Trong Sứ điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Nhờ sự phục sinh của Chúa, mà năm nay chúng con cử hành cùng ngày với các Giáo hội sử dụng lịch Julian, chúng con xin Chúa soi sáng và truyền cảm hứng cho các sáng kiến hòa bình ở Ukraina, cho các bên liên quan, được cộng đồng quốc tế trợ giúp, sẽ thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn bạo lực và xây dựng tương lai của đất nước trong tinh thần đoàn kết và đối thoại. Ước gì với tư cách anh em của nhau, hôm nay họ có thể hát lên: Christos Voskrese! – Chúa Ki-tô đã sống lại! ”. Thử tìm hiểu xem “Đối thoại” là gì?
I.- KHÁI NIỆM: Đối thoại là: Trực tiếp (đối diện) nói chuyện (đàm thoại) giữa 2 đối tượng (người với người, hoặc người với thần linh) để tìm ra một điểm chung khi có những dị biệt, bất đồng hoặc đối kháng. Đối thoại nhằm dung hoà quan điểm, thống nhất ý kiến, tìm đến chân lý. Phạm trù đối thoại có thể từ cá thể (đối thoại giữa cái thiện và cái ác trong cùng một con người – “đối thoại cá vị”) tới cộng đoàn (gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia, quốc tế – “đối thoại cộng đồng”). Nền tảng đối thoại cũng có 2 chiều kích: Nhân đối nhân (người với người) + Nhân đối thần (người với thần linh):
II.- NỀN TẢNG ĐỐI THOẠI:
A- NHÂN ĐỐI NHÂN: Hiến chế “Tín lý về Mục vụ – Gaudium et Spes” (số 92) đã nói rất rõ về đối thoại giữa con người với nhau: “Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành. Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Ki-tô hữu khác.”
B- NHÂN ĐỐI THẦN: Với tình yêu vô lượng, Thiên Chúa luôn ngỏ lời và mời gọi con người đến cùng Thiên Chúa, đó chính là sự đối thoại vậy. Vâng, “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (Ep 1, 9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (Ep 2,18; 2Pr 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (Cl 1, 15; 1Tm 1, 17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xh 33, 11; Ga 15, 14-15). Ngài đối thoại với họ (Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau.” (Hiến chế “Tín Lý về Mạc khải – Dei Verbum”, số 2). Ngoài ra, khi con người bị “ba thù” (trong đó có Xa-tan) cám dỗ, sẽ có đối thoại giữa cái thiện và cái ác, cũng tức là có đối thoại “nhân đối thần” (giống như cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ma quỷ khi Người được Thần Khí dẫn vào hoang địa – Mt 4, 1-11).
Đối với Ki-tô hữu, trong tất cả mọi cuộc đối thoại, dù là hướng ngoại (“đối thoại cộng đồng”) hay hướng nội (“đối thoại cá vị”), dù là với thế giới hữu hình (nhân đối nhân) hay vô hình (nhân đối thần) , đều rất cần đặt trên nền tảng Đức Ái. Ấy cũng bởi vì Đức Ái Ki-tô giáo dậy phải “Mến Chúa + yêu người”, “yêu người thân cận như yêu chính mình” (Mc 12, 31), Thánh Phao-lô cũng khẳng định: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 13, 13).
Với đối thoại “nhân đối nhân”, cần lưu ý:
a- Đối thoại trong khiêm tốn: Mình có khiêm tốn tôn trọng người thì người mới tôn trọng mình. Tương kính (tôn trọng nhau) trong giao tiếp phải là “ưu tiên 1” khi đối thoại (“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” – Mt 7, 12);
b- Đối thoại trong bao dung: Lòng bao dung phát xuất từ đức bác ái. Cần biết đón nhận ý kiến (dù có đối lập với chủ kiến của mình) với tấm lòng bao dung, độ lượng.
c- Đối thoại là lắng nghe: Muốn người khác nghe theo mình, thì phải biết lắng nghe ý kiến của họ. Đó mới thật sự là đối thoại cách khiêm tốn, bao dung.
Đối thoại luôn đặt con người trước 2 trạng huống: Tình và Lý. Từ 2 phía, phải đối thoại trong chân tình và với mục đích xây dựng. Về “Tình”, không khoả lấp, bao che cho những điều phi nhân nghĩa, phi nhân tính; về “Lý” không võ đoán trong nhận định, không chèn ép trong phán đoán. Tắt một lời: Đối thoại phải hướng về chân lý: Chân + Thiện + Mỹ. Nói khác hơn, đối thoại trong hiệp thông để đi tới hiệp nhất trong chân lý bất biến: Thiên Chúa Tình Yêu.
Để đạt hiệu quả tối đa trong đối thoại “nhân đối nhân”, thì phải biết “đối thoại với Thiên Chúa” (“nhân đối thần”) trong mọi trường họp. Xin học cách “đối thoại với Thiên Chúa và với tha nhân” của Thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na (1347-1380) – Một “Trinh nữ Sốt Mến”, “Tiến sĩ Tình Yêu”, “Tiến Sĩ Hội Thánh” mẫu mực của Giáo Hội. Thánh nữ đã để lại một tác phẩm bất hủ “Đối Thoại” (dày 496 trang, gồm 4 Chương, với 167 số lề). Bao quát toàn bộ tác phẩm là diễn trình kết quả “Bốn Điều Ước Nguyện” của tác giả:
† 1. Xin thương xót Ca-ta-ri-na: Vì Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Chân + Thiện + Mỹ, muốn đối thoại với Người thì tiên vàn phải biết xin Người thương đến thân phận mỏng giòn, yếu đuối của mình, xin Người ban cho ơn thông hiểu. Lắng nghe và hiểu được tiếng nói của Thiên Chúa, mới có thể chu toàn sứ vụ Người đã trao ban.
† 2. Xin thương xót thế gian: Xin Chúa thương xót bản thân mình, nhưng đồng thời cũng xin thương xót cả nhân loại đang đắm chìm trong điêu linh. Đây chính là tình bác ái Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng con người. Tình bác ái là phải “ái nhân như ái thân” (“Yêu anh em như yêu chính mình” – Mt 22, 39; “làm cho anh em những điều mà mình muốn anh em làm cho mình” – Mt 7, 12).
† 3. Xin thương xót Hội Thánh: Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Ki-tô, đã được Đức Giê-su Thiên Chúa coi là Hiền Thê. Đó là lý do cần phải xin Chúa thương toàn thể Ki-tô hữu trong Giáo Hội tuỳ theo phẩm trật và đoàn sủng Chúa Thánh Thần ban cho, được sống xứng đáng với ơn gọi và sứ vụ của mình.
† 4. Cuối cùng là xin lòng thương xót của Chúa Quan Phòng: Xin Đấng Quan Phòng hằng thương xót các linh hồn. Ngoài ra, xin thương xót những con người có tinh thần vâng phục. Vì là đối thoại với Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí, Toàn Năng, Toàn Thiện, nên phải biết vâng phục tuyệt đối theo những phán quyết của Người.
Thánh nữ Ca-ta-ri-na đã sống trọn hảo 3 lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục). Đặc biệt, thánh nữ nhận thấy con người mềm yếu, dễ sa ngã, nên đã xin Chúa Cha ban cho đức tính vâng phục, và ngài đã sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén chinh phục bản thân, chinh phục tha nhân (Câu chuyện ngài chăm sóc vết thương ung thư ngực cho An-đrê-a: Khi mở băng ra, Ca-ta-ri-na đã giật nẩy mình muốn ói mửa vì mùi hôi thối xông lên từ vết thương. Hối hận vì đã hành xử ngược lại ý chí yêu thương phục vụ, nên sau khi rửa sạch vết thương, ngài đã uống thứ nước rửa vết thương đầy máu mủ đó. Hành động đó khiến An-đrê-a tâm phục khẩu phục. Sau này, ngài đã kể lại với cha linh hướng Ray-mun-đô: “Từ khi sinh ra, con chưa bao giờ ăn uống thứ gì ngọt ngào, ngon lành như thế” – xc “Tiểu sử Thánh Ca-ta-ri-na” – ĐỐI THOẠI, tr. 9).
Trong thời đại Thánh nữ đang sống (thế kỷ XIV), biết bao nhiêu đảng cướp nổi dậy quấy nhiễu dân lành, một cuộc chiến trăm năm ngoài xã hội, một trận dịch “cơn sốt đen” làm chết nhiều người, rồi một cuộc Đại Ly Giáo (Great Schism) trong Giáo Hội. Thánh nữ Ca-ta-ri-na đã như một con thoi đi khắp đó đây đối thoại, thuyết phục những phe đảng thù nghịch, nối lại mối dây thân ái, nối lại sự đoàn kết hiệp nhất đã bị chia lìa từ khi cùng lúc tồn tại tới 3 vị Giáo hoàng (Ðức Clê-men-tê ở Avignon nước Pháp, Ðức Ur-ba-nô ở Rô-ma. Và khi Ðức Clê-men-tê từ trần, Ðức Hồng Y “De Luna” được bầu làm Giáo hoàng ở Avignon và lấy tên là Bê-nê-đic-tô XIII). Tới 1375, Thánh nữ đã thuyết phục được ĐGH Grê-gô-ri-ô XI trở về với Giáo đô La Mã.
Phải chân nhận một điều: Nhờ có Đức Ki-tô luôn ở cùng và mạc khải mầu nhiệm Tình Yêu Cứu Độ, nên thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na mới có thể thực hiện được những việc quá lớn lao, kỳ diệu như:
† Chấn hưng lòng đạo đức của Giáo hội đã bị sa sút vì những gương xấu của hàng giáo sĩ, như tội buôn thần bán thánh và cuộc đời xa hoa phù phiếm của các ngài;
† Xin chuyển Giáo đô về Rô-ma, nơi từ lâu đã trở nên chốn hiu quạnh và buồn tẻ vì vắng bóng các Giáo hoàng;
† Xin tổ chức Nghĩa binh Thánh giá để chống với quân Hồi giáo.
Vào năm 1375, Thánh nữ đã nhận được hồng ân in 5 dấu Thánh. Sau khi từ trần vào năm 33 tuổi (1380), Ca-ta-ri-na được ĐGH Pi-ô II tuyên thánh (năm 1461). Tới năm 1861, ĐGH Pi-ô IX tôn thánh nữ làm bổn mạng thứ hai của Rô-ma, sau thánh Phê-rô. Kế đó, ĐGH Pi-ô XII phong làm bổn mạng Giáo Hội nước Ý. Tới năm 1970, ĐGH Phaolô VI phong thánh nữ lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh, biệt hiệu “Tiến sĩ Tình Yêu”, còn gọi là “Trinh nữ Sốt Mến” như thiên thần Sê-ra-phim. Một người ít học, gần như mù chữ (các thư từ gửi các phe nhóm, gửi chính quyền, gửi các Đức Giáo Hoàng, kể cả tác phẩm vĩ đại “Đối Thoại”, đều do Thánh nữ đọc cho thư ký ghi lại), đã được Hội Thánh phong là Tiến sĩ! Đó là chưa kể, thánh nữ Ca-ta-ri-na còn được xã hội coi là một văn sĩ đại tài cúa nước Ý váo thế kỷ XIV.
Nói về đối thoại thì vô cùng, chỉ xin nhấn mạnh một điều: Đối thoại chính là một phương cách thể hiện đức tin cụ thể và hữu hiệu nhất. Thánh Au-gus-ti-nô đã khẳng định: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (xc “Giáo Lý HTCG” của HĐGMVN, bài 5, tr. 21). Sự “đáp trả” đó chính là đối thoại vậy. Vâng, “Thể thức đối thoại trong kinh Tin Kính dùng trong Phụng vụ Rửa Tội nhắc nhớ điều này: Niềm tin của ta được phát biểu thành câu đáp trả một lời mời, một lời cần được nghe và không phải của chính tôi; nó hiện hữu như một phần của cuộc đối thoại và không thể chỉ là lời tuyên xưng phát nguyên nơi một cá nhân. Ta chỉ có thể đáp bằng chữ “tôi” số ít, “tôi tin”, vì ta là thành phần của một hiệp thông lớn hơn, vì ta cũng nói “chúng tôi tin”. Việc cởi mở đối với cái “chúng tôi” có tính Giáo Hội này phản ảnh sự cởi mở của chính tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không chỉ là liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa một “Con” và một “Ngài”, mà còn là trong Chúa Thánh Thần nữa, một cái “Chúng Ta”, tức hiệp thông các ngôi vị.” (Tđ. “Ánh sáng Đức tin – Lumen Fidei”, số 39)
Kể từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II, các Đức Giáo Hoàng (Đức Thánh GH Gio-an XXIII, Đức GH Phao-lô VI, Đức Thánh GH Gio-an Phao-lô II, Đức GH Bê-nê-đic-tô XVI) luôn đặt trọng tâm hoạt động vào đối thoại (đối thoại nội bộ, đối thoại liên tôn, liên quốc gia… Riêng về đối thoại liên tôn thì Giáo Hội đã tổ chức hẳn một Hội đồng chuyên trách, đó chính là Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn). ĐGH Phao-lô VI đã viết trong Sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân – Apostolicam Actuositatem” (số 31): “Ðối với việc tông đồ nhằm rao truyền Phúc Âm và thánh hóa mọi người, người giáo dân phải được huấn luyện đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, với những người có đức tin hay với những người không tin, để bày tỏ sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người.” Đến đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng vậy, chính ngài đã phát biểu trong các Thánh lễ hàng ngày: “Điều quan trọng là đừng để thời gian trôi đi quá nhiều sau một cơn bão. Theo sau một vấn đề, điều quan trọng là tham gia đối thoại càng sớm càng tốt, bởi thời gian làm cho bức tường bực tức càng gia tăng, giống như cỏ dại mọc cao chen lối của cây ngô – và khi bức tường vươn cao, việc hòa giải trở nên khó khăn!”
ĐTC Phan-xi-cô luôn thừa nhận rằng đối thoại không phải là dễ dàng, nên cách tốt nhất để bắt đầu đối thoại phải chấp nhận sự khiêm nhường, kể cả hy sinh quyền lợi vật chất, nếu cần. Với đối thoại liên tôn, ngài “khuyến khích các tín hữu Ki-tô và Hồi giáo tại Liban, cùng nhau hoạt động cho hòa bình và công ích, góp phần phát triển toàn diện con người và xây dựng xã hội”. Lập trường trên đây của ĐTC được bày tỏ trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC, gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ cầu nguyện Ki-tô giáo và Hồi giáo lần thứ 8 tại Nhà thờ Đức Mẹ Jamhour, do Hội Ái hữu các cựu Học viên Đại học thánh Giu-se và Đại Học Đức bà Jambour tổ chức, nhân dịp lễ Đức Mẹ Truyền Tin là lễ nghỉ toàn quốc tại Liban từ 4 năm nay (2010-2014).
Tóm lại, với người Ki-tô hữu, chỉ có một phương châm cho “Đối thoại”: Biết khiêm nhường lắng nghe, có một cái nhìn bằng nội tâm (“Nhìn linh thị” – Ds 24, 16), và biết nói bằng ngôn ngữ Tình Yêu (Ngôn ngữ Tình Yêu chính là Ngôi Lời trong Bí tích Thánh Thể, khi Tấm Bánh Tình Yêu được bẻ ra và chia đều cho mọi người hiện diện, ấy chính là lúc người Ki-tô hữu đã học biết và thực hành đúng quy phạm: Ngôn ngữ đối thoại là “Lời Nhập Thể” (Tấm Bánh Lời Chúa) được trao đổi, chia sẻ bằng phương cách bẻ ra cho mọi người (thể hiện Tình Yêu: Đức Ái Ki-tô Giáo). Hơn thế nữa, chỉ có một hướng đi trong đối thoại: ĐỐI THOẠI CÁ VỊ ⇒ ĐỐI THOẠI CỘNG ĐỒNG.
III.- PHẠM TRÙ ĐỐI THOẠI:
A- ĐỐI THOẠI CÁ VỊ: Cũng tức là đối thoại nội tâm – tự thân đối thoại – giữa cái thiện và cái ác (“Trong mỗi con người đều có cốt cách của một vị thánh nhân cũng như của một tên đại bợm” – Ngạn ngữ Tấy phương). Thông điệp “Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin”, nơi mục “Đối thoại giữa Đức Tin và lý trí” (các số 32, 33, 34) đã giải thích rõ: “Đức tin đánh thức cảm thức phê phán qua việc ngăn cản không cho cuộc tìm kiếm của nó tự hài lòng với các công thức của riêng nó và giúp nó hiểu ra rằng thiên nhiên luôn lớn lao hơn. Nhờ kích thích lòng bỡ ngỡ trước mầu nhiệm sâu thẳm của tạo dựng, đức tin mở rộng các chân trời của lý trí để rọi một ánh sáng lớn hơn trên thế giới vốn tự bộc lộ cho cuộc tìm tòi của khoa học.” (số 34).
B- ĐỐI THOẠI CỘNG ĐỒNG: Từ Giáo Hội tại gia (gia đình) tới Giáo Hội hoàn vũ (“chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Giáo Hội sự quí mến, tôn trọng và hòa thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một Dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Ki-tô hữu khác.” – Hc “Gaudium et Spes – Mục vụ về Giáo Hội”, số 92). Mở rộng ra là đối thoại liên tôn (xc. Sứ điệp gửi các Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak năm 2014 (Phật lịch 2557) của Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn); đối thoại với thế giới (“Với sứ mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chứng của tình huynh đệ, một mối tình tạo điều kiện và cổ võ một cuộc đối thoại chân thành.” – Hc “Gaudium et Spes – Mục vụ về Giáo Hội”, số 92).
IV.- PHÚC-ÂM-HÓA GIA ĐÌNH: ĐỐI THOẠI:
Năm Phụng vụ 2014 có chủ đề “Phúc-Âm-hóa Gia đình” nhằm mục đích “xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.” (Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục VN, số 6). Vì gia đình là “Giáo Hội tại gia”, nên mọi Ki-tô hữu hãy thực hiện cho được mục tiêu: “Gia đình là một cộng đoàn đối thoại”: Đối thoại với nhau trong thương yêu, hiệp nhất, đồng thời đối thoại với Thiên Chúa, cầu nguyện cho Đại Hội Ngoại Thường Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ thảo luận (cũng tức là đối thoại) về chủ đề “gia đình”; như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kêu gọi:
“Với bức thư này, như được viết, tôi muốn vào tận nhà của anh chị em để nói với anh chị em về một biến cố sẽ xảy ra ở Vatican vào tháng Mười tới. Đó là Đại Hội Ngoại Thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đang được triệu tập để thảo luận về chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”. Thật vậy, trong thời đại chúng ta, Hội Thánh được mời gọi để rao giảng Tin Mừng bằng cách trực diện với những nhu cầu mục vụ mới và cấp bách mà các gia đình đang gặp phải… Lời cầu nguyện của anh chị em cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ là một kho tàng quí báu làm cho Hội Thánh thêm phong phú. Tôi cảm ơn anh chị em, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể phục vụ Dân Chúa trong chân lý và trong tình yêu.” (Thư gửi các gia đình ngày 25/02/2014).
KẾT LUẬN:
Để thực hiện tốt việc ĐỐI THOẠI TRONG GIA ĐÌNH, người Ki-tô hữu vẫn đi theo tiến trình từ “Đối thoại cá vị” tới “Đối thoại cộng đồng” đặt trên nền tảng “Nhân đối nhân + nhân đối thần”. Nói cách cụ thể là hãy đối thoại với Thiên Chúa, cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhận ra những mặt tốt xấu của bản thân, kiên quyết từ bỏ cái xấu và phát huy cái tốt để củng cố đức tin cho thật vững mạnh. Chỉ tới lúc đó, mới mở rộng phạm vi đối thoại ra gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội. Sứ vụ nhất quán của mỗi Ki-tô hữu cũng như của toàn thể Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, là Phúc-Âm-hóa. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay loan báo Tin Mừng (Phúc-Âm-hóa) không chỉ bằng lời rao giảng, mà phải là bằng hành động, bằng cả cuộc sống chứng nhân của mình (Đức Thánh Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Trong thế giới hôm nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu họ có nghe thầy dạy thì vì thầy dạy đó cũng là chứng nhân”).
Nhân lễ kính Thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh (29/4) – Tấm gương sáng của Đối thoại – xin cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Ðức Ki-tô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Ðức Ki-tô để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh – 29/4).
JM. Lam Thy ĐVD.