Ghềnh đá ven sông

Vào những năm 1997-1998, nghĩa là cách đây khoảng 20 năm, khi tôi còn đang theo học ở một Đại Chủng Viện nơi miền đồng quê thuộc tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, tôi thường lái xe đến thành phố Louisville, Kentucky để thăm bạn bè và thi hành mục vụ.  Ở thành phố này có 2 thứ nổi tiếng mà người dân gần xa rất ưa thích, đó là gà chiên: Kentucky Fried Chicken, và đua ngựa: Kentucky Derby Festival.  Thành phố Louisville ngày xưa là đáy biển, nhưng bây giờ phát triển thành nơi khô ráo, và ở miền đất này người ta tìm thấy nhiều vật thể đã một thời chôn vùi trong đáy đại dương.  Những bộ xương cá cổ xưa ngày nay đã hóa thạch, và hình dạng những chiếc vỏ xò, ốc biển cũng đã biến chuyển thành phiến đá giá trị và quý hiếm.  

Mỗi khi có dịp đến thăm thành phố Louisville vào những ngày cuối tuần, tôi thường lôi kéo bạn bè ra ghềnh đá ven sông để câu cá và ngóng gió.  Bầu khí ở đây rất thông thoáng, và cảnh vật lại bình yên trong lành.  Một kỷ niệm khó quên ở vùng đất này là thời ấy, tôi đã liên kết với 40-50 thanh thiếu niên nam nữ để cùng nhau thành lập Nhóm Giới Trẻ Dấn Thân Phục Vụ.  Họ thuộc thế hệ trẻ, là những người “nam thanh nữ tú:” trai thì độc thân vui tính, còn nữ thì chân ngắn lưng dài, nhưng lại lạc quan về tương lai.  Họ là những người hiền từ, thông minh, ưu tú trong xã hội, và dễ dàng hòa nhập với xã hội.  Thỉnh thoảng vào những đêm trăng sáng, chúng tôi rủ nhau ra bờ sông để cùng sinh hoạt.  Chúng tôi ngồi chơi với thiên nhiên, và phong cảnh ở đây rất thú vị bởi vì ở đó có biết bao phiến đá to nhỏ nằm chồng chất lên nhau như những dãy đồi.  Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, vui chơi, tâm sự, và thư giãn.  Có lúc chúng tôi chơi trò “hù ma,” giả “lên đồng,” chơi đàn ghi-ta, và chúng tôi ngồi tựa vào nhau để cùng ca hát cho đến khi rát cổ.  Có đêm chúng tôi nô đùa, nhóm thì rượt bắt, nhóm thì chạy nhảy, đám thì cười giỡn, đám thì tiếu lâm, và có khi chúng tôi phải đợi Cảnh Sát đến giải tán thì mới chịu ra về.  

Sở dĩ tôi nghĩ đến ghềnh đá ven sông vì 2 lý do sau đây.  Lý do thứ nhất là vì niềm vui nơi Nhóm Giới Trẻ, và cho đến bây giờ chúng tôi vẫn nhận thấy đây là một quảng thời gian tràn ngập sức sống bởi vì chúng tôi thức đêm nhiều nhất, ngủ bụi nhiều nhất, nô đùa nhiều nhất, ca hát nhiều nhất, tiệc tùng nhiều nhất, và chúng tôi luôn quây quần, gần gũi, yêu thương, và cùng nhau dấn thân phục vụ.  Lý do thứ hai là vì ghềnh đá ven sông bởi vì nơi đó đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm đẹp về Nhóm Giới Trẻ, nhất là những buổi sinh hoạt bên dòng sông, nơi gió mát, nước chảy, và sự thảnh thơi êm đềm của những đêm hội tụ.  Ghềnh đá ven sông cũng là nguyên nhân chính đã đem tôi đến với bạn ngày hôm nay, và trong cơ hội gặp gỡ này, tôi sẽ kể lại cho bạn nghe về câu chuyện của người đàn bà ngồi trên ghềnh đá, tóc xõa bờ vai.  Bà ngồi ở đó để làm gì, và vì sao bà lại ngồi đó?   Bà ở đó đã bao lâu? và bà còn phải ở đó cho đến bao giờ?  Hoàn cảnh gia đình của bà như thế nào? và tình tiết cuộc đời ra sao?  Giờ đây, xin mời bạn hãy cùng tôi đến bên ghềnh đá để gặp gỡ và tìm hiểu về người đàn bà này nhé!

Hình bóng và vóc dáng người đàn bà ngồi trên ghềnh đá là một người phụ nữ Việt Nam.  Bà đã sinh ra và lớn lên trong thời chinh chiến, và cuộc chiến khói lửa tương tàn đã biến đổi xã hội cũng như chia đôi sự hội ngộ giữa những người thân trong gia đình.  Bà là một người phụ nữ đảm đang, chịu cực, chịu khó, hy sinh, và hết mình vì con cái.  Bà theo đạo Công Giáo, sống ơn gọi hôn nhân, nghĩa là bà đã lập gia đình, sinh nhiều mặt con, và tất cả đều vuông tròn.  Tuy nhiên trong số những người con của bà thì chỉ có một đứa duy nhất là giống đực, và cậu bé này đã khôn lớn.  Sau này anh gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã trở thành Sĩ Quan, và kết cuộc thì bị đi tù cải tạo.  Sau nhiều năm bị Cộng Sản giam giữ trong các trại tù vô nhân đạo, cuối cùng anh cũng được tha, được thả, và được trả tự do.  Anh đã được trở về đoàn tụ với gia đình, và lúc đó bà mẹ của anh đã già, mắt bị mù lòa, và không còn trông thấy gì nữa.  Tuy nhiên, bà vẫn nhận ra đứa con trai yêu quý qua giọng nói và cách xưng hô quen thuộc, cộng với những cử chỉ thân mật, gần gũi.  

Tuy rằng, hai mẹ con phải sống trong sự cách biệt chia ly qua những năm tháng dài vô vọng, nhưng tình mẫu tử vẫn ngọt ngào trào dâng.  Bà vẫn yêu đứa con trai duy nhất, và tất nhiên bà vẫn luôn dành trọn tình cảm cho chàng.  Ngược lại, chàng trai cũng thương nhớ mẹ, yêu mến mẹ, và luôn khao khát được ở gần bên mẹ để phụng dưỡng, chăm sóc, và mong được cơ hội báo hiếu; thế nhưng, hiện tình đất nước đã đổi thay, và sau này sống dưới chế độ và sự cai trị của bọn tà quyền Cộng Sản, họ chuyên theo dõi, kìm kẹp, hù dọa, đàn áp, và đối xử tàn ác, cho nên anh biết chắc điều này là anh sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình yên trong xã hội vô thần, và anh cũng không thể nào tồn vong trong chế độ Cộng Sản; vì thế, anh phải tìm đường vượt biên, và dĩ nhiên anh muốn tìm đến một đất nước tự do thanh bình, một thế giới văn minh cầu tiến, nơi người dân có đầy đủ nhân quyền, mọi người đều bình đẳng, mạng sống được tôn trọng, quyền công dân được bảo vệ, và ai cũng có thể gầy dựng một tương lai tươi sáng.

Những suy nghĩ đắn đo và do dự của anh là một viên sĩ quan dày dặn kinh nghiệm đã dần hình thành trong thinh lặng, và giấc mơ đó đã từng bước được chuẩn bị trong sự cẩn mật.  Dĩ nhiên, anh đã tâm sự và bộc lộ ước nguyện của mình với người mẹ mù lòa già yếu, và anh muốn giải thích để mẹ hiểu rằng: ý nguyện vượt biên của mình là vì sự sống còn và vì tương lai của nhiều người khác trong gia tộc.  Vấn đề cần được nhấn mạnh ở đây là tình yêu bao la của người mẹ, và sự nhung nhớ mà người mẹ dành cho chàng là cậu con trai duy nhất.  Tuy rằng hằng ngày bà vẫn được bao bọc và chăm sóc bởi những cô con gái hiếu thảo, thế nhưng bà vẫn luôn cảm thấy hụt hẫng khi vắng mặt đứa con trai cưng, nhất là trong thời kỳ anh còn ở trong các trại tù cải tạo.  Hơn nữa, bà cũng không muốn gặp lại cảnh thiếu vắng đứa con trai yêu quý sau khi anh ta đã đi tù về; vì thế, bà luôn muốn giữ anh ở bên cạnh mình.  Bà muốn anh ngày đêm kề cận để hàn huyên tâm sự, yêu thương, vỗ về, và bà coi đó là niềm hạnh phúc và là sự ủi an trong quảng đời còn lại.  Nói tóm lại là bà không muốn anh chàng rời xa, nghĩa là bà ở đâu thì bà muốn anh ta cũng ở đó; ngược lại, anh ta đi đâu thì bà cũng muốn theo đó giống như hình với bóng.  Dĩ nhiên là bà không muốn anh ta đi xa mà không có mình, và nói cho cùng thì điều này còn bày tỏ một tâm ý thầm kín, đó là bà cũng muốn đi vượt biên.  Bà muốn đi cùng với anh, và cho dù ở đó có chông gai hay trùng khơi bão tố thì bà cũng nhất định đòi theo, và bà cương quyết sẽ cùng với anh vượt qua trùng khơi cũng như sóng nước cuộc đời!

Lời nói và hành động của bà biểu hiện sự cứng rắn, và điều đó cho thấy: bà là người cứng đầu và cố chấp.  Bà sẽ không chấp nhận bất kỳ một giải pháp nào, nếu như điều đó chia rẽ sự gần gũi giữa bà và cậu con trai.  Mặc dù anh đã cố gắng giải thích về hành trình vượt biên; nó giống như một ván cờ định mệnh, một cuộc chạy trốn để tẩu thoát, một đoạn đường vô cùng nguy hiểm, một chuyến đi không bờ bến, và điểm đến thì vô định, nhưng bà nhất định không nghe và cũng không màng tới.  Hơn nữa, anh đã hết lời khuyên răn để bà hiểu được nỗi lòng của con, nhất là nhận ra sự khó khăn nguy hiểm để chọn sự an toàn, nghĩa là bà sẽ thay đổi ý định rồi đồng ý ở lại, nhưng tất cả sự khuyến dụ của anh đều trở nên vô ích bởi vì bà không hề khiếp sợ, nản lòng, hay chùn bước.  Bà suy nghĩ rằng: nếu được đi chung với con và luôn được ở cùng con thì còn hạnh phúc nào bằng; hơn nữa, đối với bà thì mọi sự giống như “điếc không sợ súng, cùi không sợ lở” cho nên không gì có thể ngăn trở được ước mơ và ý muốn của bà!

Ngược lại, tâm ý và sự suy nghĩ của cậu con trai thì lại khác, vì anh thừa biết rằng “chuyện vượt biên” không phải là trò đùa bởi vì nếu như con tàu vượt biên bị bại lộ hay chuyến đi bị thất bại thì mọi người trên tàu sẽ bị bắt, bị giam, bị bắn, và có thể bị giết.  Mặt khác, vì bà đã có tuổi và sức khỏe lại yếu kém, cho nên ở trên tàu không ai muốn cho bà đi theo bởi vì điều ấy sẽ gây bất tiện và phiền toái đến nhiều người.  Hơn nữa, mắt của bà lại bị mù lòa, cho nên việc di chuyển đó đây lại càng phức tạp.  Chắc chắn sự bất trắc của bà sẽ không phù hợp cho chuyến đi xa đầy mạo hiểm, nhất là khi con tàu vượt sóng ra khơi với ngàn trùng bão tố, may ít rủi nhiều!   Cũng chính vì lý do này và vì sự an toàn cho mọi người trên tàu, anh chàng đã âm thầm tổ chức chuyến vượt biên không có sự hiện diện của bà, nghĩa là anh chàng đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại sau lưng người mẹ mù lòa già yếu.  

Anh ấy cảm thấy đau lòng khi phải rời xa mẹ, nghĩa là tách rời khúc ruột thương nhớ, nhưng đó lại là sự chọn lựa duy nhất và là giải pháp cuối cùng mà anh phải thực hiện.   Điều đáng mừng là anh đã trở thành ông chủ tàu may mắn.  Anh đã thành công trong việc tổ chức chuyến vượt biên bằng đường biển, và anh đã đem 113 mạng người đến bến bờ tự do!  Trong số đó có nhiều Sĩ Quan cao cấp mới đi tù về, và số còn lại là bà con thân bằng quyến thuộc trong gia tộc.  Điều đáng buồn cho anh là người mẹ mù lòa già yếu đã thiếu sự cảm thông về hành động của anh.  Sau khi anh đã rời xa và bà biết được chân tướng sự thật thì bà trở nên căm phẫn, tức giận, uất ức, và chết một cách tức tưởi.  Bà đã chết trong sự hận thù, và bà cương quyết “thề chết cũng không tha!”  Đối với bà thì hành động ấy quá vô tâm, và cách cư xử như thế quá tàn nhẫn, không dễ bỏ qua, và không thể tha thứ được; vì thế, bà sẽ căm thù và sẽ không bao giờ tha thứ.  Bà thường rêu rao rằng: “Thằng con bất hiếu đã lừa dối và bỏ rơi bà.”

Thế là một chặng đường khổ tâm đã đi qua, và một thế hệ mới lại khởi đầu.  Trải qua nhiều năm tháng, những đứa con của bà tiếp tục sinh sôi nảy nở trên đất Hoa Kỳ.  Họ sinh ra con đàn cháu đống, và cuộc sống của mọi người và mọi gia đình đều hạnh phúc ấm no.  Tuy nhiên, không phải lúc nào đời người cũng bình yên, và không phải ai cũng được hưởng phúc tuổi già; vì thế, ở đời luôn có những chuyện bất thường xảy ra, làm cho kẻ đến người đi, có người chết non, có kẻ chết già.  Một sự cố không may đã xảy ra trong một gia đình Việt Nam, và sự kiện ấy đã lôi kéo được giới truyền thông báo chí ở Mỹ.  Họ đã săn lùng và loan tải tin tức một cách nhanh chóng, làm cho gia đình ấy nổi đình đám trên Tivi nhiều ngày.  Mọi chi tiết và hình ảnh được phát sóng đều liên quan đến cái chết của một cậu bé đáng thương.  Nó là đứa cháu ngoại của bà, và nó bị chết cháy trong khi căn nhà bị lửa thiêu đốt.  Chính đứa bé này đã hiện về để báo mộng cho người còn sống.  Nó nài xin mọi người cầu nguyện cho nó, đặc biệt là cho Bà Ngoại của nó, và nó chỉ có thể miêu tả một cách ngắn gọn thế này: “Bà đang ngồi ở ghềnh đá ven sông trong một màn đêm u tối.”   

Đáng lẽ ra hình ảnh người đàn bà ngồi ở ghềnh đá ven sông phải là một bức tranh đẹp bởi vì đó là một khung cảnh gợi hình, rất nên thơ, yêu kiều, lãng mạng, và quyễn rũ.  Dĩ nhiên, nó còn dệt lên những cảm xúc rung động, vui buồn, khoái lạc, thích thú, suy tư, thư giãn.  Ngoài ra, nó còn nhắc nhở những ký ức và kỷ niệm, đem người ta trở về quá khứ hay suy nghĩ tới tương lai.  Thế nhưng, hình ảnh đó cũng có thể là một bức tranh không mấy sống động bởi vì một khung cảnh đẹp cần có sự tác động của môi trường thiên nhiên, chẳng hạn như: địa hình, địa thế, thời tiết, nhiệt độ, và yếu tố không gian lẫn thời gian.  Bên cạnh đó, nó còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác, chẳng hạn như màu nắng, gió mưa, sông suối, núi đồi, hoa lá, sỏi đá, mây trời, và muông thú.  Thêm vào đó, thân phận người đàn bà cần có chút sắc diện về nội tâm cũng như ngoại hình, chẳng hạn như dung nhan, dáng vóc, tác phong, tâm trạng, thời trang, và nghệ thuật.  Đây là những nhân tố quan trọng và là điều kiện cần thiết để người ta phân biệt đó là cảnh thiên đàng hay hỏa ngục, vui tươi hay buồn tủi, hạnh phúc hay đau khổ, bình an hay bất ổn.  

Theo như chi tiết diễn tả bởi đứa cháu thì hình ảnh người đàn bà ngồi ở ghềnh đá ven sông trong một màn đêm u tối không phải là một cảnh đẹp, nên thơ, lãng mạng, nhưng là một thảm cảnh u buồn, ảm đạm, và điều đó diễn đạt một tâm trạng bi quan hơn là lạc quan.  Thật ra, đây là một trường hợp ngậm ngùi đau khổ bởi vì chỗ bà đang ngồi không phải là chốn vui, nhưng là nơi bị sử phạt vì thiếu tình thương và sự lượng thứ.  Hình ảnh người đàn bà ngồi ở ghềnh đá là một trong những loại hình phạt, và bà ngồi đó không phải để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, nhưng để suy tư về sự hạn hẹp của lòng mình.  Bà ngồi đó không phải để nhìn bằng ánh mắt, nhưng bằng hành động về sự rộng lượng thứ tha. Chắc chắn bà sẽ phải tha thứ, và có như thế thì bà mới có thể vào cửa Nước Trời.  

Bà sẽ ngồi ở ghềnh đá và chờ đợi cho tới khi Mặt Trời mọc, để tia nắng ấm chiếu dọi trên linh hồn tượng đá, làm tan đi giá lạnh sương đêm, cho bầu khí ảm đạm ấm dần trở lại, và thế giới muôn loài sẽ được bừng sáng!  Tới lúc ấy bà sẽ nhìn thấy cây cối và cảnh vật chung quanh.  Lúc đó bà mới nhìn thấy Thiên Đàng thật diễm phúc!  Chính nơi ấy bà sẽ được nhìn thấy Chúa, và bà nhận ra Chúa là hạnh phúc vô biên.  Như thế, để thể hiện được ước mơ thực tiễn ấy, bà cần được tôi luyện.  Câu chuyện của bà là một người mẹ già nua, mắt bị mù lòa, và sức khỏe yếu kém.  Bà tức giận, hận thù con cái, và không chịu tha thứ.  Rốt cuộc, bà phải ngồi ở ghềnh đá để mà hồi tâm, ăn năn, thống hối, và bà phải thực hành sự thứ lỗi!  

Ghềnh đá ven sông chỉ là một trong những công cụ của Tạo Hóa.  Tuy rằng, nó chỉ là loài đất đá vô tri, vô giác, nhưng môi trường thiên nhiên đã mặc cho nó những chiếc áo rong rêu vạn kiếp, thay cho nó màu hoa lá cỏ cây, vây quanh nó còn có các loại thú hoang đồng nội, dòng sông, con suối, và gió bão mây trời thay nhau tô điểm để nó càng xinh tươi sống động.  Thế nên, ở những nơi có điều kiện và phương tiện, người ta sẽ thường đến đây để thưởng thức những cái đẹp của thiên nhiên.  Họ ra ghềnh đá để tắm nắng dầm mưa, ngắm trăng câu cá, để hóng gió, giải lao, và sinh hoạt thể thao các loại.  Họ đến đây để nghe âm thanh, tiếng động, cho đầu óc thư giãn, và tâm hồn được sản khoái, thoải mái, tự do.  Có nhiều khi họ tìm đến đây vì muốn được sự yên tĩnh một mình, và cũng có khi vì nhu cầu cá nhân mà họ cần sự đổi mới.   

Hình ảnh xót xa qua lời diễn tả của đứa cháu là chân dung của một người mẹ già xõa tóc trong đêm.  Bà ngồi trên ghềnh đá, ngước mắt nhìn dòng sông nước chảy, nhưng chẳng may khoẳng khắc ấy lại là bóng đêm, cho nên không có ánh sáng; như thế, mọi vật thể vây quanh bà đều là một mầu đen tối.  Thật ra đây là một hình ảnh cô đơn, lạnh lùng, và buồn tủi bởi vì trong màn đêm u tối, bầu khí sương đêm sẽ buốt giá, bà sẽ bị ẩm ướt, và lạnh thấu xương tủy.  Hơn nữa, bà sẽ không nhìn thấy gì, không phân biệt được vị trí, sẽ mất đi phương hướng, và sẽ không ghi khắc được hình ảnh cảnh đẹp bằng đôi mắt của mình.  Có thể bà sẽ cảm nghiệm được sự hôn nhẹ của làn gió, nghe được âm thanh sóng nước vỗ vào thềm đá, và rất có thể bà ngửi được những hương vị từ dòng sông con nước; thế nhưng, bà sẽ không biết được nước chảy chiều nào, đang lên hay xuống, và khi nào thì thay đổi hướng, đổi chiều.  

Nếu chỉ ngồi đó để nhìn dòng sông mà không biết được sự tuần hoàn của nó thì quả là nhàm chán.  Ít ra thì người ta còn biết được mực nước lên xuống cỡ nào, độ chảy mạnh nhẹ ra sao, và màu nước thế nào khi bọt nước nhấp nhô nơi ghềnh đá.  Nếu chỉ ngồi đó để nghe một loại âm thanh sóng vỗ thì quả là khô khan nhạt nhẽo.  Rất có thể bà sẽ không nghe thấy tiếng nao nức của dòng sông bởi vì nước thủy triều lên xuống rất êm đềm, và nếu không có sự tác động của gió thì ngày đó sẽ không có bất kỳ một âm thành nào phát ra từ ghềnh đá và sóng nước.  Nếu như tay chân bà không thể chạm nước, mũi không ngửi thấy gì, và tai cũng không nghe được gì thì cảm giác đó thật là đau khổ, cô liêu, và khó chịu.  Cảm giác đó cũng giống như các loại ngẫu tượng mà thần dân tôn thờ khắp nơi: “Chúng có miệng nhưng không nói, có mắt cũng như mù, có tai mà không thể nghe, có mũi mà không hít thở” (Ps 135:16-17).   

Giả như bà ngồi ở đó mà bóng đêm cứ bao phủ, và hừng đông sẽ không đến thì cảm giác ấy sẽ như thế nào nhỉ?  Chắc là bà sẽ luôn cảm thấy âu sầu, rầu rĩ, buồn bã, nản lòng, thất vọng, suy nhược, chán chường, tuyệt vọng, và mỏi mong.  Giả như bà cứ chờ đợi mà Bình Minh sẽ không đến, Mặt Trời sẽ không xuất hiện, và Ánh Nắng cũng không chiếu tỏa thì thử hỏi trên cõi đời này có bóng đêm nào dài lê thê, ê chề, và thê thảm như thế không?  Có sự chờ đợi nào não nùng và tuyệt vọng đến thế không?  Có cảm giác nào buồn rầu và sầu não hơn thế không?  Chắc chắn câu trả lời sẽ là không, và chỉ có ở những nơi thiên thu vạn kiếp thì người ta mới có được những kinh nghiệm và cảm giác như thế mà thôi!

Hình ảnh người đàn bà ngồi ở ghềnh đá ven sông trong một màn đêm u tối đã vô tình bộc lộ cho ta biết về thế giới vĩnh hằng, nơi gọi là chốn bất tận!  Chính ở nơi bất tử ấy, có người được hưởng phúc ngàn thu, nhưng cũng có kẻ than khóc muôn đời.  Tôi nghĩ rằng, người mẹ già ngồi ở ghềnh đá chỉ là loại hình phạt tạm thời qua đêm, nghĩa là còn có hy vọng; hy vọng là đêm sẽ qua và trời sẽ sáng!  Sự hy vọng đó nằm trong tầm tay của bà, và đêm dài hay ngắn còn tùy thuộc vào sự quyết định thay đổi của bà.  Nếu bà tha thứ càng nhanh thì trời càng mau sáng, nghĩa là giây phút bà tha thứ thì cũng là lúc mặt trời hừng đông xuất hiện!  Như thế, điều kiện để ánh bình minh xuất hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự tha thứ của bà!

Cái khó cho bà là một người “cứng đầu, cứng cổ” thì khổ nỗi là tính tình và ý định của bà sẽ không dễ thay đổi.  Tuy nhiên, việc làm ấy vẫn có thể thực hiện được qua lời cầu bầu của Giáo Hội, của Giáo Dân, và của các vị ân nhân, nhất là bà cần nhiều ơn thánh Chúa.  Điều bà cần thay đổi trước tiên là sự nhận thức bởi vì bà không hiểu nỗi khổ của cậu con trai, nên đã trách mắng con.  Nếu như bà biết lắng nghe và hiểu rõ việc mà đứa con trai yêu quý đã làm sẽ đem lại lợi ích cho bà và cả gia đình, thì chắc chắn bà sẽ không giận dỗi, căm hờn, bực tức, và hành động thiếu ý thức như thế.  Thứ hai là bà cần sự quên mình, nghĩa là phải chú tâm đến người khác.  Việc bà ngồi bên ghềnh đá và ngắm nhìn sông nước là để tìm câu trả lời, nhưng bà chỉ nhìn thấy bóng mình. Hình ảnh này cho thấy bà không nghĩ đến người khác, nhưng chỉ nghĩ đến mình, và điều này xem ra rất ích kỷ, vì bà chỉ lo nghĩ cho mình.  Không lẽ chỉ vì một mình bà mà cả 113 người đi chung tàu đều phải chết!  Dĩ nhiên, đứa con trai yêu quý sẽ không thể làm theo ý mẹ vì sự ích kỷ như vậy.  Hình ảnh bà nhìn vào nước là nhìn vào hình bóng của chính mình, và như thế bà sẽ cảm thấy cô đơn, hiu quạnh, buồn chán, rồi từ từ đâm ra tủi thân, trách phận.  Điều thay đổi sau cùng mà bà cần thực hiện là bà cần tha thứ để được thứ tha.  

Tha thứ là điều cần thiết, và chúng ta biết rằng: Kinh Thánh luôn khuyên dạy chúng ta tha thứ, và chúng ta cần phải tha thứ, miễn là người anh em đó bày tỏ sự ăn năn: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm thì hãy dạy bảo nó; nếu nó ăn năn hối cải thì hãy tha thứ cho nó.  Cho dầu nó có xúc phạm đến ngươi 7 lần trong một ngày, và 7 lần nó quay lại xin lỗi ngươi thì ngươi cũng phải tha thứ cho nó” (Lk 17:3-4).  Nếu như người đó không ăn năn thống hối, và cũng không chịu đến xin lỗi thì Chúa cũng buộc chúng ta tha thứ, và chúng ta không chỉ tha có 7 lần, nhưng là 70 lần 7, nghĩa là hoài, tha mãi: “Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải bảy lần không?  Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22).  Sự tha thứ này không đòi hỏi phải có lý do, và chúng ta cũng không cần phải biết nguyên nhân để mà tha thứ.  Như thế, chúng ta cần ghi nhớ điều này: Tha thứ được thì cứ tha, đừng đợi chờ tới lúc chết, vì khi ấy đã quá muộn!

Điều đáng nói ở đây là khi mình chết mà không tha thứ thì mình cứ phải ở chốn luyện ngục cho đến khi mình tha thứ, giống như hình ảnh người đàn bà ngồi ở ghềnh đá!  Thứ tha là dấu chỉ của sự yêu thương, và nếu không có tình thương thì không thể bước vào cửa Thiên Đàng.  Những ai chưa tha thứ thì người đó chưa được vào Thiên Đàng, vì Thiên Đàng là Nước Thiên Chúa.  Trong nước Chúa chỉ có yêu thương mà thôi, vì Thiên Chúa là Tình Yêu!  

Chúa không ép buộc ai phải tha thứ, vì đó là sự tự do chọn lựa của mỗi cá nhân.  Nếu ai không tha thứ thì người đó sẽ không có đức yêu thương, và trong người đó sẽ không có sự hiện diện của Chúa; dĩ nhiên, người đó cũng sẽ không có ánh sáng bởi vì Chúa là Ánh Sáng.  Chúa phán: “Ta là Ánh Sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng được Ánh Sáng ban sự sống” (Jn 8:12).  Nếu không có Chúa thì sẽ không có ánh sáng, và nếu không có Ánh Sáng thì mọi sự sẽ trở nên tăm tối, người ấy sẽ không nhìn thấy gì, và cuộc đời người đó sẽ mãi là bóng đêm!

03-01-2018

Lm. Gioan Hà Trần

Thơ từ xin liên lạc qua địa chỉ:

119 Redan Dr.

Savannah, GA 31405

Email: khongkhonghai@yahoo.com

Chia sẻ Bài này:

Related posts