Xung quanh chúng ta tràn ngập hàng giả. Điều đáng sợ, là chúng ta khó có thể phân biệt giữa giả và thật. Càng là hàng giả, bề ngoài mẫu mã càng bắt mắt, càng dễ thu hút thị hiếu… Nó cũng tiếp thị, phô trương rộng rãi. Nó cũng được chào đón trang trọng, được quảng bá rùm ben. Nhưng thực chất, nó là hàng giả. Giả từ trong ra ngoài. Giả từ trên xuống dưới.
Con người cũng có “người giả”, “người thật”. Hãy nghe Chúa Giêsu nói về những thứ giả hiệu ấy: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12, 38-40).
Với cung giọng tỏ ra khó chịu của mình, Chúa Giêsu tha thiết cảnh báo cái thật, cái giả về lòng đạo đức. Có những con người, cứ nhìn nét “chu chu chấm chấm” của họ, tưởng là họ đạo đức, nhưng thực ra, lòng họ chẳng khác gì nòi rắn độc.
Các kinh sư được Chúa nhắc đến trong Tin Mừng, thuộc hạn người này. Họ đã không dễ dàng lọt qua cặp mắt của Chúa. Đúng hơn, Chúa nhìn thấu lòng dạ họ. Chúa nhìn thấu tâm tư, và lương tâm họ. Chúa cất tiếng cảnh báo mọi người hãy coi chừng, kẻo bị lừa.
Kinh sư là ai? Họ là những người am hiểu Thánh Kinh. Họ là thầy dạy và giải thích Thánh Kinh cho dân chúng. Họ có chỗ đứng trang trọng trong đời sống tôn giáo Dothái. Họ có những đặc quyền và hưởng những đặc quyền này nơi đền thờ, nơi những phúc lợi từ các sinh hoạt tôn giáo. Họ là người được dân chúng kính trọng. Họ được xem là chuẩn mực cho việc tuân giữ lề luật và giao ước của Thiên Chúa. Họ được quyền dạy bảo và nhắc nhở dân chúng về việc ăn ngay ở lành, tông trọng luật pháp của Thiên Chúa…
Điều đau lòng ở đây là, họ thuộc “hàng giả”. Họ chỉ là những kinh sư “giả hiệu”. Họ trau chuốt bên ngoài, nhưng thiếu hẳn lòng đạo đức bên trong. Họ am hiểu Lời Chúa trong Thánh Kinh, nhưng họ không sống Lời Chúa. Họ dạy người ta giữ lề luật của Chúa, nhưng họ lại coi thường lề luật. Họ không có đời sống cầu nguyện, nên họ trở thành kẻ lừa gạt mọi người. Họ không có tấm lòng cho Thiên Chúa, nên họ trở thành kẻ hưởng lợi bất chính trên những phúc lợi mà mọi người dâng hiến cho Thiên Chúa…
Vì thế, ta có thể xem nội dung Tin Mừng hôm nay, là lời mà Chúa Giêsu chống lại những kẻ đạo đức giả. Hơn thế, Chúa chống lại những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh, là những “kinh sư thời mới”, nhưng giả hiệu.
Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh phải xem lại cách sống, cách thể hiện lòng đạo đức, cách mà mình tương quan với mọi người. Chúng ta có “trọng sang khinh bần”? Chúng ta có tìm cách tô vẽ bề ngoài cho “hoành tráng”, cho “lộng lẫy”, nhưng chiều sâu đạo đức, chiều sâu nội tâm bị bỏ quên? Chúng ta tìm những hào nhoáng, tìm những lối “tự xông hương” mình để che đậy khuyết điểm nào đó? Chúng ta ưa những kiểu “xúng xính”, ưa thể hiện mình là “trên” là “nhất”, ưa những “nhãn hiệu”, những “mác” mà trước mặt người đời có thể “cao trọng”, nhưng vô bổ trước mặt Thiên Chúa?
Nếu là người lãnh đạo tinh thần của muôn dân, mà lại “sính” những điều vừa kể, thì không phải chờ đến Chúa Giêsu, nhưng từ ngàn xưa, Lời Chúa trong sách Huấn ca đã cảnh báo: “Hãy cẩn thận, hãy hết sức coi chừng, vì con đang đồng hành với sự suy vong rồi đó” (13, 13).
Trong Tin Mừng theo thánh Mathêô, Chúa Giêsu vạch trần kiểu “sính” ấy: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (7, 15).
Thánh Phaolô còn mắng nặng hơn: “Anh em hãy coi chừng quân chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì!” (Philip 3, 2).
Đặc biệt, nếu Chúa Giêsu nghiêm khắc chống lại việc tham lam tiền của, thì từ ngàn xưa, sách Gióp đã lên tiếng khuyên dạy: “Hãy coi chừng, đừng để cho mình bị giàu sang mê hoặc hay bị lung lạc vì quà cáp bạc tiền” (36, 18).
Tội nghiệp những người nghèo, vốn đã nghèo, đã bần cùng, càng khốn cùng hơn. Chúa Giêsu lên án thói đạo đức giả và tham lam vô độ ấy: “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12, 38-40).
Đừng chỉ là trang bị những hiểu biết, những kiến thức Lời Chúa, nhưng hãy để cho Lời Chúa, giới luật của Chúa, giáo lý của Chúa chi phối, điều khiển tâm hồn mình; chi phối, điều khiển cuộc sống và cách hành xử của mình…
Hãy lắng nghe Lời Chúa. Hãy biết sợ lời thật của Chúa. Tất cả chúng ta hãy tránh xa thói đạo đức giả. Hãy sống thật. Hãy thể hiện lòng thật. Hãy có tấm lòng, chứ đừng chỉ có hình thức. Đừng chỉ chưng diện bên ngoài, những hãy sửa soạn tâm hồn chu đáo.
Nếu không có tấm lòng mà chỉ lo “sơn phết” bên ngoài, chúng ta thật đáng bị xem thường. Chính Lời Thiên Chúa không những ủng hộ mà còn hướng dẫn cho sự bị xem thường ấy: “Nếu nó tự hạ và đi đứng khúm núm, thì con phải cảnh giác và coi chừng; hãy đối xử với nó như người lau gương, và biết rằng rốt cuộc nó sẽ bị lật tẩy” (Hc 12, 11).
Những bậc lãnh đạo trong Hội Thánh, phải biết cảnh giác, biết ngăn ngừa để bản thân khỏi bị lây nhiễm, khỏi bị ảnh hưởng thái độ “kinh sư” mà Chúa từng chỉ trích.
Hãy sống thực tâm, đừng giả hình. Hãy nghe thánh Gioan dạy: “Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng” (2Ga, 1, 8), mà sống thật tốt, và phấn đấu từng ngày nhằm bảo vệ bằng được những điều thiện được Chúa ghi nhận và những phúc lành Chúa ban.
Những bậc lãnh đạo trong Hội Thánh hãy rao giảng Lời Chúa sau khi chính mình đã cố gắng sống Lời Chúa. Họ hãy là người nêu gương tuân giữ lề luật trước khi đòi người khác phải tuân giữ. Họ hãy cúi xuống để thông chia phận người, chứ đừng khoa trương trên môi miệng. Họ hãy là người của muôn người, người giữa muôn người bằng cõi lòng thật tâm muốn đến và muốn sống giữa muôn người. Họ hãy “coi chừng thế gian” (1Ga 2, 1) len lỏi vào cung cách sống, cung cách lãnh đạo của họ.
Trong thực tế đời sống, vẫn có những người, bên ngoài xem ra gồ ghề, xù xì, nhưng lòng họ lại chất chứa sự thiện, chất chứa những nét đáng yêu, chất chứa tình yêu Thiên Chúa.
Thà chúng ta là người gồ ghề, xù xì bên ngoài, nhưng lòng chúng ta, tâm chúng ta là lòng và tâm đầy Chúa, đầy tình yêu của Chúa, hơn là bề ngoài có vẻ trơn láng, sạch sẽ, mà lòng và tâm đầy nhơ nhớp, bẩn thỉu.
Hàng giả, hàng gian, hàng nhái…, không những độc hại, nguy hiểm, mà còn nhẫn tâm, tàn ác, đem cái chết đến cho người nào mua nhầm nó, ăn nhầm nó.
Cũng vậy, “kinh sư”, dù thời xưa hay thời nay mà giả hiệu, thì cũng chỉ là cặn bã độc hại cho những ai mà họ được quyền lãnh đạo.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG