Nói về cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô – hiện thân của Lòng Thương Xót – Thông điệp Hội Thánh Từ Thánh Thể “Ecclesia De Eucharistia” (số 14) giải thích: “Cuộc Vượt qua của Đức Ki-tô không chỉ gồm có sự khổ nạn và tử nạn của Người, nhưng cũng còn có sự sống lại của Người. Điều này được nhắc lại qua lời tung hô của cộng đoàn sau khi truyền phép: “Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống lại, trong vinh quang mai Ngài lại đến…”. Thánh Thể không chỉ tái hiện mầu nhiệm khổ nạn và tử nạn của Đấng Cứu độ, nhưng còn tái hiện mầu nhiệm sống lại, nhằm hoàn thành hy tế của Người.” Chính vì thế cho nên “Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh: bằng việc đọc “những lời chỉ về Người trong bộ Thánh Kinh” (Lc 24, 27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người.” (Hiến chế về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”, số 6).
Bài Tin Mừng hôm nay (CN.V/PS – Ga 13, 31-33a.34-35) là một minh họa: Đức Giê-su nói lời cáo biệt với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Những lần trước, khi tiên báo về cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô nhấn mạnh đến việc các thượng tế và kinh sư It-ra-en “nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” xử tử Người, còn việc phục sinh, Người chỉ nói lướt qua (“Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” (Mt 20, 18-19). Nhưng lần này Đức Ki-tô lại nhấn mạnh đến mầu nhiệm Phục Sinh nhiều hơn (“Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” (Ga 13, 31-33).
Điều đó cho thấy mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh luôn gắn kết với nhau và là điều kiện của nhau: Không có Tử nạn thì tất nhiên không có Phục sinh. Còn nếu có Tử nạn nhưng không có Phục sinh thì vấn đề Tử nạn chẳng có giá trị gì. Mầu nhiệm Cứu độ nhân loại được thực hiện do Lòng Thương Xót, mà Đức Giê-su là hiện thân Lòng Thương Xót, tất nhiên Người phải chịu khổ hình Thập giá vì tội lỗi loài người và đến ngày thứ ba Người từ cõi chết sống lại hiển vinh. Cho nên không lạ khi bắt đầu bước vào cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô lại nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh”. Có thể coi chữ “Giờ đây” trong bài Tin Mừng diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại, nghĩa là sự tôn vinh của Đức Giê-su chưa hoàn tất, mà lại được coi như đã xảy ra; xem như sự khổ nạn, sự chết và sống lại của Người đã được hoàn thành. Và có lẽ cũng vì thế nên Giáo Hội mới xếp bài Tin Mừng đó vào Chúa nhật V Phục Sinh.nhằm “hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người” (Hc “Sacrosanctum Concilium”, số 6).
Trở lại với bài Tin Mừng, thánh sử Gio-an trình thuật: Khi Giu-đa It-ca-ri-ốt đi khỏi, một bầu khí ấm cúng, thân mật và thật cảm động bao bọc Chúa Giê-su và các Tông đồ. Bầu khí ly biệt thật là thích hợp để Đức Giê-su tâm sự với các Tông đồ về một điều vô cùng quan trọng và cần thiết, đó là Tình yêu (“Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” – Ga 13, 31-35). Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai điểm chính: Đức Ki-tô tôn vinh Tình Yêu và Người truyền cho các môn đệ thể hiện Tình Yêu đó bằng cách sống với nhau trong Đức Ái chan hòa.
1- Tôn vinh Tình Yêu:
Đức Giê-su nhìn giây phút “giờ đây” Người sắp hiến mạng sống mình vì bạn hữu là thời điểm Người được tôn vinh. Cả cuộc đời trần thế 33 năm của Đức Giê-su đã chứng tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ đến chừng nào (“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” – Ga 3, 16-17). Cái chết và phục sinh của Đức Giê-su là dấu chỉ chiến thắng vinh quang của Tình Yêu Thiên Chúa và cũng là thời điểm Tình Yêu Nhập Thể được tôn vinh. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vâng lệnh Chúa Cha xuống thế mặc xác phàm, hiến mạng sống cho người mình yêu là nhân loại, nên có thể nói Đức Ki-tô là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 12). Vì thế, khi Đức Vua Tình Yêu Giê-su được tôn vinh, thì Thiên Chúa là chính Tình Yêu nên cũng phải được tôn vinh. Đó là nguyên lý tất yếu.
2- Thể hiện Tình Yêu:
Lệnh truyền của Đức Giê-su là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói đến “yêu thương” là nói đến nguyên nhân và kết quả của Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Thiên Chúa Tình Yêu là nguyên nhân phát sinh ơn Cứu Độ (Lòng Thương Xót), thì kết quả là loài người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Tình yêu Đức Giê-su Thiên Chúa dạy các môn đệ tất nhiên phải là tình yêu sinh hiệu quả. Hiệu quả cụ thể được nói đến ở đây là: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. Thật thế, khi chúng ta sống yêu thương khiến những người chung quanh nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa, thì đó chính là cách chúng ta làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Một cách cụ thể thì đó là lời tha thiết mời gọi các môn đệ và mọi tín hữu hãy noi gương hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa, thể hiện cách cụ thể Tình Yêu bằng những chứng tá bác ái trong cuộc sống đời thường. Vâng, chính những “Hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 19).
Như vậy là đã rõ tại sao trong lịch Phụng Vụ, Giáo Hội lại xếp vào Chúa nhật V Phục Sinh bài Tin Mửng nói về những lời cáo biệt của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô chính là đỉnh điểm Tình Yêu Thiên Chúa. Nói cách khác thì đó chính là công cuộc hiện thực hoá Lời Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” (Lc 10, 27).
Bài học về tình yêu hôm nay Đức Giê-su giúp các tín hữu khám phá tình yêu qua những khía cạnh thật mới mẻ, sống động và cụ thể. Vâng, “Đức Giê-su Ki-tô, là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa, vì yêu thương chúng ta, đã chết trên thập tự giá, và vì tình yêu Người đã sống lại từ cõi chết. Đó là lý do tại sao ngày hôm nay chúng ta công bố: Đức Giê-su là Chúa! Sự Phục sinh của Người ứng nghiệm lời tiên tri của Thánh Vịnh: lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại đến muôn đời; lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chết. Chúng ta có thể cậy trông hoàn toàn nơi Người, và chúng ta cảm ơn Người đã vì chúng ta mà bước xuống tận đáy vực thẳm.” (ĐTC Phan-xi-cô – “Sứ điệp Phục Sinh 2016”)
Rõ ràng Đức Ki-tô dạy chúng ta biết tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa nơi chính Con Người và nơi những “người thân cận” trên khắp thế giới, không phân biệt màu da hay sắc tộc. Sống yêu thương là cách tốt nhất để ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa. Và đã gọi là sống yêu thương, tức là phải thể hiện ra bằng cả tâm hồn và hành động, vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Quả thật, Tình yêu chỉ thực sự được tôn vinh khi người Ki-tô hữu sống trọn hảo điều răn trọng nhất: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI.
Tóm lại, “Đối với những người trong xã hội của chúng ta là những người đã mất hết niềm hy vọng và niềm vui trong cuộc sống, đối với người già đang vật lộn một mình và cảm thấy sức mạnh của họ đang yếu dần, đối với người trẻ dường như không có tương lại, đối với tất cả mọi người, một lần nữa, tôi nói những lời của Đấng Phục Sinh: “Này đây Ta đổi mới mọi sự… Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh” (Kh 21:5-6). Xin cho thông điệp ủi an này của Chúa Giêsu giúp mỗi người chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình mới với sự can đảm lớn lao hơn để thực hiện một cuộc hành trình của sự hoà giải với Thiên Chúa và với tất cả anh chị em của chúng ta.” (“Sứ điệp Phục Sinh 2016”). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD