Soren Kierkegaard, một triết gia Kitô giáo vào thế kỷ XIX, đã nói, “Tâm hồn thanh khiết chỉ muốn độc nhất một điều.” Chúa Giêsu phán, “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Chỉ muốn một điều! Khó khăn đấy chứ! Muốn chỉ một điều, ước ao chỉ một điều với “hết tâm hồn, hết linh hồn, hết trí khôn.” Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện ý Cha thể hiện, Nước Cha trị đến! Chúa Giêsu đã phán, “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và các sự khác sẽ được ban thêm cho.” Nếu phân chia lòng mình cho Nước Thiên Chúa và những mục tiêu khác – cho dù chỉ một mà thôi – thì, cho dù chúng ta có thành công đến đâu, cuộc đời chúng ta vẫn là một thất bại. Ơn gọi Kitô hữu thật khó khăn biết bao!
Tâm hồn thanh khiết chỉ ước muốn một điều độc nhất. Chúng ta phải thừa nhận rằng hiếm khi chúng ta đơn thành. Chúng ta muốn nhiều điều, chúng ta vừa muốn Thiên Chúa vừa muốn thế gian. Trong thư thánh Giacôbê, chúng ta đọc thấy, “Kẻ hai lòng đừng tưởng sẽ nhận được cái gì của Chúa: vì họ là kẻ hay thay đổi trong mọi việc họ làm”; rồi một chỗ khác, “Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can” (Gcb 1:8, 4:8). Những ước muốn đối lập nhau lôi kéo chúng ta. Chúng ta sàng qua sàng lại, lưỡng lự bất nhất. Chúng ta giả vờ trung lập. Đối với nhiều người chúng ta, sự lựa chọn “giữa bóng tối và ánh sáng” mãi mãi qua đi. Từ “quyết định” phát sinh từ La ngữ, có nghĩa là “dứt bỏ.” Quyết định chọn cái này là dứt bỏ những cái khác. Đến ngã ba, đi đường này tức là bỏ hai đường kia. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được cứu độ. Chúa dạy hãy bán tất cả những gì anh ta có và bố thí cho người nghèo. Người thanh niên đã buồn sầu bỏ đi “vì anh ta có lắm của cải.” Anh ta nói sẵn sàng với Nước Thiên Chúa, nhưng lại không chịu đi tìm duy mình Nước Chúa. Chúa Giêsu không khoan nhượng ở điểm này. Người dạy chúng ta, nếu cần, phải cắt đứt cả những liên hệ gia đình, khước từ tài sản và tham vọng, tiện nghi và danh giá để đi theo Người.
Có những kẻ phê phán Chúa Giêsu đã thiếu khoan nhượng khi kêu gọi làm môn đệ của Người. Những kẻ ấy không hiểu rằng Chúa yêu sách như vậy là vì yêu thương chúng ta. Một vị thánh người Tây Ban Nha đã nói, “Thiên Chúa viết thẳng bằng những hàng cong.” Những yêu sách có vẻ thẳng nhặt hoặc nghiêm khắc đối với chúng ta chính là những đường lối Thiên Chúa dùng để cứu chúng ta khỏi tính bất nhất là cái đẩy chúng ta vào chỗ diệt vong. Chúa Giêsu nêu câu hỏi, “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì?” Như vậy, cho dù có được gì gì đi nữa mà cuộc đời chúng ta không hướng về Thiên Chúa với một tâm hồn đơn thành, thì chúng ta chẳng được gì hết.
Kitô hữu phải quyết định! Vạn vật nhẽ ra đã không như hiện nay. Thụ tạo đang khởi loạn chống lại Đấng Tạo Hóa. Chúng ta hãy nhìn xem: chiến tranh, dã man, bất công, căm thù, ngu xuẩn đang đầy dẫy các bản tin hằng ngày. Kitô hữu phải chống lại những thực thể mà thánh Phaolô tông đồ gọi là “những quyền lực thần thiêng, những bậc thống trị thế giới tối tăm, những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:12). Kitô hữu chúng ta phải quyết định! Chúng ta không thể sống “thế nào cũng được” vì sự vật vẫn thường thách thức hoặc đối ngược với những gì Thiên Chúa muốn về chúng.
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta quyết định. Người không đòi hỏi sự gì Người không ban. Thánh Augustine cầu xin, “Lạy Chúa, xin hãy ban những gì Chúa đòi, rồi hãy đòi những gì Chúa ban.” Thánh Phaolô thì viết, “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Lẽ nào Đấng đã không dung tha chính Con Mình nhưng đã trao nộp Người vì chúng ta mà lại không ban cho chúng ta tất cả cùng với Con của Người hay sao?” Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Cha thừa nhận Đức Kitô là “Con yêu dấu” của Người. Đó là tình yêu tuyệt hảo Chúa Cha dành cho Người Con tuyệt hảo của Người. Con Thiên Chúa đã bị nộp vì tất cả chúng ta. Cho đến hôm nay, hiến tế thập giá là biểu hiệu của tình yêu tuyệt hảo. Nhờ tình yêu ấy, chúng ta được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi trói buộc chúng ta với những gì là gian tà, những gì là khởi loạn chống lại chương trình Thiên Chúa. Và đó là ý nghĩa của ơn cứu độ.
Chúa Giêsu đã thực hiện quyết định của Người. Chúa đã hiên ngang tiến tới thập giá. Thập giá xem ra đối nghịch với mọi điều Chúa đã sống, mọi lời Người đã giảng. Nước Thiên Chúa, thay vì đến trong vinh quang, giờ đây chỉ là cái chết nhục nhã và đau thương. Dù vậy, vẫn còn đó một điều để quyết định, “Xin đừng theo ý Con, nhưng cho Ý Cha được thực hiện.” Vì thế, đó là một cú liều được tự tình đón nhận.
Tâm hồn thanh khiết chỉ muốn một điều độc nhất.” Phải có lòng kính mến trung tín, chân thành dành cho Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đạt đến thành tựu. Thiên Chúa muốn chúng ta thành công trong tình yêu, và trong tình yêu, chúng ta đạt được sự hợp nhất ân phúc giữa “cái là” và “cái làm.” Vì vậy, Kitô hữu không cảm thấy có sự tách biệt giữa mình là ai và mình làm gì. Cả hai là duy nhất, là bất khả phân chia. Trong tương giao tình yêu, chúng ta là ai đối với nhau và chúng ta làm gì cho nhau là điều bất khả phân chia, bất khả phân biệt. “Phúc cho ai có tinh thần trong sạch.” Kẻ ấy chỉ muốn duy nhất một điều: đó là thánh ý Thiên Chúa được thực hiện; là Nước Chúa trị đến.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ