Một trong những vấn đề mà các nhà tâm lý học phải đương đầu là vấn đề mất gốc hay mất căn tính. Có những loại căn tính khác nhau như: căn tính cá nhân, căn tính nòi giống, căn tính văn hoá, căn tính phái tính, căn tính gia đình, căn tính tôn giáo. Theo Hán tự thì căn là rễ. Mất căn tính là mất gốc rễ. Ở Việt Nam ai đã mang thẻ căn cước, thì hiểu rõ được nghĩa của chữ căn. Khi mất thẻ căn cước người ta sẽ khó lòng chứng minh với nhà chức trách về cái danh tính của mình. Một lần người viết bài suy niệm này bị tóm cổ trên chuyến xe đò Sài Gòn-Vũng Tàu vì quên mang thẻ căn cước. Tưởng là trốn quân dịch, cảnh sát đem về nhốt ở bốt cảnh sát Quận Tân Bình.
Vào cái thời trước khi Chúa Cứu thế Giáng sinh, người Do Thái mong đợi Đấng Cứu thế đến để giải thoát họ khỏi kiếp lưu đầy, khỏi cảnh nô lệ lầm than khốn khổ của người ngoại bang. Họ mong đợi Đấng Cứu thế đến như một tướng lãnh tài giỏi, bách chiến, bách thắng. Họ nuôi hy vọng Đấng Cứu thế sẽ thiết lập một vươngn quốc trần gian, giàu có và hùng mạnh, để đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Và đó là những quan niệm sai lầm của họ về Đấng Cứu thế, cũng như về bản chất của đạo giáo. Phúc âm hôm nay thuật lại Gioan Tiền hô đã sửa sai quan niệm của họ về Đấng Cứu thế. Gioan Tẩy giả minh xác Đấng Kitô là chiên Thiên Chúa, được sai đến để xóa tội trần gian (Ga 1:29). Trong thời Cựu ước, chiên được dùng để làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Bằng việc gọi Chúa Kitô là Chiên Thiên Chúa, Gioan chỉ cho thấy đời sống của Chúa Kitô được dâng cho Thiên Chúa như là lễ vật hy sinh đền tội thay cho nhân loại. Minh xác về vai trò của Đấng Cứu thế, thì Gioan cũng minh xác về vai trò của chính mình. Khi Gioan Tiền hô xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, thì ông được dân chúng tôn sùng, coi Gioan như là chính Đấng Cứu thế phải đến. Vào cái thời đó tại đất Do Thái, người ta đã chán ngấy cái tình trạng xã hội suy đồi. Những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự đều tham nhũng thối nát. Còn trên bình diện chính trị, thì đất nước của họ đang bị đế quốc La Mã cai trị, nên họ mong đợi Đấng Cứu thế đến hơn bao giờ hết vì thời gian đã chín mùi. Như vậy, nếu theo quan niệm của dân chúng về Đấng Cứu thế, thì ông Gioan cũng có thể mạo nhận cho mình là Đấng Cứu thế, nhất là cái sứ điệp rao giảng của Ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Tuy nhiên Gioan Tiền hô không ngộ nhận, vì ông đã ý thức được cái căn tính của mình, và thể hiện đúng vai trò của mình. Gioan chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, đi dọn đường cho Đấng Cứu thế đến mà thôi, và không xứng đáng cởi giây dày cho Người.
Cái bài học mà Gioan Tẩy giả dạy bạn hôm nay là bài học chấp nhận: chấp nhận cái vị thế, cái thế đứng, cái quyền hạn của mình, cái thực chất về mình cả ưu điểm cũng như khuyết điểm, không giả tạo, không qui công về cho mình cái mà mình không có, điều mình không làm. Có bao giờ bạn thấy mình khoe khoang tự phụ mà tối về nhà cảm thấy tâm hồn trống rỗng? Cảm thấy tâm hồn trống rỗng là bước đầu cho việc muốn sửa đổi. Thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Corintô hôm nay cũng giúp bạn tìm ra căn tính của người Kitô giáo trong Chúa Kitô. Theo thánh Phaolô, thì người Kitô giáo đã được thánh hiến để trở nên dân tộc thánh thiện. Nhờ bí tích Rửa tội, họ được chọn làm dân riêng, và làm nghĩa tử của Chúa, được thừa hưởng phần gia nghiệp Nước Trời.
Bài học nữa mà Gioan Tẩy giả dạy bạn hôm nay là bài học tìm về căn tính và cội rễ của mình. Nhận ra căn tính là điều quan trọng cho bạn, và cho những người tiếp xúc với bạn. Nhận ra căn tính giúp bạn biết chấp nhận cái sự thực về mình. Nhận ra căn tính sẽ giúp bạn sống trung thực với lòng mình. Ý thức được cái căn tính của mình, sẽ giúp người khác biết được cái thế đứng, và lập trường của mình. Là người Công giáo, bạn cũng cần học hỏi để có được cái nhìn không lệch lạc về bản chất của đạo giáo và của người Kitô giáo. Bạn cần học hỏi để biết mình sinh ra đời để làm gì, sống như thế nào, và cùng đích của đời sống sẽ đi về đâu?
Lm Trần Bình Trọng
NS Dân Chúa Mỹ Châu