Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta mừng kính lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15.9) ngay sau lễ Suy tôn Thánh giá (14.9). Theo khía cạnh con người, Giáo hội muốn diễn tả sự đau buồn của Đức Mẹ sau khi mất đi người Con yêu dấu của mình là Đức Giêsu.
Tuy nhiên, không vì thế mà Mẹ chùn bước, quỵ ngã. Trái lại Mẹ đã đứng vững dưới chân Thập giá như lời bài hát “Mẹ đứng đó” của Linh mục Kim Long: “Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu, nhạc thương trầm buồn hắt hiu, đồi cao u hoài loan máu đào…”; “Mẹ đứng đó, tâm hồn tê tái sầu, hiệp thông cùng con dấu yêu…”
Một không gian ảm đạm, một cảnh tượng bi thảm, một chiều buồn tê tái, một khung cảnh tuyệt vọng… đó là những gì có thể diễn tả được giây phút Đức Giêsu – Con Mẹ trút hơi thở cuối cùng trên cây Thập giá.
Thế nhưng, Mẹ vẫn đứng đó! Mẹ không gục ngã, Mẹ không than van. Dẫu rằng, Mẹ đau lắm, đau nỗi đau mất đi người Con yêu dấu của mình.
Mẹ đứng cạnh Thập giá nơi Con Mẹ bị treo lên. Mẹ đứng đó dưới chân Thập giá để chứng kiến con mình trút hơi thở cuối cùng. Mẹ vẫn đứng đó cho dẫu tâm hồn Mẹ đang tan nát. Mẹ vẫn đứng đó cho dẫu trái tim Mẹ tái tê như bị xẻ làm đôi.
Bởi đâu Mẹ vẫn đứng đó?
Mẹ vẫn đứng đó bởi Mẹ luôn có một niềm tín thác vào Thiên Chúa. Mẹ luôn hy vọng vào một viễn cảnh mới mở ra như Thiên Chúa đã hứa. Mẹ tin chắc rằng Con Mẹ sẽ được Phục sinh. Bởi “Mẹ luôn ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.”
Mẹ đứng đó giữa muôn trùng sóng gió trong cuộc đời khi nuôi dưỡng Đức Giêsu. Mẹ đứng đó khi đối diện với những thử thách đến “ngàn cân treo sợi tóc”. Mẹ đứng đó bởi Mẹ đã trao ban trọn vẹn cuộc đời Mẹ trong tay Thiên Chúa.
Mừng lễ Mẹ Sầu Bi nhắc nhở chúng ta về tình mẫu tử thiêng liêng giữa mỗi chúng ta với Mẹ. Khi mất đi người Con yêu dấu cũng chính là lúc Mẹ nhận lấy cả nhân loại làm con mình ngang qua môn đệ Gioan: “đây là con của Bà” (Ga 19, 26).
Trong tâm tình mẫu tử thiêng liêng đó, là con của Mẹ, mỗi chúng ta được mời gọi, sống như Mẹ, nói như Mẹ, làm như Mẹ, tin tưởng như Mẹ, kiên vững như Mẹ và trao ban đời mình vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa như Mẹ.
J.B Lê Đình Nam