1/ Ông Xuân lấy vợ sớm. Ngày ấy có kế hoạch kế hiếc gì đâu. Trời sinh voi sinh cỏ, bà Xuân sinh cho ông một lèo năm đứa con gái. Làng trên xóm dưới gọi ông bằng hỗn danh ông Năm He. Thế có xấu hổ không cơ chứ?! ‘‘Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’’, mười đứa con gái còn kể như không, nói gì năm đứa. Rõ là tủi quá, nhục quá. Hai ông bà thuốc thang khắp nơi khắp chốn, cầu xin thiết tha, lại còn xuống tận đền thánh Vi-xen-tê mãi ở kinh 8, Tân Hiệp, Rạch Giá, xin khấn. Ơn Trên nhận lời, ban cho họ được đứa con trai. Ông mừng lắm, định đặt tên cho thằng con cầu tự là Quý, vì quý (tử) vừa có nghĩa là (đứa con) quý báu, vừa có nghĩa là (con) út; nhưng bà một mực đặt tên con là Hạ. Mùa xuân rồi tới mùa hạ. Bố là Xuân thì con phải là Hạ – bà bảo vậy – mới hợp với sự xoay vần của trời đất. Vốn mang bổn tính sợ vợ, vả lại, bà cũng có lý đấy chứ, nên ông đành chiều bà. Ông chiều bà là phải, vì khi thằng Hạ vừa lên bảy thì bà được Chúa gọi về. Bà để lại cho ông sáu đứa con mồ côi mẹ. Ông, một con gà trống già phải nuôi năm con gà mái con và một con gà trống con bé tí teo.
2/ Nước cứ chảy xuôi ra biển, thời gian cứ trôi xuôi về ngày mai, trẻ thơ cứ khôn cứ lớn. Năm cô con gái Hồng, Lan, Đào, Huệ, Cúc của ông Xuân lần lượt trở thành thiếu nữ, rồi có chồng, ra riêng, có của ăn của để, có cơ ngơi vững vàng. Ông yên tâm vui vầy với đàn cháu ngoại đếm trên đầu ngón tay hai lần không hết. Nhưng niềm vui của ông không trọn vẹn. Ông những mong được nhìn thấy, được bồng trên tay đứa cháu đích tôn một lần trước khi nhắm mắt. Thế mà anh Hạ đã tốt nghiệp đại học, đã có công ăn việc làm, đã là giám đốc nhân sự của một công ty trách nhiệm hữu hạn danh giá, đã ba mươi tuổi đầu rồi, mà chưa một lần nói tới chuyện vợ con. Một lần, không nén lòng nổi, ông Xuân nói với anh:
– Con được ăn học hơn bố. Nhưng con có biết sách Mạnh Tử, thiên Ly Lâu thượng nói gì không? ‘‘Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại’’ (Tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là tội lớn nhất). Con biết bố muốn nói gì rồi đấy.
Anh Hạ nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:
– Con hiểu. Nhưng con xin lỗi bố, ngày xưa khác, ngày nay khác. Ngày xưa thì ‘‘chồng cha, vợ mẹ cưới cho’’. Ngày nay thì hôn nhân phải đặt trên nền tảng tình yêu, bố ạ! Con chỉ cưới người con yêu thôi. Thật chẳng may, con chưa yêu ai cả.
Anh nói nhỏ hơn nữa, chỉ sợ ông Xuân hiểu lầm là anh xúc phạm đến các đấng làm Thầy:
– Với lại, nói như ông Mạnh Kha thì các giáo sĩ, tu sĩ trong Hội thánh Công giáo mình bất hiếu cả sao, hả bố?
Mặt ông Xuân đỏ au. Ông giận lắm. Ông muốn nói điều gì đó mà không nói được, hình như ông bị ngọng cấp tính. Sợ ông buồn, anh Hạ vớt vát :
– Con xin lỗi bố… Rồi, con hứa trong năm nay con cưới vợ.
3/ Cô Mai, nhân viên mới, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế, khoa Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành Quản trị Nguồn nhân lực, được điều chuyển đến phòng Nhân sự do anh Hạ đảm trách. Trong hồ sơ xin việc, lí lịch không ghi, nhưng anh được biết, cô là một giáo lý viên gương mẫu, một huynh trưởng năng động của một xứ đoàn Thiếu nhi Thánh thể vùng quê, hình như thuộc giáo xứ Đền Thánh Giuse An Bình thì phải, ở mãi tận dưới giáo phận Long Xuyên.
Cô làm việc tận tụy, quan tâm tới mọi người. Tính cô thẳng thắn, không xun xoe nịnh bợ ai, không như hầu hết các nhân viên già trẻ nam nữ trong phòng Nhân sự này… Sau lễ tổng kết năm, anh Hạ uống rượu nhiều quá, có thái độ không đúng đắn với cô nhân viên hotgirl nhất phòng. Hôm sau, cô Mai gặp riêng anh, chân thành:
– Em xin lỗi. Em chỉ là nhân viên của anh, đang trong thời gian thử việc. Em không nói với anh trong tư cách cấp dưới nói với cấp trên, mà nói với anh với tình yêu thương huynh đệ trong Chúa. Anh không nên say sưa như thế, dẫn đến cung cách cư xử mà người ta coi là lỗ mãng như thế…
Anh Hạ giật mình, thành khẩn:
– Anh cám ơn Mai.
Ngay tức khắc, anh nhìn ra: Chỗ của cô Mai không phải ở đây, trong phòng Nhân sự đầy thị phi này. Chỗ của cô phải là một mái nhà. Vị trí của cô phải là vị trí của người vợ, người mẹ trong một tổ ấm gia đình.
Anh yêu cô từ đấy.
4/ Được cô Mai đồng ý, mồng hai tết năm ấy, anh Hạ đưa cô về ra mắt gia đình. Các chị gái và anh rể của anh Hạ mừng lắm. Họ tấm tắc, tíu tít khen cô Mai đen giòn, tuy không đẹp lắm, nhưng xinh xắn, mộc mạc, có duyên, khéo cư xử, lại nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông Xuân cũng mừng. Nhưng khi ăn uống xong, anh Hạ đưa cô Mai ra về rồi, bà Út, em gái ông Xuân (nhà có hai anh em ấy mà) mới lên tiếng:
– Em nghĩ sao nói vậy, anh và các cháu đừng buồn. Rồi xem. Con bé ấy “khó dạy” lắm. Thử hỏi, người đâu lại có đủ bốn thứ “khó dạy”: “Lạt cật, đóm dầy, chó quặp tai, mo lang trôi sấp”. Lạt cật khó buộc, đóm dầy khó cháy, chó quặp tai khó nghe, mo lang trôi sấp khó trôi.
Đúng là “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Câu ví von của bà Út mới độc địa làm sao!
Ông Xuân tiếp lời:
– Tôi cũng ngờ ngợ. Trông nó có vẻ nhà quê nhà mùa, cứng đầu cứng cổ làm sao ấy, khó nói lắm, phải không?
Câu nói của bà Út đến tai bố mẹ cô Mai. Hai gia đình xích mích nhau. Thêm vào đó, nghe lời cô em gái thân yêu, ông Xuân nhất quyết cho anh Hạ cưới ai cũng được, miễn là không phải cô Mai.
5/ Anh em ông Xuân lầm to. Sự cấm đoán của ông chỉ làm cho tình yêu của đôi trẻ được trui rèn cứng cáp hơn thôi. Vả lại, đã qua rồi thời “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ngược lại, đã bước sang thời kỳ đổi mới: “Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Đất chẳng chịu trời, trời phải chịu đất, ông Xuân đành cắn răng cưới cô Mai cho anh Hạ. Nhưng ông giận lắm. Ông tuyên bố với họ hàng, cấm chỉ không cho “cái con mặt dầy” ấy bước qua ngưỡng cửa nhà ông.
6/ Theo yêu cầu của vợ, tuần nào anh Hạ cũng về thăm cha. Như tuân thủ một thỏa thuận bất thành văn, hai cha con không một lần nhắc tới tên cô Mai. Tết năm nay, cô Mai nhất quyết bồng con về thăm ông nội. Anh Hạ bảo vợ:
– Anh chiều theo ý em bất cứ chuyện gì. Nhưng chuyện này em phải nghe anh. Bố anh đã nói là giữ lời. Em không được về.
Vợ anh lòi cái gai “khó dạy” ra:
– Em cứ về.
– Anh cấm em.
– Ơ hay! Anh cấm thế nào được. Vợ chồng mình có cưới xin tử tế, đầy đủ phép đạo luật đời. Cả lò có mỗi một thằng cháu đích tôn. Mồng một tết, cháu không về thăm ông nội, không sợ người ta cười cho à? Mà dù cho người ta không cười cho đi nữa, thử hỏi lương tâm anh, lương tâm em có cho phép không?
Cô Mai móc điện thoại gọi taxi, khiến anh Hạ không kịp chuẩn bị. Thực ra, anh cũng chẳng cần phải chuẩn bị gì cả, vợ anh đã chuẩn bị hết cả rồi.
7/ Chiếc taxi vừa đậu trước cổng, không mấy người để ý. Nhưng khi cô Mai bế con xuống thì mấy mươi con người ùa ra, xúm xít vây quanh rồi giành nhau bồng thằng bé. Dì Hồng nựng cháu:
– Úi xời ui! Đít nhôm dễ xương không kìa!
Bà Út giành lấy thằng bé:
– Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nhìn cái mắt nó kìa! Anh Xuân ơi! Nhìn cái mắt nó kìa! Tùm hụp như mắt bố chúng mình ngày xưa ấy, phải không? Anh cũng phải bế cháu nội một tí chứ!
Bà Út trao đứa bé cho ông Xuân. Nó khóc ré lên rồi tè ra ướt hết hai vạt áo sơ mi mới tinh của ông. Ông thấy âm ấm. Hình như nước tiểu thằng bé có mùi thân quen, đúng là mùi ruột thịt. Ông dở mếu dở cười…
Chị Đào hỏi:
– Thằng bé tên gì, cậu Hạ?
Cô Mai trả lời thay chồng:
– Anh Hạ đặt tên nó là Quý, Nguyễn Trọng Quý, em không chịu. Em bảo: mùa xuân rồi đến mùa hạ, thì phải đến mùa thu. Ông nội là Xuân, bố là Hạ thì con phải là Thu. Đứa sau, nếu Chúa ban ơn, em sẽ đặt tên là Đông. Nhà mình sẽ có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, hợp với một vòng xoay vần của trời đất, với đủ các loại hoa hồng lan đào huệ cúc mai.
Câu nói của cô Mai làm ông Xuân nao nao. Ông xúc động ra mặt. Cùng lúc, ông thấy mình nhớ vợ đến quay quắt. Một giọt nước mắt to đùng lăn trên má ông. Ông bảo anh Hạ:
– Chiều nay, vợ chồng con đem thằng Thu về thăm ông bà ngoại, rồi về đây ở với bố mấy hôm.
8/ Tôi, Lão Ngu, người kể lại chuyện này, hiểu câu nói đơn sơ, chất phác mà tinh tế trên đây của ông Xuân vừa là sự hối lỗi, vừa là dấu hiệu hòa giải, vừa là sự thứ tha, vừa là lòng bao dung, vừa là món quà mừng năm mới tuyệt diệu cho đàn con cháu. Xin hỏi, có được không? Kính thưa quý độc giả thân yêu.
lãongu
Nguồn: LamHồng