“Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan người đời,
nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.” (2Cr 2, 12).
Những nền văn hóa Đông phương đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này nhằm mục đích thực tế là giúp con người cư xử thận trọng và khôn khéo để thành công trên đời. Điều đó bao hàm một suy tư về thế giới và cũng đưa đến một khởi thảo một nền luân lý, để rồi không thể thiếu liên lạc với tôn giáo. Vào thế kỷ VI ở Hy lạp, niềm suy tư nặng phần lý thuyết nên khôn ngoan biến thành triết lý. Như vậy bên cạnh một khoa học vừa phôi thai và những kỹ thuật đang phát triển, khôn ngoan là một yếu tố quan trọng của nền văn minh.
Trong mạc khải Thánh Kinh, Lời Chúa cũng mang hình thức khôn ngoan. Đó là sự kiện quan trọng nhưng cần phải giải thích đúng đắn. Sự kiện đó không có nghĩa là đến một giai đoạn phát triển nào đó, mạc khải sẽ biến dạng thành nhân bản thuyết. Sự khôn ngoan được linh ứng, cho dù nó bao hàm phần tinh hoa của khôn ngoan nhân loại, nhưng có một bản chất khác hẳn. Sự kiện này đã manh nha từ Cựu Ước, và được nổi bật trong Tân Ước[1].
Khôn ngoan nhân loại và khôn ngoan Thiên Chúa
Sách Các Vua cho thấy “Sự khôn ngoan của Salomon lớn hơn sự khôn ngoan của tất cả người Trung Đông và hơn cả sự khôn ngoan của Ai cập.” (1V 5, 9-14). Ý tưởng này nhằm đến tri thức cá nhân và cả nghệ thuật cai trị khéo léo của nhà vua. Nhưng đối với những người có lòng tin thì đó là hồng ân Thiên Chúa mà Salomon đã cầu xin được.
Đành rằng có thứ khôn ngoan này thì cũng có những thứ khôn ngoan khác. Nhưng khôn ngoan đích thực thì bởi Thiên Chúa, chính Ngài ban cho con người “một quả tim biết phân biệt lành dữ” (1V 3, 9). Nhưng rồi cũng như nguyên tổ, mọi người đều bị lôi cuốn tiếm đoạt quyền này của Thiên Chúa, dựa vào sức riêng của mình (x. Stk 3, 5). Đó là khôn ngoan lừa lọc và mưu mô của con rắn lôi cuốn họ theo (x. Stk 3, 1). Đó là khôn ngoan của các luật sĩ, của những kẻ có quyền bính, hành xử hoàn toàn theo tính cách phàm tục, theo nhãn giới riêng, theo nhận xét riêng mà các sứ ngôn đã từng cảnh cáo (x. Is 5, 21).
Sự kiện Giêrusalem sụp đổ đã xác nhận những lời cảnh cáo của các ngôn sứ, vì thế lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ là nguyên tắc và thành tựu của khôn ngoan (x. Cn 9, 10). Sách Thánh vịnh cũng đã vang lên: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111, 10); và Sách Huấn ca cũng đã dạy: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1, 18).
Người khôn ngoan trong Kinh Thánh trước tiên là người nhận thấy bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trong thiên nhiên vạn vật và trong chính đời sống mình (x. G 36, 22-27; Hc 42, 15-43). Từ đó, họ là người thành thạo trong nghệ thuật sống đứng đắn; là người biết nhìn thế giới chung quanh với cặp mắt sáng suốt và không ảo tưởng; là người biết những bí ẩn và giới hạn của con người qua những niềm vui hay nỗi khổ (x. Cn 13, 12; Gs 7, 26); là người biết vạch ra qui luật cho mình là phải biết sống thận trọng, điều độ trong ước muốn, làm việc khiêm tốn, chừng mực, từ tốn, chân thành trong lời nói, v.v…
Sách thánh và các sứ ngôn cũng đã gợi cho họ những huấn giới về làm phúc bố thí (x. Hc 7, 32; Tb 4, 7-11); đức công chính (x. Cn 11, 1); yêu thương kẻ nghèo khó (x. Cn 14, 31). Vấn đề bất công, đau khổ, sự chết cũng sẽ được giải quyết trong niềm tin vào sự sống lại (x. Đn 12, 2…) và vào đời sống vĩnh cửu (x. Kn 5, 15).
Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan
Sự khôn ngoan con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan tuyệt hảo. Vì thế các tác giả Sách Thánh chiêm ngắm sự Khôn Ngoan Thiên Chúa như nguồn gốc sự khôn ngoan của họ. Đó là một thực tại thần linh đã có từ muôn thuở và sẽ còn mãi mãi (x. Cn 8, 22-26; Hc 24, 9). Sự khôn ngoan được nhân cách hóa, đã có mặt ngay trong cuộc sáng tạo (x. Cn 8, 27-31), và tiếp tục quan phòng hướng dẫn lịch sử (x. Kn 10, 1-11), bảo đảm ơn cứu độ cho những ai tiếp đón sự khôn ngoan và cũng chính là Thần Khí của Thiên Chúa (x. Kn 9, 17). Chính sự khôn ngoan tạo nên những người bạn của Thiên Chúa (x. Kn 7, 27tt). Sống mật thiết với khôn ngoan là sống mật thiết với chính Thiên Chúa.
Khi đồng hóa sự Khôn Ngoan với Đức Kitô, Tân Ước đã cho thấy khi liên kết với Đức Kitô, con người được thông phần vào sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và thấy mình được sống mật thiết với Ngài. Đức Kitô chính là “sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1, 24.30). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài (x. Rm 8, 29). Nguồn gốc sự khôn ngoan của chúng ta là như thế, nhưng nó còn tùy thuộc vào đời sống của mỗi người trong việc đón nhận và thấm nhập vào Đức Kitô đến mức độ nào.
Sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa
Sự khôn ngoan đã được mạc khải một cách nghịch thường qua sự điên dại của Đức Kitô khi Ngài đã dùng Thập Giá để cứu thế gian (x.1Cor 1, 17-25). Qua đó chúng ta thấy được sự khôn ngoan tự nó là một cái gì của Thiên Chúa, bí nhiệm và tàng ẩn, mà trí khôn loài người không thể dò xét được (x. 1Cor 2,7tt; Rm 11, 33tt; Col 2, 3), và chỉ được thông ban cho những ai sẵn sàng vâng nghe Ngài (x.1Cor 2, 10-16; Ep 1, 17). Chỉ khi con người tội lỗi của chúng ta cùng chịu đóng đinh với sự khôn ngoan kiêu căng của mình thì mới được tái sinh vào đời sống mới của Đức Kitô, để biết luôn hành động trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa dưới tác động của Thần Khí.
Sự khôn ngoan đó trước hết không phải là quy luật sống, nhưng là mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa (1Cor, 2, 6…), là tột đỉnh của sự hiểu biết tôn giáo mà thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu (x. Col 1, 9), để nhờ đó họ có thể chỉ bảo cho nhau (x. Col 3, 16) nhờ Thần Khí (x.1Cor 2, 13). Từ đó, khía cạnh luân lý của sự khôn ngoan mới dàn trải ra trong đời sống hằng ngày của Kitô hữu (x. Ep 5, 15; Col 4, 5).
Không có sự khôn ngoan thì việc thực hành vững vàng các nhân đức luân lý như khiêm nhường, hiền lành, trong sạch, vâng lời… cũng sẽ héo mòn. Để được như vậy, chúng ta cần tập nhìn mọi sự diễn ra dưới sự hiện diện của Chúa, đúng như Chúa là tác giả. Với cái nhìn khôn ngoan này, mọi nhân đức sẽ triển nở tươi tốt để điểm tô một nhân cách toàn diện.
Khôn ngoan – đặc ân của Thánh Thần
Khôn ngoan là đặc ân quí giá nhất của Chúa Thánh Thần , vì đó là hoa quả riêng của đức ái, là kho tàng tuyệt hảo nhất mà người ta có thể chiếm hữu trong cuộc sống này. Điều đó bao gồm một sự xếp đặt của tâm trí chúng ta để nhìn xem và đánh giá mọi sự trong ánh sáng thần linh.
“Khôn ngoan” theo động từ tiếng La tinh là “sapere”, nghĩa là “nếm”, là thưởng thức hương vị của món ăn. Theo nghĩa bóng, người khôn ngoan là người biết hưởng nếm, biết thưởng thức hương vị sâu xa, mặn mà của cuộc sống mình, biết đi sâu vào thực trạng nội tâm của mình, biết khám phá vẻ đẹp chân tính để vượt lên lối sống tầm thường của thế gian. Từ đó, ta mới cảm được sự thú vị của khôn ngoan, là càng ngày càng thấu hiểu sâu xa hơn những mầu nhiệm tôn giáo. Bởi vậy, sự khôn ngoan được định nghĩa như “một đặc ân mà nó làm hoàn hảo đức ái, bởi có thể làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa và những vật thần linh trong những nguyên lý tối hậu, và bởi ban cho chúng ta một hương vị thích thú nơi chúng”[2].
Sách Thánh Vịnh đã mời gọi chúng ta: “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, Chúa thiện hảo dường bao.” (Tv 33, 9). Đặc ân khôn ngoan không chỉ cho chúng ta nhìn thấy bằng ánh sáng của tâm trí, mà còn bằng đôi mắt của tâm hồn. Nó cho chúng ta khả năng kinh nghiệm để nếm thử và thưởng thức những sự vật thần linh.
Bởi đặc ân khôn ngoan như thế, Đức Maria đã chọn cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa, vì cách nào đó Mẹ đã nhìn thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài. Bởi đó, Mẹ đã quyết định “xin vâng” hoàn toàn để ý định của Chúa được hoàn tất nơi Mẹ, mà bất chấp những gì sẽ xẩy ra sau này. Bởi đó, Mẹ đã sống cuộc đời “xin vâng” một cách tuyệt đối để minh chứng rằng, mọi sự dưới vòm trời này chỉ có ý muốn của Thiên Chúa là khôn ngoan tuyệt hảo. Bởi đó, Mẹ cũng đã tuyên xưng lòng “xin vâng” một cách triệt để và anh hùng ngay dưới chân Thập giá Đức Kitô, để loan báo rằng, đó là mầu nhiệm cứu độ vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa mà thế gian không tài nào hiểu nổi, nhưng chỉ dành cho những ai bé nhỏ khiêm nhường. Thật tuyệt vời khi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Tòa Khôn Ngoan”.
Khôn ngoan đích thực nơi chính mình
Để cho ơn khôn ngoan của Chúa có thể lan tỏa trên mọi lãnh vực của đời sống, trước tiên cần phải khui ra cho được những cảm nghĩ tiêu cực của mình. Phải phơi bày ra ánh sáng những cảm tưởng và động lực mờ ám đang tàng ẩn trong tiềm thức, luôn thúc đẩy ta suy nghĩ và hành động theo hướng tiêu cực. Tất cả mọi rối reng và bất ổn bên ngoài đều phát xuất từ chính tâm hồn mình. Đừng cố gắng xoay chuyển thực tại, hoàn cảnh hay người khác, vì đó là việc làm vô ích và dại dột. Thực tại không không hề có vấn đề. Vấn đề nằm trong thâm tâm của mình. Chính mình là vấn đề. Nếu lấy hết mọi người ra khỏi hành tinh này thì sự sống vẫn tiếp diễn ở đó, thiên nhiên vẫn tiếp tục đi con đường của nó với tất cả nét yêu kiều và sức mạnh của nó.
Vì thế, đừng bao giờ đồng hóa mình với những cảm nghĩ tiêu cực do mình chiết xuất ra từ những dữ kiện bên ngoài. Cần phân định giữa cái “tôi” chủ thể và cái “tôi” đối tượng. Mọi cảm tưởng phát sinh là do sự kiện bên ngoài cung cấp và lôi kéo, nó chẳng dính dáng gì đến cái “tôi” chủ thể, nên không được xác định bản ngã căn cơ của mình bằng những cảm nghĩ đó. Ảo tưởng và sai lầm phát sinh ở chỗ ta dùng những cảm nghĩ từ những dữ kiện để xác định con người hay thái độ của mình.
Có thể ở đây và lúc này có một nỗi chán chường hay những thương tổn. Cứ mặc kệ nó, nó tự động đến thì nó tự động đi. Sự hiện diện của chúng như thủy triều lên xuống, không ăn nhập gì đến hạnh phúc của cái “tôi” chủ thể, nên đừng để mình bị tác động và đẩy đưa theo sự kiện của cái “tôi” đối tượng. Cần phải biết nhận thức để tạo sự cách ly, không chập lại làm một giữa hai cái “tôi” đó, nếu không, ta sẽ bị động tâm và nao núng, gây nên cảm ứng bung xung vì đã đặt mình lệ thuộc vào sự kiện bên ngoài. Đó là trường hợp khi ta quá bận tâm về sự chấp nhận hay phi bác của người khác, mà đánh mất tự do và bản lãnh của mình.
Cái cám dỗ sai lầm thường xuyên của chúng ta là muốn lấy người khác làm thước đo giá trị bản thân mình, và như vậy là tự đặt mình vào tình trạng nô lệ nghiệt ngã, không còn một chút khôn ngoan nào. Vì thế, kinh Bhagavad Gita của Ấn giáo khuyên ta: “Hãy lăn xả vào giữa khói lửa của chiến trận, và hãy đặt cõi lòng mình nơi tòa sen của Thần Minh”.
Cứ phải tự tách mình ra khỏi sự kiện, đặt mình trong trạng thái tự do, thanh thoát, hồn nhiên và sinh động. Để được tự do, ta không cần phải làm gì cả, chỉ cần bỏ đi một cái gì đó thôi. Cũng vậy, “Người ta không đạt đến Thiên Chúa bằng việc bổ xung thêm cái gì vào linh hồn mình, nhưng là bằng việc bớt đi.” (Meister Eckhart). Trong quan hệ với mọi người cũng thế, “Không phải ta thấy dễ chịu khi thiên hạ tốt đẹp, nhưng thiên hạ tốt đẹp vì ta thấy dễ chịu.”(Anthony de Mello).
Khôn ngoan như thế đòi ta phải kiên quyết giữ vững lòng trí mình một cách thanh tịnh, để tạo sự bình tâm giữa những xáo trộn của mọi tình huống bên ngoài, đồng thời hướng lòng mình lên cao để đón nhận ánh sáng của chân lý, giúp cho tâm hồn vẫn ung dung triển nở những cảm nghĩ tích cực và những phong thái cao đẹp. Muốn thế, những tình cảm không bao giờ tìm cách đi trước lý trí, và những cảm xúc không bao giờ được lấn át lý lẽ. Nhờ vậy ta tránh được những bồng bột và kích động của bản năng khi đứng trước mọi tình thế, để bình thản nhận ra đâu là dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa, đó là tuyệt đỉnh của sự khôn ngoan.
Đức Gioan XXIII nói về người khôn ngoan
– “Khôn ngoan là người biết giữ một phần sự thật khi chưa tiện nói ra, miễn là sự thinh lặng đó không làm nhẹ giá hay gây sự hiểu lầm cho một phần sự thật được tiết lộ”.
– “Khôn ngoan là người biết đi đến mục đích mình đã lựa chọn bằng những phương pháp kiến hiệu để quyết định đúng và thi hành đúng.”
– “Khôn ngoan là người biết tiên đoán và đo lường mọi khó khăn trở ngại có thể xảy ra, biết chọn con đường vừa phải để không gặp trở ngại khó khăn quá lớn.”
– “Khôn ngoan là người khi đã nhắm mục đích tốt đẹp, lớn lao và cao cả, sẽ không lạc hướng, nhưng biết vượt mọi trở ngại để làm cho được việc một cách hoàn hảo.”
– “Khôn ngoan là người trong mọi vấn đề biết đâu là cái chính, không lẩn quẫn trong cái phụ; biết dồn hết toàn lực một cách liên tục để đi cho tới cùng đích một cách tốt đẹp.”
– “Khôn ngoan là người khi bắt đầu, đã biết dâng hiến và phó thác thành quả cho Chúa, dù có thất bại một phần hay hoàn toàn đi nữa thì họ vẫn an tâm vì đã làm đúng, và biết qui hướng tất cả theo ý Chúa, cho vinh quang cao cả của Chúa.”
Phẩm chất của đời sống khôn ngoan
Hạnh phúc và bình an của người khôn ngoan phát sinh từ sự ngay thẳng: “Khôn ngoan chỉ tìm thấy ở trong sự chân thật.” (Goethe); cũng như từ tâm hồn lương thiện và đời sống trong sáng:“Sự khôn ngoan không thể len lỏi vào đầu óc của kẻ thiếu ý hướng ngay lành.” (Latin Proverb).
Người khôn ngoan thật là người biết tôn trọng, yêu quí và luôn tìm kiếm chân giá trị của đời sống, do đó biết đánh giá cao những gì tốt lành và dẹp sang một bên những gì tầm thường. Chúa Giêsu cũng đã nêu cao tính cách khôn ngoan của cô Maria, khi cô biết chọn cho mình phần tốt nhất và chẳng ai có thể lấy đi được (x. Lc 10, 39-42). Từ đó, ta cũng thấy người khôn ngoan là người can đảm để chọn một tính cách, một lối sống mà không sợ kẻ khác dèm pha, chỉ trích; đồng thời cũng là người biết tận dụng mọi thời cơ để lắng nghe tiếng Chúa, Đấng đang muốn thông truyền cho mình sự khôn ngoan đích thực: một sự khôn ngoan không dựa trên quan niệm của người đời, “bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.” (Lc 16, 15).
Thánh Phaolô cũng hòa chung tâm tình đó: “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa…” (1Cr 3, 19). Khôn ngoan đích thực là sự hiểu biết Thiên Chúa muốn mạc khải cho những người khiêm tốn, bé mọn (x. Lc 10, 21). Thật vậy, “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường.” (Cn 11, 2). Vì thế, “Ai đẹp lòng Thiên Chúa, thì Người ban cho trí khôn ngoan, sự hiểu biết và niềm vui.” (Gv 2, 26). Thánh Giacôbê đã kể ra những phẩm chất khôn ngoan do Chúa ban: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.” (Gc 3, 15-17).
Sự khôn ngoan của Thập Giá
Không thể tiến tới khôn ngoan sâu nhiệm nếu thiếu học hỏi và đào luyện mình ở trường đau khổ của Thập Giá Đức Kitô. Vì thế người khôn ngoan nhất là người biết tận dụng mọi khổ đau để được nên giống Đức Kitô và sống làm một với Ngài, để sự khôn ngoan của Ngài làm thành sự khôn ngoan của chính mình.
Thánh nữ Magarita thuật lại rằng, một hôm Chúa hiện ra với chị và nói: “Hai điều sau đây con muốn chọn điều nào: một là được khỏe mạnh, lòng trí luôn vui hưởng sự ngọt ngào và êm ái, được bề trên tín nhiệm, chị em quí mến, người ngoài cảm phục; hai là phải ốm đau bệnh tật, chịu bề trên thử thách, chị em khinh dể, luôn luôn cay đắng và tư bề khốn cực”. Nghe vậy, Magarita xao xuyến âu lo, sấp mình xuống than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng dám chọn điều nào cả, nhưng điều nào làm đẹp lòng Chúa hơn thì xin Chúa chọn thay cho con”.
Chúa lại phán bảo cùng chị: “Ta chọn cho con, con đường Thánh giá, vì chỉ Thánh giá mới làm đẹp lòng Ta hơn cả, và chỉ ai yêu mến Thánh giá mới thực giống ta hoàn toàn…”. Cũng chính lúc ấy Chúa cho xem thấy những sự khốn khó của cả đời chị. Chị rùng mình kinh khiếp, âu lo cho số phận mai ngày không biết ra sao, đau khổ sẽ làm cho đời mình ra thế nào. Bấy giờ chị suy nghĩ: “Yêu ai thì trao tặng điều quí nhất cho người mình yêu. Chúa Giêsu sẽ ban Nước Thiên Đàng cho những kẻ Ngài yêu, nên chẳng còn gì quí hơn là Thánh giá”.
Từ ngày đó trở đi, sau khi viết tờ tường trình phổ biến về việc yêu mến Thánh Tâm Chúa, Magarita chịu biết bao nhiêu khốn khổ: bị Giáo quyền cho là cuồng tín và bị quỉ ám, nên một linh mục nọ đến làm phép trừ quỉ cho chị. Chị tâm sự: “Bấy giờ mọi người đồng tình làm khổ tôi, bêu xấu tôi, bạc đãi tôi…”Chị phải chịu đựng như thế trong suốt 20 năm trường, nhưng nhờ vậy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được phổ biến khắp nơi. Những đau khổ, khờ dại của chị Magarita ngày xưa, giờ đây đã biến thành khôn ngoan, vinh hiển trước tòa Chúa.
Thật ra, khi kết hiệp sâu xa với Chúa trong cầu nguyện là lúc Chúa xin ta, chứ không phải ta xin Chúa. Điều Chúa xin ta vẫn luôn là tình yêu cứu độ của Ngài, mà chỉ có thể cứu độ qua con đường Thập giá là hiến thân hy sinh chính bản thân mình. Hoa trái của sự khôn ngoan siêu vượt này chỉ một mình Chúa biết và thông tri cho những tâm hồn khiêm nhu bé mọn, là những người được ôm ấp trong trái tim yêu dấu của Chúa, để họ có sức mạnh uống cạn chén đắng linh thiêng mà cũng chỉ một mình họ hiểu ý nghĩa và giá trị siêu vượt của nó. Đó cũng là sự khôn ngoan của trái tim chan chứa tình yêu, vượt trên sự khôn ngoan của trí óc.
Lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa vì mọi thử thách Chúa đã gởi đến cho con. Có những thử thách nặng nề đã làm con bàng hoàng kinh sợ, rã rời, chán ngán cuộc đời và con người. Có khi con đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi qua đó Chúa đã biến đổi cuộc đời con. Kinh nghiệm này cho con cảm nhận được tình yêu vô cùng khôn ngoan của Chúa, và dạy con trên bước đường đi tới hãy biết muốn điều Chúa muốn, biết yêu điều Chúa yêu, biết sống cho Chúa như Chúa đã sống cho con. Đó là sự khôn ngoan sâu thẳm nhất, vì sau mỗi thương đau là một đổi mới, cho con hưởng nếm được niềm vui khôn tả, và là một bảo đảm hạnh phúc của Chúa cho con.
Xin cho con biết nhìn xem mọi người, mọi vật và các biến cố như Chúa nhìn chúng trong một tinh thần khôn ngoan đích thật. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Simon Hòa Đà Lạt
[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr. 304.
[2] Tanquerey, The Spiritual Life, p. 629.