Năm 1977, vùng truyền giáo cho người dân tộc thiểu số mà chúng tôi dấn thân bị xóa sổ sau một trận nổi loạn của một nhóm anh em dân tộc có vũ trang. Anh em Tu Sĩ Linh Mục chúng tôi, kẻ bị bắt ngồi tù, kẻ bị quản thúc tại nhà dân, nhiều chị em Nữ Tu bị bắt, bị kết án, các cộng đoàn Nữ Tu bị giải tán, Bản thân tôi thì chạy về được Sàigòn bình an. Có một nhóm chạy dạt về Bến Thủ, Long An, là quê của một vị Nữ Tu đứng tuổi, cùng đi với chị là một vị Nữ Tu già, cả cuộc đời dấn thân và yêu thương người dân tộc.
Sau đại nạn kể trên, có dịp tôi thường tìm cách về Long An thăm các chị để an ủi lẫn nhau, nâng đỡ và giữ vững tinh thần truyền giáo. Căn nhà các chị ở nền đất nện, sạch bóng, vách lá gió thổi mát rượi nằm ven con kênh nhỏ hiền hòa. Tôi ngỏ ý muốn đi thăm cha Xứ (dân miền Nam gọi Linh Mục là “Ông Cố”), người ta dẫn tôi ra Đất Thánh để gặp vì “Ông Cố” gần như cả ngày ở ngoài đó.
“Ông Cố” là một Linh Mục còn trẻ, dáng người thanh mảnh cao ráo, có lòng yêu mến các linh hồn một cách đặc biệt, cha lo lắng chăm sóc cả khu Đất Thánh gọn gàng sạch sẽ. Tôi ra đến nơi thấy trên tay cha đang cầm cái bình tưới bông, cây cuốc thì dựng dứng kế bên. Vậy là anh em chúng tôi quen nhau từ dạo đó. Buổi chuyện trò ngoài Đất Thánh, cung cách hiền hòa dịu dàng khiêm tốn, chân thành, đơn sơ của “Ông Cố” đã nhanh chóng chinh phục tôi, một hình ảnh đẹp về một Linh Mục cứ còn mãi trong tôi. Ngài chia sẻ về tình cảm và lòng tin mà ngài dành cho các linh hồn với niềm xác tín về sự mấu nhiệm Các Thánh Thông Công.
Trong các buổi giáo lý hoặc huấn đức, có đôi lần chúng ta nói về sự trợ giúp dành cho chúng ta đến từ các Đẳng Linh hồn, rồi khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho các Đẳng cũng như kêu cầu các Đẳng trợ giúp chúng ta những khi ngặt nghèo, không thiếu những câu chuyện như vậy. Tuy nhiên hình như chúng ta lại tập trung cầu nguyện cho các Đẳng nhiều hơn là tìm kiếm một sự hiệp thông trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, sự hiệp thông có khi chỉ được hiểu một chiều.
Tự trong nguyên gốc của việc xây dựng Nhà Thờ, cộng đoàn chọn lựa khu đất cao ráo nhất, thuận tiện nhất cho việc đi lại để xây dựng Nhà Thờ, luôn luôn phía đầu Nhà Thờ (phía cung thánh), sau phòng thánh là Đất Thánh, Thánh Lễ chủ tế quay lên, đàng sau chủ tế là cộng đoàn lữ hành, phía trước chủ tế là cộng đoàn thanh luyện và vinh quang. Hình ảnh đó lột tả ý nghĩa của hai chữ PHỤNG VỤ, toàn thể Hội Thánh (kẻ sống cũng như người đã khuất) cùng thờ phượng Thiên Chúa. Sau này vì nhiều lý do người ta không còn quy hoạch Đất Thánh ở đầu Nhà Thờ nữa, và trong Thánh Lễ chủ tế quay xuống để họp đoàn cùng với Giáo Dân, nhưng Phụng Vụ Thánh Lễ vẫn là của toàn thể Hội Thánh (Vinh quang, Lữ hành và Thanh luyện).
Đất nước chúng ta đang trải qua những thử thách lớn lao, những nguy cơ không chỉ còn treo lơ lửng nhưng đang đổ ập xuống đầu dân tộc chúng ta. Môi trường thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, thực phẩm nhiễm độc trên cả mức báo động, bầu không khí ô nhiễm khắp nơi, ung thư, tai nạn giao thông… hàng năm cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng. Xã hội đảo điên, tội ác đe dọa sự an bình, giáo dục xuống cấp trầm trọng, con người sống giả dối… Không phải chỉ xã hội, người khác, ai đó ngoài chúng ta, mà ngay chính trong mỗi người chúng ta cũng đang phải chịu một sức trương căng như thế.
Chúng ta đang nhắc lại lời khuyên dạy ở Fatima, chúng ta đang cố bảo nhau quay trở lại với kinh Mai Khôi, đã có những sáng kiến thực hiện sao cho thích hợp với cuộc sống hiện tại, những nhóm nhỏ lần chuỗi với nhau, các cộng đồng cơ bản lần chuỗi với nhau, lần chuỗi online… Tại sao chúng ta không cùng với các Đẳng lần chuỗi cầu nguyện cho đất nước, dân tộc chúng ta. Lời cầu nguyện của các Đẳng linh hồn chắc chắn rất có thế giá trước tôn nhan Chúa. Không chỉ cầu nguyện cho các Đẳng, hãy thử cùng các Đẳng cầu nguyện.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 2.11.2017, theo Ephata 770