Mục Lục
Ngày 1 – 4: Trang 1
* * *
01/02/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,1-6
ĐỨC TIN VÀ PHÉP LẠ
Chúa Giê-su đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6,5-6)
Suy niệm: Thánh sử Mác-cô đã gây “sốc” khi nói rằng Chúa Giê-su “không thể” làm phép lạ tại Na-da-rét, quê hương của Ngài. Ai dám nghĩ rằng Chúa không đủ quyền năng? Bằng chứng là Chúa đã làm nhiều phép lạ đây đó. Phải chăng Chúa không thích làm phép lạ giữa những người thân của Ngài? Không thể, vì Ngài từng bộc lộ tình yêu của Ngài cho người thân rằng: “Bánh trên bàn cần phải cho con cái trước đã.” Vậy, vì lý do gì? Tin Mừng đã trả lời: vì họ không tin. Như vậy, đối với Chúa Giê-su, đức tin và phép lạ gắn chặt với nhau như hình với bóng. Có đức tin thì sẽ thấy phép lạ. Nói cách khác, muôn vàn phép lạ Chúa làm không nhằm khoa trương quyền năng hay nhằm biến đổi mọi sự bên ngoài, nhưng nhằm mục đích cứu độ, nghĩa là muốn chạm đến tâm hồn con người, muốn khơi động tâm hồn thoát khỏi tình trạng ù lì để biến đổi trái tim họ, củng cố đức tin của họ. Mục đích của phép lạ không nhằm mục đích thay đổi lớp áo hời hợt bên ngoài mà là thánh hoá con người từ thâm tâm, để con người yêu mến Chúa hơn.
Mời Bạn: Nhiều người muốn chứng kiến phép lạ của Chúa, nhưng mong muốn các phép lạ ấy đừng chạm đến, đừng thay đổi cuộc đời họ. Còn bạn, bạn muốn những việc Chúa làm trong năm mới này củng cố đức tin và làm thay đổi cuộc đời bạn không?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm lời Chúa hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa cứ làm nơi con những gì Chúa muốn, vì chỉ nhờ Chúa, con mới có sự sống đời đời.
02/02/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh Lc 2,22-40
DÂNG CON CHO CHÚA MỖI NGÀY
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)
Suy niệm: Tại nhiều nước đã thành luật: cha mẹ ngược đãi con cái sẽ bị luật pháp trừng phạt! Hợp lý thôi, thế nhưng, những cha mẹ không chăm lo giáo dục con cái sẽ phải chịu hình phạt nào? Còn những cha mẹ Công giáo chểnh mảng việc giáo dục đức tin cho con mình, Chúa xét xử thế nào? Khi dâng Chúa Giê-su vào Đền thờ hôm nay, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se không coi đó như một nghi thức làm-một-lần-là-xong, nhưng việc dâng con ấy kéo dài mãi suốt đời đến tận dưới chân thập giá. Chúng ta cứ hình dung dưới mái nhà Na-da-rét, hai Đấng vẫn tiếp tục dâng hiến trẻ Giê-su cho Thiên Chúa, khi các ngài dạy trẻ Giê-su bập bẹ từng lời kinh, từng cử chỉ tôn giáo, khi chăm sóc từng lời ăn tiếng nói, dạy phép lịch sự, dạy các thói quen tốt cho trẻ Giê-su… để rồi theo thời gian, là bé Giê-su ngoan, rồi trẻ Giê-su tốt, và chàng trai Giê-su hiền hoà, hào hiệp, dễ mến, là trái ngọt từ một khởi điểm: dâng con cho Chúa ở Đền thờ.
Mời Bạn nhớ đến hình ảnh đẹp của ngày rửa tội: cha mẹ bồng con cái đến dâng cho Chúa. Là bậc làm cha mẹ, bạn vẫn tiếp tục công cuộc dâng hiến con cái này trong đời sống hằng ngày chứ ? Hình như nhiều vị phụ huynh Công giáo cũng chạy theo trào lưu hiện nay: chỉ lo cho con cái có bằng cấp văn hóa, có của cải tiện nghi, có nghề nghiệp địa vị mà quên mất một điều quan trọng hơn: giáo dục đức tin và nhân bản cho con mình.
Sống Lời Chúa: Là cha mẹ, mỗi ngày tôi sẽ dành thời gian dạy kinh, đọc Lời Chúa, phép lịch sự… cho con cái mình.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia đình (tr. 58).
03/02/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo Mc 6,14-29
CÁI CHẾT NGÔN SỨ
Vua Hê-rô-đê nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !” (Mc 6,16)
Suy niệm: Kết thúc cuộc đời Gio-an Tẩy Giả là một bi kịch mang tính ngôn sứ, nhưng là một bi kịch dễ hiểu. Là ngôn sứ, ông mạnh dạn nói tiếng nói của công lý. Tiếng nói của ông đụng chạm đến người nắm giữ quyền lực, người có quyền giết ông. Vì thế, điều xảy ra là ông… bị giết! Bị giết, nhưng ông vẫn không ‘chết’. Thật vậy, Hê-rô-đê có chém đầu ông, nhưng vẫn bị ám ảnh khôn nguôi rằng ông lại… tiếp tục xuất hiện: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!” Cái chết của Gio-an, là một cái chết ngôn sứ vì nó tiên báo cái chết của Chúa Giê-su. Bi kịch này dễ hiểu, vì trong suốt giòng lịch sử, không thời nào và không nơi nào thiếu những cái chết ngôn sứ như thế, những cái chết vì bênh vực công lý, vì bảo vệ sự thật, như cái chết của Martin Luther King (1968), của Oscar Romero (1980)… và biết bao cái chết khác đầy tính ‘ngôn sứ’ nhưng rất âm thầm, rất vô danh, không kể hết được.
Mời Bạn: Suy nghĩ về những cái chết ngôn sứ đó để thấy rằng “Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người” (Tv 116,15). Ngôn sứ có thể chết song uy lực của tiếng nói ngôn sứ không thể bị dập tắt kể cả trong chính lương tâm của kẻ cường quyền làm điều bất công.
Chia sẻ: Ta có thể chết cái chết ngôn sứ mỗi ngày không? Bằng cách nào?
Sống Lời Chúa: Tôi đặc biệt lưu ý sống thật trung thực trong ý nghĩ và lời nói.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con được ơn cảm nếm được mối phúc thật thứ tám để con dám chịu bách hại vì sống công chính làm ngôn sứ cho Chúa mỗi ngày. (Hoặc đọc Tv 116)
04/02/17 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,30-34
KHAO KHÁT LỜI CHÚA
“Họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mc 6,34)
Suy niệm: Con người không chỉ có nhu cầu cơm bánh để nuôi sống thân xác, mà còn cần được nuôi dưỡng bằng lương thực tinh thần. Như thân xác biết đói và cần ăn, tâm hồn cũng biết khao khát và cần được bổ dưỡng. Chúa Giê-su thấu hiểu nỗi lòng khao khát đó của đám đông dân chúng khi thấy họ “từ khắp các thành chạy đến” với Chúa (c. 33). Với cặp mắt của người mục tử giàu lòng thương xót, Ngài thấy họ như “bầy chiên không người chăn dắt”. Và cũng với trái tim chạnh thương của người mục tử, Ngài quên cả mệt nhọc, quên cả nghỉ ngơi ăn uống; Ngài chỉ nghĩ đến tấm lòng khao khát của dân chúng và Ngài “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”
Mời Bạn: “Bầy chiên bơ vơ không người chăn dắt” đang khao khát nghe Lời Hằng Sống ngày nay thật đông đảo. Họ chiếm đến 2/3 dân số thế giới, cũng như trên 90% dân số Việt Nam. “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong,” những con chiên không người chăn dắt cũng khao khát được nghe Lời Chúa. Họ là lời mời gọi mỗi Ki-tô hữu hãy nuôi dưỡng tấm lòng biết chạnh thương như Đức Giê-su để dấn thân rao giảng Tin Mừng cho họ. Bạn có thấy lòng mình thao thức khắc khoải trước đòi hỏi cấp bách đó không? Bạn có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu cấp bách này?
Sống Lời Chúa: Nhận một gia đình lương dân để thường xuyên cầu nguyện và loan báo Tin Mừng bằng cách chia sẻ tình bác ái với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Xin cho chúng con cũng hăng say thi hành sứ vụ cao quý này bằng một tâm hồn giàu tình thương xót như Chúa.