Những ngày đầu sau khi vừa đặt chân đến Hoa Kỳ vào cuối tháng 4 năm 1975, chúng tôi được học thêm Anh ngữ để chuẩn bị cho những chương trình huấn luyện sau này. Người thầy Anh Văn của chúng tôi là một nữ tu Dòng Máu Thánh Chúa tên là Lilian. Nữ tu Lilian là một người có thân hình to lớn, và tướng đi mạnh bạo như đàn ông nên chúng tôi đã đặt cho bà một tên cúng cơm “Sơ Lính Làng”. Lính Làng là phiên âm chại của chữ Lilian. Và từ đó, chúng tôi thay vì gọi nữ tu Lilian, thì gọi là “sơ lính làng”.
Ngoài thân hình to lớn, dáng vẻ bề ngoài như đàn ông Sơ Lính Làng còn thuộc thành phần nữ tu với đầu óc tiến bộ, mà từ ngữ quá khích thường gọi là cấp tiến. Bà rất thích làm linh mục, và hết mình ủng hộ tư tưởng nữ giới làm linh mục, nên tôi là một trong những học trò ưa làm bà nổi nóng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn là những học sinh ngoan và rất dược Sơ Lính Làng yêu quí và hay hỏi ý kiến. Và một hôm, nhân một bài văn tự chọn, đề tài được trích từ Thánh Kinh, tôi đã dùng câu Thánh Kinh của Thánh Sử Luca: “Hãy cố mà vào cửa hẹp” (Lc 13:24), để trêu chọc bà.
Tôi đã viết bài luận văn dựa vào câu Thánh Kinh trên, nhưng với lối cắt nghĩa rệu rạo, cốt để bà hiểu rằng tôi có ý chọc quê bà, vì bà mập quá. Bài văn của tôi được bà chiếu cố rất kỹ, với lời phê bằng bút pick mầu đỏ: “Khi anh về Thiên Đàng trước tôi, hãy nhớ nói với Thánh Phêrô rằng ông ấy cần phải sửa lại cửa Thiên Đàng để tôi có thể vào được”
Bẵng đi sau hơn 30 năm, giờ đây không biết Sơ Lính Làng đã về Thiên Đàng chưa, hay vẫn còn chờ tôi để nhắn lời với Thánh Phêrô. Nhưng hôm nay, khi ngồi một mình suy nghĩ lại lời Chúa Giêsu, tôi bỗng giật mình và sửng sốt. Tôi thấy tôi mới là người cần phải xin Thánh Phêrô sửa lại cửa Thiên Đàng. Và tôi mới là người phải nói với Sơ Lính Làng nhờ nhắn với Thánh Phêrô sửa lại cửa Thiên Đàng để tôi có thể lọt vào được trong đó. Lý do vì lúc này tôi quá mập, quá phì nộn. Tôi không thể lách mình lọt vào cửa hẹp Thiên Đàng được.
Mập mạp, phì nộn tâm linh:
Theo cơ thể học và sinh vật học, một người phì nộn và béo mập thường là do bệnh tật, hoặc do ham ăn, ham uống.Thêm vào đó là lười không chịu hoạt động. Chính vì thế mà những chương trình giảm ký, làm đẹp thân hình, đặc biệt cho giới phụ nữ, đã lên đến hằng chục tỷ Mỹ Kim mỗi năm. Đâu đâu cũng có những phòng tập thể dục. Đâu đâu cũng có những bác sỹ thẩm mỹ. Tóm lại, tham ăn, và ươn lười là hai yếu tố chính làm cho con người trở nên mập mạp và béo phì.
Cũng như sự mập mạp và to lớn của thể xác, sự mập mạp và to lớn thiêng liêng khiến nhiều người quá khổ để có thể lọt vào được cửa Thiên Đàng. Đi tìm nguyên nhân của chứng bệnh mập phì tâm linh, chúng ta cũng thấy mình thường vướng mắc vào hai yếu tố đã làm cho con người trở thành phì lũ thể xác, tức là tham lam ăn uống, và ươn lười hoạt động.
– Tham lam ăn uống: Người mập thường bao giờ cũng mắc chứng tham ăn uống. Không chỉ do yếu tố sinh lý mà còn do ảnh hưởng tâm lý. Một thân hình mập mạp, to lớn đương nhiên đòi hỏi nhiều thực phẩm. Và khi thực phẩm có trước mắt, thì ảnh hưởng tâm lý càng làm gia tăng cơn đói khát, khiến càng ăn càng thấy đói, và thèm ăn.
Trong lãnh vực tâm linh, người mắc chứng tham ăn cũng thấy mình tự nhiên thèm thuồng và đói khát. Đói khát và thèm thuồng danh vọng, quyền lực, giầu sang, và dục vọng. Có thể nói như người mắc chứng mập phì thể xác, càng thấy danh vọng, càng thấy quyền lực, càng thấy giầu sang, và càng thấy dục vọng, thì cơn đói và khát tâm linh cũng như tâm lý kia lại càng trổi dậy cách mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều khi con người bị cào cấu, ngấu nghiến, hăng say chạy chọt, kiếm tìm và chiếm hữu cho được những thức ấy, hầu khỏa lấp cơn đói tâm linh.
Và trong khi tranh dành nhau những miếng ăn ấy, con người đã trở nên độc ác, hung dữ đến bất chấp lương tri. Ganh tỵ với người này người khác. Bực tức, và cuớp dật của người này, người khác. Sẵn sàng nhắm mắt trước những cơn đói khát chính đáng của đồng loại, miễn sao thấy mình no thỏa. Và từ đó, tấm lòng trở thành chai cứng. Trí óc trở nên hẹp hòi, và toan tính. Con người đã để mất sự nhẹ nhàng, nét vui tươi hạnh phúc, và sự bình an tâm hồn mà Chúa Giêsu đã nói đến trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho những ai đói khát sự công chính” (Mt 5:6).
– Ươn lười hoạt động: Và rồi khi linh hồn trở nên mập phì , cũng là lúc linh hồn trở nên ươn lười và thụ động. Như ông phú hộ mà Thánh Luca đã ghi lại, người ta cũng tự nói với lòng mình: “Hãy ăn uống thỏa thuê. Hãy hưởng thụ” (Lc 12:19).
Đời sống tâm linh là một cuộc hành trình gian khổ. Đòi hỏi phải luyện tập và tự chế mỗi ngày. Như những người muốn có thân hình thon gọn và trẻ đẹp, cần phải tự chế và tập luyện. Họ không thể chỉ dựa vào những cuộc giải phẩu thẩm mỹ, hoặc những viên thuốc giảm cân.
Không! Vẻ đẹp của mình là phải do chính mình luyện tập. Nhưng một khi đã mắc chứng ươn lười, thì làm gì có thân hình thon gọn, trẻ đẹp. Và lúc ấy, cái tâm lý làm đẹp lại thúc đẩy con người chìm vào những ảo tưởng, ảo giác trong khi vẫn cứ tham lam ăn uống. Đó là tư tưởng dối gạt mình rằng, tôi còn trẻ. Tôi vẫn có thời giờ. Và lúc này tôi cần phải thành công, và có công danh sự nghiệp trước đã. Ngày mai sẽ lo.
Sự ươn lười và dối gạt mình ấy mục đích là để tránh né hy sinh, tự chế. Tránh chấp nhận thử thách và đau khổ trên đường hoàn thiện hóa của sống. Tránh khỏi những kìm hãm, và cố gắng tâm linh. Nó khiến con người không còn lo đến phần rỗi mình. Không thực hành điều mà Thiên Chúa muốn mình phải thực hành và phải sống. Đời sống tâm linh, do đó, đã lịm chết, không còn sinh động và năng nổ như Chúa muốn nó sinh động và năng nổ.
Hãy vào cửa hẹp:
Lời Chúa hôm nay chợt thức tỉnh tôi, và cho tôi biết rằng, tôi không thể sống và hành động như tôi đang sống và hành động như hiện nay: Tham lam, đói khát, và ươn lười, thụ động. Sự tham lam, đói khát. Sự ươn lười, thụ động tâm hồn.
Những triệu chứng này, những lý do này chính là nguyên nhân khiến tâm hồn tôi trở thành phì lũ, trở thành béo mập quá khổ để rồi, tôi chỉ có thể đứng trước cửa Thiên Đàng mà nhìn vào với tâm hồn nuối tiếc.
Lậy Chúa, xin cho con biết tiết độ, biết chế ngự những ham muốn vật chất, và những cái chỉ thuộc về thế giới mau qua này, để đời sống con trở nên thanh thản, bình an và nhẹ nhàng. Để con có thể vào được cửa hẹp Nước Trời, để cùng với Mẹ Maria và muôn thần thánh đời đời ca vinh tình yêu Ngài. Amen.
Trần Mỹ Duyệt