Tiêu đề bài Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Chay có sách Tin Mừng ghi là “Đức Giê-su hiển dung” (Mt 17, 1-9; Lc 9, 28-36), có sách ghi là “Đức Giê-su biến đổi hình dạng” (Mc 9, 2-8). Tuy có tiêu đề khác nhau, nhưng trong nội dung thì cả 3 sách Tin Mừng nhất lãm đều dùng cách viết “Đức Giê-su biến đổi hình dạng” để trình thuật biến cố lạ lùng này (“Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông” – Mt 17, 1-2). Như vậy thì Đức Ki-tô hiển dung hay biến hình?
Hiển dung là biểu lộ cái diện mạo thực (chân dung) ra một cách rõ ràng. Còn biến hình là thay đổi hình dạng. Thưc ra, vấn đề cũng không có gì là khúc mắc cả. Đức Giê-su biến đổi hình dạng thường ngày sang một hình dạng khác hẳn, rực rỡ hơn, chói loà hơn gấp bội, là Người muốn cho các môn đệ và mọi người biết ngoài bản tính loài người chứa trong thân xác phàm tục ra, Người còn một bản tinh nữa là bản tính Thiên Chúa. Chân tướng sự vịêc là điều Người muốn công nhiên mạc khải: Chân dung của Người chính là dung mạo đích thực của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, trong cùng một Con Người là Đức Giê-su Ki-tô có 2 hình dạng: Dung mạo bình thường là bản tính loài người, còn chân dung – bản chất đích thực của Người – là bản tính Thiên Chúa. Nói Đức Giê-su biến hình là muốn nói Người đã biến đổi từ hình dạng bình thường của loài người sang hình dạng Thiên Chúa. Còn nói hiển dung là muốn nói – qua việc biến đổi hình dạng bên ngoài – Đức Ki-tô muốn biểu lộ chân dung đích thực của Thiên Chúa (Ngôi Lời nhập thể) vốn ẩn kín bên trong chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret.
Khi ba môn đệ theo Đức Giê-su lên núi Ta-bo, thì các ngài vẫn thấy Thầy của mình với dung mạo bình thường như các ngài đã được chứng kiến, được “thực mục sở thị” trong suốt ba năm theo Thầy đi khắp đó đây. Nhưng đến khi Thầy cầu nguyện thì “… Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17, 2). Sự kiện Chúa Giê-su biến đổi hình dạng đã khiến các môn đệ – trong đó có thánh Phê-rô – hoảng sợ. Sự hoảng sợ lần này khác với lần được chứng kiến “Đức Giê-su đi trên mặt biển” (Mt 14, 22-32). Lần trước, thánh nhân cho là mình gặp ma, thì lần này thánh nhân đã tin Thầy mình đích thị là Thiên Chúa, và chỉ có như thế Thầy mình mới hội kiến, đàm đạo với ông Mô-sê và ông Ê-li-a (đã khuất bóng từ trước đó mấy trăm năm) được.
Từ hình dạng con người trần thế bình thường biến sang chân dung Thiên Chúa, Đức Giê-su muốn cho mọi người – thông qua các môn đệ thân tín của Người – hiểu rõ được Người chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, như Lời phán dạy của Thiên Chúa Cha từ trong đám mây sáng ngời bao phủ các môn đệ: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Lời phán dạy của Thiên Chúa Cha lần này y hệt lần Đức Giê-su chiu phép rửa trên sông Gio-đan (“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” – Mt 3, 17). Nhờ thế, giúp củng cố đức tin, đồng thời, cũng chính là giúp biến đổi con người các môn đệ và những kẻ đến với Đức Giê-su Ki-tô.
Nói Chúa Hiển Dung là nhằm mục đích củng cố đức tin của các môn đệ, nhưng vì sao lại phải như vậy? Ấy là vì trước đó không lâu, Đức Giê-su đã loan báo biến cố Thương Khó lần thứ nhất cho các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại”. Các môn đệ đã không chịu hiểu và cũng không muốn tin rằng Thầy mình sẽ đi vào con đường thập giá quá đau khổ và nhục nhã đó. Riêng Phê-rô thì đã kéo riêng Thầy mình ra và trách Người rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”; khiến Đức Giê-su phải nặng lời quở mắng: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 21-23).
Một sự kiện minh họa lòng tin của các môn đệ còn chưa vững là khi Chúa Hiển Dung, thì “… ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt…” (Lc 9, 32); nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người (là ông Mô-sê và ông Ê-li-a), thì “các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.” (Mt 17, 6). Rồi sau đó, tại vườn Ghết-sê-ma-ni, trong khi Thầy cầu nguyện đến độ đổ cả mồ hôi máu ra mà các ông vẫn ngủ ngon lành, khiến Người phải thốt lên: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” Cứ tưởng như vậy thì các môn đệ sẽ “tỉnh ngủ”, để hiểu ra rằng thời giờ đã cận kề, đây là lúc cần phải canh thức và sẵn sàng chờ đón mọi biến cố (Mt 24, 43-44); nhưng thật không ngờ các ngài lại tiếp tục ngủ, ngủ miết tới lúc Thầy phải đánh thức lần nữa: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” (Mt 26, 40-46). Cái “thể xác yếu hèn” đó của các môn đệ vẫn chưa thèm chuyển động dù Thầy đã 5 lần bảy lượt cảnh báo! Thế đó!
Điều đó cho thấy sau biến cố Chúa Hiển Dung, các môn đệ có được củng cố lòng tin để vững bước cùng Chúa trên con đường thập giá hay không? Cứ xem khi Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó thì đủ biết: Trong số 12 Tông đồ là những môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su, thì vị đứng đầu (Phê-rô) đã chối Chúa tới 3 lần trước một người tớ gái nhà Cai-pha, một Giu-đa It-ca-ri-ốt thì bán Chúa để lấy 30 đồng bạc, các vị còn lại thì bỏ Người mà chạy trốn hết, để một mình Chúa đơn độc đi vào cuộc Thương Khó. Duy chỉ có được một Gio-an là theo Thầy tới tận chân thập giá, nhưng cũng chỉ lẽo đẽo theo từ xa xa, đến độ khi Thầy yếu nhọc quá sức, quân dữ phải bắt một dân ngoại là Si-mon vác đỡ Thánh giá cho Người (“Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người.” – Mt 27, 32). Vậy đó!
Quả thật Chúa luôn luôn muốn củng cố lòng tin cho các môn đệ, nhưng vấn đề đặt ra là lòng tin ấy có thực sự được củng cố hay không, còn tùy thuộc vào chủ thể các môn đệ. Một cách cụ thể là nếu chủ thể không chịu mở cửa tâm hồn ra đón nhận, thì những ân sủng Thiên Chúa ban cũng chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn” mà thôi. Vâng, “Thiên Chúa có thể dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng Người không thể cứu rỗi chúng ta nếu chúng ta không ưng thuận.” (Thánh Âu-tinh). Và cũng chính vì quá rõ lòng dạ con người là như vậy, nên Đức Giê-su luôn dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện (“Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” – Mc 14, 38). Không những Người dạy dỗ, mà còn làm gương mẫu cụ thể nữa (Người luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha, nhất là những dịp Người chịu để ma quỷ cám dỗ như khi Người vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày, hoặc lần cầu nguyện đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni).
Mùa Chay chính là thời gian để người tín hữu chọn lựa một hành động thiết thực: hoặc xé áo, hoặc xé lòng. Muốn xé áo thì dễ thôi, chỉ cần một động tác nhỏ là khoác lên mình bộ vó kiêu căng tự phụ, bộ áo lười nhác ích kỷ, không thèm đếm xỉa đến mọi người xung quanh. Tuy nhiên, để xé lòng thì không dễ dàng đâu, bởi phải quyết tâm không khua chiêng gõ mõ khi cầu nguyện, không méo miệng ngoẹo đầu rầu rĩ khi ăn chay, không biểu ngữ khoa trương khi làm từ thiện, không sáo rỗng màu mè khi an ủi anh em, không hứa lèo hứa cuội khi hoà giải, không mặc áo thày tu khi mình không phải là tu sĩ, không đánh trống bỏ dùi, tiền hậu bất nhất khi đòi đi theo Thầy Chí Thánh. Chỉ có như vậy, kèm theo sự sám hối chân thành, mới thực sự hoán cải, đổi mới con người của mình, để được biến đổi toàn diện (biến hình) theo Chúa.
Đúng là rất khó khăn để có thể làm được như thế. Khó, nhưng không phải là không thực hiện được, khi biết cậy dựa vào Thần Khí, “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1, 7). Muốn tránh khỏi mưu ma chước quỷ hằng ngày cám dỗ, người tín hữu không thể ỷ vào sức mình vì “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” mà phải cậy trông vào Thiên Chúa, cầu nguyện để Người soi sáng và ban thêm sức mạnh và lòng dũng cảm. Chỉ có như thế mới mong biến đổi con người của mình (như xưa Chúa đã biến hình trên núi Ta-bo).
Quả thực Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt người Ki-tô hữu vinh quang của Đức Giê-su, báo trước cuộc phục sinh vinh hiển của Người. Từ đó giúp người tín hữu ý thức mình được dẫn lên núi cao (Mt 17, 1) như các Tông Đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, để tái đón nhận hồng ân được làm con Thiên Chúa trong Trưởng Tử Giê-su Ki-tô, qua Lời phán dạy: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 21, 6). Vâng, người Ki-tô hữu luôn được mời gọi cùng đi lên núi cao để được ngụp lặn trong hào quang vinh hiển của Thiên Chúa, ngõ hầu hoán cải, biến đổi toàn diện con người của mình sao cho ”trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Pl 3, 10). Trong tâm tình dìm mình vào mùa Chay thánh, thiển nghĩ không chỉ riêng mình tôi, mà là tất cả những anh em chung một niềm tin với tôi, đang đồng hành cùng tôi, đều ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.