Người ta vẫn thường nhận định rằng, “Sự thành công của một người chồng luôn có bóng dáng ẩn núp của một người vợ; và nếu khi sự thất bại của người chồng xảy đến, hình ảnh thật của người vợ sẽ được hiển hiện.” Điều này quả phần nào ứng nghiệm trong hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam từ sau biến cố đau thương mất nước. Có lẽ không ai có thể trải qua những kinh nghiệm đau thương này hơn những cựu tù nhân, đặc biệt những tù nhân chính trị bị bắt bỏ tù tại Việt Nam sau năm 1975.
Thực ra, biến cố đau thương mất nước không chỉ dừng lại ở đó, nhưng sự di hại của nó thực khó có thể lấy gì bù đắp lại được: Nhiều người chồng bị bắt cải tạo: ba năm, năm năm, mười năm, mười lăm năm hay lâu hơn, thậm chí có người bị chết, bị giết đi… Vết thương này không chỉ in sâu vào những nạn nhân trực tiếp là những tù nhân cải tạo, nhưng nó thấm xuyên qua trái tim của những người vợ và người thân trong gia đình họ. Thế mới thấm được lời nhận định, “Nếu khi sự thất bại của người chồng xảy đến, hình ảnh thật của người vợ sẽ được hiển hiện.” Vâng, chính trong sự thất bại bi đát này, vẻ đẹp của người nữ Việt Nam hiển hiện: Chung thuỷ. Xin được nêu vài trường hợp điển hình trong hàng ngàn trường hợp tương tự để tô đẹp đức tính chung thuỷ của người nữ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Quy hiện sống tại Tampa, Florida đã chẳng nêu bật phẩm hạnh chung thuỷ đó sao! Chồng bà bị bắt cải tạo. Thực tế cho thấy, vào thời điểm ấy, cứ bị bắt đi cải tạo thì không biết thời hạn về. Vì nói đến cải tạo, tức là nói đến sự thay đổi tốt hơn,… nhưng thế nào là tốt hơn, thế nào là đã được “cải tạo” để được về? Rất mong lung và mơ hồ với những thuật ngữ ma mãnh của Cộng sản. Từ hoàn cảnh thực tế đó, ta mới thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của người nữ Việt Nam. Bà Quy, hằng ngày kiếm cơm nuôi bảy đứa con, hằng tháng bới đùm thăm chồng. Cứ ngày này qua ngày khác, tháng nọ đến tháng kia… mà không biết khi nào mới hết cảnh một mình đơn chiếc nuôi con thăm chồng.
Thực sự khó khăn vật chất chưa phải là khó khăn tột cùng, nhưng đau khổ tinh thần mới là gánh nặng thật sự. Một thời an bình, hãnh diện bây giờ lại bị sách nhiễu, hoạch hoẹ bởi các chú du kích địa phương: thôn ấp xã huyện. Đi buôn thì “bị xạc,” bị tịch thu một cách ngang ngược còn hơn kẻ cướp. Miếng cơm của con, hộp cá khô cho chồng bị dựt ngay trên tay mà lòng cay đắng nghẹn ngào uất hận. Gánh khoai, thúng sắn, giỏ rau bị bắt nộp cho xã ngay trên lưng mình làm cho trái tim như thắt lại cay xót. Nỗi đau uất hạnh ấy ai chia sẻ với bà? Ai là người an ủi bà khi đêm về với bao câu hỏi nhức nhói: tại sao và tại sao? Cũng như bao nhiêu người vợ lính trong hoàn cảnh tương tự, chắc lẽ bà không có lấy một câu hỏi tìm hướng thoát thân, trút bỏ gánh nặng hay sao? Có lẽ có, nhưng những ý tưởng tiêu cực đó không mạnh đủ để khuất phục được lòng chung thuỷ và trách nhiệm của người vợ và người mẹ. Đến hôm nay, niềm vui và lòng chung thuỷ ấy vẫn như ngày nào: Đậm đà, son sắt; đặc biêt khi chồng nằm bệnh viện đau ốm, khi con cái cần nâng đở yêu thương.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài SBTN – South Carolina ngày 5-5-2013, Bà Phan Tấn Lộc không những thăm chồng nuôi con, mà còn dám liều mình che chở cho bốn tù nhân trốn trại cải tạo Vườn Đào Cai Lậy và nuôi dưỡng họ trong gia đình mình. Khi được hỏi lý do nào bà đã can đảm giúp những tù nhân chính trị này, bà đơn giản cho biết, “vì tình người.”[1] Người vợ lính là thế đó; người nữ Việt Nam là thế đó. Dù trong hoàn cảnh bi đát nguy hiểm, họ đã chung thuỷ với chồng con, và còn tận tâm thương yêu người gặp nạn.
Theo tác giả Phạm Bá Hoa, không có cảnh đau thương nào như cảnh đau thương nào, nhưng tất cả đều nêu bật phẩm giá cao đẹp của người nữ Việt Nam. “Một bà vợ cùng con cầm giấy phép “gánh gạo” nuôi chồng trên đất Bắc. Ba ngày đi, ba ngày về, 2 tiếng đồng hồ gặp gở! Khi trở về cư xá Bắc Hải, nhà bị niêm phong với dòng chữ “nhà vắng chủ.” Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường nào! Bỗng dưng nhà bị mất! Bà gục đầu vào cửa!”[2] Bà đã gục đầu vì bị đè nặng bởi bạo quyền, nhưng trái tim và ý chí vẫn vươn dậy vì sự chung thuỷ và trách nhiệm. Theo tác giả, bà cùng gia đình định cư tại Houston từ năm 1994.
Mục Sống Sao Cho Đẹp mời gọi bạn suy ngắm những bài học chung thuỷ và trung tín trong đời thường, ngay trong gia đình, người thân của mình. Nó không xa, nhưng thật gần gũi và sâu đậm biết bao. Ước chi những phẩm chất nền văn minh khoa học tiến bộ tỉ lệ thuận với những đức tính nhân bản vốn có sẵn trong con người của chúng ta. Ôi những người mẹ Việt Nam. Mẹ thật tuyệt vời!
Fr. Huynhquảng
[1] Trích từ http://www.youtube.com/watch?v=maLPs_Ie2eo (Truy cập 20-8-2013)
[2] Trích từ http://buonvuidoilinh.wordpress.com/2013/06/23/chan-pham-ba-hoa-dung-nguoi-vo-linh-viet-nam-cong-hoa/ (Truy cập 20-8-2013)