Gia đình, hai tiếng thân quen ấy khi thốt lên thật ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của nó lại kéo dài suốt cả cuộc đời. Đó là nơi ta được sinh ra, ôm ấp ta suốt quãng đời thơ ấu với bao kỉ niệm tình thân thương mến. Là chút vấn vương trong tâm hồn khi cất bước vào đời và là bếp lửa hồng ấm áp mời gọi ta trở về khi tâm hồn trở nên lạnh lẽo, băng giá.
Không như mọi người thường nghĩ, việc trình bày toàn bộ ý nghĩa của hai chữ gia đình không phải là một việc dễ dàng đơn giản. Bởi chính sự quen thuộc nhiều khi lại khiến chúng ta dường như quên đi những ý nghĩa sâu xa của nó.
Khái niệm gia đình không chỉ là một cộng đồng những người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và giáo dục như định nghĩa lý thuyết. Nhưng còn là rất nhiều, rất nhiều … những cảm nhận khác nhau của từng người đã trải qua mà ta không thể trình bày một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Vì thế, khi nói đến hạnh phúc gia đình người ta lại càng lúng túng hơn. Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gia đình vốn là cái người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nắm bắt, không thể nhìn thấy và càng không thể diễn tả bằng ngôn từ.
Thi hào Goethe đã nói thật đúng về gia đình: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất”. Thế nhưng sự bình an đó không dễ kiếm tìm và hạnh phúc vẫn là những mơ ước cho những lứa đôi đã, đang và sẽ bước vào cuộc sống gia đình.
Hạnh phúc gia đình có thể biểu hiện thông qua việc các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Trong thư gửi các gia đình Công giáo trên toàn thế giới vào tháng 10/2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Trong cuộc hành trình sống đời gia đình của mình, anh chị em chia sẻ rất nhiều giây phút đẹp đẽ như các bữa ăn, nghỉ ngơi, việc nhà, giải trí, cầu nguyện, du lịch và hành hương, và những lúc nâng đỡ lẫn nhau… Thế nhưng nếu không có tình yêu thì không có niềm vui, và tình yêu đích thực đến với chúng ta xuất phát từ nơi Chúa Giêsu. Ngài ban cho chúng ta Lời Ngài, soi đường cho chúng ta; Ngài ban cho chúng ta Bánh hằng sống nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta”.
Cho nên gia đình muốn có hạnh phúc đích thực phải rất cần Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là nền tảng của sự Bình An, Yêu Thương và Hạnh Phúc. Ngài đã nhập thế làm người và sống trong một gia đình suốt 30 năm rồi mới đi rao giảng. Gia đình Kitô hữu chúng ta khác với mọi gia đình trần thế là mở cửa đón mời Chúa Giêsu vào sống chung với gia đình, tôn vinh Ngài làm Chúa và làm chủ gia đình.
Gia đình còn là điểm tựa vững chắc, là mái ấm chở che, là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi thành viên khi phải đương đầu với những bão táp phong ba cuộc đời.
Một trong 10 điểm chính của Tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm vui yêu thương) là mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các đôi vợ chồng rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp là một “tiến trình động” và mỗi bên phải chịu đựng những gì không hoàn hảo. “Tình yêu không buộc phải hoàn hảo để cho chúng ta ca tụng” (122, 113).
Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”, càng sống lâu với nhau càng lộ ra những khiếm khuyết, bất toàn và đôi khi xẩy ra những lời qua tiếng lại, những tranh luận nhiều khi gay gắt. Nhưng tiên vàn hãy lấy tình yêu thương mà tỉnh táo giải quyết vấn đề vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” và cha ông ta cũng đã từng bảo “một câu nhịn, chín câu lành”. Đừng vì cái “tôi” mà quyết chí ăn thua đủ với người mà ta đã một thời yêu thương nhất.
Và một biểu hiện thực tế tuy không phải điều kiện quan trọng nhưng lại cần thiết là gia đình phải có đời sống vật chất phù hợp.
Tình hình kinh tế và các vấn nạn về tài chính ngày nay đã phân rã, gây căng thẳng cho nhiều gia đình khi phải di cư hay tìm kiếm công ăn việc làm. Có những người, hạnh phúc gia đình với họ mãi mãi chỉ là một giấc mơ xa xôi nhưng thật đẹp đẽ. Có những người dù có địa vị chức quyền cao sang, có tiền rừng bạc biển nhưng vẫn không cảm nếm được hương vị hạnh phúc gia đình.
Ngày xưa, trong gia đình thường thì ông bố hoặc bà mẹ hoặc đứa con lớn làm chủ, cho nên thường xảy ra mỗi người một ý, hoặc ý người này đàn áp ý người kia. Ngày nay, ai là người có nhiều tiền của lo được cho gia đình thì ý người đó được tôn trọng nhất, cuối cùng tiền làm chủ. Nhưng tiền thường sóng đôi với “bạc” và là đầu mối của sự bất hòa, phân hóa trong gia đình.
Người ta thường nói: “tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm”. Có những ngôi nhà to lớn, sang trọng với đầy đủ tiện nghi nhưng những người sống trong đó vẫn cảm thấy thiếu thốn dù lúc nào cũng được thỏa mãn tất cả các nhu cầu về vật chất, thậm chí còn nhiều hơn những gì người ta cần. Thiếu thốn tình thương yêu vì cha mẹ luôn cãi cọ nhau vì những bất đồng trong cuộc sống, vì anh chị em không biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau, vì con cái nhiều khi hàng tuần không được nhìn thấy cha mẹ bởi lịch làm việc đi sớm về khuya của hai người …
Ngược lại, gia đình sẽ trở nên nặng nề nếu hàng ngày người ta chỉ đầu tắt mặt tối với cơm áo gạo tiền hoặc sống theo quan niệm cổ hủ “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Liệu gia đình có hạnh phúc được không nếu nhà cửa dột nát tạm bợ, cơm đường cháo chợ, khi ốm đau bệnh tật không tiền mua thuốc, khi nhà có việc “tang ma cưới hỏi” phải đi vay mượn khắp nơi và con trẻ “ngày tư ngày tết” vắng đi tiếng cười vì không có được manh áo mới khoe bè khoe bạn …
Người Kitô hữu chúng ta cũng cần tránh khuynh hướng viện dẫn và sống Lời Chúa một cách chủ quan hời hợt để rồi phó mặc đời sống vật chất gia đình cho vợ/chồng/con cái quán xuyến còn mình thì cứ ung dung “lo những chuyện trên trời”!
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc trong Thánh lễ mừng Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng đoàn thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu TGP ngày 28/5/2016 mới đây đã căn dặn một điều hết sức quan trọng là luôn luôn cố gắng tối đa để bảo vệ hạnh phúc gia đình khi làm tông đồ giáo dân. Có bảo vệ được hạnh phúc gia đình thì đời sống đức tin mới được vững vàng và cuộc sống mới được vui tươi.
Hạnh phúc gia đình cũng không nhất thiết phải hiểu bằng những khái niệm cao siêu, trừu tượng mà đôi khi nó còn có thể được hình dung với những hình ảnh bình thường mà ai cũng có thể thấy.
Đó chính là những ánh mắt yêu thương, nụ cười mãn nguyện của ông bà, cha mẹ khi nhìn con cháu trở về bình an, đầy đủ sau một ngày học tập, làm việc vất vả. Là cảnh gia đình ngồi quây quần bên nhau cùng chia sẻ bữa cơm đạm bạc với những tiếng nói cười vui rộn rã. Là những ánh nến lung linh trên bàn thờ cùng những lời kinh gia đình râm ran mỗi tối.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình. Thế nên thật trọng yếu và cấp bách, tất cả mọi người thiện chí đều phải hết sức mình để bảo vệ và thăng tiến các giá trị và các đòi hỏi của gia đình.” (x. Familiaris Consortio, 86).
Vì vậy, hãy trân quý hạnh phúc gia đình như chính bản thân mình vì nó vốn mong manh và không phải ai cũng có được. Thời gian rồi sẽ trôi qua và có lúc chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối vì chưa thể làm gì được cho gia đình thêm hạnh phúc. Xin hãy cầu nguyện liên lỉ và cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình vì nếu để nó mất đi ta không thể nào tìm lại được.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng