Hôn nhân từ góc nhìn luân lý

Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 34) lý giải: “Có được một quan niệm đứng đắn về trật tự luân lý, về các giá trị và nguyên tắc của nó, bao giờ cũng là một điều rất quan trọng; và càng quan trọng hơn nữa khi các khó khăn trong việc thực hiện những điều ấy càng nhiều hơn và trầm trọng hơn. Vì trật tự luân lý bày tỏ và nêu lên ý định của Thiên Chúa Tạo Hoá, nên không thể nào có tính cách phi ngôi vị và cũng không thể là nguyên nhân gây cái chết cho con người. Ngược lại, nó đáp ứng những đòi hỏi ghi khắc thật sâu thẳm trong con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Nó có mục đích phục vụ trọn vẹn cho nhân tính của con người, với một tình yêu tế nhị và đòi hỏi, tình yêu mà Thiên Chúa đã dùng để dựng nên và gìn giữ mọi tạo vật và hướng dẫn tạo vật đến hạnh phúc.”

Đó là lý do giải thích tại sao trong “Gợi ý Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”, có chủ đề dành cho tháng 7/2017: “Hôn nhân từ góc nhìn luân lý”. Xin dựa vào Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ” và Huấn thị Phẩm giá con người “Dignitas Personnæ” (bản dịch của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN) để cùng tìm hiểu vấn đề:

I. Khái niệm về luân lý: 

Luân lý (luân thường đạo lý) là những phép tắc về đạo đức giữa người với người trong xã hội. Cái gốc của luân lý là lòng yêu thương con người. Luân lý học là môn học dạy cho người ta biết cách cư xử, giao tiếp. Nói chung, luân lý là những qui tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận ở trong một xã hội hay một nền văn hóa nào đó để giúp cho người ta biết phân biệt đúng sai, tốt xấu. Lâu ngày, những qui tắc này trở thành một thứ luật lệ bất thành văn. Những hành vi đi ngược lại với luân lý bị coi là đồi phong bại tục, trong khi những hành vi không đếm xỉa đến luân lý thì bị gọi là phi luân lý.

            Bình thường người ta hay lẫn lộn giữa luân lý và đạo đức. Thực ra có một điểm khác biệt chủ yếu giữa luân lý và đạo đức: luân lý thì có thể thay đổi còn đạo đức thì không, cho dù ở trong bất cứ thời gian, không gian nào. Thí dụ các qui luật đạo đức phổ quát như phải thảo kính cha mẹ, yêu thương con cái, cứu giúp kẻ già yếu bệnh tật… sẽ không bao giờ thay đổi dù ở bất cứ nơi đâu và khi nào.

II. Luân lý Ki-tô Giáo:

Ki-tô Giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành và tồn tại trong một trật tự vững vàng. Vì vậy, để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hoá, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp hiểm nguy thì biết tự bảo vệ. Luật trường cửu thể hiện qua Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Giá trị của những luật này phản ánh bản tính Thiên Chúa. TheoKi-tô Giáo, Mười Điều Răn là nền tảng của trật tự sống có giá trị trường cửu, vượt thời gian và không gian.

Ki-tô Giáo không bao giờ coi luân lý là cách sống tuỳ ý của một cá nhân. Một hành vi luân lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với Giáo hội. Thánh Kinh cho biết con người nhận lãnh luật trường cửu từ Thiên Chúa, con người không sáng tạo ra chúng. Luật trường cửu là chân lý. Chân lý hiển nhiên và khách quan, không bao giờ sai lầm, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Tách rời luật trường cửu, con người sẽ đi vào những ảo ảnh của khuynh hướng duy lý và vô thần. Nơi nào con người sống theo khuynh hướng tự do tiến hoá phi luân lý trường cửu, nơi đó mất đi những sự liên kết với Thiên Chúa, mà cả tiêu chuẩn chung về đạo đức cũng mất theo.

III. Phát triển luân lý:

Quy trình phát triển luân lý có 3 giai đoạn:

1- Giai đoạn thẩm mỹ quy hướng về chính cá nhân: Tiến trình phát triển luân lý bắt đầu với giai đoạn thẩm mỹ. Ở giai đoạn này, con người sống hầu hết là dưới ảnh hưởng của cảm giác và xúc động. Mối quan tâm chính của con người là làm sao được sống thoải mái và đáp ứng được những nhu cầu cụ thể. Giai đoạn này con người quả thực là ích kỷ, muốn được tự do để làm những gì mình muốn. Tuy không ý thức được, nhưng thực ra con người chẳng có tự do, vì họ đang làm nô lệ cho những đam mê và thành kiến của mình. Ở giai đoạn thẩm mỹ, con người coi luật lệ (giáo huấn luân lý) như chẳng liên hệ với mình (impersonal), mà chỉ là một cái gì giới hạn tự do của mình.

2- Giai đoạn đạo đức quy hướng tới tha nhân: Tiến sang giai đoạn đạo đức khi con người quyết định bước ra khỏi vòng quy hướng về chính mình, để liên hệ với tha nhân. Con người thực hiện điều này khi lãnh nhận những bổn phận xã hội, thí dụ như tình bạn và những dấn thân của con người. Lãnh nhận những trách nhiệm xã hội này là đã làm một bước tiến để có được tự do cá nhân. Con người chỉ có thể trở nên tự do đích thực khi từ bỏ con người ích kỷ và biết sống trách nhiệm đối với tha nhân. Ở giai đoạn này, người ta coi luật lệ (giáo huấn luân lý) là những gì liên hệ với mình (personal) – để hướng dẫn họ lớn lên. Giai đoạn này con người cũng coi tội lỗi (lỗi phạm luân lý) là điều liên hệ tới chính bản thân, đó là bất trung với sự thăng tiến cá nhân. Tội lỗi là sống vô trách nhiệm.

3- Giai đoạn tôn giáo quy hướng về Thiên Chúa: Tiến đến giai đoạn này khi khám phá ra quan hệ cá nhân giữa con người với Thiên Chúa, khám phá này cũng giúp ý thức được căn tính đích thực của mình (là con cái Thiên Chúa) và thân phận thực sự của mình (được mời gọi kết hiệp với Thiên Chúa). Tại giai đoạn này, con người cũng khám phá ra sự thật được nhập thể, tức là Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa. Con người hiểu được tại sao Đức Giê-su đã đến sống giữa loài người. Người đã đến để cứu độ con người, vì nếu không có Người, con người không làm gì được (Ga 15, 5). Người đến để truyền đạt cho mọi người sự sống đầy đủ, tức là sự sống vĩnh cửu (Ga 14, 10; 6, 51).

Tới giai đoạn này, con người sẽ trở nên trưởng thành về thể lý cũng như tinh thần. Người ta thấy hạnh phúc và chắc chắn được gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô. Ở giai đoạn này, con người khám phá ra liên hệ đích thực giữa luật lệ với tình yêu. Đó là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Chính Đức Giê-su đã nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” (Ga 14, 23-24). Ở giai đoạn này, người tín hữu coi luật lệ (giáo huấn luân lý) liên hệ mọi người với nhau (interpersonal), như lời mời gọi hãy yêu mến Thiên Chúa; đồng thời cũng coi tội lỗi (lỗi phạm luân lý) là điều liên hệ tới mọi người. Tội lỗi là từ chối yêu thương, là trả lời không với Thiên Chúa.

IV. Trách nhiệm luân lý trong hôn nhân:

Có được một quan niệm đúng đắn về trật tự luân lý, về các giá trị và nguyên tắc của nó, bao giờ cũng là một điều rất quan trọng; và càng quan trọng hơn nữa khi các khó khăn trong việc thực hiện những điều ấy càng nhiều hơn và trầm trọng hơn. Đò là “vì trật tự luân lý bày tỏ và nêu lên ý định của Thiên Chúa Tạo Hoá, nên không thể nào có tính cách phi ngôi vị và cũng không thể là nguyên nhân gây cái chết cho con người. Ngược lại, nó đáp ứng những đòi hỏi ghi khắc thật sâu thẳm trong con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Nó có mục đích phục vụ trọn vẹn cho nhân tính của con người, với một tình yêu tế nhị và đòi hỏi, tình yêu mà Thiên Chúa đã dùng để dựng nên và gìn giữ mọi tạo vật và hướng dẫn tạo vật đến hạnh phúc.” (Tông huấn Gia Đình “Familliaris Consortio”, số 34)

Được mời gọi sống một cách có trách nhiệm ý định đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa, con người – là một hữu thể được đặt trong lịch sử – ngày qua ngày tự xây dựng lấy mình với rất nhiều chọn lựa tự do. Nhờ thế, họ hiểu biết, yêu mến và chu toàn sự thiện luân lý bằng cách theo sát các giai đoạn tăng trưởng. Trong khung cảnh đời sống luân lý của họ, đôi bạn được mời gọi tiến bước, với sự nâng đỡ của khát vọng chân thành và hữu hiệu muốn hiểu biết hơn về những giá trị đã được luật Thiên Chúa đảm bảo và cổ võ, và với ý chí muốn cho các giá trị ấy được đưa vào trong các chọn lựa cụ thể của họ một cách thẳng thắn và quảng đại.

Tuy nhiên họ không thể coi luật đó như chỉ thuần là một lý tưởng phải đạt đến trong tương lai, nhưng họ phải nhìn luật đó như là một mệnh lệnh của Đức Ki-tô, Đấng đang truyền cho họ phải nghiêm chỉnh vượt qua các trở ngại. Theo ý định của Thiên Chúa, tất cả mọi đôi bạn đều được mời gọi sống thánh thiện trong hôn nhân, và ơn gọi này được thực hiện trong mức độ mà con người xét như ngôi vị có khả năng đáp trả lại luật buộc của Thiên Chúa, nhờ được sinh động bởi lòng tín thác bình an vào ân sủng Thiên Chúa và vào ý muốn của Người. Cũng thế, khoa sư phạm của Hội Thánh có bổn phận phải làm sao để giúp các đôi bạn nhìn nhận rõ ràng giáo lý của thông điệp Sự Sống Con Người, như là nguyên tắc thực hành tính dục, đồng thời thật lòng quan tâm tạo những điều kiện cần thiết để tuân giữ những nguyên tắc ấy.

Trong bối cảnh đó, người ta hiểu được rằng không thể nào loại bỏ sự hy sinh trong đời sống gia đình; nhưng trái lại, phải thật lòng chấp nhận nó, ngõ hầu tình yêu vợ chồng được đào sâu hơn và trở nên nguồn mạch cho hạnh phúc gia đình. Con đường chung cho mọi người đòi buộc sự suy nghĩ, sự thông tin và giáo dục tương xứng nơi các linh mục, tu sĩ và những giáo dân dấn thân cho mục vụ gia đình. Như thế, họ có thể giúp các đôi bạn trên con đường nhân bản và thiêng liêng. Con đường này bao gồm ý thức về tội lỗi, sự chân thành dấn thân tuân giữ luật luân lý, tác vụ hòa giải. Cần lưu ý là trong tình thân mật vợ chồng, có các ý muốn của hai ngôi vị, phải làm sao để các ý muốn ấy được xếp đặt và suy nghĩ hòa hợp với nhau. Điều nầy đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, thông cảm và thời gian. Đặc biệt trong lãnh vực này, các linh mục cần có sự thống nhất trong những phán đoán luân lý và mục vụ. Linh mục cần phải tìm tòi kỹ lưỡng để thật sự có được sự thống nhất ấy, ngõ hầu giúp các tín hữu khỏi phải đau khổ vì bị bối rối lương tâm.

Con đường của các đôi bạn trong hôn nhân sẽ trở nên dễ dàng một khi đã đầy lòng quí chuộng giáo lý của Hội Thánh, họ đầy lòng tin tưởng vào ân sủng Đức Ki-tô, cũng như được sự trợ giúp và đồng hành của các vị chủ chăn và toàn thể cộng đồng Hội Thánh, họ biết khám phá và cảm nghiệm được giá trị giải phóng và nâng cao của tình yêu chân chính, mà Tin Mừng đem lại và lệnh truyền của Chúa nêu lên. Gia đình là một cộng đồng đầu tiên của sự sống và tình yêu, nơi con người học yêu mến và cảm thấy được mến yêu, không những bởi người khác mà còn bởi chính Thiên Chúa nữa. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II kêu gọi: “Vì thế hỡi các cha mẹ Công Giáo, bổn phận của anh chị em là xây dựng và gìn giữ tổ ấm này, trong đó con cái anh chị em được sinh ra và lớn lên trong phẩm giá làm con Thiên Chúa. Nhưng tình yêu của anh chị em chỉ có thể nói về Thiên Chúa cho con cái của anh chị em, nếu trước hết anh chị em được sống trong sự thánh thiện và trong việc tận hiến hoàn toàn cho nhau trong hôn nhân.” (Tông huấn Gia Đình “Familliaris Consortio”, số 34).

Kết luận:

Tóm lại, có thể nói rằng luân lý Ki-tô giáo không giới hạn vào việc làm lành lánh dữ. Nó đòi hỏi người tín hữu phải nhìn lên chính Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, nhất là tình yêu vô bờ bến của Người, để lấy đó làm khuôn mẫu cư xử. Mặt khác, người Ki-tô hữu không hành động đơn thân độc mã: Thánh Thần và ơn thánh sẽ trợ giúp để thực hiện ơn gọi nên thánh qua việc thực thi bác ái, các mối phúc thật. Ý thức vấn đề có tầm mức quan trọng như vậy, người Ki-tô hữu cần nhìn theo quan điểm Ki-tô giáo dưới góc nhìn luân lý về vai trò và trách nhiệm cá nhân mình trong hôn nhân. Để được như vậy, xin hãy chạy đến với Đức Maria, Mẹ của các gia đình, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho bản thân được sống đúng vai trò của người chồng (hoặc người vợ, người cha, người mẹ) trong hôn nhân, ngõ hầu biến cải gia đình thành bản sao trung thực Thánh gia Na-da-rét. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts