Vị linh mục của ngôi làng kia là một ông thánh, mỗi lần có ai gặp chuyện khó khăn, họ đều tìm đến với ông. Thế là ông lui vào một nơi riêng biệt trong rừng và dâng một lời kinh đặc biệt. Chúa luôn luôn lắng nghe lời ông cầu xin và dân làng được cứu giúp.
Sau khi linh mục ấy qua đời, mỗi khi có vấn đề dân chúng lại kéo đến với vị kế nhiệm ông vốn không phải là một ông thánh nhưng lại biết bí mật nơi chốn linh thiêng trong rừng và cả lời kinh đặc biệt. Vậy ông câu nguyện thế này, “Lạy Chúa, Chúa biết con không thánh thiện nhưng hẳn Chúa sẽ không đóng lòng trước lời cầu xin của dân chúng. Vậy xin hãy nhận lời con và đến cứu giúp”. Chúa lại nhận lời và dân làng được cứu giúp.
Khi linh mục này qua đời, mỗi khi gặp khó khăn dân làng lại kéo đến với người kế nhiệm vốn biết lời cầu xin đặc biệt nhưng không biết chốn linh thiêng kia. Nên ông nói, “Lạy Chúa, Chúa bận tâm đến nơi chốn để làm gì? Không phải mọi nơi đều thánh khi có Chúa hiện diện? Vì thế, xin lắng nghe lời con và mau đến cứu giúp”. Chúa lại nhận lời và dân làng được cứu.
Giờ đây thì ông cũng chết, khi dân chúng gặp chuyện rắc rối, họ lại tìm đến người kế nhiệm ông vốn không biết cả cái chốn linh thiêng kia lẫn lời kinh đặc biệt. Vì thế, ông nói, “Lạy Chúa, Chúa không câu nệ hình thức nhưng lại quan tâm đến tiếng kêu của kẻ cùng khốn. Xin Chúa lắng nghe và mau đến cứu giúp”. Một lần nữa, Chúa lại ra tay.
Sau khi vị này qua đời, người ta lại chạy đến với người kế nhiệm ông mỗi khi có vấn đề. Nhưng vị này lại chuyên về tiền bạc hơn là cầu nguyện. Ông nói với Chúa, “Không biết Ngài thuộc loại Chúa nào đang khi Ngài hoàn toàn có khả năng giải quyết mọi khó khăn do chính Ngài gây nên. Chúa lại từ chối nhấc một ngón tay cho đến khi người ta kêu gào van vái? Vâng Ngài có thể đối xử với họ như Ngài thích”. Rồi ông trở lại với chuyện tiền bạc của mình và Chúa lại nhậm lời ông và ra tay cứu giúp.