Tôi vừa được chỉ định làm Linh Mục tuyên úy cho Viện Dưỡng Lão ở miền Trung nước Pháp. Mỗi khi thi hành công tác mục vụ mới nơi cơ sở mới, tôi có thói quen chào thăm và học hỏi danh tánh từng người mà tôi có nhiệm vụ coi sóc hoặc tiếp xúc.
Khi vừa đến Viện Dưỡng Lão người ta báo ngay cho tôi biết ông làm vườn rất cau có khó chịu. Ít người làm quen nói chuyện được với ông. Đặc biệt, ông ghét cay ghét đắng các Linh Mục, vì ông có óc bài giáo sĩ rất nặng. Ông đã từng phục vụ lâu năm trong Đội Quân Lê Dương. Đối với ông, không có THIÊN CHÚA và cũng chẳng có Đạo giáo nào cả!
Vài ngày sau tôi ra vườn dạo chơi. Cây trái và hoa cỏ trong vườn được chăm sóc thật chu đáo. Tôi mới đi được vài bước thì người làm vườn đã trông thấy bóng dáng tôi. Ông cất tiếng nói bằng giọng cộc cằn. Ông hỏi tôi xớ rớ ngoài vườn làm gì, khiến ông bị ngứa mắt! Tôi nhã nhặn trả lời: “Tôi ra vườn vừa để hít thở khí mát vừa để chiêm ngắm những bông hoa đẹp mà ông dày công vun trồng chăm sóc!” Nghe tôi nói thế, ông hứ lên một tiếng và bĩu môi khinh bỉ. Xong ông quay lưng bỏ đi nơi khác ..
Đó là quang cảnh buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai chúng tôi. Tuy vậy, tôi không nản lòng. Một tuần sau, tôi lại ra vườn đổi khí và ngắm hoa. Người làm vườn vẫn giữ nguyên thái độ khó chịu ban đầu.
Tuy nhiên, đến lần gặp gỡ thứ tư và thứ năm thì bầu khí thay đổi một chút. Ông nhã nhặn hơn, thân tình hơn. Tôi vẫn kiên trì ra vườn dạo chơi và khen hoa đẹp, cây trái tốt tươi .. Cho đến một ngày, chúng tôi bắt đầu cuộc nói chuyện thật sự. Ông nói: “Cha là vị Linh Mục đầu tiên để ý đến tôi, hỏi thăm tin tức và trao đổi ý kiến với tôi”. Nói thế, nhưng ông ranh mãnh chặn trước: “Dầu vậy, cha đừng tưởng là sẽ ban phép Giải Tội được cho tôi. Không có chuyện dễ dàng như vậy đâu!”
Bỗng một buổi chiều, chính ông đến tận phòng tôi và nói: “Mời cha ra vườn, con sẽ chỉ cho cha xem chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ mà con dấu kín từ bao năm nay”. Tôi mau mắn đi theo ông. Nơi một góc vườn, ẩn sau mấy bụi cây nhỏ, trông giống như một chiếc tổ chim, quả thật có chiếc đầu của bức tượng Đức Mẹ. Ông giải thích: “Một ngày, tình cờ con trông thấy chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy. Con thấy tội nghiệp. Con không nỡ để chiếc đầu Đức Mẹ bị bỏ rơi lăn lóc! Con lượm đem về. Con dọn dẹp một chỗ, như cha trông thấy đó, và con đặt chiếc đầu Đức Mẹ vào. Xong, con trưng hoa tươi cho Đức Mẹ. Từ đó, bên tượng Đức Mẹ, không bao giờ thiếu hoa tươi, hoa đẹp”.
Kể từ ngày hôm ấy cuộc gặp gỡ chuyện trò giữa hai chúng tôi ngoài vườn, luôn luôn kết thúc bằng cuộc kính viếng và cầu nguyện bên chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy.
Ngày tháng trôi qua, một hôm người làm vườn lâm trọng bệnh. Bệnh tình cứ tăng dần. Tôi thường xuyên viếng thăm ông. Cho đến một ngày ông nói với tôi: “Thưa Cha, chắc chắn lần này con không thoát chết. Vậy ngày mai, xin Cha mang ‘tất cả đồ nghề Linh Mục’ của Cha đến và xin Cha tự lo liệu xoay xở giúp con giải quyết vấn đề quan trọng nhất cuộc đời con .. đó là vấn đề bước qua thế giới bên kia”.
Tôi chu đáo giúp ông làm vườn chuẩn bị lãnh nhận cùng lúc ba Bí Tích sau cùng: Giải Tội, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân. Người lính “Lê Dương” già, từng tham gia bao trận chiến khốc liệt, lại không giữ Đạo nghĩa gì cả. Vậy mà, đến giờ sau cùng, được ơn ăn năn trở lại và được ơn chết lành, chỉ vì ông đã cứu một chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy. Quả là Đức Mẹ MARIA đã thưởng công bội hậu cho một nghĩa cử, thoạt xem ra có vẻ nhỏ nhoi, nhưng lại dấu ẩn một con tim hiếu thảo và nhạy cảm.
“Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một con rồng lớn, đỏ như lửa, có 7 đầu và 10 sừng, trên 7 đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con rồng đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh xong là nó nuốt ngay Con Bà. Bà đã sinh được một Người Con, một Người Con Trai, Người Con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con Bà được đưa ngay lên THIÊN CHÚA, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó THIÊN CHÚA đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ở, để Bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Khải Huyền 12,1-6).
(René Laurentin + Albert Pfleger “Fioretti de la Vierge Marie”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1990).