Đức Piô X được gọi là “Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể”, vì Ngài đã cho phép trẻ em đến tuổi khôn được rước lễ vỡ lòng. Đức Lêô XIII là “Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi”, vì nêu gương và cổ võ phép lần hạt. Đức Gioan XXIII là “Bon Papa”, vì Ngài hiền lành và khiêm nhường. Đức Gioan Phaolô I trên tòa thánh Phêrô chỉ có 33 ngày cũng nhận được biệt danh “Giáo Hoàng của nụ cười”, vì khi xuất hiện trước công chúng Ngài luôn để lại nụ cười thật tươi. Đức Gioan-Phaolô II là “Giáo Hoàng của những kỷ lục”: kỷ lục đi xa, kỷ lục phong thánh, kỷ lục gặp gỡ, kỷ lục diễn văn, đặc biệt Ngài là “Giáo Hoàng của Đức Mẹ”.
Nhìn lại 26 năm Giáo hoàng của ngài, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã để lại cho Giáo Hội và cho nhân loại, không chỉ về gương sáng đời sống thánh thiện, tình yêu mục tử, các nhân đức anh hùng…mà còn là những công trình về luân lý, xã hội, mục vụ, triết lý, thần học…
Nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II vào Chúa Nhật 27- 4 tới đây, xin điểm lại ba nét chính yếu trong đời sống tâm linh của Đức Gioan-Phaolô II, một Giáo Hoàng có đời sống nội tâm sống động. (x. Bài giảng Chúa Nhật, Tòa TGM Sài Gòn, số 4.2014, tr. 58-66).
Say mến Chúa Giêsu Thánh Thể
Từ thuở nhỏ, cậu bé Karol đã chứng tỏ một tâm tình đạo đức sâu xa. Mỗi sáng trước khi đến trường, cậu luôn luôn ghé lại nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Một người bạn thường học chung với Wojtyla đã ghi trong hồi ký của mình: “Cứ mỗi lần ôn xong một bài học, Karol rời khỏi phòng và một lúc sau mới trở lại. Có lần, vì cánh cửa không được đóng kín, tôi thấy Karol đang quỳ cầu nguyện. Karol thể hiện lòng đạo đức một cách rất kín đáo”.
Lòng đạo đức của song thân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Karol, chính cậu đã xác nhận: “Chính mẹ tôi đã dạy cho tôi cầu nguyện và say mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức thâm sâu. Hằng ngày tôi có thể quan sát lôi sống khắc kỷ của ngài. Trước đây ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Những thử thách đau đớn ập đến trên ngài đã mở ra nơi ngài những chiều sâu thiêng liêng bao la, nỗi buồn của ngài biến thành lời cầu nguyện. Thỉnh thoảng thức giấc lúc nửa đêm, tôi thấy ngài vẫn quỳ gối cầu nguyện, như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chỉ nhìn ngài quỳ gối tôi cũng đã nhận được một ảnh hưởng quyết định những năm niên thiếu của tôi. Gương sáng của ngài đủ để dạy cho tôi về kỉ luật và ý thức bổn phận” (x. Hồng ân và huyền nhiệm, tr. 18).
Khi nhận lời làm Giám mục Phụ tá giáo phận Cracovia vào năm 1958, Đức Karol đã ghé vào nhà nguyện Dòng Ursuline, sấp mình cầu nguyện trước Thánh Thể tám tiếng đồng hồ. (x. Ấn tượng Gioan-Phaolô II, tr. 54)
Vào năm 1978, khi tuyển chọn vị tân Giáo hoàng, yếu tố đè nặng trên quyết định của các Hồng y: chọn một người suy niệm và cầu nguyện để làm Giáo hoàng. Và các vị nhận ra nơi Hồng y Karol Wojtyla, một mẫu gương để cầu nguyện.
Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng mọi hoạt động nhân bản và mục vụ của Đức Gioan-Phaolô II. Khi lên ngôi Giáo hoàng, dù bận bịu biết bao công việc, mỗi ngày ngài dành nhiều giờ trước Thánh Thể, trung bình bảy tiếng mỗi ngày. Ngài nói: “Cả thế giới có quyền chờ đợi nhiều nơi Giáo hoàng nên Giáo hoàng sẽ không bao giờ cầu nguyện cho đủ”.
Học giả Jean Guitton, thuộc Hàn Lâm viện Pháp viết về ngài: “Khi tham dự Thánh lễ của ngài, người ta có cảm tưởng đang thông phần vào cuộc gặp gỡ của riêng một người với một mình Thiên Chúa” (x. Ấn tượng Gioan Phaolô II, tr. 38).
Trước mỗi chuyến công du, ngài cầu nguyện rất nhiều, xưng tội trước khi đi công du. Ngài vẫn giữ thói quen rất lành thánh là xưng tội hằng tuần. Ngài cổ võ mạnh mẽ cho việc tôn sùng Thánh Thể. Khi viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh Thể, gần giống như Thánh Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể (x. Đối thoại với Đức Gioan Phaolô II, tr. 52)
2. Sùng kính Mẹ Maria
Khẩu hiệu của Ngài là “Totus Tuus”.
Đây là những chữ trong lời kinh dâng mình cho Đức Mẹ, khởi xướng từ phong trào tận hiến do thánh Louis Marie Grignion de Montfort, mà Đức Gioan-Phaolô II đã đọc và đã sống từ những ngày còn rất trẻ: “Tất cả của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ”. Âm điệu lời kinh ấy đã đi vào nhịp điệu cuộc đời của ngài và cứ thế làm nên sức sống không ngừng tươi trẻ của mùa dâng hiến. Tiểu sử kể lại rằng: thời trung học ngài đã tích cực tham gia phong trào “chuỗi kinh Mân Côi sống” để cổ võ lòng yêu mến Đức Mẹ, xây dựng tình hiệp thông và thêm tinh thần can đảm kinh qua những gian khổ dưới thời Đức quốc xã. Với chúng ta, cái tên Auschwitz có chăng chỉ là những hình ảnh tĩnh mang tính sử liệu của một thời đã qua, nhưng với Đức Gioan-Phaolô II, đó vẫn mãi còn là chuỗi sự kiện sống động kinh hoàng của “văn hóa sự chết”, mà sống còn qua những năm tháng “khói lửa” ấy là nhờ vào sự gìn giữ của Mẹ Maria. Chính vì thế, khi được chọn làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Krakow, ngài đã không lưỡng lự ghi tên Mẹ Maria và trong huy hiệu và chọn lời kinh dâng hiến cho Đức Mẹ làm châm ngôn phục vụ: “Totus Tuus: trọn đời con thuộc về Mẹ”.
Ngày 02 tháng 10 năm 2003, người ta thấy xuất hiện trên các quầy sách đạo một cuốn sách tựa đề “50 ngày đáng nhớ dưới triều đại Đức Gioan-Phaolô II” của cha Joseph Vendrisse, linh mục thừa sai Châu Phi, Pères Blancs, làm thông tín viên của tờ Figaro tại Vatican. Cuốn sách kể lại 50 biến cố quan trọng, lồng trong 50 ngày làm việc, cũng là minh họa 50 hạt kinh trong chuỗi Mân Côi sống mà Đức Gioan-Phaolô II đã ngày từng ngày thực thi không mệt mỏi trên hành trình sứ vụ. Đời ngài là chuỗi kinh Mân Côi, nên đích thực ngài là “Giáo Hoàng của Đức Mẹ”.
Ngài rất yêu mến Mẹ Maria.
Ngay từ những năm đầu của triều đại Giáo Hoàng, Đức Gioan-Phaolô II đã cho thế giới biết ngài quan tâm thế nào đến việc nêu gương tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Nếu Thông điệp Redempror Hominis (1979) là xác quyết lòng tin và là đề cương cho việc phục vụ Dân Chúa, thì Thông điệp Redemptoris Mater (1987) chính là đối xứng không chỉ về phương diện từ ngữ mà còn về tấm lòng noi gương Đức Maria mà phục vụ Đấng Cứu Thế.
Và không chỉ là quyết chí trên bình diện lý thuyết mà còn rất cụ thể hơn bất cứ Giáo Hoàng nào, Đức Gioan-Phaolô II vô cùng gắn bó với những truyền thống tôn vinh Đức Maria và luôn nêu cao tấm gương hiệp thông, đặc biệt là đích thân đến kính viếng Đức Mẹ tại những nơi được truyền thống mỗi dân tộc nâng niu tôn kính. Tại quê hương Ba Lan, ngài bộc lộ lòng yêu mến Đức Mẹ màu đen; tại Lộ Đức, ngài tôn sùng Đức Maria Vô Nhiễm; tại Fatima, ngài lần hạt cầu cho cả thế giới; tại Châu Mỹ Latinh, ngài cùng với người dân bản xứ cầu kinh cùng Đức Mẹ Gudalupe; và khi ngỏ lời với con dân Việt Nam, ngài không bao giờ quên nhắc đến Đức Mẹ La Vang.
Tháng 10 năm 2002, chuẩn bị mừng 25 năm Giáo Hoàng, ngài gửi đến mọi thành phần dân Chúa bức Tông thư “Rosarium Virginis Mariae” về Kinh Mân Côi, lặp lại xác tín và lòng yêu mến Đức Mẹ. Và dịp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2003, ngài chỉ muốn nhắc lại xác tín này là “hãy cùng với Đức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với mình”. Vẫn chỉ là làm chứng và nêu gương yêu mến Đức Mẹ. Xin bật mí: có hai xuất phẩm bán chạy nhất trong giới Công giáo thời gian qua, đó là sách Giáo Lý Công Giáo và cuốn băng ghi hình Đức Gioan-Phaolô II lần hạt trên nền nhạc hòa tấu Bach và Handel. Đúng là “lời nói lung lay gương bày lôi kéo” của Đấng mến yêu Đức Mẹ Maria. (x.Từng bước một thôi, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, tr. 217-222).
Biến cố đặc biệt ngày 13 tháng 05 năm 1981.
Ngài đã được Đức Mẹ cứu sống một cách lạ lùng trong ngày 13.5.1981. Hôm đó là cuộc tiếp kiến vào Thứ Tư hằng tuần bắt đầu lúc 17g00. Sau khi ngài ôm hôn một em bé, một thanh niên Thổ Nhỉ Kì, Ali Agca, 23 tuổi, đã nổ liên tiếp nhiều phát súng vào ngài. Ali Agca chỉ đứng cách ngài khoảng 20 bước và 2 viên đạn 9mm có sức công phá rất lớn đã gây thương tích ở bụng, cùi tay bên phải và ngón tay trỏ ở bàn tay trái ngài.
Ngài ngã xuống. Ngay lập tức, ngài được đưa đến Bệnh viện Gemelli. Ngài nhắm mắt, rất đau đớn nhưng không ngừng lặp lại những lời nguyện tắt “Maria, Mẹ của con”. Đó là lời cầu nguyện sâu xa thốt lên từ nỗi đau lớn lao. Khi đến bệnh viện ngài mới ngất xỉu.
Đức ông thư ký ban phép xức dầu cho ngài trong phòng mổ, ngay trước cuộc phẫu thuật, khi ngài đã ngất đi. Cuộc giải phẫu do năm bác sĩ thực hiện, kéo dài năm tiếng 20 phút. Thật lạ lùng, trong lúc xuyên qua thân xác ngài, viên đạn đã không hủy diệt một cơ quan chính yếu nào cả. Viên đạn 9mm là một thứ đạn rất mạnh. Để cho nó không gây nên những tàn phá không thể cứu chữa được trong phần rất phức tạp của cơ thể, nó phải xuyên qua cơ thể theo một đường đi khác thường. “Nó đi gần động mạch chính vài mm thôi. Nếu nó đi trúng động mạch đó thì chết tức khắc”.
Ngài bị cắt 55cm ruột và mất 3/4 máu. Bác sĩ Buzzonetti đã nói rằng tình trạng của ngài rất nguy kịch, huyết áp tụt xuống rất thấp và nhịp tim hầu như không còn. Nhưng cuối cùng thì mọi việc đều ổn.
Ngay hôm sau vụ mưu sát, vừa mới tỉnh, câu hỏi đầu tiên của ngài là: “Chúng ta đã đọc kinh tối chưa?”. Lúc đó đã 12 giờ trưa hôm sau. Sau đó là lời cám ơn và xin lỗi vì tất cả những sự phiền hà đã gây ra cho các bác sĩ, y tá, nhân viên hiện diện. Năm ngày sau, trước khi rời khỏi phòng mổ, ngài đã gặp Giáo sư Crucitti, bác sĩ giải phẫu nổi tiếng quốc tế và là người đã giải phẫu cho ngài. Ngài biếu ông một bức tranh của họa sĩ M. Fanfani, bức trang vẽ Đức Mẹ Chestochowa. Ngài nói:”Thưa giáo sư, xin nhận món quà này để tỏ lòng biết ơn của tôi về những gì giáo sư đã làm”. Sau này Giáo sư Crucitti cảm động thuật lại :” Lúc đó tôi đã khóc, như tôi đang khóc bây giờ đây”.
Ngày đầu tiên sau khi giải phẫu, ngài đã rước lễ. Ngày hôm sau, ngài có thể đồng tế Thánh lễ trên giường bệnh.
Lúc ngài quá yếu không thể tự đọc kinh nhật tụng được thì mọi người xung quanh phải đọc lớn tiếng trước mặt ngài, để ngài hiệp thông bằng lòng trí. Ngay khi có thể đọc được là ngài đọc theo bè cùng với họ. Mỗi buổi chiều ngài cử hành Thánh lễ và đọc kinh cầu Đức Mẹ. Ước muốn lớn nhất của các nhân viên là tham gia vào các buổi lễ đó.
Trong thời gian ở bệnh viện, ngài không bỏ kinh nhật tụng hoặc bất cứ kinh nguyện thường lệ nào, lần hạt Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu (người ta thường đọc suy gẫm bên giường của ngài).
Mỗi ngày, ngài viếng Thánh Thể nhiều lần tại nhà nguyện của các nữ tu Maria Bé Thơ. Tư thế quen thuộc của ngài là quỳ xuống đất, một lúc sau, quỳ trên ghế băng, đặt đầu vào trong hai bàn tay.
Ngài thường đến bên cửa sổ để ban phép lành cho các bệnh nhân. Những bệnh nhân không thể thấy ngài thì ngài mời họ trong buổi tối cuối cùng, họ nằm trên giường hoặc ngồi trên xe lăn. Lúc 7 giờ sáng là lúc nhân viên ca ngày đến thay phiên cho nhân viên ca đêm, ngài bắt đầu một kinh Lạy Cha đọc chung, đôi khi là một bài hát hoặc một lời chúc lành.
Sau này ngài thuật lại: “Ngay lúc tôi ngã xuống tại quảng trường Thánh Phêrô, tôi đã có linh tính rõ rệt là tôi sẽ được cứu. Ngày đó, bàn tay của một người siết cò súng để hại tôi, nhưng bàn tay của một Đấng đã lái hướng đi của viên đạn để cứu tôi” (x. Hồng ân và huyền nhiệm, tr. 361).
Sự che chở của Mẹ Maria đã cứu thoát ngài trong biến cố đó, đối với ngài không thể nghi ngờ được, và phép lạ đã được chính thức hóa bởi ngày xảy ra biến cố: ngày kỉ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima (13.5).
Một năm sau, vào các ngày từ 12-15.5.1982, ngài đi Fatima tạ ơn Đức Mẹ và dâng cho Mẹ viên đạn do Ali bắn vào ngài. Viên đạn này đã được kết vào triều thiên của Mẹ.
Trong ngày lễ Truyền Tin năm 1984, ngài đọc kinh tận hiến thế giới cho Mẹ Maria như Mẹ đã yêu cầu ở Fatima.
Mười năm sau khi bị mưu sát, trong các ngày từ 10-13.5.1991, ngài lại đến Fatima dâng lời tạ ơn.
Ngày 12 và 13.5.2000, Đức Gioan-Phaolô II đã hành hương Fatima lần thứ ba trong nhiệm kỳ Giáo hoàng của ngài. Ngài đã tuyên Chân phước cho hai trẻ chăn chiên: Phanxicô và Giaxinta, và để tạ ơn Mẹ Maria về sự che chở của Mẹ trong suốt nhiệm kỳ Giáo hoàng của ngài. Khoảng 60.000 tín hữu thuộc 24 quốc gia, đã quy tụ tại Fatima chung quanh ngài trong hai ngày 12 và 13-5. Ngay từ buổi chiều ngày 12, vừa mới tới, ngài đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ trong nhà nguyện ghi dấu các cuộc hiện ra,và một bầu khí thinh lặng đã phủ xuống trên cả quảng trường rộng mênh mông: không một tiếng động, không một giọng nói, không một sự chia trí nào: đây là sự thinh lặng của đức tin tôn nghiêm, tất cả đã lồng mình vào lời cầu nguyện thầm lặng của Đức Thánh Cha, còn ngài thì đang trầm mình ngây ngất trong cầu nguyện: chỉ còn một trái tim, một linh hồn với vị chủ chăn trước nhan Đức Maria.
Năm tháng sau, vào Tháng Mân Côi năm Đại Toàn Xá 2000, tượng Đức Mẹ Fatima được rước từ Bồ Đào Nha về Rôma, và Chúa Nhật 08.10.2000, Đức Gioan-Phaolô II long trọng tận hiến toàn Giáo Hội và thế giới cho trái tim vô nhiễm Mẹ Maria (x. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II với Fatima, tr. 36)
Ngài đã đi hành hương hầu hết những nơi Đức Mẹ đã hiện ra như Ý, Lộ Đức, Fatima, Mễ Du….
Đức Gioan-Phaolô II rất trung thành với Chuỗi Mân Côi, ngài lần hạt từng ngày.Vào mỗi thứ Bảy đầu tháng, ngài lần hạt chung với giáo dân tại Hội trường Phaolô VI. Dịp các Đức Giám Mục hành hương năm 2000, ngài mời chị Lucia đến đọc Kinh Mân Côi, chị đọc một bè bằng tiếng Bồ Đào Nha, ngài và các Giám mục đọc một bè bằng tiếng La Tinh.
Ngài đã viết hai văn kiện lớn về Đức Mẹ:
– Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Độ), công bố ngày 25.3.1987, để chuẩn bị Năm thánh Mẫu, bắt đầu từ lễ Hiện Xuống năm 1987 và bế mạc ngày lễ Mông Triệu năm 1988.
Tông thư Rosarium Vigilis Mariae (Kinh Rất Thánh Mân Côi) công bố ngày 16.3.2002.
Chính ngài đã thêm vào Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng và công bố Năm Mân Côi (từ tháng 10.2002 đến tháng 10.2003).
3.Tôn kính các Thánh
Đức Gioan-Phaolô II có lòng tôn kính đặc biệt đối với các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo. Ngài là người đạt kỷ lục trong việc tôn phong các Thánh và Chân phước. Ngài tôn phong 1.322 Chân phước và 457 vị Hiển thánh, trong đó có 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam và 120 vị thánh tử đạo Trung Hoa. Con số vị Thánh và Chân phước được ngài tôn phong hơn tổng số các vị mà các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài tôn phong trong vòng 400 năm trước đó.
Ngài đặc biệt kính mến Thánh Stanislao, Giám mục tử đạo Ba Lan. Chính cuộc đời của vị Thánh tử đạo này đã soi sáng cho ngài về ý nghĩa của đau khổ và tử đạo. Thánh nhân sinh năm 1030 tại mạn Bắc Ba Lan, được bổ nhiệm làm Giám mục Cracovia ngày 08.5.1072. Năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 900 năm Thánh nhân được bổ nhiệm làm Giám mục Cracovia, Hồng y Woityla đã phát biểu rằng, Thánh Stanislao đã để lại một dấu ấn không thể xóa mờ trên định mệnh của Giáo Hội cũng như trên định mệnh chính quê hương. Tôn kính đặc biệt Thánh Stanislao, vị Giám mục đã dùng chính mạng sống mình để lên án tố cáo những hành động gian ác và cuộc sống vô luân của nhà vua. Đức Gioan-Phaolô II luôn ý thức cách đặc biệt rằng ngài cũng chịu đau khổ ngay cả tử vì đạo vì lòng ái quốc, vì tôn giáo, vì tự do con người. Đối với ngài, người đã và đang kinh qua đau khổ vì Giáo Hội, vì những quyền cơ bản của con người, thì không có cái chết nào cao cả hơn cái chết cho công lý và tự do cũng như cho tôn giáo. Chính vì thế, trong Tông thư đề ra đường hướng chuẩn bị Năm Thánh 2000, ngài đã kêu gọi mọi Giáo Hội địa phương viết lại chứng từ của các vị tử đạo trong những thập niên gần đây.
4. Thay lời kết
Nhân sự kiện Đức Gioan-Phaolô II được tuyên phong Chân Phước vào ngày 1.5.2011, Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Giáo sư Giáo sử ĐCV Thánh Giuse Sài gòn đã dày công nghiên cứu và viết cuốn sách” “Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II”, với những tư liệu chính xác và quý giá về đời sống và sứ vụ của ĐGH Gioan-Phaolô II.
“Thiên Chúa đã chọn Đức Karol Wojtyla như khí cụ đặc biệt, để thể hiện mầu nhiệm về sự khôn ngoan, thánh thiện, quyền năng quan phòng và tình thương vô biên của Ngài trên Giáo hội cũng như trên toàn thể nhân loại, qua cuộc đời và sự nghiệp của Đức Chân Phước Gioan-Phaolô II.
Như lời Đức Hồng Y Stanislaw khi trả lời phỏng vấn Nhật báo Avvenire ngày 15.1.2011: “Tôi đã được may mắn sống bên cạnh Đức Gioan – Phaolô II hơn 40 năm, nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi chưa biết tất cả sự phong phú nội tâm của ngài. Chúng ta chỉ nghĩ tới các cử chỉ là Giáo Hoàng của ngài mà thôi. Sau bao nhiêu năm chúng ta tái khám phá ra các giá trị của chúng, không phải chỉ đối với các tín hữu, mà đối với toàn thể nhân loại”. Thật vậy, với một “Vĩ nhân của thời đại” như Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II, những công trình nghiên cứu về ngài sẽ còn phải được tiếp tục ở nhiều phương diện khác nhau: lịch sử, linh đạo sống, tư tưởng triết học, thần học, hoạt động mục vụ…và nhiều lãnh vực chính trị, xã hội mà Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã sống, đã thể hiện trong suốt gần 85 năm cuộc đời của ngài” ( tr. 371).
Được các sử gia mệnh danh là “Vị Tông Đồ hoạt động không mệt mỏi” và các phương tiện truyền thông tặng cho ngài tước hiệu “Lực sĩ của Chúa”, Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã thể hiện là vị Giáo Hoàng với hoạt động mục vụ không ngơi nghĩ. Tất cả là nhờ ngài kín múc nguồn sức mạnh nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, từ Đức Trinh Nữ Maria và từ các Thánh. Chính Thánh nhân đã bộc bạch tâm tình: “Tôi vẫn luôn xác tín rằng, nếu tôi muốn thỏa mãn cơn đói nội tâm của người khác, theo gương Đức Maria, trước tiên chính tôi phải lắng nghe Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc2,19). Đồng thời, càng ngày tôi càng hiểu rõ hơn, người Giám Mục cũng phải biết lắng nghe những người mà mình loan báo Tin Mừng”.
Khi phong thánh cho Đức Chân Phước Gioan-Phaolô II, Giáo Hội muốn khẳng định rằng: đời sống và tất cả công trình của ngài chính là công trình của Tình Yêu, của lòng thương xót Chúa dành ban cho nhân loại.Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II được Giáo Hội tôn phong như một mẫu gương thánh thiện cho toàn Giáo Hội, sự tôn phong này như tiếng vang vọng lời của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh” (Mt 5,48).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An