EM.
Hôm ấy tôi thuyết trình về đề tài “ Người chồng lý tưởng và người cha gương mẫu”. Ngay chiều hôm trước tôi đã bị các bà Hiền Mẫu bao vây. Các bà đua nhau rù rù bên tai tôi: “Cha ơi! Cha nhắc các ông bớt rượu giùm”; “Đàn ông hay nhăng nhít lắm, cha rầy giùm”; “Cha cấm họ không được đánh vợ. Ai đánh vợ thì không cho rước lễ”…Tôi nghe đầy lỗ tai rồi mà các bà vẫn chưa chịu ngưng tố méc đàn ông. Tại sao đàn ông lại phạm nhiều tội đến thế nhỉ?
Sau khi thuyết trình, tôi chuyển đến các ông tất cả mọi lời nhắn nhủ cảu các bà Hiền Mẫu. Các ông không giận. Rất vô tư. Chỉ cười xuề xoà với nhau. Bỗng có một cánh tay giơ lên. Đó là một nam tu sĩ, dự thính viên của buổi thuyết trình.
– Tại sao vợ chồng là một xương thịt mà lại đánh nhau được? Thương nhau đến gửi xương gửi thịt cho nhau, thế mà sau đó lại chửi nhau như chó. Tôi không thể hiểu được.
– Thì thầy cứ lấy vợ rồi thấy biết. Em giơ tay, đứng phắt dậy và đốp chát một câu như thế.
Cả hội trường cười hì một cái. Cũng rất vô tư.
EM,
Tôi muốn hỏi: tại sao Em phải đốp chát ông thầy tu như thế? Tôi lại muốn cùng Em trả lời ông thầy tu một cách khách quan và cùng Em hỏi mọi người: tại sao lại cười hì một cách vô tư trước những vấn đề quan trọng như thế.
1.
Em đốp chát ông thầy tu, vì Em bị chạm nọc. Em đã từng đánh vợ nhiều lần, đôi khi đánh tàn nhẫn. Bao giờ Em cũng cho mình là có lý. Lý của Em là: “Nó lì quá chịu sao nổi”.
Vợ Em có lì thật. Nàng không sợ đòn. Cứ mỗi lần bị đòn nàng không kháng cự, mà còn đổ thêm dầu vào lửa: “Mày đánh chết tao đi! Mày đánh nữa đi!”. Sau một trận đòn tàn nhẫn nàng cảm thấy lương tâm nhẹ nhõm. Vợ mê tứ sắc là có lỗi với chồng, nhưng chồng đánh vợ là có lỗi với vợ. Hai người cùng phạm lỗi. Huề. Không những nàng gỡ huề mà còn ghi thêm một bàn thắng, vì đàn ông đánh vợ là người mạnh ăn hiếp người yếu. Hèn! Dư luận quần chúng sẽ bênh vực nàng. Thắng.
Nếu vợ Em lì, thì Em lại là người nóng nảy và thô bạo. Em chỉ thích thắng bằng bạo lực. Dường như hồi còn nhỏ Em đã từng tẩm dầu xăng vào chuột rồi đốt. Chuột càng đau đớn chừng nào, Em càng sướng chừng nấy. Đày đoạ con chuột đã là vô nhân đạo rồi, thì Em nỡ lòng nào mà đày đoạ một kiếp người. Người ấy là vợ của Em.
Thế nhưng, có một điều rất lạ, đó là vợ chồng Em đánh nhau là thế, chửi nhau là vậy, mà vẫn ở với nhau, vẫn cưới với nhau, vẫn hú hí với nhau. Những thằng cu tí vẫn cứ nối đuôi nhau ra chào đời, để cùng nhau chứng kiến cảnh cha đánh mẹ và mẹ chửi cha. Tôi chưa hiểu điều này. Nhưng tôi vẫn mơ ước được thấy vợ chồng Em không chỉ yêu thương nhau, mà còn kính trọng nhau nữa. Thế mới là NHÂN: nhân tính, nhân tình.
2.
Ông thầy tu thắc mắc:tại sao vợ chồng yêu nhau đến mức độ hai thành một, mà lại có thể đánh nhau được. Thật ra ông thắc mắc thì ít mà bất mãn thì nhiều. Thầy tu sống gần lý tưởng hơn thực tế. Lý tưởng bao giờ cũng đẹp. Thực tế thì hay phũ phàng. Người đặt cả hai bàn chân lên mảnh đất lý tưởng, thì thường ít bao dung đối với cái phũ phàng của thực tế, thích kết án hơn tha thứ, thích trừng trị hơn bao dung. Xin thầy tu cứ ôm chắc lấy lý tưởng để sống, nhưng xin thầy tu đặt nhẹ một bàn chân trên phần đất của cuộc đời, để hiểu đời, thương đời và cứu đời.
Nhưng Em ơi, tôi thấy Em đang chôn cả hai bàn chân trên mảnh đất phũ phàng của thực tế. EM chỉ than rằng vợ EM lì quá phải xử lý bằng bạo lực, mà quên bẵng đi rằng vợ Em là con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, cần được yêu thương cộng với lòng kính trọng. Em cũng quên bẵng đi rằng chính Em là người nóng nảy và thô bạo. Tội thô bạo thì nặng ký hơn tội lì lợm đấy.
3.
Người ơi, tại sao người cười một cách vô tư như thế? Hỏi tại sao chồng đánh vợ, thì người cười. Trả lời rằng cứ lấy vợ đi rồi sẽ biết, thì người cũng cười. Người cười có nghĩa là người cho hai chuyện lớn ấy chỉ là chuyện nhỏ mọn không đáng cho người suy nghĩ. Người ơi, đừng vô tam vô tình như vậy.
3.1
Xin người hãy chắp tay lại để nhìn lên. Người sẽ thấy hôn nhân không phải là giống có dại mọc hoang ở ngoài đồng; không phải là con chim trống tình cờ gặp con chim mái vô tình đậu ở trên cành cây. Cỏ dại cứ mọc lan ra, chẳng biết tại sao và để làm gì. Con trống cứ gật gù, cứ quyến rũ làm cho con chim mái đẻ trứng, trứng nở thành con. Con chim trống chẳng bao giờ được làm bố. Con chim con vỗ cánh bay đi chẳng bao giờ về thăm mẹ. Tất cả đều rất vô tư…
Hôn nhân được Thiên Chúa dàn dựng một cách công phu. Công trình ấy được Kinh Thánh mô tả bằng một hình thức văn chương đẫm ý thơ. Ađam đang tự hào về quyền làm chủ trái đất thì bỗng xìu xuống. Buồn da diết. Chừng đó Chúa mới thực hiện kế hoạch 2 là lấy xương sườn của Ađam tạo nên Evà. Vừa thấy Eva, Ađam liền tuyên bố như một nhà khoa học:”Đây là xương của tôi. Đây là thịt của tôi”. Rồi sau đó ông lại tuyên ngôn như một nhà lập pháp:”Từ nay người nam sẽ giã từ cha mẹ để kết hợp với người nữ và cả hai chỉ còn là một xương một thịt”. Tiếp liền sau đó, Chúa thực hiện kế hoạch 3:”Chúng con hãy phối hợp và sinh sản cho tràn đầy trái đất”. Từ đó xuất hiện tập thể gia đình và xã hội. Và tiến trình này luôn luôn có một sợi dây nối kết, đó là tình yêu. Ông bà yêu cháu. Anh em yêu nhau. Xóm làng yêu nhau. Đồng bao yêu nhau. Loài người yêu nhau. Nếu có sợi dây nào bị đứt thì lương tâm loài người lên án: “Đồ phản bội”. Tội phản bội nào cũng bị khinh bỉ. Con phản cha; trò phản thầy; vợ phản chồng; chồng phản vợ; dân phản quốc…Xấu quá! Xấu vô cùng?
Người ơi, hãy nhìn xem và suy nghĩ: Có chó đực nhưng không bao giờ có chó bố. Có chó mẹ, nhưng không bao giờ có chó vợ. Và chó mẹ chỉ yêu chó con trong một thời gian thật ngắn ngủi. Cuối cùng chó mẹ và chó con chỉ là người dựng nước lã. Còn người thì không là thế, chẳng bao giờ là thế, khác xa ngàn trùng!
3.2
Người ơi, hãy nhìn xuống để nâng Hôn Nhân lên tầm cao của Ý trời. Và thôi đừng cười hì một cách vô tư như thế nữa.