Đã là người, ai cũng muốn nâng mình lên, muốn tự khẳng định mình trước mắt người khác.
Cái tôi kiêu căng là một quyền lực vững mạnh đang thống trị nhiều người
Chính cái tôi kiêu căng của Ca-in đã khiến anh giết A-ben vì tưởng rằng Chúa thương A-ben hơn bản thân anh. (St 4, 1-8)
Chính cái tôi kiêu căng của vua Sao-lê đã xui khiến nhà vua tìm cách giết hại Đa-vít chỉ vì Đa-vít được dân chúng ngưỡng mộ hơn cả vua. (I Samuen chương 18)
Chính cái tôi kiêu căng của con người khiến người ta ghen tị với những ai hơn mình, khinh bỉ những ai thua kém mình, oán ghét những ai bất đồng quan điểm với mình, căm hận những ai chỉ lỗi cho mình, nói xấu những ai trổi vượt mình…
Chính cái tôi kiêu căng của con người khiến họ tự làm cho mình nổi bật lên bằng cách dìm người khác xuống.
Và điều tai hại nhất là cái tôi kiêu căng khiến người ta không bao giờ nhận ra lầm lỗi của mình, nên không thể ăn năn sửa lỗi được.
Làm sao huỷ diệt được cái tôi kiêu căng đáng ghét này? Vô cùng khó khăn ! Chỉ có cách tốt nhất là hãy học sống khiêm nhường với Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su tự xoá bỏ mình
Chúa Giê-su là Thiên Chúa uy nghi cao cả đầy quyền năng phép tắc, mà không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa Cha; trái lại, Ngài tự huỷ mình ra không, mang lấy thân phận tôi tớ. Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Phi-líp đã hoạ lại chân dung của Ngài như sau:
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ( Philip 2, 6-8).
Ngài là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên nầy, lại chấp nhận xoá mình đi, khi hóa thành một bào thai nhỏ bé, nằm trong dạ một trinh nữ miền quê suốt chín tháng mười ngày.
Ngài là Chúa Tể hoàn vũ, bá chủ muôn loài muôn vật và muôn vạn kho báu trong vũ trụ càn khôn, lại xoá mình đi, để trở thành một trẻ sơ sinh nghèo hèn, không có một mái nhà, không giường chiếu và không cả một chiếc nôi cỏn con… đến nỗi phải nằm run rẩy trong máng súc vật lót rơm giữa đêm đen lạnh giá.
Ngài là Đấng nuôi dưỡng chim trời cá nước, ban phát lương thực cho tất cả người thế hưởng dùng, lại hạ mình thấp hèn khi cậy nhờ đến từng giọt sữa của người trần gian để được tăng trưởng từng ngày.
Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai đồng quyền năng phép tắc như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, có sức mạnh lay chuyển cả vũ trụ càn khôn, có quyền năng dập tắt bão tố… đã hạ mình thấp hèn khi trở thành một trẻ thơ nhỏ nhoi, yếu đuối, phải cậy nhờ đến sự ấp ủ của người mẹ trần gian để tồn tại, phải cậy trông vào sự che chở của người cha nuôi, vốn là một anh thợ nghèo miền quê, mới có thể thoát chết bởi lưỡi gươm oan nghiệt của bạo chúa Hê-rô-đê.
Ngài là Đấng cả vũ trụ càn khôn không chứa nổi, lại xoá mình đi đến độ không có được một chỗ tựa đầu, như lời Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).
Ngài là Đấng được Gioan Tẩy Giả nhìn nhận là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, là vị Ngôn sứ cao cả mà ngay cả bản thân Gioan Tẩy giả, vốn là vị ngôn sứ cao cả bậc nhất, cũng không xứng đáng cởi quai dép cho (Mc 1,7-8), lại tìm đến với Gioan như một người tội lỗi, đứng trà trộn với những người thu thuế, với những kẻ trộm cướp, quân giết người, với những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho mình (Mc 1, 7-11).
Và Chúa Giê-su đã đi đến tận cùng của tự hạ, tự huỷ khi Ngài để cho người ta bắt bớ Ngài như một tên gian phi trong đêm tối, để cho người ta phỉ nhổ, đánh đập, xỉ vả tàn tệ, bị điệu ra pháp trường với thập giá đè nặng trên vai và cuối cùng phải chịu chết trần truồng trên thập giá giữa hai tên tử tội khốn cùng nhất và bị mai táng trong mồ. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa toàn năng mà phải chết trần, chết trụi, phải chịu chôn vùi trong lòng đất như thế thì quả là đã hạ mình đến tận đáy rồi.
Nhờ hạ mình xuống tận đáy sâu, nên Ngài xứng đáng là “Con yêu dấu của Chúa Cha”, hằng làm “hài lòng Chúa Cha” trong mọi sự (Mc 1,11) và “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2, 9-11).
Lạy Chúa Giê-su,
Cuộc đời khiêm hạ thẳm sâu của Chúa là liều thuốc thần diệu chữa trị căn bệnh kiêu căng tự mãn của con người. Xin cho chúng con biết học với Chúa để sống khiêm nhường như Lời Chúa mời gọi: “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà