MỪNG XUÂN GIÁP NGỌ – 2014
送 蛇 迎 馬
TỐNG XÀ NGHINH MÃ
(TIỄN RẮN ĐÓN NGỰA)
蛇 去 除 邪 說 XÀ KHỨ TRỪ TÀ THUYẾT
馬 提 接 福 音 MÃ ĐỀ TIẾP PHÚC ÂM
RẮN ĐI TRỪ TÀ THUYẾT
NGỰA VỀ ĐÓN PHÚC ÂM
XUÂN CANH TÂN
GIÁP NGỌ LẠI VỀ, VUI CÙNG THÁNH MẪU MỪNG NĂM MỚI
HỒNG ÂN BAN XUỐNG, HỌP CẢ GIA ĐÌNH ĐÓN CHÚA XUÂN
Năm 2014 có thật nhiều điểm trùng hợp kỳ thú: 1- Tết Dương lịch và Tết Âm lich cùng nằm trong một tháng (01/01 – Tết DL ; 31/01 – Tết ÂL). 2- Giáo Hội toàn cầu tích cực chuẩn bị khai mạc THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ĐẠI HỘI CHUNG NGOẠI THƯỜNG LẦN THỨ BA tại Rô-ma (05 – 19/10/2014), với chủ đề: “CÁC THÁCH ĐỐ MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG”. 3- Giáo Hội Việt Nam bước vào một chu kỳ 3 năm “TÂN PHÚC-ÂM-HÓA”: *Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình; *Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; *Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội.” (Thư Chung 2013 của HĐGMVN, số 2-4).
Đặc biệt, ngày 24/11/2013, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban hành Tông Huấn “EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG”. Với nội dung khai triển đề tài “Loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”, Tông huấn mở đâu bằng câu: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập con tim và toàn cuộc sống của những người gặp gỡ Đức Giê-su”. Từ tiêu chí đó, nội dung T/H tập trung vào 5 điểm: 1/- Tái truyền giảng Tin Mừng với niềm vui. – 2/- Canh tân óc sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng. – 3/- Giáo Hội phải là một Giáo Hội rộng mở, tiếp đón và thương xót. – 4/- Giáo Hội phải đối thoại và gặp gỡ. – 5/- Giáo Hội phải là tiếng nói ngôn sứ.
“Tái truyền giảng Tin Mừng” bằng cách “canh tân óc sáng tạo”, thì đó chẳng phải là “Tân Phúc-Âm-hóa” đó sao? Vì thế, với niềm vui đón mừng Năm Mới, trong bầu khí sum họp gia đình ấm cúng ngày đầu Xuân, thật vô cùng tốt đẹp nếu nhân dịp này cùng nhau học tập Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, để “Phúc-Âm-hóa gia đình”.
1/- Định hướng chương trình mục vụ trong những năm tới (2014-2016):
+ Đó là định hướng và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin Ki-tô giáo”, Đức Ki-tô đã dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14), nên “Ánh sáng Đức Ki-tô chiếu toả trên khuôn mặt các Ki-tô hữu cần phải lan đến những người khác. giống như từ ngọn nến Phục Sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh.” Ngoài ra, Hội Thánh tại Việt Nam còn kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (1988 – 2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hoá. (Thư Chung 2013, số 2).
2/- Chủ đề định hướng và chương trình mục vụ năm 2014:
+ Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Ki-tô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. (Thư Chung, số 5).
+ Trong khi đó, Thượng Hội Đồng Giám mục khoá ngoại lệ vào tháng 10/2014 sẽ bàn về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Đồng thời, Tông Huấn “EVANGELII GAUDIUM – NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG” cũng tập trung vào vấn đề “Loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”. Rõ ràng tất cả đều quy hướng vào công cuộc loan báo Tin Mừng (tức Phúc-Âm-hóa) trong sứ vụ nhất quán của Giáo Hội là Truyền Giáo vậy.
3/- Phúc-Âm-hóa là gì?
+ Phúc-Âm-hóa là biến đổi con người theo Phúc Âm. Khi Ki-tô hữu đã thực sự Phúc-Âm-hóa cũng là lúc trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô” (Pl 3, 10), trở nên “ánh sáng Đức Ki-tô”. Như thế, trước hết chính bản thân người Ki-tô hữu phải được Phúc-Âm-hoá, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Ki-tô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh. (Thư Chung, số 3).
+ Đức Ki-tô đã dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 14-16). Vì vậy, khi đã Phúc-Âm-hóa, “Chúng ta trở thành con người trọn vẹn khi chúng ta trở thành nhiều hơn con người, khi chúng ta để cho Chúa dẫn mình vượt ra ngoài bản thân để đạt đến chân lý trọn vẹn nhất về con người mình.” (T/H “EVANGELII GAUDIUM”, số 8); “Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh chính là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa.” (T/H -nt- số 174).
4/- Tại sao cần “Tân Phúc-Âm-hóa”?
+ Phúc-Âm-hóa là phương cách biến đổi con người theo Phúc Âm, vậy “Tân Phúc-Âm-hóa” chính là biến đổi con người theo Phúc Âm bằng phương cách mới. “Tân Phúc-Âm-hoá” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giê-su Ki-tô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hoá, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm. (Thư Chung, số 4).
+ Tông huấn “EVANGELII GAUDIUM” cũng nhấn mạnh: “Một lời rao giảng đổi mới được ban cho các tín hữu, ngay cả những người thờ ơ hoặc không hành đạo, một niềm vui mới trong đức tin và thành quả trong công việc rao giảng Tin Mừng.” (số 11); “Lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta nhận ra, một cách cộng đồng, những dấu chỉ của thời đại, Đại Hội Thường Kỳ thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục (7 – 28/10/2012) để bàn về chủ đề: “Tân Phúc Âm hóa để truyền thụ Đức Tin Ki-tô giáo.” Thượng Hội Đồng Giám Mục tái xác nhận rằng việc tân truyền giáo mời gọi mọi người và được thực hiện trong ba lĩnh vực chính.” (số 14); “Đức Thánh Cha Phao-lô VI mời gọi chúng ta mở rộng lời mời gọi canh tân, để diễn tả một cách dứt khoát rằng chúng ta không chỉ nói đến những cá nhân nhưng đến toàn thể Hội Thánh.” (số 26).
5/- Để thực hiện những mục tiêu trên, người Ki-tô hữu Việt Nam cần làm gì?
+ Để thực hiện những mục tiêu trên, Thư Chung (số 6) đã kêu gọi: Xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng. Thánh Phao-lô đã dạy: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy” (1Cr 3, 16). Mỗi Ki-tô hữu là một ngôi đền thờ phượng Thiên Chúa, nên mỗi gia đình tất nhiên là một đền thờ tại gia, và toàn Giáo Hội là một Đền Thờ Thiên Chúa chung cho mọi Ki-tô hữu. Nói gia đình là đền thờ tại gia thờ phượng Thiên Chúa, tức là nói gia đình là cộng đoàn cầu nguyện; vì hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giê-su hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình Công Giáo. Vì thế, “cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.”
6/- Muốn gia đình là một cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện thì phải làm sao?
+ Vì Tình Yêu, Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, rồi phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1, 28). Từ suối nguồn Tình Yêu cao trọng đó, gia đình Nguyên tổ hình thành, và được tiếp nối cho đến thiên thu vạn đại. Đó là lý do giải thích nguyên lý gia đình phải là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình Công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). (Thư Chung, số 6).
7/- Gia đình Ki-tô hữu phải sống thế nào cho đúng với tinh thần “Phúc-Âm-hóa”?
+ Đứng trước những hiểm họa làm rạn nứt, tan vỡ gia đình hiện nay trên thế giới (bạo hành gia đình, nạo phá thai, hủy diệt trứng, tinh trùng…), gia đình phải là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Ki-tô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hoá qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình. (Thư Chung, số 6).
8/- Phải chăng “Phúc-Âm-hóa” là một bổn phận đối với mỗi gia đình Ki-tô hữu?
+ Không những đó là một bổn phận chính yếu mà còn là một sứ vụ quan trọng do Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó. Vì thế, mỗi gia đình Ki-tô hữu phải là một cộng đoàn tích cực tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hoá, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình Công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác. (Thư Chung, số 6).
+ Vấn đề này cũng được nhấn mạnh trong Tông huấn “EVANGELII GAUDIUM”: Trong viễn tượng Giáo Hội ra khỏi chính mình và tiến tới với người anh em, Đức Thánh Cha đề nghị một ”mục vụ hoán cải” 360 độ, khởi đầu từ gia đình tới giáo xứ (số 28), các cộng đoàn cơ bản, các phong trào và hiệp hội (số 29), các Giáo Hội địa phương (số 30) cho tới chức Giáo hoàng, đặc biệt là thực thi một cách giám mục đoàn quyền tối thượng của Phê-rô (số 32).
9/- Lời khuyên cuối Thư Chung có ý nghĩa gì?
+ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định sẽ “đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả “Phúc-Âm-hóa gia đình”, đồng thời đưa ra lời khuyên chí tình dành cho mọi gia đình, nhất là đối với giới trẻ: Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hoá – xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này. Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hoà hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước. Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ. (Thư Chung, số 7).
KẾT LUẬN:
Mọi sự đã rõ ràng, tất cả các gia đình Ki-tô hữu xin hãy noi gương Thánh gia Na-da-ret, làm mới lại gia đình của mình không chỉ ở căn nhà vật chất mà là căn nhà tâm linh, là Hội Thánh tại gia (nơi được gọi là Đền thờ Thiên Chúa). Đồng thời làm mới lại con người và cuộc sống của bản thân theo tinh thần TÂN PHÚC-ÂM-HÓA – hay dễ hiểu hơn là hãy “TÂN TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG” (T/H -nt- số 14), tức ‘LỜI RAO GIẢNG ĐỔI MỚI” (T/H -nt- số 11).
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã coi Mùa Xuân như một tặng phẩm cao quý của Thượng đế trao tặng và để đón mừng món quà vô giá ấy, ai ai cũng nao nức dọn dẹp trang hoàng nhà cửa (làm mới lại nơi cư trú), tắm gội sạch sẽ (tục lệ “tắm tất niên” để rửa sạch những ô uế, làm sạch lại bản thân). Đó chính là sự canh tân cần thiết. Canh tân không có nghĩa là phế bỏ cái cũ mà chỉ là làm mới lại cho sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn. Với “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM”, để mừng đón Xuân Giáp Ngọ (2014), không gì bằng hãy đổi mới phương cách “Phúc-Âm-hóa gia đình” trong bầu khí tươi mới, ấm nồng của một mùa XUÂN CANH TÂN. Trong tâm tình đó, xin cùng hiệp ý với Hội đồng Giám Mục Việt Nam dâng lời cầu nguyện:
“Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Ki-tô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu toả ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.” (Thư Chung 2013, kết luận). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
Nguồn: ThánhLinh net