một số các vấn đề, chẳng hạn như liên quan tới số bảy bí tích, việc thành lập chúng từ phía Chúa Kitô, đáp ứng nhu cầu bênh vực tín lý công giáo chống lại sự phản đối của phía tin lành. Vì thế chúng được hướng dẫn bởi phương pháp hộ giáo. Nhưng các nỗ lực trao ban một nền tảng lịch sử cho các khẳng định tín lý, như nói tới trên đây, vén mở cho thấy chúng thiếu ý nghĩa và không thích hợp lắm đối với các đòi buộc của một khoa viết sử nghiêm chỉnh sít sao. Đôi khi đây là một lịch sử được làm với phép quy nạp hơn là dựa trên nền tảng của một việc tham khảo tài liệu hữu hiệu. Dù sao đi nữa, không có bóng dáng của một khảo luận thật sự có tính cách thần học liên quan tới con số bẩy bí tích cũng như việc Chúa Kitô thành lập chúng.
Một phần lớn các đề tài khai triển được dành cho việc phân tích các yếu tố nền tảng của dấu chỉ bí tích bao gồm chất liệu, hình thể, và vị thừa tác, đó là chưa kể sự kiện nó là một phân tích được thành hình bởi các lo lắng giáo luật pháp lý hơn là bởi các ưu tư thần học. Người ta cũng không tìm thấy dấu vết của một kiểu đọc hiểu thần học về các biểu tượng và một cố gắng nhằm nhận diện ra trong tính cách bí tích sắc thái chuyên biệt của nhiệm cuộc cứu độ kitô. Các vấn đề xem ra xứng hợp hơn một cách trực tiếp đối với các đòi hỏi của một phương pháp thần học liên quan tới sự hữu hiệu khách quan của các bí tích và các hiệu qủa bí tích. Tuy nhiên, trong khi phương pháp hầu như hoàn toàn bị thu hút bởi việc phân tích các hê thống khác nhau đã được nghĩ ra để giải thích tính cách nhân qủa của bí tích, khá trừu tượng và đặc biệt là kiểu của một thuyết lý tò mò, thì phần hữu hiệu khách quan của bí tích chỉ lập lại các dữ kiện của nền thần học kinh viện, trừ vài xác định mơ hồ liên quan tới bản chất của ơn thánh bí tích và đặc tính của nó.
Đậy là lý do giải thích sự cần thiết phải canh tân nền thần học bí tích. Vậy, đâu là các lý do của việc canh tân này? Trước hết có các yếu tố giáo hội. Việc canh tân nền thần học bí tích có các gốc rễ sâu xa nơi các tình hình lịch sử văn hóa, thúc đẩy đi xa hơn nhu cầu đơn sơ trao ban cho suy tư đức tin liên quan tới các bí tích, một chân trời rộng rãi hơn chân trời đã gặp trong nền thần học sách vở. Yếu tố thứ nhất và định đoạt nhất là phong trào phụng vụ. Ngay từ năm 1918 đan viện Maria Lach bên Đức, nơi phong trào đã tìm thấy các biểu hiệu đáng chú ý, cũng đã trở thành trung tâm thúc đẩy, với việc đan sĩ O. Herrwegen cho phát hành tập đầu tiên của Nguyệt san ”Ecclesia orans” Giáo Hội cầu nguyện. Và chỉ ba năm sau đan viện sẽ khai sinh một trong các ấn hành về khoa học phụng vụ có phẩm chất nhất: đó là ”Jahrbuch fuer Liturgiewissenschaft” với mục đích trao ban cho phong trào một nền tảng thần học. Trong bối cảnh đó nổi bật lên gương mặt và hoạt động của đan sĩ O. Casel. Trong các năm tiếp theo với các tuần phụng vụ tại Mont-César phong trào phụng vụ sẽ lan nhanh sang Pháp, và trong các quốc gia âu châu, rồi từ từ vén mở cho thấy một trong các yếu tố định đoạt nhất của việc canh tân giáo hội. Ở đây chúng ta chỉ chú ý tới các ý tưởng nền tảng đã khơi dậy phong trào phụng vụ và trực tiếp góp phần vào việc cập nhật hóa nền thần học bí tích mà thôi.
(Thần học kinh thánh 1178)
Linh Tiến Khải