Có lần nói chuyện với các bạn trẻ dự tu vào Đại chủng viện, nhất là với những người chờ đợi khá lâu mà vẫn chỉ ở “trình độ” dự tu, tôi đã thật lòng chia sẻ vừa để an ủi, vừa để mời gọi các bạn vững lòng tin:
“Bất cứ cái gì anh em có được đều đòi anh em phải trả cho nó bằng một cái giá tương xứng. Từ cái kẹp tóc nhỏ xíu trên đầu đến đôi dép lót dưới bàn chân, nếu anh em muốn có nó, không phải tự dưng mà có.
Tất cả đều có giá. Chỉ là cái kẹp, đôi dép mà đã đòi phải trả giá thì huống hồ là lý tưởng tu trì. Dù so sánh của tôi có hơi tầm thường, nhưng chắc chắn đó là thực tế. Cái kẹp và đôi dép. Ai cũng thấy. Ai cũng biết.
Lý tưởng tu trì của anh em, còn hơn cả một đời sống tu trì nói chung, nó chính là lý tưởng linh mục.
Bởi lý tưởng linh mục mà anh em đang cất giữ trong tim, và mong mỏi đạt tới không phải chỉ là quan trọng mà thôi, không phải chỉ là lớn lao mà thôi, đó là thánh chức linh mục, là tham dự vào chính đời sống của Chúa Kitô, là chia sẻ chính Chúa Kitô, là nên một với Chúa Kitô trong nghĩa vụ tư tế của Người, Đấng mà tất cả chúng ta phải tôn thờ. To lắm! Cao cả lắm! Đẹp lắm! Tôi nhắc lại, đó là thánh chức chứ không đơn giản là chức vị, là chỗ đứng, là sự hào nhoáng (càng không bao giờ như cái kẹp, đôi dép).
Vì thế, đòi anh em phải trả giá, một cái giá không nhỏ chút nào. Đó là cái giá phải trả bằng cả một đời trung thành tận tụy, đặt hết niềm vui, nỗi buồn, đặt trọn cả cuộc sống để mua lấy và sở hữu.
Anh em phải hiểu rằng, cái giá phải trả không nhỏ, bởi thánh chức linh mục mà anh em sẽ mang lấy, không phải mang trong một sớm một chiều, nhưng là mang trọn một đời dâng hiến.
Mà vật gì phải trả giá, trả giá càng cao, thí càng quý. Như một số đàn anh chúng tôi, những người còn đang sống giữa chúng ta, chẳng hạn cha E., cha G., cha U… Cách đây nhiều năm, khi Chủng viện bị cấm hoạt động, họ đã trở thành những kẻ lang thang.
Người ta cuốc đất, họ không có đất, họ cuốc đất mướn. Người ta nuôi heo, họ không có tiền nuôi heo, họ làm nghề… thiếng heo. Người ta đạp xe ba bánh, họ không có xe, họ đạp xe ba bánh mướn…
Họ sống như một người tu. Nhưng họ làm tất cả để hóa thân thành người ở giữa đời. Và còn hơn một người ở giữa đời, họ chỉ nhắm một trọng tâm duy nhất: bảo vệ lý tưởng linh mục đến cùng, dù phải bảo vệ ngay trong hoàn cảnh chẳng còn gì để phải nhọc lòng bảo vệ, chẳng còn gì nhọc lòng chờ đợi.
Có người thất vọng giùm họ, nhiều anh em cán bộ quen biết cũng “tỏ tình thương”, khuyên họ về nhà… kiếm “bà xả” cho xong. Họ chỉ cười, một nụ cười đôn hậu. Một nụ cười mà chỉ có niềm tin tưởng vào Chúa, họ mới đủ hy vọng giữa hoàn cảnh không còn một chút hy vọng nào.
Trong niềm tin và hy vọng vào Chúa như thế, họ thân ái trao tặng những người “thương” họ cả một vành trăng mới trên đôi môi cười của mình.
Dù khó nhọc đến đâu họ vẫn cười. Dù phải lướt qua bao nhiêu gập ghềng, chông chênh, họ vẫn cười. Dù chỉ còn thất vọng giữa lúc hy vọng về lý tưởng linh mục đến lúc tàn, họ vẫn cười. Một nụ cười hình vầng trăng khuyết trên vành môi. Đẹp kiêu sa!
Anh em thân mến, những đàn anh của chúng ta được Chúa Kitô mời gọi hãy từ bỏ để theo Chúa. Và họ đã từ bỏ.
Họ được Chúa Kitô mời gọi phó thác cho tình yêu của Chúa. Và họ đã phó thác.
Họ được Chúa Kitô mời gọi vác thập giá với Chúa. Và họ đã vác.
Họ được Chúa Kitô mời gọi bước vào cuộc tử nạn và chịu đóng đinh với Chúa. Và họ bước.
Họ đã đơn sơ, chân thành theo Chúa, vì Chúa mới chính là lý tưởng linh mục của đời họ.
Tất cả những hang hùm, sói dữ chỉ là những thử thách, những cái giá mà họ phải chấp nhận trả cho chính lý tưởng linh mục của họ.
Có Chúa, họ không sợ gì. Có Chúa, họ vượt trên miệng hùm, miệng sói.
Lý tưởng linh mục của họ thật quý giá. Bởi lý tưởng linh mục ấy, họ đã phải trả giá đắc…”.
Không chỉ hôm nay, mà từ ngàn xưa, để theo Chúa, con người cũng đã phải trả giá.
Tổ Phụ Abraham chấp nhận bỏ quê hương, bỏ mọi thứ yên ổn, giàu sang, gia đình, họ hàng… nơi quê hương để theo Chúa.
Hoàng hậu Ette chấp nhận liều mình đến trước vua để cứu dân của bà khỏi cái giá treo cổ.
Ông Samson đã chấp nhận liều thân, và đã hy sinh thân mình cùng chết với kẻ thù để giải thoát dân tộc.
Anh em nhà Macabê, đặc biệt Giuđa Macabê chấp nhận liều thân để bảo vệ đến cùng cho lề luật của Thiên Chúa, cũng chính là lề luật ngàn đời của cha ông để lại.
Đến thời các tiên tri, không một tiên tri nào không trả giá, có lúc trả giá đớn đau, thậm chí trả giá bằng chính mạng sống để theo Chúa, để hoàn thành sứ mạng Chúa trao…
Các tông đồ, một khi theo Chúa, cũng đã trả giá.
Lời Chúa hôm nay ngỏ với các tông đồ, cũng là lời ngỏ dành cho chúng ta. Lời ngỏ ấy xem ra là một lời hứa vinh quang, danh dự, một lời hứa ban sự thành công: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”. Nhưng tôi lại đọc thấy bên trong của lời ngỏ ấy là cả một chiều dài của sự trả giá.
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết khởi đầu của sự trả giá ấy. Bằng lời ngỏ “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”, Chúa Giêsu tuyển chọn bốn tông đồ đầu tiên đi theo Chúa là: Simon Phêrô; Anrê; Giacôbê; Gioan.
Bốn tông đồ này là hai cặp anh em ruột: thánh Anrê là anh thánh Phêrô; thánh Giacôbê là anh thánh Gioan. Đây là bước khởi đầu cho việc thực hiện đường lối cứu độ của Chúa và thiết lập Hội Thánh.
Thái độ của các môn đệ đầu tiên là thái độ đáng để chúng ta học tập: Sau khi nghe Chúa mời gọi, ngay lập tức, họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.
Thánh Mathêô ghi nhận: Lập tức các ông bỏ mọi sự mà ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Thánh Mathêô thật tinh tế khi dùng hai từ “lập tức”: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người… Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người”.
“Lập tức”, tự bản thân, từ ngữ này đã diễn tả đầy đủ sự mau lẹ, sự dứt khoát, sự từ bỏ không một chút luyến tiếc, và cả sự đam mê bước theo tiếng Chúa gọi nữa.
Cái giá ban đầu của sự theo Chúa, của ơn được tuyển chọn dứt khoát và mạnh mẽ là thế: “Bỏ!”:
– Bỏ chài lưới, bỏ thuyền: Không chỉ đơn thuần là bỏ một việc làm, mà còn là bỏ tất cả phương tiện để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình mình.
Không chỉ là bỏ một nghề nghiệp, mà còn là bỏ cả sự ổn định, bỏ cả một trật tự của đời sống đã quá quen thuộc của cá nhân mình, bỏ cả một sự nghiệp mà bản thân gắn bó với nó từ thời cha ông đến thời con cháu.
Bỏ như thế để đi theo Đấng đã gọi mình cũng có nghĩa là tín thác hoàn toàn trong tay Đấng đã mời gọi mình, gọi chính đời mình, gia đình mình, tương lai của mọi người mà mình có trách nhiệm.
– Bỏ cha: Không chỉ là từ giả người thân mà ra đi theo tiếng Chúa gọi, nhưng đó chính là từ bỏ cả tình ruột thịt, máu mủ.
Để cha lại trên thuyền mà theo Chúa là quyết tâm đặt Chúa lên trên cả lòng thảo hiếu, trên cả tình cảm cha con theo cách của trần thế, để từ nay nhìn nhận Chúa thực là Thầy, là Cha của mình.
Cất dấu tình cảm trần thế để bước theo tiếng gọi của trời cao, các môn đệ đầu tiên đã chọn cho mình lý tưởng thuộc về trời cao, thuộc về Thiên Chúa mà ấp ủ, mà yêu mến và sống chết cho lý tưởng ấy.
Bỏ người thân để đi theo Đấng đã gọi mình, cũng có nghĩa là hoàn toàn hiến dâng người thân của mình trong tay Đấng đã gọi mình.
Để nhấn mạnh trách nhiệm của người được tuyển chọn, Chúa Giêsu xác định ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”.
Như vậy, trong lời mời gọi, điều mà Chúa nhắm đến trước tiên không phải là vinh quang danh dự của bản thân các tông đồ, mà là trách nhiệm, là nghĩa vụ: Phải chài lưới người.
Các ngươi là những người cần thiết cho sự nghiệp của Ta, cho vương quốc của Ta. Bởi khi kiên trì trong việc thả lưới, giúp các ngươi kiên nhẫn đợi chờ trong việc chài lưới người về cùng Ta.
Sự hòa đồng vốn có của những người ngư phủ giúp các ngươi dễ chấp nhận nhau, dễ làm việc chung phục vụ cho công cuộc của Ta.
Sự can đảm trước sóng gió giúp các ngươi bình tỉnh trong những nghịch cảnh mà vì danh Ta, các ngươi có thể sẽ phải đối đầu.
Khả năng nhận biết khi nào và chỗ nào nên thả lưới, giúp các ngươi khám phá những vùng đất cần sự truyền giáo để sáng danh Ta.
Đàng khác, “Hãy theo Ta”, có nghĩa là hãy lên đường với Ta, hãy gắn bó cùng Ta, hãy chia sẻ thao thức của Ta, hãy mang lấy gánh mà Ta phải gánh, hãy sống như Ta, hãy yêu như Ta, hãy chết cho người mình yêu như Ta đã chấp nhận chết…
Để theo Ta, đúng hơn là, để giống như Ta, để nên một cùng Ta, đòi các ngươi phải chấp nhận trả giá.
Cái giá phải trả thật lớn lao, thật quang trọng đối với các ngươi. Bởi đó là những gì thân thuộc nhất, cần thiết nhất, ổn định nhất, cao quý nhất, căn bản nhất cho cuộc đời trần thế của các ngươi.
Từ nội dung bài Tin Mừng cho ta bài học quý giá, đó là: Muốn theo Chúa, muốn làm tông đồ, làm nhà truyền giáo của Chúa, phải chấp nhận trả giá, có khi đó là giá đắt.
Sự trả giá ấy, đòi hỏi người tông đồ phải từ bỏ, phải trở nên một con người không vướng bận một chút lo toan vật chất, của cải nào.
Đúng hơn, đi theo Chúa, chỉ cần người môn đệ mang theo trong tâm hồn một thứ hành trang duy nhất cần thiết, đó là lòng yêu mến và tin tưởng phó thác mà thôi, mọi của cải vật chất, mọi tiện nghi, mọi sự thuộc về trần thế… đều trở thành chướng ngại cho việc truyền giáo. Bởi công tác truyền giáo là công tác khó khăn. Chỉ có lòng yêu mền và tín thác vào Chúa, ta mới có thể vượt qua.
Các Tổ phụ đã chấp nhận trả giá. Các Thủ lãnh và các tiên tri thời Cựu Ước đã chấp nhận trả giá. Các tông đồ đã chấp nhận trả giá. Các bạn trẻ dự tu, họ là những thanh niên có học, có địa vị giữa đời, nhưng họ đã chấp nhận trả giá.
Hay trong bài nói chuyện với các bạn, tôi nói đến hàng hàng lớp lớp các linh mục trẻ tuổi có, lớn tuổi có, trên khắp đất nước này, vì danh Chúa Kitô, cũng đã chấp nhận trả giá.
Nhưng tôi còn nhìn thấy, không chỉ các linh mục, mà còn vô số anh chị em tín hữu, vô số các tu sĩ đã chấp nhận trả giá.
Chúng ta kính phục họ vì họ quyết một lòng tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta yêu mến họ vì họ không bao giờ nhường bước trước sóng gió vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta noi gương họ vì họ đã sống như Chúa Kitô đã sống.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn tông đồ, để chúng con biết hiến dâng cho Chúa tất cả nhiệt huyết, tất cả tình yêu, tất cả sự sống của chúng con để danh Chúa được cả sáng.
Chúng con tin rằng, như các môn đệ của Chúa khi xưa, và như biết bao nhiêu anh chị em của chúng con trên khắp đất nước này, nếu chúng con biết từ bỏ mọi sự theo Chúa, chấp nhận trả giá để Chúa được tôn vinh, Chúa cũng sẽ biến đổi chúng con thành “những kẻ chài lưới người ta”. Amen.
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh