Một hình ảnh rất đẹp khác mà Chúa Giêsu đã sử dụng để nói lên tương quan sống còn và tương quan triển nở giữa các môn đệ của Ngài với Ngài là hình ảnh cành nho với thân nho. Cành nho muốn sống được và muốn đơm hoa kết trái dồi dào, cần có 2 yếu tố:
– Yếu tố thứ nhất: phải gắn liền với thân nho.
Tách lìa khỏi thân nho, cành nho sẽ bị khô héo và lụi tàn vì mất nhựa sống. Nói cách khác, cành nho tự thân nó không thể sống được, càng không thể tự sinh hoa kết trái được. Gắn liền với thân nho thì mới có nhựa sống, có dưỡng chất và mới trở nên xanh tươi.
Báo Tuổi trẻ số ra ngày 10.04.2009 đưa tin rằng có trên 30% học sinh Việt Nam lứa tuổi 6-18 suy dinh dưỡng dạng thấp còi vì khẩu phần ăn hằng ngày chỉ đáp ứng được 60% năng lượng cần thiết. Bài báo còn ghi nhận: “Chiều cao thanh niên nước ta đang ở mức gần thấp nhất so với thanh niên các nước khác”. Sự sống thể lý luôn cần dinh dưỡng để tăng trưởng. Sự sống siêu nhiên cũng thế. Nhưng muốn có sự sống siêu nhiên cần phải gắn kết với Đức Kitô, nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho sức sống tâm linh của ta.
– Yếu tố thứ 2: phải được chăm sóc cắt tỉa. Ngồi trên xe đi từ Phan thiết ra Nha Trang, đi ngang qua nhiều vườn nho xanh um mà không thấy trái, hoặc trái rất ít. Nhiều người ngạc nhiên không hiểu tại sao lạ thế. Đúng ra càng tốt tươi thì càng sai trái mới phải. Kỳ thực theo kinh nghiệm của những người chuyên môn trồng nho, sở dĩ cây nho xanh tốt mà ít trái hoặc không có trái là do không được cắt tỉa, hay cắt tỉa không đúng cách.
Không được cắt tỉa, cành nho chỉ có thể sinh chồi lá um tùm làm choáng đất mà thôi, chứ không thể sinh hoa trái dồi dào được.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, muốn sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, người Kitô hữu cần phải kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là nguồn sống, tức là phải ở lại trong tình yêu của Ngài. Ở lại qua việc tuân giữ lời Ngài. Đồng thời phải chấp nhận để cho Thiên Chúa cắt tỉa, thanh luyện, nghĩa là phải chấp nhận hy sinh thử thách và gian khổ. Dĩ nhiên cắt tỉa là phải đau đớn. Có khi bị rướm máu.
Nhìn lại thực trạng sống đạo hôm nay, chúng ta dễ dàng thấy có 3 hạng Kitô hữu:
– Hữu danh vô thần:
Họ là những người mang danh là Kitô hữu, xưng mình là đạo gốc đạo dòng, là “cành nho” chính thống. Nhưng đã tách lìa Đức Kitô và xa lìa Giáo hội. Họ sống như những người vô thần nặc danh, không giữ đạo và cũng không sống đạo.
Đây là hạng người đáng sợ nhất vì họ rất dễ rơi vào nguy cơ tháp nối với cây tiền tài, cây danh vọng, cây quyền lực, cây sắc dục…. Và chắc chắn cành nho đời họ sẽ sinh trái nho hoang nho dại, thậm chí là nho độc nho hại nữa.
– Hữu danh vô thực:
Là những người mang danh có đạo, nhưng không sống đạo hay sống đạo kiểu cầm chừng, đủ rỗi linh hồn là được. Có đạo nhưng không thực hành đạo vì ngại bị cắt tỉa, ngại dấn thân, sợ thua thiệt.
Số phận của những người hữu danh vô thực thì sao ? Có thể nói được rằng số phận của họ thật đáng buồn vì họ như những “cành nho vô tích sự” không sinh được hoa trái thiêng liêng nào, nên chỉ còn có việc chặt làm củi.
– Hữu danh hữu thực:
Đây là những Kitô hữu sống đạo thực sự. Họ sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh sinh, mọi cắt tỉa mỗi ngày để hoa trái được phong nhiêu: “Hạt 30, hạt 60, hạt 100”. Đối với họ, Lời Chúa luôn là nhựa sống đem lại sự sống cho cành nho đời họ. Lời Chúa còn là phương thế cắt tỉa, thanh luyện để họ có thể sinh hoa trái dồi dào hơn: hoa trái bác ái yêu thương, hoa trái công bình chính trực, hoa trái hiệp nhất bình an….
Tôi đang thuộc hạng người nào trên đây ? Phúc cho tôi nếu tôi có tên trong danh sách những người thuộc hạng thứ 3, hữu danh hữu thực. Ngược lại, thật bất hạnh cho tôi nếu tôi bị liệt vào hàng ngũ những người thuộc diện “hữu danh vô thực”, hay “hữu danh vô thần”, là những hạng Kitô hữu sẽ bị phán xét công thẳng trước toà phán xét của Thiên Chúa sau này.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
VietCatholic Network