Tận dụng những ngày sau Lễ Giáng Sinh, các sinh hoạt trong sân Nhà Thờ Kỳ Đồng tạm ngưng, nhóm Linh Mục phòng Công Lý và Hòa Bình, DCCT Sàigòn, tổ chức họp mặt sinh hoạt trao quà xuân với một số Thương Phế Binh VNCH thuộc vùng Sàigòn và các tỉnh phụ cận. Theo tin từ phòng Công Lý và Hòa Bình loan báo, có khoảng trên 6.000 ông ghi danh tham dự chương trình “Tri Ân TPB – VNCH” do Phòng Công Lý và Hòa Bình tổ chức, lần họp mặt này dành cho khoảng trên 4.000 ông. Trên 700 ông vùng miền Trung (từ Phú Yên trở ra Quảng Trị) vì đường xa và sức khỏe yếu kém nên các cha sẽ đến tận nơi để trao quà cho các ông, cùng lúc thăm nhà, xem xét hầu có những hỗ trợ cần thiết. Khoảng hơn 1.000 ông khác rải rác ở các vùng xa thuộc miền Nam hay Đông Nam, hoặc vì yếu sức không đến được, hoặc vì không liên lạc được, các ông vì nghèo nên thường dùng sim khuyến mãi, dùng hết tài khoản rồi bỏ nên số điện thoại thay đổi liên tục, hoặc vì phải di chuyển chỗ ở nên mất liên lạc với người thường dùng nhờ điện thoại, các cha cũng sẽ tổ chức đến nơi để trao quà. Nhưng dầu sao được họp mặt, ca hát và tâm sự với nhau trực tiếp tại DCCT vẫn là điều các ông yêu thích.
Các cuộc họp mặt được tổ chức liên tục trong năm ngày 26, 27, 28, 29 và 30, trừ sáng ngày 28 tạm ngưng để nhường sân cho một sinh hoạt khác của Nhà Dòng. Chiều nay 28 tháng 12, một ông được người nhà dẫn đi vì ông bị mù cả hai mắt, người con gái dẫn cha mình đi dự họp mặt là một Nữ Tu, chị đã không giấu được nỗi vui mừng chia sẻ với chúng tôi rằng, cả tuần này ba của chị đứng ngồi không yên, nói huyên thuyên trong nhà là sao chờ đến ngày đi dự lâu thế! Đêm qua ông đã trằn trọc không ngủ, mong đến sáng để đi gặp bạn mình. Ông cụ chẳng che đậy niềm vui luôn miệng cám ơn các cha.
Hôm qua chúng tôi gặp một người TPB khác, ông nửa buồn nửa vui nói với tôi, tôi nhận ra ông là cha của một người tôi quen biết, chị này có lần đã nói với tôi về cha mình, chị cho biết ở nhà ông sống rất lạc lõng, thường bất đồng ý kiến với mẹ chị và gia đình, ông đòi đi tham dự các sinh hoạt do chúng tôi tổ chức nhưng chị ngăn cản và nói với ông về gia cảnh nhà chị không hề thiếu thốn thì lên đó sinh hoạt nhận quà làm gì, hơn nữa ông hay sống với quá khứ, nói những chuyện ngày xưa không ăn nhập gì với gia đình hiện tại. Dĩ nhiên tôi góp ý với chị về ông, cho thấy tâm lý của ông với những tổn thương ông phải mang. Ở đây không phải là gói quà, hay hai tờ giấy 500 ngàn là quan trọng, nhưng chính là sự cảm thông, trân trọng và tình “huynh đệ chi binh” rất cần cho tuổi già một người lính. Và có lẽ vì sự góp ý thẳng thắn của tôi mà lần này chị cho ông bố đi dự. Gặp chúng tôi, ông cám ơn và xin nhường quà cho anh em khác, ông nói được gặp anh em là ông thỏa mãn lắm rồi…
Trong một lần chúng tôi đi thăm các TPB, đến một thị trấn vùng biên giới, rất khó khăn để được gặp các ông, chỉ được một vài người, phần đông bán vé số dạo. Có một TPB vốn là sĩ quan TQLC, rất ít gặp gỡ anh em, nguyên nhân chỉ vì ông bị tàn phế, sống hoàn toàn nhờ vào các con, ông được giao trông coi một cửa hàng internet do con ông mở ra, thu nhập ông được hưởng một phần để sinh sống, ông bị đứa con đe dọa nếu tham gia gặp gỡ các TPB khác thì sẽ bị cắt nguồn sống. Cuối cùng thì ông cũng đến điểm hẹn với chúng tôi và các TPB khác, trong vài phút ngắn ngủi họp mặt, ông nghẹn ngào nói: “Tôi là một thằng hèn, tôi không biết làm gì hơn…” Gạt nước mắt, ông leo lên chiếc xe lắc, chào anh em, rồi lắc đi… Chúng tôi buồn nhìn theo, mãi không quên được dáng vẻ tội nghiệp của một người ốm yếu với đôi chân cụt!
Trong nhiều năm qua giúp cho các ông TPB, chúng tôi đã có cơ hội để gặp hàng ngàn những tình huống đớn đau như vậy…
Mấy ngày nay, sân sau Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn ngập tiếng cười, rộn ràng tiếng hát, những chiếc áo xanh, nón xanh da trời của tình nguyện bận rộn lăng xăng, những chiến bào một thủa bao bọc thân thể người trai trẻ nay được khoác lại lên thân người lính già ốm yếu, mù lòa, khắc khổ… Những chiếc áo dài của những người hát cho lính bay lượn bên các cựu chiến binh tật nguyện như lời một bài hát nào năm xưa “Em một chiều dạo phố mùa xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá”, nhưng hình như hôm nay những người lính ấy không còn chai đá, những nụ cười và nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo cằn cỗi của người… “Em cho anh mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở…”!
Vị Bề Trên năm nào của Nhà Dòng cuối thập niên 60 đã tinh tế đặt tên cho khoảng sân phía sau Nhà Thờ này tên gọi “Sân Hiệp Nhất”. Hiệp Nhất là tinh thần của Chúa Kitô mong muốn cho Giáo Hội của Ngài thực hiện nơi trần gian, Hiệp Nhất là bản chất của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ba Ngôi, là nguồn cội của Sự Sống, là nguyên lý của vũ trụ và là lẽ sống của người Kitô hữu.
Khi đón nhận các ông TPB – VNCH, đến sinh hoạt tại đây, nhiều ý kiến đã gây ra không ít những khó khăn cho chương trình, có lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục. Dĩ nhiên nguyên nhân vẫn nằm ở quyền lực của Sự Dữ, của chia rẽ và bất công, của ích kỷ và độc đoán, của hèn kém và mặc cảm. Bạo lực thế gian đã can thiệp nhằm chấm dứt một tiến trình gây dựng tình thương và chữa lành.
Như một lời Kinh Thánh đã đoan quyết: sự gì của Thiên Chúa thì không ai có thể ngăn cản được, nếu là của thế gian thì tự nó sẽ tiêu diệt. Từng ngày, từng năm, từng hành động cụ thể minh chứng cho động lực tình yêu, dần dần những ý kiến trái chiều, những đố kỵ nội bộ đã và sẽ còn bị xóa nhòa, ngày càng nhiều người chấp nhận, ủng hộ và thậm chí đồng hành với chương trình, nét đẹp Hiệp Nhất đang lộ dần trên vuông sân có cái tên Hiệp Nhất yêu thương đó.
Trong định hướng lục niên của DCCT, người ta đọc thấy hàng chữ “Một thế giới bị tổn thương” cùng với sự xác tín về ơn gọi của mình, phải chăng anh em tu sĩ DCCT đang tìm kiếm và đã thấy một thế giới bị tổn thương ngay trong tầm mắt của mình tại khoảng sân mang tên Hiệp Nhất này.
Lời chất vấn của cha Bề Trên Tổng Quyền Nhà Dòng trong lá thư ngày 31.5.2017: “Mỗi cơ sở, mỗi cộng đoàn, mỗi ngôi Đền của chúng ta có phải là nơi quy tụ an toàn cho những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi không?” Lời chất vấn này cứ vang đi dội lại trong trái tim của từng anh em Tu Sĩ DCCT chúng tôi…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.12.2017, theo Ephata 778