Nếu hiểu Mùa Vọng là thời gian của đợi chờ thì phải chăng Dân Chúa có tới…hai Mùa Vọng ? Một trong thời Cựu Ước và hai trong thời Tân Ước. Thời Cựu người ta chờ đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát Dân Người còn trong thời Tân Ước hiện nay thì chúng ta chờ đợi Chúa đến trong Ngày Chung Thẩm để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Con người chỉ mong đợi sự giải thoát khi lâm cảnh tù đầy giam hãm. Có thể nói lịch sử của dân Do Thái là lịch sử nối tiếp của những cuộc lưu đầy. Họ bị phát vãng tới các quốc gia lân bang hùng mạnh. Bởi đó cho nên cái tâm tình của họ luôn khắc khoải mong có ngày được về với cố hương:
Bên bờ sông Babylon
Ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion
Trên cây dương liễu đất ấy
Ta treo đàn ta….
Cái điệp khúc nhớ nhung khôn nguôi quê cha đất tổ ấy cứ được lập đi lập lại mãi và họ không bao giờ chấp nhận cảnh lưu đày:
Bên bờ sông Babylon
Ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion
Có lẽ nào ta hát Thánh Ca trong nơi đất lạ….( Tv 137 ).
Cùng với sự khát khao trở về, nỗi lòng của dân Do Thái mong cho có một ngày Đấng Messia xuất hiện để cứu thoát dân tộc họ “ Vì có một con trẻ sẽ sanh cho chúng ta tức là một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ nảy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng Đấng Mưu Luận là ĐCT quyền năng là Cha đời đời là Chúa bình an” ( Is 9, 5 -6 ).
Khi thời cơ đến Đấng Ki Tô sẽ ra đời “ Kìa Nữ Đồng Trinh sẽ thọ thai snh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con đó là Emmanuel nghĩa là ĐCT ở cùng chúng ta” ( Mt 1, 23 ).
Lời tiên báo được ứng nghiệm Đức Ki To sinh ra đời. Thế nhưng dân Do Thái đã nhất mực không công nhận bởi vì Chúa Giê Su không đáp ứng được như lòng mong mỏi của họ về một Đấng Messia đến để cứu thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang hầu thiết lập một đất nước hùng cường. Sự hiểu lầm về Đấng Messia Cứu Độ không những chỉ có trong giới tư tế lãnh đạo mà còn cho cả các Tông Đồ ngay trước khi Chúa về trời “ Họ hỏi: Có phải lúc này là lúc Ngài khôi phục nước Itsraen chăng ? “ ( Cv 1, 6 ).
Sự hiểu lầm của dân Do Thái thật vô cùng tai hại bởi chưng không phải vì họ giết chết Chúa Giê Su nhưng là đã giết chết cái niềm hy vọng đợi trông của cha ông và của chính họ.
Lịch sử không thể tái diễn thế nhưng bài học của lịch sử là cái chúng ta không bao giờ được phép…quên. Hơn nữa cái chết của Chúa Giê Su không chìm vào lịch sử như mọi nhân vật nào khác. Ngài vẫn sống và tác động trong lịch sử nhân loại và của mỗi người.
Ở đây có câu hỏi cần được đặt ra đó là bởi nguyên nhân nào mà dân Do Thái trước đây và hiện nay vẫn lầm về Đấng Cứu Độ ? Thật sự thì các tiên tri đã báo trước về một Đấng Ki Tô hoàn toàn khác với quan niệm của người Do Thái “ Có một chồi sẽ nảy lên từ gốc I sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái. Thần của Đức Giê hova sẽ ngự trên Ngài tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu lược và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê hova. Ngài lấy sự kính sợ Đức Giê hova làm vui. Chẳng phán xét theo mắt thấy và chẳng cứ sự tai nghe mà đoán định. Nhưng Ngài sẽ dùng sự công bình xét đoán kẻ ngheo khó và xử lẽ ngay thẳng cho kẻ nhu mì trên đất. Ngài sẽ đánh thế gian bằng cây gậy của nơi môi mà giết kẻ ác. Sự công bình sẽ làm giây thắt lưng của Ngài. Sự thành tín sẽ làm giây ràng hông” ( Is 11, 1 -5 ).
Những lời của tiên tri Isaia hoàn toàn ứng nghiệm nơi Chúa Giê Su. Qua những lời này cho thấy Ngài đích thực là Đấng Cứu Độ và tính chất Cứu Độ ấy là để độ thoát con người ra khỏi sự trói buộc nô lệ của tội lỗi hầu kết hợp với Đấng Thiên Chúa là Cha ở nơi mình. “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Đến với Cha có nghĩa là nhận biết về Chân Bản Tính mình. Những ai nhận biết được Chân Bản Tính và sống với nó thì sẽ có sự sống đời đời “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức chân thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).
Nhận biết về Đấng Cha cũng tức là nhận biết mình là Hình Ảnh của Thiên Chúa là Con Thiên Chúa. Tín hữu chúng ta sống đạo không phải là sống điều chi khác mà là sống cái đạo làm Con Chúa. Để có thể sống đạo làm Con Chúa thì nhất định là phải có Đức Maria làm Mẹ. Tại sao ? Bởi vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Giê Su mà Chúa Giê Su lại là đầu của Thân Mầu Nhiệm còn chúng ta là các chi thể của Ngài ( Mt 15, 5 ).
Nếu Chúa Giê Su đã sinh ra bởi Đức Mẹ thì tất cả những ai là chi thể của Chúa dĩ nhiên không thể nào khác cũng phải do Đức Mẹ sinh ra. Đức Mẹ sinh ra ta là những chi thể của Chúa. Nói cách khác Đức Mẹ đã sinh Chúa Giê Su ở trong ta và cũng chính Ngài đã nuôi dưỡng chăm sóc để Chúa Giê Su ngày càng được lớn lên trong ta.
Đức Maria là một thiết yếu trong đời sống tâm linh của mỗi người. Không thể không có Đức Maria mà chúng ta có thể nhận biết Chúa. Hơn nữa còn được lớn lên trong Chúa. Người Do Thái xưa kia vì đã từ chối Đức Maria thế nên đồng thời họ cũng đã từ chối Chúa Giê Su “ Đang khi họ ( Thánh Gia Thất ) ở đó thì nàng đã đến ngày mãn nguyệt. Nàng sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc và để nằm trong máng cỏ vì không có chỗ cho họ trong nhà quán” ( Lc 2, 6 -7 ).
Người Do Thái vì đã từ chối Đức Mẹ thế nên không thể gặp được Đấng mà họ mỏi mòn đợi trông. Còn về phần chúng ta hôm nay mỗi người có đợi trông Chúa hay không. Đợi trông Chúa đến hay đợi trông Chúa sinh ra ? Chúa giáng sinh cách đây đã hơn hai ngàn năm vì vậy đâu có cần đợi trông Chúa sinh ra làm gì ?
Tất cả những việc trang trí đèn sao, hang đá…v.v..chẳng qua đó chỉ là một thứ hình thức để gợi nhớ mừng vui vì Chúa chúng ta đã sinh ra chứ chẳng có liên quan tới việc đợi trông như Chúa đòi hỏi phải sẵn sàng tỉnh thức “ Vậy nên các ngươi phải sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 44 ).
Luôn tỉnh thức nói thì dễ nhưng sống thì rất khó. Tuy nhiên cái điều khó ấy lại trở thành dễ nếu chúng ta biết cậy nhờ nơi Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân Côi hàng ngày tham dự Thánh Lễ và rước lễ với tất cả lòng tin yêu Chúa và mau mắn chạy đến với Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ mỗi khi gặp chước cám dỗ của ba thù ma quỷ, thế gian và xác thịt./.
Phùng Văn Hóa