Tới ngày 17/11/2015) thì cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) đã xác nhận vụ rơi máy bay A321 của hãng hàng không Kogalymavia tại Ai Cập hôm 31/10 là do bị đánh bom khiến 224 người thiệt mạng. Trong khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo hôm 18/11/2015 lại tung ra những hình ảnh mà chúng khẳng định là quả bom tự tạo (giống một lon nước ngọt) được cài dưới ghế hành khách đã làm nổ tung chiếc máy bay A321 của Nga trên bán đảo Sinai. Thế giới chưa hết bàng hoàng vì hành động khủng bố man rợ nhằm vào thường dân của Nhà nước Hồi giáo, thì cách đây vừa đúng một tuần, dư luận thế giới lại càng phẫn nộ trước những đòn tấn công man rợ của IS tại Paris, Pháp.
Đài Vatican loan tin: Chiều tối 13/11/2015 vừa qua đã có một loạt các vụ khủng bố xảy ra tại Paris do Nhà nước Hồi giáo ISIS chủ mưu, khiến cho 129 người chết và 352 người bị thương, trong đó có hơn 80 người bị thương rất nặng. Đã có ba vụ nổ bom xẩy ra bên ngoài sân vận động Pháp trong trận đấu túc cầu giữa Đức và Pháp, một vụ bắt giữ con tin và tàn sát khán thính giả trong nhà hoà nhạc Pataclan, và các vụ nổ súng vào khách của hai quán giải khát. Có thể coi đây là một cú sốc lớn với người dân Pháp và toàn thế giới. Từ Liên Hiệp Quốc tới các liên minh, các quốc gia đều bày tỏ sự phẫn nộ cực điêm và liên tiếp gửi lời chia buồn với tổng thống và toàn dân Pháp. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15/11, ĐTC Phan-xi-cô đã chia buồn với tổng thống và toàn dân Pháp và mạnh mẽ lên án các bạo lực vô nghĩa này. Ngài phát biểu:
“Tôi muốn bầy tỏ nỗi đớn đau sâu thẳm của tôi đối với các vụ tấn công khủng bố chiều tối ngày thứ sáu đã khiến nước Pháp đổ máu, gây ra nhiều nạn nhân. Tôi xin bầy tỏ sự chia buồn sâu xa với tổng thống và mọi công dân của Cộng Hòa Pháp. Tôi đặc biệt gần gũi gia đình những người đã mất mạng sống và những người bị thương. Biết bao nhiêu dã man khiến cho chúng ta kinh hoàng, và người ta tự hỏi làm sao trái tim con người lại có thể nghĩ ra và thực hiện các biến cố kinh khủng như thế, không chỉ đảo lộn nước Pháp mà còn đảo lộn toàn thế giới nữa. Trước các hành động bất khoan nhượng như vậy, không thể không lên án việc xúc phạm tới phẩm giá con người một cách xấu hổ như thế. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng con đường của bạo lực và thù hận không giải quyết được các vấn đề của nhân loại, và việc sử dụng tên của Thiên Chúa để biện minh cho con đường này là một sự phạm thượng.”
Lúc 18 giờ rưỡi chiều Chúa nhật 15/11 ĐHY André Vingt Trois, TGM Paris, đã chủ sự thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, và chuông các nhà thờ toàn quốc cũng đã gióng lên để tưởng niệm những người đã chết. Trả lời cuộc phỏng vấn sau thánh lễ, ĐHY đáp: “Trong lúc này, vì là tổ chức mạnh nhất, nên Nhà nước Hồi giáo IS đội mũ (tự nhận trách nhiệm) cho tất cả những gì xảy ra. Chúng ta không biết đó có phải là Nhà nước Hồi giáo IS, hay các phần tử của tổ chức Al Qaeda điên khùng, hay các thành phần Al Qaeda liên minh với Nhà nước Hồi giáo IS, hoặc với tổ chức Al Nusra hay một tổ chức khủng bố nào khác nữa. Thế rồi, trong việc thú nhận này, Nhà nước Hồi giáo IS nói “bây giờ tới phiên Roma, Washington…” họ nói điều này từ nhiều tháng nay rồi, và viết cả trên nguyệt san “Dabiq” nữa. Nó là phần của cái luận lý nhằm tạo ra sự sợ hãi, và khi tạo ra sợ hãi, nó tạo ra các phản ứng và cầu mong rằng các phản ứng ấy đi theo hướng của một sự chống đối giữa Tây Phương và Hồi giáo, là chính điều mà họ muốn nhằm chứng minh cho dân chúng Hồi thấy rằng họ có lý, với các thuyết của họ, nhằm tạo ra một sự chống đối giữa hai bên.” (xc “Khủng bố bạo lực tại Paris”, Tg Linh Tiến Khải – nguồn: Radio Vatican.net).
Nói đến khủng bố dã man, không thể quên tổ chức Hồi giáo Al-Qaeda. Đó là một tổ chức vũ trang bắt nguồn từ những người Hồi Giáo Sunni do Osama Bin Laden thành lập. Đầu tiên tổ chức này chống Liên Xô trong vụ Liên Xô chiếm Afghanistan. Tới khi Mỹ chiếm đóng Afghanistan, thì mũi dùi khủng bố lại chĩa sang Hoa Kỳ. Vào năm 1993, Ramzi Yousef của Al Qaeda đã sử dụng 1 quả bom xe tải để tấn công trung tâm thương mại thế giới ở Thành phố New York. Vụ tấn công này đã sát hại 6 người, làm bị thương 1.042 người khác và tổn thất về tài sản lên tới gần 300 triệu đô la Mỹ. Vụ đánh bom 1998 tại Đai Sứ quán Mỹ ở Đông Phi, kết quả là hơn 300 người dân thiệt mạng, phần lớn là dân địa phương. Tới ngày 11/9/2001 đã diễn ra vụ tấn công khủng bố tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm thiệt mạng khoảng 3000 người (2 máy bay thương mại đã bị không tặc chỉnh hướng đâm vào tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan – New York, chiếc thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc và chiếc thứ tư được dự tính lao vào tòa nhà Quốc hội Mỹ nhưng sau đó lại bị rơi tại cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania).
Đó là những vụ khủng bố nổi cộm, còn những vụ khủng bố được gọi là “đánh bom tự sát” thì rất nhiều và xảy ra khắp nơi. Sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, thì lại nổi lên một tổ chức khác là Nhà nước Hồi giáo IS. Đó là “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant” (viết tắt theo tiếng Anh: ISIL – Islamic State of Iraq and the Levant) còn được biết đến với tên gọi “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria” (viết tắt theo tiếng Anh: ISIS – Islamic State of Iraq and Syria; hoặc vắn tắt hơn: IS – Islamic State); hay “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”. Tổ chức này do một nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Abu Bakr Al-Baghdadi, kẻ tự xưng là thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo (IS) được coi là nguy hiểm hơn kẻ đứng đầu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda gấp nhiều lần. Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria, với dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai bao trùm cả khu vực Levant – tức cả Liban, Israel, Jordan, Síp và miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức khủng bố này được thành lập vào những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq, tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL). Vào ngày 29/6/2014, nhóm khủng bố đã tuyên bố thành lập một Khalifah (nhà nước Hồi giáo) trên lãnh thổ chiếm đóng của mình. Tên ISIL do nhóm chiến binh này đặt ra, nhưng danh xưng này bị chỉ trích mạnh mẽ, bị Liên Hiệp Quốc, nhiều chính phủ các quốc gia và các nhóm Hồi giáo chính thống từ chối sử dụng. Tổ chức này cam kết trung thành với Al-Qaeda, nên có thể coi là hậu duệ của Osama Bin Laden. Nếu chỉ là những tổ chức chính trị với âm mưu chiến tranh thì không nói làm gì, vì thế giới này đã quá quen thuộc; nhưng Al-Qaeda và IS lại khủng bố dưới danh hiệu tôn giáo (nhà nước Hồi giáo), thậm chí còn đưa ra mồi nhử “đánh bom tự sát sẽ được nên thánh Tử vì Đạo” để dụ dỗ những thanh thiếu niên nhẹ dạ cả tin, thì quả thực vấn đề trở nên trầm trọng khó bề giải gỡ!
ĐGH Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng con đường của bạo lực và thù hận không giải quyết được các vấn đề của nhân loại, và việc sử dụng tên của Thiên Chúa để biện minh cho con đường này là một sự phạm thượng.” (ibid). Rõ ràng những tổ chức khủng bố đã dựa vào tin lý của Hồi giáo: “Thiên Chúa Allah trong kinh Koran là một vị thần của sự kinh hoàng (God of Terror) vì Allah công khai ra lệnh cho các tín đồ Hồi giáo phải giết hại những người ngoại đạo: Ta sẽ gieo kinh hoàng nơi trái tim của những kẻ ngoại đạo. Các con hãy chặt đầu chúng và hãy cắt rời tất cả các đầu ngón tay của chúng.” (I will cast terrors into the hearts of those who disbelieve. Therefore, trike of their heads and strike off every fingertips of them – Koran 8:12). Điều nguy hiểm đáng chú ý là kinh Koran xúi giục các tín đồ Hồi Giáo giết người ngoại đạo (kẻ thù của Thiên Chúa) mà không phải chịu trách nhiệm về hành vi sát nhân này vì đó là việc Thiên Chúa làm. Kinh Koran xác nhận: “Không phải các con đã giết chúng mà Thiên Chúa mới là đấng đã giết chúng và không phải các con đã đập tan kẻ thù mà Thiên Chúa mới là đấng đã dẹp tan chúng.” (You did not slay them but it was God who slew them. You did not smite when you smote the enemy but it was God who smote – Koran 8:17).” (xc “Chủ nghĩa khủng bố có liên hệ mật thiết với giáo lý đạo Hồi” – nguồn: sachhiem.net/CHARLIE NGUYỄN).
Tuy giáo lý đạo Hồi coi việc giết hại người ngoại đạo là một hành động chính nghĩa do Thiên Chúa chủ xướng, nhưng lại không công nhận việc tự sát (tự giết mình – tự tử) và coi đó là một trọng tội. Chẳng hiểu vì sao các phong trào khủng bố lại coi đó là việc chết vì đạo (tử vì đạo)? “Tử vì Đạo” theo nguyên ngữ là “Martyr” có nghĩa là “làm chứng”, có lẽ vì thế nên họ coi việc tự sát của họ cộng với những nạn nhân bị họ sát hại cũng là một bằng chứng hùng hồn cho việc thực thi tín lý của Hồi giáo. Đúng ra, chết vì đạo phải là những tín hữu bị những kẻ bách hại đạo sát hại, chớ không thể là tự sát rồi còn sát hại thêm những người vô tội, vô can. Hành động đó là vô nhân tính, dã man, tàn bạo khủng khiếp! Quả thật “Biết bao nhiêu dã man khiến cho chúng ta kinh hoàng, và người ta tự hỏi làm sao trái tim con người lại có thể nghĩ ra và thực hiện các biến cố kinh khủng như thế, không chỉ đảo lộn nước Pháp mà còn đảo lộn toàn thế giới nữa. Trước các hành động bất khoan nhượng như vậy, không thể không lên án việc xúc phạm tới phẩm giá con người một cách xấu hổ như thế.” (ĐGH Phan-xi-cô trong bài giảng nêu trên).
Viết về phong trào khủng bố, đầu óc muốn nổ tung, đành xin ngừng lại. Tháng 11 là tháng Giáo hội kêu mời tín hữu cầu cho các linh hồn, xin cùng dâng lời cầu nguyện: cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời cũng cầu nguyện cho kẻ khủng bố “để xin Chúa cải hóa con tim của họ”, như Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã thực hiện và kêu gọi mọi người hiệp ý trong vụ khủng bố tại Paris ngày 13/01/2015 (“Trong Thánh Lễ tại nhà nguyện thánh Martha (ngày 14/01/2015), ĐGH Phan-xi-cô kêu gọi những người tham dự Thánh Lễ hãy cùng ngài cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris vào ngày hôm trước (13/01) làm cho 17 người chết. Những tên khủng bố đã tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, nơi xuất bản hàng tuần tờ báo vẽ tranh hí họa đã từng chế diễu tiên tri Mohamed của Hồi giáo. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện cho những tên khủng bố để xin Chúa cải hóa con tim của họ. Ngài nói qua vụ khủng bố này chúng ta thấy con người có thể hung ác như thế nào. Trong bài giảng, ngài cũng nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Ngài nói chúng ta không thể biết và yêu Chúa nếu chúng ta không yêu thương đồng loại. Chúa Cha luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, không phải một lần mà luôn luôn.” – Radio Vatican.net).
Cuối tháng 11 năm nay (2015), toàn thể Giáo hội chuẩn bị bước vào năm Phụng vụ 2015-2016: NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT. Trước những thảm cảnh khủng bố trên toàn thế giới, người Ki-tô hữu hãy dán mắt vào Lòng Thương Xót để cảm nghiệm được Cửa Lòng Thương Xót luôn rộng mở cho tất cả mọi người (“Dưới chân thánh giá, Mẹ Maria, cùng với Gio-an, môn đệ được Chúa yêu, chứng kiến những lời tha thứ thốt lên bởi Chúa Giê-su. Thể hiện tuyệt đỉnh này của lòng thương xót đối với những ai đã đóng đinh Ngài cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa có thể đi xa đến mức nào. Mẹ Maria minh chứng rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không biết đến một giới hạn nào và mở rộng cho tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào.” – Tông huấn Khuôn Mặt Xót Thương “Misericordiae Vultus”, số 24). Từ đó mở trái tim ra chia sẻ Lòng Thương Xót ấy cho anh em bằng lời cầu nguyện cho những nạn nhân bị thảm sát, an ủi gia đình họ, đặc biệt là cầu nguyện cho những kẻ khủng bố “để xin Chúa cải hóa con tim của họ” biết nhận ra những sai lầm khủng khiếp, ngõ hầu trở về với nẻo chính đường ngay trong chân lý Tình Yêu: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, và yêu mến người thân cận như chính mình.” (Lc 10, 27). Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con luôn trông vậy vững vàng: chính Ðức Giê-su sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời”).
JM. Lam Thy ĐVD.