ENTEBE. Lúc 5 giờ 15 chiều 27-11-2015, ĐTC Phanxicô đã từ Kenya đến Uganda, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm của ngài tại 3 nước Phi châu.
Entebe quốc tế trong tiếng Luganda ở địa phương có nghĩa là ”trụ sở” vì đây là trung tâm hành chánh của vị thủ lãnh truyền thống. Hiện nay Entebe có 115 ngàn dân cư tọa lạc bên bờ hồ Victoria và là thủ đô của Uganda cho đến năm 1962, nhường chỗ cho thành phố Kampala khi Uganda được độc lập khỏi người Anh. Dầu vậy Entebe vẫn tiếp tục là nơi có trụ sở của một số bộ và tòa nhà chính phủ.
Thủ đô Kampala của Uganda hiện có hơn 1 triệu 350 ngàn dân cư và tổng giáo phận tại đây có 1 triệu 700 ngàn tín hữu Công giáo, tương đương với 42% dân cư ở địa phương.
Sau 1 giờ 20 phút bay, vượt qua 500 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Entebe. Từ trên máy bay bước xuống, ngài đã được tổng thống Yoweri Museveni và Phu nhân cùng với một số quan chức chính quyền và các Giám mục và một nhóm tín hữu tiếp đón bài ca và vũ điệu cổ truyền. 2 em bé đã tặng hoa cho ngài.
21 phát đại bác nổ vang sau khi quốc thiều Vatican và Uganda được trổi lên.
Gặp chính quyền và ngoại giao đoàn
Sau nghi thức đón tiếp đơn sơ, ĐTC đã về tòa nhà chính phủ cách đó 7 cây số về chào thăm tổng thống và gặp gỡ chính quyền cùng với ngoại giao đoàn. Tổng thống Museveni năm nay 71 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, và đã 4 lần được tái cử, mỗi nhiệm kỳ 5 năm.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Museveni, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại Uganda có mục đích trước tiên là để kỷ niệm 50 năm phong thánh cho các vị tử đạo Uganda do vị tiền nhiệm Đức Phaolô 6, cử hành. Nhưng tôi hy vọng sự hiện diện của tôi ở đây cũng là dấu chỉ tình thân hữu, lòng quí chuộng và khích lệ cho mọi người dân đại quốc này.
Các vị tử đạo, Công Giáo cũng như Anh giáo, là những vị anh hùng đích thực của quốc gia. Các vị làm chứng về những nguyên tắc chỉ đạo được diễn tả trong khẩu hiệu của Uganda là ”Vì Thiên Chúa và vì đất nước tôi”. Các vị nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của đức tin, sự liêm chính và sự dấn thân cho công ích. Đó là những điều đã và đang tượng trưng trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước này. Ngoài ra các vị tử đạo cũng nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù có những tín ngưỡng và xác tín khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đeu được kêu gọi tìm kiếm sự thật, làm việc cho công lý và sự hòa giải, tôn trọng và bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau như những thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất.
Những lý tưởng cao cả này là những điều đặc biệt được yêu cầu nơi những người nam nữ như quí vị là những người có nghĩa vụ đảm bảo sự cai trị tốt với những tiêu chuẩn minh bạch, đảm bảo sự phát triển nhân bản toàn diện, sự tham gia rộng rãi của dân chúng vào đời sống quốc gia, cũng như sự phân phối khôn ngoan và công bằng các tài nguyên mà Thiên Chúa rộng ban cho đất nước này”.
ĐTC cũng ca ngợi sự dấn thân của Uganda trong việc đón tiếp người tị nạn ở miền Đông Phi châu, giúp họ tái lập cuộc sống trong an ninh, giúp họ nhận thấy phẩm giá đến từ sự mưu sinh bằng công việc lương thiện. Thế giới chúng ta với những chiến tranh, bạo lực, và những hình thức bất công khác, đang chứng kiến làn sóng di cư chưa từng có của các dân tộc. Cách thức chúng ta đối phó với hiện tượng này bằng chứng cho thấy tình nhân đạo của chúng ta, sự tôn trọng của chúng ta đối với phẩm giá con người, và tình liên đới đối với các anh chị em đang ở trong tình cảnh cần được giúp đỡ.
Sau cùng, ĐTC nói rằng tuy cuộc viếng thăm của tôi ngắn ngủi, nhưng tôi hy vọng có thể khích lệ bao nhiêu nỗ lực âm thầm đang được thực hiện để giúp đỡ những ngừơi nghèo, các bệnh nhân và những người ở trong tình cảnh khó khăn. Qua những dấu hiệu bé nhỏ đó, chúng ta có thể thấy tâm hồn đích thực của một dân tộc..
Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền Uganda, ĐTC đã tới Munyonyo cách đó gần 40 cây số để gặp gỡ các giáo lý viên và giáo chức.
G. Trần Đức Anh OP