Năng tưởng nhớ cầu nguyện cho các Linh Hồn

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Ga 6,32-40

  1. LỜI CHÚA: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6,40).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) NGUỒN GỐC LỄ CẦU HỒN (02/11):

Thánh Odilo (962- 1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này nằm trong phần đất của đế quốc Germany. Ngài là một người nhân đức, hằng ngày cầu nguyện hi sinh và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

Một hôm, một đan sĩ trong đan viện Cluny đi viếng Đất thánh. Trên đường trở về Đan viện, tàu chở vị đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ chia sẻ: “”Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ trong đan viện của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên thiên đàng và làm cho quỉ dữ thêm đau khổ dưới Hỏa ngục”. 

Sau khi nghe biết sự việc, cha Odilo đã lập lễ Cầu Hồn vào ngày 2 tháng 11 và cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998. Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan 14 đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma. Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn. Trong những ngày đó họ đến đất thánh thăm viếng, sửa sang mồ mả của cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn. Họ hát những bài ca cổ truyền để xin cầu cho các linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục. Tại nước Hungary, người ta gọi ngày 2/11 là “Ngày người chết”. Ngày đó, người ta tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình mình để cho chúng ăn, cho quần áo, quà bánh và đồ chơi… Tại miền quê nước Balan: nửa đêm lễ các linh hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu xin được sớm thoát khỏi luyện ngục. Sau đó các linh hồn sẽ về thăm nhà mình, thăm nơi làm việc khi họ còn sống, nên các gia đình có người qua đời đều mở cửa sổ suốt đêm ngày 2/11 để đón các linh hồn.

2) CHỨNG TÍCH VỀ LUYỆN NGỤC: Có rất nhiều chứng tích về các linh hồn từ luyện ngục về xin cầu nguyện. Ở đây xin kể ra hai chuyện được lưu trữ tại bảo tàng Rôma:

– Chứng tích 1: Mẹ hiện về với con trai:

Bà Leleux, trong đêm 21-6-1789, đã hiện về với người con trai của bà là Joseph Leleux ở Wodecq (Bỉ). Bà hiện về 11 đêm liên tiếp để nhắc nhở con bà phải xin lễ cho bà, đồng thời bảo con bà phải sửa mình lại vì anh ta đang sống bừa bãi, khô khan nguội lạnh. Bà cầm tay con và in dấu cháy cả bàn tay bà vào ống tay áo của con. Kết qủa là anh đã trở lại sống thánh thiện, đã lập một hội đạo đưc dành cho giáo dân, các hội viên trong hội này đã thi đua nên thánh. Anh đã qua đời cách thánh thiện ngày 19-4-1825.

– Chứng tích 2: Mẹ chồng hiện về với con dâu:

Nhạc mẫu của bà Magarita Demmerlé thuộc giáo xứ Ellinghen, giáo phận Metz, qua đời năm 1785, và 30 năm sau, năm 1815 đã hiện về với con dâu. Bà buồn bã nhìn con dâu như có ý xin điều gì. Bà Magarita Demmerlé lên tiếng hỏi thì được bà mẹ chồng cho biết là mình về để xin con (dâu) cầu nguyện cho mình bằng cách đi hành hương lên Đền Đức Mẹ ở Mariental. Người con dâu đã làm y như lời mẹ chồng xin. Sau cuộc hành hương ấy bà mẹ chồng hiện về với con dâu một lần nữa và báo cho biết là mình đã được ra khỏi Luyện ngục mà lên Thiên đàng. Bà Magarita xin một bằng chứng thì bà mẹ chồng liền in cả bàn tay mình lên trang sách Gương Phước đang để mở trên bàn…và từ đó bà không còn hiện về nữa.

3.SUY NIỆM: TƯỞNG NHỚ TIỀN NHÂN:

1) Đức Kitô thiết lập Nước Trời: Nước Trời trần gian là Hội Thánh ở trần gian hôm nay và Nước trời trên Thiên đàng mai sau. Điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời Hội Thánh ở trân gian là phải có lòng sám hối tội lỗi và  tin vào Chúa Giêsu, phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần như lời Đức Giêsu đã kêu gọi khi ra giảng đạo: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người cũng dạy: “Không ai có thể vào nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Phải thực hành giới răn bác ái bằng cách thực thi Tám mối phúc (x. Mt 5,3-12). Ngoài ra, để có được sự sống vĩnh cửu trên Thiên đàng, đòi người ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24), phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa” (x. Mc 8,34), và “cùng chết với Chúa để cùng được sống lại với Người” (Rm 6,8).

2) Mầu nhiệm các thánh thông công: Chúa Giêsu chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất trên nền đá tảng đức tin của tông đồ Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Hội thánh do Đức Giêsu thiết lập gồm ba tình trạng: Một là Hội Thánh Lữ Hành trần gian gồm các tín hữu đang sống, đang phải chiến đấu chống lại ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt của mình. Hai là Hội Thánh Vinh Quang trên Thiên đàng gồm các thánh nam nữ đang được hưởng hạnh phúc với Chúa. Ba là Hội Thánh Đau Khổ gồm các linh hồn đang được thanh luyện trong chốn luyện hình, để họ ngày thêm thanh sạch thánh thiện và hy vọng một ngày nào đó sẽ được về Thiên đàng. Còn những ai chối bỏ Thiên Chúa, nghe theo ma quỷ phạm các tội ác mà không chịu hồi tâm sám hối, là đã tự loại mình ra khỏi Hội Thánh và sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời, “chung số phận với tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

3) Bổn phận đối với các linh hồn trong luyện ngục: Đức Giêsu đã mặc khải về sự thanh luyện ở đời sau khi nói: “Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5,26). Luyện ngục chính là phương cách Chúa dùng để thanh luyện các linh hồn khi chết vẫn còn mang vết nhơ tội lỗi hay chưa đền bù những thiệt hại đã gây ra cho tha nhân khi còn sống ở trần gian. Cầu xin Chúa giúp họ ngày một nên thanh sạch thánh thiện để sớm được Chúa rước về Thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Do đó, trong tháng các linh hồn này, mỗi tín hữu chúng ta cần dọn mình lãnh các ơn đại xá tiểu xá (với các điều kiện thường lệ), để chuyển các ơn ấy cầu cho các linh hồn trong chốn luyện hình; Ngoài ra, cần siêng năng lần hạt Mân Côi, xin lễ và làm những việc bác ái để đền tội thay cho các linh hồn là thân nhân, hay các linh hồn mồ côi … để họ sớm được về trời. Khi lên trời chắc họ sẽ không quên cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Còn các linh hồn bị sa hỏa ngục do đã trở thành quỷ dữ, thì không còn thuộc về Hội Thánh nữa, nên chúng ta không cần cầu nguyện cho họ.

4) Về việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi: Thực ra, Hội thánh từ xưa đến nay không đặt vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và trong thực hành. Hội thánh không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân cầu nguyện, nên trong mọi thánh lễ dù có người xin lễ cầu riêng cho linh hồn thân nhân, thì vẫn có lời cầu chung cho tất cả “các tín hữu đã ly trần trong tình thương của Chúa”, gồm mọi tín hữu và cả các linh hồn chưa nhận biết Chúa. Như vậy: Nói linh hồn mồ côi chỉ là nói theo cách suy nghĩ của loài người chúng ta, nhưng cũng không sai với giáo lý và sự thực hành của Hội Thánh.

Thật vậy, trong phụng vụ thánh lễ hay kinh nhật tụng, Hội thánh vẫn khuyến khích việc cầu nguyện chung cho các linh hồn cũng như riêng từng linh hồn theo ý người xin lễ để cầu cho linh hồn mới qua đời cũng như cầu chung cho các linh hồn. Việc cầu nguyện ấy chắc sẽ mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Từ đó, có thể suy ra: những linh hồn không có thân nhân xin lễ cầu nguyện sẽ bị thua thiệt, nên đức ái buộc các tín hữu còn sống cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi này. Linh hồn mồ côi chính là những linh hồn bị quên lãng, vẫnđang được thanh luyện trong chốn luyện hình, nên rất cần được các tín hữu chúng ta vì đức bác ái hãy tưởng nhớ, xin lễ và làm các việc lành để cầu cho họ nữa.

4.LỜI CẦU:

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn đã qua đời được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các  linh hồn ấy.

LM ĐAN VINH – HHTM

Chia sẻ Bài này:

Related posts