Khi nói đến những khung cửa sổ, có lẽ nhiều người VN sẽ nghĩ lại cái thời đi học ở quê hương mình khi xưa. Hồi đó, trong giờ học, cô cậu nào ngồi bên cạnh cửa sổ thế nào cũng có ngày bị giáo sư gọi tên bất thình lình, và sẽ giật mình ngơ ngác vì nãy giờ thả hồn cho bay ra khỏi ngoài khung cửa. Có thể hồn đã ngao du ở một chân trời nào đó, nơi có một khu vườn bí mật tuyệt vời của riêng mình mà không ai khác biết được. Khi nghe tên mình bị gọi, hồn lập tức ngừng ngao du và đáp phi thuyền trở về, nhanh hơn cả tốc độ của âm thanh phát ra từ miệng của vị giáo sư. Nhưng hồn và xác chưa nhập làm một được, nên mặt mày trò ngơ ngác, gọi là “chưa kịp hoàn hồn”.
Cái hình ảnh một cô học trò ngồi bên khung cửa sổ để mộng mơ như thế, nhất là khung cửa ở nhà nàng, đã làm cho biết bao nhiêu chàng trai ngẩn ngơ khi chợt đi ngang. Trước một cảnh tượng như thế, thì hồn của chàng sẽ “vù” đi rất nhanh, không biết đi đâu nữa, nên gọi là “mất hồn”, hoặc “hồn phi phách tán”. Và chàng sẽ đứng như “trời trồng”, hay như một cái “xác không hồn”. Và chàng sẽ tâm sự với bạn bè rằng mình đã bị nàng “hớp hồn”. Cái hiện tượng bị hớp hồn đó nó dễ thương đến độ, chỉ cần tưởng tượng ra cảnh nàng ngồi bên song cửa thôi, cũng đã đủ để nhiều chàng làm được những bài thơ, những bản nhạc thật trữ tình.
Đẹp làm sao những khung cửa sổ của thời học trò. Bài hát có tựa đề “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” đã làm đám học trò thời bấy giờ đắm chìm trong mộng mơ, lãng mạn, mặc dù cả bài hát chẳng thấy nói tới cái cửa sổ nào hết. Bây giờ, chỉ cần gợi lai một vài hình ảnh và những cụm từ của tuổi mộng mơ như thế, cũng đủ để cho hồn nhấp nhổm đòi đi ngược về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” rồi. Nhưng thôi, ta hãy ở lại đây nói nốt câu chuyện dở dang đã chứ.
Người Việt Nam cũng hay nhắc đến câu ngạn ngữ có lẽ của Tây Phương, câu “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Đôi mắt nói lên rất nhiều về trạng thái của tâm hồn. Tâm hồn đang lo âu, chán nản, u buồn… thì đôi mắt thường mệt mỏi và như muốn nhắm nghiền lại. Phải chăng hồn bảo mắt hãy đóng cái cửa sổ nhà mi lại cho ta rút vào cõi riêng để gậm nhắm nỗi u buồn của mình? Ngược lại khi tâm hồn vui vẻ, lạc quan, phấn khởi… thì đôi mắt mở to, ngời sáng, sống động. Có lẽ khi đó hồn bảo mắt mở rộng khung cửa sổ để ta mời gọi bạn bè đến chia sẻ niềm vui. Đôi mắt của một người cũng là cửa sổ cho người chung quanh nhận ra tình trạng sức khoẻ thể xác của người đó nữa. Người có sức khoẻ tốt thì đôi mắt trong sáng, linh hoạt. Người đau bệnh thì mắt lờ đờ, lười biếng. Đôi mắt của một người cũng là cặp cửa sổ để cung cách của một người được toả lộ ra. Người tự tin thì mắt nhìn thẳng và chăm chú, người hay nhát sợ thì đôi mắt như tránh né mọi người. Người thật thà, đơn sơ thường có đôi mắt trẻ thơ. Người tính toán, gian lận thường có cặp mắt láo liên. Người dữ mắt dữ, người hiền mắt hiền. Nói chung, cặp mắt là cửa sổ qua đó những làn sóng của tâm hồn được phóng phát ra. Người chung quanh ai cũng có ăng-ten để bắt được, và cũng sẽ phóng phát trở lại những làn sóng tương giao. Khi những làn sóng tương giao mang tần số thấp, đó là những làn sóng bình an, thân ái. Những làn sóng có tần số cực mạnh, sóng giận dữ. Sóng đụng nhau xoẹt lửa, sóng của mâu thuẫn, đụng chạm, cãi vã, hận thù. Sóng bất ngờ chạm nhẹ và phát điện chạy khắp người, là sóng tình, do tiếng sét ái tình đánh trúng. Nhưng tốt nhất là không nên đi sâu vào khoa học về sóng và năng lượng ở đây.
Trở lại với những khung cửa sổ. Ở cái thời thời kỹ thuật điện toán này, nói đến cửa sổ là người ta nghĩ đến Bill Gates và sản phẩm tuyệt chiêu của hãng Microsoft là Windows. Đấy là những khung cửa sổ trên màn hình của cái máy vi tính (computer) mà gần như nhà nào cũng có. Nếu bạn không dùng máy vi tính, nhưng hay coi tivi, thì cũng thấy có những khung cửa sổ trên màn ảnh. Các chương trình tin tức trên TV bây giờ có quá nhiều tin để loan báo, đến độ mỗi lần ngồi trước cái tivi bạn sẽ không biết là nên chú ý nghe người xướng ngôn viên đang nói tin tức nơi khung cửa sổ lớn nhất, hay đọc những dòng tin vắn tắt về thời sự, thời tiết, hay thị trường chứng khoán đang chạy nhanh ở cái khung cửa sổ hẹp và dài ở phía dưới. Nhưng nhất định không thể nào theo dõi cả hai cùng một lúc. Những khung cửa sổ trên màn hình của máy vi tính cũng thế. Trên ấy, bạn có thể mở một lúc cả hàng chục cái cửa sổ, mỗi cái một việc. Nhưng nếu muốn sử dụng cả chục cái cửa sổ cùng một lúc, thì cái nào cũng chỉ bé bằng nửa bàn tay mà thôi, và bạn sẽ chẳng còn nhìn thấy gì. Vậy thường ta khép bớt lại và chỉ chừa lại một hay hai cửa sổ mở rộng mà thôi, như thế, một hay hai cửa sổ này sẽ hiện ra lớn hơn, rõ hơn, và ta có thể chăm chú làm việc với cái khung cửa lớn vừa đủ, thay vì bị phân tán quá mỏng như khi nhiều cửa sổ cùng mở ra một lúc. Khi xong việc rồi, ta sẽ đóng cửa số đó lại và mở rộng một cửa sổ khác. Không cứ làm việc với máy vi tính, mà bất cứ công việc nào cũng vậy. Muốn đạt kết quả tốt trong các công việc của mình, một người phải biết phân chia từng việc đâu ra đó, rồi mỗi lúc chỉ làm một việc và chú tâm hết mình vào đó, chứ không lan man đang việc này nhảy sang việc kia mà không chú tâm vào việc nào cả. Nhiều người hay bị cái tật đang làm việc này mà suy nghĩ việc kia, thật không tốt tí nào.
Tất cả các loại cửa sổ nói chung đều có sự trao đổi qua lại giữa bên ngoài và bên trong. Sự trao đổi có khi là cơn gió mát thổi vào, hoặc ánh mắt nhìn ra. Gió thoảng nhẹ nhàng, hay ào ào như cơn lốc. Ánh mắt dịu dàng âu yếm, hay giận dữ nẩy lửa. Trao đổi thoáng qua, hay bận rộn suốt ngày như trường hợp một người suốt ngày coi tivi hay làm việc trước máy vi tính.
Nói đến bận rộn thì phải kể đến một loại cửa sổ nữa, trừu tượng hơn nhưng cũng dễ hiểu thôi, là cửa sổ thời gian. Loại cửa sổ này rất thịnh hành trong đời sống bận rộn và đúng giờ giấc của dân Mỹ. Time window được dùng để nói đến một khoảng thời gian có hạn định cho một công việc nào đó, không làm trong khoảng thời gian đó là coi như không có cơ hội thứ hai. Theo nghĩa này thì một ngày gồm 24 giờ cũng có rất nhiều cửa sổ. Hai cái cửa sổ lớn nhất, đúng ra là dài nhất, và quan trọng nhất, là cái cửa sổ dành cho nghề nghiệp (8 tiếng) và cửa sổ dành cho giấc ngủ (ít nhất là 5, 6 tiếng). Chỉ còn lại khoảng 10 tiếng mà ta phải chia thành biết bao nhiêu cái cửa sổ cho rất nhiều việc. Cửa sổ tắm rửa, mặc quần áo, chải đầu, trang điểm… Cửa sổ cho việc lái xe, ăn trưa, đưa đón con cái, về nhà nấu bữa chiều, hoặc làm vườn, cắt cỏ. Có những cửa sổ vừa mở ra một chút là phải vội vàng đóng vào ngay để nhường cho cửa sổ kế tiếp. Cuối tuần bớt được cái cửa sổ cho nghề nghiệp, thì lại phải cắt ngay ra mà phân chia cho những việc không thể làm trong tuần. Ngày thứ Bảy thì trả bills, giặt giũ, dọn nhà, đi chợ, sắm sửa, thăm viếng hoặc tiếp đãi, tiệc tùng… Sang ngày Chủ Nhật thì người Thiên Chúa Giáo lo đi lễ, sinh hoạt ở nhà thờ…. Người Phật tử đến chùa hoặc thiền viện.
Loại cửa sổ thời gian có một mức độ trao đổi khá lớn của năng lượng giữa bên trong và bên ngoài. Trong một tuần lễ, đa số những cửa sổ thời gian là chỗ để cho năng lượng và sức khoẻ của chúng ta phóng phát ra ngoài và quay theo nhịp sống của xã hội. Riêng cửa sổ ngủ và nghỉ ngơi là để cho năng lượng được phục hồi, cửa sổ ăn uống là chỗ “đổ thêm xăng”.
Còn một cửa sổ nữa, để đón nhận một nguồn năng lượng rất lớn, là cửa sổ không dành cho việc gì cả, mà dành cho chính mình. Cửa sổ ấy là chỗ giao lưu của tâm hồn ta và đất trời, thiên nhiên, sự sống trong vũ trụ, và với chính ngọn nguồn của mọi sự sống. Ngọn nguồn của mọi sự sống ấy là Đấng Tạo Hoá, là Trời, là Thiên Chúa. Người theo tôn giáo nào thì có cửa sổ tiếp nhận sự sống theo kiểu của tôn giáo ấy. Cửa sổ tiếp nhận này là những giây phút cầu nguyện, chiêm niệm, thiền… Khi tiếp nhận được nhiều, bạn có thể chia bớt những năng lượng này cho người khác, và mong rằng những người bạn nhớ đến trong lời cầu nguyện sẽ nhận được sức mạnh để vượt qua hoặc chấp nhận những đau khổ, khó khăn về thể xác hoặc tinh thần.
Trong nhịp sống bận rộn quay cuồng với vật chất của thế giới văn minh hiện nay, phải chăng có nhiều quãng thời gian bạn cảm thấy cuộc sống của mình như rối mù, chao đảo, bất an? Khi đó, bạn có tự hỏi phải chăng lâu nay mình đã quên không mở rộng loại cửa sổ tiếp nhận năng lượng từ nguồn mạch của sự sống là Thượng Đế hay Đấng Tạo Hoá, và sẽ cố gắng xếp để những khung cửa sổ quan trọng này được mở ra thường xuyên và đều đặn hơn, hầu lấy lại được sự quân bình, ổn định và an vui trong đời sống của mình. Và nếu là một người Kitô hữu, có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn lời của Chúa Giêsu trong Mathew 11:29: “Hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Nguyễn Thị Kim Loan
Vietcatholic News