Thiêng liêng hóa

Cuộc sống không bao giờ phẳng lặn như mặt nước hồ thu. Có lúc dồn dập sóng, có lúc lăn tăn sóng, cuộc sống là một chuỗi biến động kết thành đời người.

Dù cho trắc trở hay bình an, thấm thía nỗi đau hay rộn rã tiếng cười, là Kitô hữu, chúng ta cần thiêng liêng hóa tất cả.

1. THIÊNG LIÊNG HÓA TẤT CẢ.

Thiêng liêng hóa là sự giải thoát cần thiết cho những gì khắc sâu vào lòng người, đến mức khó quên, thậm chí trở thành như chính bản thân, làm nên cách sống, cách suy nghĩ, cách yêu, cách giận, cách phản ứng, cách thể hiện… của bản thân.

Thiêng liêng hóa cả đời sống bản thân, cả những gì ta bắt gặp nơi anh em, cả những biến cố trong đời, những đối xử của người khác, những hoàn cảnh mà ta lâm vào… sẽ làm ta sâu sắc hơn, nội tâm hơn, khôn ngoan hơn, trải nghiệm hơn, nhận ra lòng người hơn, biết tạ ơn Chúa và cầu nguyện nhiều hơn.

Thiêng liêng hóa tất cả như thế, sẽ cho ta sức mạnh chống chọi những vùi giập. Nó nâng đỡ nghị lực trong ta, để ta có thể can đảm trực diện những cay đắng mà giải quyết nó, tháo gở nó từng mối gút, mối thắt.

Trong “Lâu đài nội tâm”, thánh nữ Têrêsa Avila, vị thánh Tiến sĩ nổi tiếng là người thành công trong việc kết hợp với Chúa, biết thiêng liêng hóa mọi sự đi qua cuộc đời của chính thánh nhân, cũng như cuộc đời của những con người mà thánh nhân can dự vào, đã thốt lên, sau khi kể lại nhiều đau khổ của mình:

“Trong cơn giông tố này, không còn phương dược nào có thể cứu vãn mà chỉ trông đợi nơi tình thương của Thiên Chúa, vào lúc bất ngờ hơn cả, chỉ với một lời hay một cơ hội thay đổi nào đó, bất thình lình, Người cất đi tất cả ách nặng cho linh hồn, để nó thấy thanh quang như chẳng bao giờ có mây mù nào, nhưng chan hòa ánh sáng và còn tràn ngập hạnh phúc hơn trước bội phần. Bấy giờ, như người đã thoát khỏi trận giao tranh khốc liệt và đã thắng, linh hồn chỉ còn việc ngợi khen Chúa, vì chính Người đã chiến đấu và đã làm cho nó thắng trận” (Những cư sở thứ sáu – chương 1). 

Đức tin càng được nảy sinh, càng được nở lớn, khi người ta biết thiêng liêng hóa mọi sự. Đó là điều mà thánh Têrêsa đã cho thấy bằng chính kinh nghiệm thiêng liêng trải qua mọi thời gian sống làm người, và làm người thánh hiến trong ơn gọi chiêm tu của mình.

Chính trong cái nhìn nội tâm, đầy thiêng liêng hóa ấy, thánh nhân chỉ dạy: Nếu linh hồn rơi vào những bi đát cùng cực, thì “phương dược thần diệu nhất – tôi không nói là được dẹp đi những rối loạn này, vì tôi không biết có phương dược nào như thế, nhưng có thể làm cho linh hồn chịu đựng được – là chú tâm lo những công việc bên ngoài và công việc bác ái, rồi trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Tình thương sẽ không bao giờ khước từ những kẻ cậy trông vào Người” (Lâu đài nội tâm – Những cư sở thứ sáu – chương 1).

Nếu trải qua những thách thức, ta vẫn còn đứng vững, hãy tạ ơn Chúa (Chúng ta sẽ nói về lòng tạ ơn Chúa nhiều hơn ở số 3). Nhưng nếu có lở đổ quỵ vì đau đớn, vì nhiều sức mạnh tấn công, nhờ thiêng liêng hóa, ta sẽ có sức gượng dậy, để bước tiếp hành trình, để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành ơn gọi mà Chúa trao ban.

Hãy suy niệm những lời của thánh Phêrô: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4, 12-14),

Đó là những lời thánh Phêrô dạy ta kết hợp với chính những đau khổ của Chúa Kitô. Bởi chỉ có kết hợp với Chúa, ta thêm can trường trong đức tin, vững vàng trong chiến đấu, đạt chiến thắng trong sức mạnh của ân sủng, đi tới cùng như một người mang lấy tình yêu thánh giá tiến vào ơn phục sinh.

Tương tự thánh Phêrô, thánh Phaolô luôn đặt mình trong sự thiêng liêng hóa. Nhờ đó, thánh nhân luôn thấy Chúa, luôn yêu Chúa, luôn cảm tạ Chúa, luôn vững bước, luôn xả thân, luôn phóng tầm nhìn về phía trước…

Chúng ta hãy suy niệm những lời của thánh Phaolô, để thấy rõ nội tâm và suốt cuộc đời thiêng liêng hóa của thánh nhân: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài” (Pl 3, 5-6).

Chỉ khi nào có đủ tầm nhìn thiêng liêng hóa, người ta mới không còn bám víu bất cứ điều gì ngoài Chúa Kitô. Chỉ khi nào sự thiêng liêng hóa đã thấm đượm, người ta mới dám trút bỏ mọi sự, để được Chúa Kitô là sự nghiệp lớn nhất của đời mình.

Thánh Phaolô kể tiếp cái nhìn thiêng liêng hóa ấy trên những đau khổ mà ngài phải đối mặt. Chính trong cái nhìn thiêng liêng hóa mọi sự, thánh Phaolô đã ghi nhận quá nhiều sự tốt được rút ra từ những cái xấu:

“Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cr 7, 8-10).

Thiêng liêng hóa tất cả những gì diễn ra suốt dọc dài sự sống chúng ta, là cách ta thắp một ánh sáng cho tối tăm bị xua tan. Tối tăm ấy chính là những cuồng phong, những khó khăn mà ta đang mắc vào.

Rọi ánh sáng bằng sự thiêng liêng hóa vào nghịch cảnh của cuộc sống, giúp ta bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô thánh giá. Mà kết hợp mật thiết với Chúa Kitô thánh giá để đạt tới giá trị cứu độ là đỉnh cao của sự thiêng liêng hóa. Bởi không có bất cứ điều gì, khi được tháp nhập vào Chúa Kitô thánh giá mà không mang lại hiệu quả cứu độ, hiệu quả vĩnh cửu.

Nhận ra ánh sáng của sự thiêng liêng hóa khi được bước đi trong vinh quang của Chúa Kitô, thánh Phaolô reo lên: “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên nơi tối tăm!’. Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4, 6).

2. THIÊNG LIÊNG HÓA ĐỂ NHÌN XUYÊN THẤU.

Thiêng liêng hóa mọi sự là cách tốt để nâng đỡ tầm nhìn xuyên thấu trong ta cách hoàn bị. Thiêng liêng hóa mọi sự không chỉ đưa ta vào nội tâm của chính mình, không chỉ giúp ta nhận diện lại con người mình, không chỉ giúp ta lượng giá bản thân, điều mà ta khó làm nhất.

Hơn thế, thiêng liêng hóa mọi sự còn cho ta một tầm nhìn thiêng liêng.

Thiêng liêng hóa tất cả, là cách để ta nhìn mọi sự diễn ra nơi mình, nơi cuộc đời, nơi những con người, nơi hoàn cảnh xung quanh… bằng con mắt của tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó, tầm nhìn xuyên thấu trong ta, một khi đã đi qua cái lưới của sự thiêng liêng hóa, càng giúp ta có tầm nhìn trung thực hơn, sâu lắng hơn, từ bi hơn, nhẫn nại hơn, yêu thương hơn, xinh đẹp hơn, thấu đáo hơn, chính chắn hơn, chính xác hơn …

Nhờ có cái nhìn thiêng liêng, chúng ta nhận ra nhiều ý nghĩa nơi bất cứ hoàn cảnh nào đang rơi vào giữa đời mình.

Tôi gọi sự thiêng liêng hóa trong ánh sáng và chiếu ánh sáng vào nội tâm là TẦM NHÌN XUYÊN THẤU.

Từ thiêng liêng hóa mọi sự, đến tầm nhìn xuyên thấu, ta đã nối một con đường khởi đi từ nội tâm của ta, ra đến tất cả những gì mà ta đối diện, ta hoạt động, ta chạm phải, ta cần phải giải quyết…

Chắc chắn có được ơn thiêng liêng hóa mọi sự nơi nội tâm, tầm nhìn xuyên thấu của chúng ta cũng sẽ được nâng cao. Hay tầm nhìn xuyên thấu là hiệu quả thấy được nơi người biết thiêng liêng hóa mọi sự.

Vì thế, biết thiêng liêng hóa mọi sự, cũng có nghĩa là ta đang tự luyện tập để mỗi ngày một nhìn xuyên thấu hơn, mỗi ngày một vượt tầm nhìn lên trên hơn, thấu đáo hơn, sáng hơn, xuyên suốt hơn, cao trội hơn…

Học để biết thiêng liêng hóa mọi sự, và học một tầm nhìn xuyên thấu, luôn là cách tuyệt vời để Chúa có thể uốn nắn, đào tạo chúng ta thành người hữu dụng cho Chúa, thành người môn đệ đúng nghĩa là môn đệ của Chúa.

Nhờ sự giáo dục của Chúa, ta dễ nhìn “xuyên thấu” vào tâm hồn và nội tâm của mình, để nhận ra mình, nhận ra sự yếu đuối, nhỏ nhoi, dòn mỏng của bản thân mà trở nên khiêm tốn hơn, biết mình, biết người, biết chấp nhận thân phận thụ tạo của mình hơn…

Nhờ sự giáo dục của Chúa, ta cũng sẽ thấy ơn Chúa là sức mạnh thật sự trong đời mình. Không có Chúa, với thân phận thụ tạo dễ bị tội lỗi đốn ngã, không dễ gì ta trưởng thành, không dễ gì ta có được và còn được như ta đang là; đang sở hữu; đang sống trong niềm thâm tín được Chúa bảo bộc, dưỡng dục, chở che…; đang tự tin mà sống hoài bão, sống hết lòng cho niềm hy vọng, cho lý tưởng, cho sự trọn vẹn của ơn gọi đời mình…

Đó là ơn Chúa, kho tàng vô giá mà Chúa vẫn tin tưởng trao cho ta. Nói như thánh Phaolô, ta chỉ là “chiếc bình sành” dễ vỡ, lại được mang sứ mạng chứa đựng “kho tàng” ơn Chúa: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành” (2Cr 4, 7a).

Nhờ ý thức mình nhỏ bé, tầm thường, nhờ nhận ra mình để khiêm tốn, biết thu nhỏ cái “tôi” của bản thân, để ơn Chúa, để tình yêu của Chúa có cơ hội lớn lên, chính nơi “chiếc bình sành” dễ vỡ này, mà chúng ta mới trở thành cơ duyên để “chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4, 7b).

Được Chúa đào tạo để ý thức mình nhỏ bé, chúng ta lãnh trách nhiệm gieo Lời Chúa, gieo chính Chúa vào cuộc đời và vào lòng người, mà luôn luôn nhận thức, luôn luôn ghi khắc trong tâm khảm rằng: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” (2Cr 4, 5).

3. BIẾT ƠN CHÚA.

Với tất cả đời sống nội tâm biết thiêng liêng hóa mọi sự, biết nhìn xuyên thấu, và sẵn sàng để Chúa uốn nắn, giáo dục, nhằm thăng tiến chính mình trong ơn Chúa, trong tình yêu của Chúa, chúng ta không thể nào không sống lòng biết ơn mà bản thân phải có đối với Thiên Chúa. Lòng biết ơn ấy phải được thể hiện sống động như lời Thánh vịnh: “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng” (33, 2-3).

Nhưng sống lòng tạ ơn, không đơn thuần là cất lên nơi môi miệng, nhưng là “gieo”, là “gảy” cung đàn, là làm cho “vang lừng” tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng hoan hô.

Dù vậy, chúng ta không dừng lại ở những dụng cụ âm nhạc, những lời ca hay tiếng hoan hô, mà chính là hiến dâng cuộc đời, hiến dâng sức lực, hiến dâng trọn sự sống, hiến dâng từng năm tháng ngày giờ đi qua đời mình, hiến dâng cả trái tim lẫn khối óc, hiến dâng cả bàn tay và từng nhịp thở, hiếng dâng môi miệng và trọn tâm tư, hiến dâng lòng vâng phục và niềm phó thác trong ơn nghĩa của Chúa, hiến dâng đến trọn kiếp, đến tàn hơi, đến bộ mặt bên ngoài ai cũng có thể nhìn thấy, lẫn cả thế giới riêng tư của bản thân…

Lòng hiến dâng Chúa tất cả, đến mức chẳng còn gì giữ lại cho mình, chính là cung đàn, là điệu nhạc, là bài ca cuộc đời để thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa. Bởi chỉ có lời cảm tạ từ chính cuộc đời, mới là lời cảm tạ đáng để ước mong đẹp lòng Chúa, đáng để hiến dâng mà trông đợi Chúa chúc lành, Chúa sử dụng, Chúa nhàu nắn theo ý Người.

Và như vậy, mỗi lần cầu nguyện bằng lời Thánh vịnh “Cảm tạ Chúa gieo vạn tiếng đàn…”, ta sẽ cầu nguyện tha thiết hơn, sâu lắng hơn, thâm tín hơn, cậy trông hơn, trọn vẹn hơn bằng cả kiếp sống, qua mọi hiến dâng của chính bản thân ta.

Niềm biết ơn Thiên Chúa, cũng sẽ hướng chúng ta về cùng Chúa Giêsu, Con của Người. Bởi trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, con đường duy nhất mà ta đến cùng Thiên Chúa và được Thiên Chúa thương đoái: “Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài, để được sống muôn đời” (1Tm 1, 13-16).

Biết ơn Chúa Giêsu là để Người hiện diện, chiếm ngự nội tâm của ta. Bởi không để Chúa Giêsu hiện diện trong ta, sẽ khó có được một đời sống luôn luôn thiêng liêng hóa tất cả, khó có được tầm nhìn xuyên thấu tất cả.

Không có Chúa Giêsu hiện diện, ta chỉ là những kẻ sống xốc nổi, cạn nghĩ, nông thể hiện, nông tương quan, thiếu lòng yêu mến, thiếu hy sinh, thiếu chân thành, thiếu thâm trầm, thiếu chiều sâu ngâm ngợi, thiếu những thể hiện mà một người yêu Chúa luôn phải có đối với anh chị em như: sự tín nghĩa, lòng đại lượng, sự dung thứ, tinh thần san sớt, hy sinh, khoan hậu…

Từng người chúng ta hãy ghi khắc thật sâu, thật bền lời của thánh Phaolô: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Ngài đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Ngài” (1Tm 1, 12).

Hãy luôn luôn sống lòng biết ơn Chúa Giêsu, luôn luôn ý thức sức mạnh của Người nơi chúng ta, luôn luôn thâm tín Người chẳng những không bao giờ bất tín, mà còn luôn tín nhiệm ta, để như thánh Phaolô, ta biết hiến dâng chính mình, hiến dâng trọn đời mình, biết chấp nhận cách không khoan nhượng, dù là sự sống hay sự chết, dù là thua thiệt, bất lợi hay tràn ngập hy vọng, dù phải đối diện với rừng sâu hay núi thẳm…, ta vẫn trung kiên cho trọn một niềm cảm tạ mà ta hiến dâng Chúa Giêsu.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts