Bông Hoa Dâng Mẹ

I. ĐỨC MẸ LÀ BÔNG HOA

Trong tháng Hoa ta muốn dâng kính Đức Mẹ nhiều bông hoa nhưng thiết tưởng không có hoa nào sánh được với Đức Mẹ. Đức Mẹ chính là bông hoa hường mầu nhiệm. Bông hoa đẹp trổi vượt các loài hoa. Vẻ đẹp của Đức Mẹ khiến Đức Mẹ trở thành Mater amabilis. Đức Mẹ dễ thương dễ mến, dễ thương dễ mến trước mặt Thiên Chúa và Mẹ dễ thương dễ mến cả đối với con người. Dễ thương dễ mến là một nhân đức. Nhân đức bao gồm nhiều vẻ đẹp. Ở nơi Đức Mẹ ta thấy có ít nhất 4 vẻ đẹp này:

1.Vẻ đẹp trinh trắng.

Vẻ đẹp trinh trắng không chỉ nói về sắc dục. Như Đức Mẹ khẳng định với sứ thần: “Tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Nhưng còn về tất cả đời sống. Tất cả vẻ đẹp của Đức Mẹ được gói gọn trong lời chào của Tổng lãnh Thiên thần Ga-bri-en: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).
Đầy ân sủng có nghĩa là không vướng chút bợn nhơ nào. Tâm hồn con người ví như chiếc bình chứa đựng ân sủng. Tội lỗi là những vật dơ bẩn, chướng ngại. Có tội lỗi cản trở, tâm hồn không thể có ân sủng. Tội nhẹ thì cũng không thể đầy ân sủng. Một tâm hồn đầy ân sủng có nghĩa là tâm hồn hoàn toàn trong sạch. Không có chút tội lỗi nhỏ nhặt nào.Ân sủng của Thiên Chúa đổ đầy vào tâm hồn Đức Mẹ. Tâm hồn Đức Mẹ lãnh nhận được đầy tràn ân sủng. Không mất mát hư hao chút nào. Nếu sự thánh thiện của Chúa được diễn ta qua phẩm phục trắng tinh: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3), thì tâm hồn Đức Mẹ cũng giống như một tấm vải trắng không tì vết. Một chiếc bình rỗng không. Có thể chứa được đầy tràn ân sủng.
Hơn nữa Đức Mẹ còn có Chúa ở cùng. Không chỉ có ân sủng của Thiên Chúa, Đức Mẹ có chính Chúa là nguồn mạch mọi ân sủng, là trọn vẹn mọi ân sủng, là ân sủng trổi vượt – ân sủng tràn đầy – ân sủng phong phú. Không chỉ là nguồn suối ân sủng nhưng là cả một dòng sông ân sủng, là cả đại dương ân sủng và cả kho tàng ân sủng chứa trong tâm hồn Đức Mẹ.
Một điều khiến tâm hồn Đức Mẹ trổi vượt mọi tâm hồn thánh thiện nhất. Đó là Đức Mẹ không chỉ có Đức Chúa ở cùng theo bí tích hay theo nhiệm hiệp. Đức Mẹ có Đức Chúa cụ thể, sống động, bằng xương bằng thịt. Đó là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa làm người. Đức Mẹ không chỉ là Đền Vàng cho Thiên Chúa ngự trị, không chỉ là lâu đài Đa-vít cho vị vua kế vị cai trị. Còn hơn thế Đức Mẹ nên một với Đức Chúa. Thiên Chúa tượng thai trong cung lòng Đức Mẹ. Máu thịt của Đức Mẹ trở thành máu thịt của Thiên Chúa nhập thể. Còn gì cao quí hơn. Đó là Mình Máu Chúa. Chứa đựng Thiên Chúa đã là cao quí lắm rồi nhưng còn hơn thế, Đức Mẹ trở thành chính Máu Thịt của Chúa. Phải là Máu Thịt vô cùng tinh tuyền trong sạch mới xứng đáng trở thành Máu Thịt của Con Thiên Chúa Chí Thánh.
Mô-sê chỉ được diện kiến dung nhan Thiên Chúa thôi mà diện mạo của ông đã sáng láng rồi. Đức Mẹ được mang chính Thiên Chúa trong mình. Máu thịt của Chúa hoà lẫn với máu thịt của Đức Mẹ. Chắc chắn Đức Mẹ có một vẻ đẹp không bút nào tả nổi. Vẻ đẹp trinh trắng nguyên khôi. Vẻ đẹp rạng ngời thánh đức. Vẻ đẹp chiếu toả dung nhan Thiên Chúa. Nhưng thật lạ lùng, vẻ đẹp vô song ấy lại ẩn giấu trong vẻ đẹp khiêm nhường sâu xa.

2.Vẻ đẹp khiêm nhường

Đức Mẹ là một tấm gương khiêm nhường tuyệt đỉnh.
Khiêm nhường khi xưng mình là nữ tỳ của Chúa. Tổng lãnh Thiên thần báo tin lớn lao nói lên vai trò cao trọng của Đức Mẹ: “Thưa Bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh j một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33).
Theo lời sứ thần Đức Mẹ sẽ sinh ra vị quân vương thuộc dòng tộc Đa-vít. Như thế Đức Mẹ sẽ trở thành hoàng thái hậu. Thân Mẫu của vị quân vương được muôn dân trông đợi từ bao đời. Cao quí biết bao! Đáp lại những lời long trọng loan báo một địa vị cao quý, Đức Mẹ khiêm nhường thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Nữ tỳ là thân phận thấp hèn nhất thời ấy, là tầng lớp rốt cùng trong xã hội, thậm chí không được coi là người mà chỉ ngang hàng với súc vật do Chủ toàn quyền sử dụng thậm chí có thể giết chết mà không có tội gì. Nô lệ được buôn bán như một món hàng. Khi xưng mình là nữ tỳ, Đức Mẹ không nói một lời hoa mỹ nhưng là một sự thực: Đức Mẹ hoàn toàn từ bỏ bản thân, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng đời mình.
Không chỉ xưng mình là nữ tỳ trước mặt vị Tổng lãnh Thiên thần, Đức Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ trước mặt bà chị họ. Chính Bà Ê-li-sa-bét khi chứng kiến những sự lạ lùng diễn ra trong bản thân: đứa con trong bụng nhảy mừng khi nghe lời Đức Mẹ chào, đã xưng tụng Đức Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1,42-43). Lập tức Đức Mẹ trả lời bằng cất lên bài Magnificat tuyệt diệu ca tụng Thiên Chúa. Thiên Chúa đầy quyền năng làm nên những việc lạ lùng còn Đức Mẹ chỉ là người tôi tớ thấp hèn nhưng được Chúa đoái thương:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
thần trí tôi hớn hở vui mừng,
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới.
Từ nay hết mọi đời,
sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,46-48).

Hiển nhiên Đức Mẹ coi đó là một sự thực. Nhận thức thân phận của mình là hư vô trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Chúa. Tất cả đều do tình thương của Chúa.
Không chỉ xưng mình là nữ tỳ, Đức Mẹ cư xử như một nữ tỳ thực sự. Không chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Mẹ còn trở nên nữ tỳ của loài người. Đức Mẹ ở lại với bà Ê-li-sa-bét cho đến khi bà sinh con. Trong căn nhà neo đơn, bà Ê-li-sa-bét thai nghén, Đức Mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà: Chợ búa, nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, may vá… như một người tôi tớ.
Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường, không chỉ hạ mình mà còn hạ mình thẳm sâu, đến tận cùng. Không chỉ phụng sự Thiên Chúa mà còn phục vụ cả con người. Không lạ gì Đức Mẹ được Thiên Chúa sủng ái đặc biệt. Đó chính là điều Đức Mẹ cảm nghiệm:

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
người giầu có , lại đuổi về tay trắng” (Lc 1 51-53)

Khi hiện diện tại tiệc cưới Ca-na, Đức Mẹ thật khiêm nhường. Có lẽ Đức Mẹ giúp phục vụ dưới bếp nên biết rõ tình hình thiếu rượu và khi giúp đỡ Đức Mẹ cũng thật kín đáo. Đức Mẹ khẩn cầu Chúa một cách kín đáo rồi nhắc nhở đám gia nhân. Nên nhớ chỉ với gia nhân chứ không phải với ông quản tiệc hay với cô dâu, chú rể. Và cũng rất kín đáo, chỉ tập trung vào Chúa Giê-su: “Người bảo gì các anh hãy làm theo” (Ga 2,5). Đó là sự khiêm nhường nhưng thể hiện sự quan tâm giúp đỡ.

3. Vẻ đẹp quan tâm giúp đỡ

Người đầy Thiên Chúa cũng có tấm lòng của Thiên Chúa, luôn quan tâm đến người khác, luôn muốn cho đi, luôn muốn quên mình. Đức Mẹ là như thế.
Khi vừa thụ thai Chúa Giê-su, nếu Đức Mẹ lo lắng chuẩn bị cho mình cũng là hợp lý. Vì Chúa Giê-su cũng cần chuẩn bị và Đức Mẹ cũng neo đơn. Nhưng được tin bà chị họ Ê-li-sa-bét đang có thai, lập tức Đức Mẹ lên đường. Không phải lên đường bình thường nhưng là “vội vã lên đường”. “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét” (Lc 1, 39-40). Trong mầu nhiệm cứu độ thì Thiên Chúa vội vã đến gặp dân Người và chuẩn bị cho Gio-an Tẩy giả, người dọn đường. Nhưng về phương diện con người, Đức Mẹ quan tâm đến bà chị họ đang mang thai trong tuổi già lại neo đơn. Nếu chỉ vì gặp gỡ và để Chúa Cứu Thế tha tội cho thánh Gio-an, Đức Mẹ có thể trở về ngay nhưng vì quan tâm đến bà chị họ, nên Đức Mẹ ở lại hẳn ba tháng để phục vụ bà. Thật là một trợ giúp khiêm nhường, tế nhị và đúng lúc cần thiết.
Tại tiệc cưới Ca-na Đức Mẹ cũng biểu lộ sự quan tâm như thế. Chúa Giê-su đã nói rõ điều đó: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Quan tâm là coi việc của người khác cũng như việc của mình. Đặc biệt trong tình cảnh khốn khổ. Việc hết rượu chẳng can gì đến Đức Mẹ và Chúa Giê-su nhưng tấm lòng quan tâm và muốn giúp đỡ khiến Đức Mẹ bị liên luỵ. Và Đức Mẹ vào cuộc. Chúa Giê-su vì Đức Mẹ cũng phải thay đổi chương trình, để lòng mình “chạnh lòng thương” những người khốn khổ.
Sau khi Chúa Giê-su về trời Đức Mẹ vẫn quan tâm đến các tông đồ. Một sự quan tâm luôn ân cần, hiệu quả nhưng cũng luôn tế nhị, kín đáo. Chắc chắn trong những ngày tang tóc đầy bối rối Đức Mẹ luôn ở bên các tông đồ. Đức Mẹ đã an ủi vỗ về Phê-rô. Đức Mẹ qui tụ các ông, cầu nguyện cùng các ông, cùng hờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến. “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Bác-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,12-14). Chỉ sau khi Chúa Thánh Thần ngự đến, các tông đồ vững mạnh. Giáo hội thành hình. Đức Mẹ mới thực sự ẩn dật trong cô tịch với Thiên Chúa. Đó chính là vẻ đẹp trung tín.

4. Vẻ đẹp trung tín

Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá là biểu tượng của lòng trung tín.
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đề mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27).
Đã nhận lãnh nhiệm vụ đón nhận Chúa Giê-su, Đức Mẹ trung tín với nhiệm vụ đó, có mặt từ khi Chúa Giê-su tượng thai cho đến khi Chúa Giê-su từ giã trần gian.
Đứng dưới chân thánh giá để tiếp tục cưu mang Chúa Giê-su trong cung lòng trinh trắng. Để tiếp tục bày tỏ tấm lòng khiêm nhường. Quả thật, lúc Chúa vinh quang không thấy Đức Mẹ đâu nhưng trong giờ phút đau khổ tủi nhục nhất, lại thấy Đức Mẹ có mặt: để xác nhận đây là con mình, cùng chịu đau khổ với con, cùng chịu nhục nhã với con, cùng chịu lưỡi đòng đâm thâu trái tim đau đớn vô cùng. Đứng dưới chân thánh giá để tiếp tục quan tâm giúp đỡ. Chẳng giúp được gì ngoài sự hiện diện nhưng là sự trung tín.
Và để một lần nữa Mẹ nói lên lời “Xin Vâng”. Xưa kia xin vâng ý Chúa Cha, nay xin vâng ý Chúa Con để tiếp tục lãnh nhận nhân loại và để tiếp tục yêu thương nhân loại. Trung tín với Chúa, Đức Mẹ cũng trung tín với loài người.
Quả thật từ xưa mỗi khi nhân loại lâm vào cảnh khốn cùng, Đức Mẹ lại hiện ra giúp đỡ, ủi an, vạch đường chỉ lối. Ta hãy xem ba trường hợp tiêu biểu.

Gua-đa-lúp-pê

Sau khi Krit-tốp Cô-lôm khám phá ra châu Mỹ, một làn sóng truyền giáo mạnh mẽ tràn sang miền đất mới. Tại Mê-hi-cô, các cha dòng Phan-xi-cô gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nền văn hoá Mai-a và Az-te-ca. Việc truyền giáo không mấy thành công. Ngày 9-12-1531, Đức Mẹ hiện ra với thổ dân Hoan Đi-e-gô. Sai ông đi trình với Đức Giám mục xây một nhà thờ kính Đức Mẹ trên đồi Te-pei-ac. Thoạt tiên Đức Giám mục không tin. Nhưng đã có những bằng chứng tỏ tường. Chú của Hoan Đi-e-gô được Đức Mẹ chữa lành cách lạ lùng. Và nhất là những bông hồng trái mùa hái được trên đỉnh đồi cao lại in thành hình Đức Mẹ trên chiếc khăn tin-ma của Hoan Đi-e-gô. Đức Giám mục tin tưởng và cấp tốc cho xây nhà thờ kính Đức Mẹ. Từ đó việc truyền giáo phát triển nhanh chóng. Có đến 80% dân số Mê-hi-cô tin Chúa. Và trung tâm Gua-đa-lúp-pê trở thành trung tâm Thánh Mẫu lớn trên thế giới. Đức Mẹ Gua-đa-lúp-pê quả là Đức Mẹ của việc truyền giáo.

La-vang

Vào năm 1798 vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt đạo. Vua quan truy lùng gắt gao những người có đạo để giết đi. Người dân miền Quảng Trị chạy trốn vào rừng. Và Đức Mẹ đã hiện ra tại La-vang để an ủi những người con khốn khổ. Từ đó trải qua hơn ba thế kỷ chịu bắt bớ, tín hữu Việt nam luôn kiên cường tuyên xưng đức tin. Có rất nhiều vị tử đạo. Con số lên đến hằng trăm ngàn. Nhiều vị tử đạo không còn danh tính. Nhất là trong việc Văn Thân vào cướp phá các làng công giáo. Giết chết người công giáo cách vô tội vạ. Tại nhiều nơi như Phú ninh (giáo phận Bùi chu), Cao mại (giáo phận Thái bình), Bảo nham và Tam toà (Giáo phận Vinh), Bà Rịa (giáo phận Bà Rịa), Văn Thân rình lúc người tín hữu đi lễ ngày Chủ nhật đông đảo, đóng cửa nhà thờ và thiêu sống tín hữu trong đó. Miền bắc còn truyền tụng câu vè : Phú ninh quằn quại, Cao mại đau thương. Nhưng nhờ Đức Mẹ La-vang nâng đỡ ủi an, người tín hữu Việt nam kiên cường tuyên xưng đức tin, đã có rất nhiều vị tử đạo, làm cho đức tin vững mạnh và phát triển trên đất nước Việt nam. Đó là kết quả của Lòng Thương Xót của Đức Mẹ.

Fa-ti-ma

Vào năm 1917 khi chiến tranh thế giới thứ nhất đang hoành hành khốc liệt. Biết bao thành phố bị tàn phá. Biết bao người thiệt mạng. Biết bao người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên là Lu-xi-a, Gia-xin-ta và Phan-xi-cô tại Fatima để cảnh báo nhân loại. Vì tội lỗi quá nhiều, nên con người sẽ phải chịu nhiều thảm hoạ. Thảm hoạ ghê gớm nhất là hoả ngục. Rồi đến chiến tranh và bắt bớ. Kể cả Đức Thánh Cha cũng bị ám sát. Đức Mẹ yêu thương muốn cứu thoát con người nên đã chỉ cho con người 3 phương thế là Sám Hối, Lần Hạt và Tôn Sùng Trái Tim Đức Mẹ.
Sứ điệp Fatima thật quan trọng vì ảnh hưởng đến toàn thể thế giới. Vì thực tế trong lịch sử nhân loại, Đức Mẹ đề cập đến nhiều trường hợp cụ thể như nước Nga, như tiên báo Đức Thánh Cha bị ám sát. Những lời tiên báo này đã ứng nghiệm cụ thể. Vì thế ba vị Giáo hoàng sau cùng đều quan tâm kêu gọi mọi người hãy lắng nghe và thực hành lời Đức Mẹ dậy để cứu vãn thế giới.
Quả thật Đức Mẹ có Lòng Thương Xót vô biên. Đức Mẹ luôn đứng dưới chân thánh giá. Giờ đây thế giới đau thương như đang bị đóng đinh, Đức Mẹ vẫn trung tín đứng dưới chân thánh giá: để Thương Xót loài người; để cảm thông chia sẻ và nhất là để tìm phương thế cứu giúp con người.

Tạ ơn Chúa Giê-su đã trối lại cho ta người Mẹ hiền tuyệt vời tràn đầy Lòng Thương Xót. Tạ ơn Mẹ luôn trung tín với Lòng Thương Xót để luôn Thương Xót chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Mẹ nhắn nhủ để chúng con được thừa hưởng Lòng Thương Xót của Chúa mà tránh được các hiểm hoạ hoả ngục, chiến tranh và bắt bớ.

II. HOA LÒNG DÂNG MẸ

Với những hiểu biết hạn hẹp chúng ta cũng đã thấy những nét đẹp tuyệt vời trong cuộc đời Đức Mẹ. Đó chính là những bông hoa hiếm có trong đời sống con người. Vì thế trong tháng Hoa dâng kính Mẹ, không gì bằng ta hãy noi gương Đức Mẹ, cũng trở thành những bông hoa thơm tho xinh tươi theo gương Đức Mẹ. Đó là những bông hoa khiến Đức Mẹ hài lòng nhất.

1. Hoa trinh trắng

Nhìn vào xã hội hôm nay ta càng thấy sự trinh trắng thật quí giá. Thế giới đang tràn đầy ô nhiễm. Tại quê hương ta nạn ô nhiễm đang trở nên trầm trọng. Đặc biệt tháng 4 -2016, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bờ biển miền Trung càng khiến người ta ghê sợ nạn ô nhiễm. Ô nhiễm dẫn đến cái chết tức khắc nhưng cũng tiềm ẩn cái chết dần mòn. Chất độc ngấm vào đất nước, vào cây cỏ. Người tiêu dùng ngấm dần, rồi sinh bệnh tật dẫn đến chết dần. Hiểm độc là nước nhìn vẫn trong xanh nhưng không ngờ có nọc độc ẩn tàng.
Vụ cá chết không chỉ bộc lộ ô nhiễm nguồn nước nhưng còn cho thấy nhiều thứ ô nhiễm khác. Đó là ô nhiễm lương tâm. Ô nhiễm luân lý. Ô nhiễm lý trí. Ô nhiễm chính trị.
Ô nhiễm lương tâm. Những người gây ra vụ ô nhiễm nguồn nước hành động vô lương tâm. Họ vì quyền lợi mà giết hại biển cả. Giết hại cá mú. Giết hại cả những ngư dân chỉ sống nhờ biển nhờ cá.
Ô nhiễm luân lý. Luân lý giúp người ta cư xử theo đạo lý. Con người có những qui tắc phải tuân giữ khi cư xử với bản thân và với tha nhân. Càng ở cấp lãnh đạo cao cấp càng phải có nền luân lý tương xứng. Vụ cá chết là một hành xử thiếu đạo đức nghiêm trọng.
Ô nhiễm lý trí. Người gây ra cái chết của cá thiếu hẳn lý trí, hành động mù quáng theo bản năng. Không còn biết phân biệt phải trái, thiện ác, đúng sai. Không xác định được bậc thang giá trị. Thật sai lầm khi đặt dân tộc dưới chính quyền. Tiền bạc trên đạo đức. Vật chất hơn con người. Lợi nhuận trên sự sống. Phe nhóm hơn toàn thể.
Ô nhiễm chính trị. Chính trị là nghệ thuật phục vụ hạnh phúc của người dân, làm cho đất nước ổn định, phát triển. Những người gây ra vụ cá chết không còn biết thế nào là chính trị vì làm cho đất nước lạc hậu, nghèo túng, thui chột, làm cho dân tình bất an tạo nên bất ổn.
Như nước biển ô nhiểm gây nên cái chết của tôm cá. Các ô nhiễm khác gây nên cái chết của con người, của xã hội. Có cái chết tức khắc. Có cái chết tiềm ẩn. Dần mòn. Bằng bệnh tật. Suy nhược. Mất sự sống dần dần trong cơ thể.
Trong cộng đoàn tu trì cũng có nạn ô nhiễm. Khi nọc độc bị gieo rắc vào đời sống chung. Nọc độc những tin đồn thất thiệt. Nọc độc nạn ngồi lê đôi mách. Nọc độc truyền đi những tư tưởng xấu. Nọc độc tục hoá. Chia rẽ. Bè phái. Đòi hỏi quyền lợi theo tinh thần thế tục.
Trong tình hình ô nhiễm, giữ được tâm hồn trinh trắng là một cuộc chiến đấu khốc liệt. Phải có phân định, có lập trường, có ơn Chúa, có đạo đức ta mới giữ được tâm hồn trinh trắng. Trinh trắng quả là một bông hoa quí hiếm nhưng có được bông hoa trinh trắng dâng lên Đức Mẹ chắc chắn khiến Đức Mẹ hài lòng.

2. Hoa khiêm nhường

Thế gian tràn đầy kiêu ngạo. Đặc biệt trong thời đại đề cao hiệu quả và thành công. Vì kiêu ngạo nên có tranh chấp, đấu đá, âm mưu sát hại. Nhưng kiêu ngạo thường được nguỵ trang và biến tướng. Ta có thể thấy vài nguỵ trang và biến tướng của kiêu ngạo.
Dấu hiệu dễ thấy nhất của kiêu ngạo là khoe khoang. Khoe khoang những điều có thật đã là khó coi rồi huống hồ còn nói phét một tấc lên đến trời. Khoe khoang cũng thường hay nói về bản thân.
Dấu hiệu thứ hai làl ên lớp. Có những người việc gì cũng biết, việc gì cũng xen vào, luôn muốn dạy dỗ người khác. Có thể lầm tưởng là nhiệt tình phục vụ nhưng thực ra đó là dấu hiệu của kiêu ngạo.
Một biến tướng của kiêu ngạo là tự ái. Tự ái cao thì dễ bị chạm tự ái, khó tha thứ, không để ai nói đụng chạm đến mình. Ai đã đụng chạm đến mình thì nhớ mãi với sự hận thù dai dẳng, thậm chí suốt đời.
Giận dữ là một biến tướng của kiêu ngạo. Vì không hài lòng, không được như ý. Vì người ta làm sai ý, khác ý nên nổi giận. Có những cơn giận dữ lồng lộn như thú dữ.
Một đặc tính khác của thời đại góp phần cổ vũ kiêu ngạo. Đó là sự đề cao cá nhân, muốn độc đáo và không đụng hàng. Điều này dễ rơi vào thói tự tôn, khẳng định mình quá đáng.
Trong một thời đại như thế sống khiêm nhường thật khó. Phải phấn đấu lắm mới có thể hạ mình trước mặt người khác. Phải lội ngược dòng thời đại để tìm quên mình, nhận mình bé nhỏ nghèo hèn và vui tươi khi bị thua thiệt; chọn chỗ thấp hèn nhất, chọn công việc tầm thường nhất. Đó chính là bông hoa hiếm hoi. Đó chính là bông hoa quí giá. Đó chính là hương thơm thanh khiết trong cõi đời ô trọc làm giảm nhiệt thế giới kiêu ngạo, làm dịu đi bầu khí đấu tranh. Đó chính là bông hoa đẹp lòng Đức Mẹ.

3. Hoa quan tâm giúp đỡ

Chúng ta đang sống trong thời đại cá nhân chủ nghĩa. Con người qui về bản thân. Cái tôi là quan trọng vì thế thường nghĩ về mình, nghĩ cho mình, khép kín vào bản thân, đòi hỏi người khác phục vụ mình mà ít nghĩ đến người khác. Vì thế nhiều thảm cảnh xảy ra. Trong gia đình vợ chồng lục đục, đồng sàng dị mộng. Chung quanh đan viện chúng ta trong những ngày vừa qua đã có nhiều thảm cảnh gia đình. Vợ làm gì chồng không biết. Vợ giấu kín những hoạt động của mình. Nhưng khi đổ bể thì thật là thảm hoạ. Gia đình tan nát.
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay không hiểu nổi con cái. Con cái sống trong nhà như trong một thế giới lạc loài học hành, giao tiếp, cư xử hoàn toàn khác. Cha mẹ không hiểu được. Tâm tư nguyện vọng, kiến thức Cha mẹ càng không hiểu. Vì thế gây nên khoảng cách giữa các thế hệ.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa ta đã chứng kiến nhiều tệ nạn: Biến của chung thành của riêng, trộm cắp của chung, bòn rút của chung, xà xẻo quỹ chung mượn danh nghĩa chung để thủ lợi riêng…
Tâm thức thời đại len lỏi cả vào các cộng đoàn tu trì. Sống chung nhưng mỗi người vẫn là một thế giới riêng vì thế quan tâm đến nhau thật khó và thông cảm với nhau càng khó hơn. Nhiều tu sĩ cô độc giữa một cộng đoàn đông đúc là điều không hiếm thấy. Mẹ Tê-rê-xa dạy ta bất cứ khi đến đâu, hãy tìm đến những người bé nhỏ, nghèo hèn nhất. Chỉ khi gặp được người bé nhỏ nhất, ta mới gặp được Chúa. Chúa Giê-su ở trong người bé nhỏ nhất. Khi quan tâm phục vụ người bé nhỏ nhất, tôi được gặp Chúa và được phục vụ chính Chúa. Đó chính là bông hoa cao quí nhất, là phần thưởng cao quí nhất dành cho chính tôi, là bông hoa dâng lên được Đức Mẹ đoái nhận.

4. Hoa trung tín

Thời đại hôm nay là thời đại của thay đổi. Thời của hưởng thụ. Thời của tiện nghi. Thời của sản xuất. Thời của mua sắm… Nên người ta thay đổi chóng mặt. Thay đổi hàng hoá. Thay đổi mẫu mã. Thay đổi kiểu dáng. Mau chán cái cũ và thích tìm cái mới.
Thời đại hôm nay cũng là thời đại vất bỏ. Chưa bao giờ vấn đề rác thải trở thành nan giải như hôm nay. Người ta tiêu dùng quá nhiều. Người ta vất bỏ quá nhiều. Xử lý rác trở thành vấn đề lớn.
Tâm lý tiêu dùng ăn sâu vào cuộc sống, ảnh hưởng cả vào những mối liên hệ sâu xa nhất. Khái niệm về trung tín trở thành cổ hũ lỗi thời. Người ta thay người như thay áo. Thậm chí thay đổi cả vợ chồng. Xưa kia hôn nhân hầu như là tuyệt đối bền vững. Ngày nay ly dị trở thành bình thường, hợp thì ở mà không hợp thì bỏ. Ngày nay với sự phát triển thông tin, mạng, người ta có quan hệ rộng rãi hơn, quen biết nhiều người hơn nhưng bỏ nhau cũng dễ dàng hơn.
Tính hay thay đổi và văn hoá vất bỏ cũng lan tràn vào đời sống tu trì. Chúng ta dễ thay lòng đổi dạ: Không trung tín với Chúa; không trung tín với lời khấn; không trung tín với đoàn sủng của Đấng Sáng Lập; không trung tín với bổn phận hẳng ngày, nhất là cầu nguyện.
Trong tình hình mọi sự đều thay đổi, kể cả lòng người. Trung tín đang trở thành một điều hiếm hoi. Đó là bông hoa quí ta dâng Đức Mẹ và chắc chắn Đức Mẹ sẽ thương đoái nhận.

III. KẾT LUẬN

Tất cả những loại hoa trinh trắng, khiêm nhường, quan tâm giúp đỡ và trung tín là những loại hoa quí hiếm vì không thể tìm thấy dễ dàng ở ngoài đồng ruộng và càng không thể mua bán ngoài chợ hoa.
Đó là những loại hoa phải tự tay ta làm ra. Để làm ra những loại hoa đó cũng rất khó. Ta không thể dùng chất liệu nào khác mà phải dùng chính bản thân mình, dùng chính tâm hồn mình.
Để làm được những loại hoa đó cũng tốn kém. Không tốn kém tiền bạc nhưng tốn kém bản thân: Phải gọt dũa chính mình; phải uốn nắn chính mình và nhất là phải từ bỏ chính mình.
Nhưng khi sản phẩm thành hình sẽ rất giá trị. Giá trị vì giống Đức Mẹ. Vì đó là những loại hoa Đức Mẹ ưa thích, là những loại hoa Đức Mẹ suốt đời vun trồng. Chẳng còn gì khiến Đức Mẹ vui hơn là thấy những người con giống Mẹ. Những bông hoa này sẽ rất thơm. Mùi hương thơm kín đáo nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, len lỏi vào những chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn, của cộng đoàn. Và hương thơm vững bền mãi mãi.
Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự sống tinh thần tháng Hoa. Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự có những bông hoa đích thực. Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự dâng hoa cho Đức Mẹ.

+TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Chia sẻ Bài này:

Related posts