Như cơn gió vô tình không hẹn mà gặp, không tính mà lại vui … Thế là chúng tôi đi chung với nhau trên một đoạn đường sau khi rời khỏi bắc Đình Khao.
Trên chuyến xe cuối năm, bỉ nhân được may mắn đồng hành cùng với quý dì dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Những câu chuyện đời và câu chuyện người được chia sẻ như vốn sống của cuộc đời.
Cứ mỗi lần gặp nhau là râm rang về những câu chuyện kể về kiếp nhân sinh. Lần này cũng vậy, chúng tôi gợi lại với nhau hình ảnh của những nữ tu, những linh mục thân thương đã đi trước chúng tôi. Đang miên man câu chuyện, bỗng dừng lại lòng trầm lắng tâm sự của chị ngồi kế bên. Dì nói kỷ niệm và nhất là hình ảnh của người chị em của Hội Dòng vừa về với Chúa.
Trong tâm sự, chị nói : “Nhiều chị ra đi nhưng vừa rồi con suy nghĩ nhiều nhất. Chị sống cuộc đời trầm lắng. Chị đi tu từ nhỏ, không được học nhiều như người ta, gần như cả đời chị ở trong ruộng … chị nằm xuống thật nhẹ nhàng và thanh thoát …”. Nghe Dì nói xong, tôi mới chọc lại : “Con tưởng nghĩ cái chết nào cũng cho ta những bài học đó chứ !”.
Quả vậy, sự ra đi của bất cứ một người nào xung quanh cũng để lại cho ta những tâm tình, những nghĩ suy.
Giúp vui, bỉ nhân mới chọc các chị : “Tương lai, không khéo con làm dám mục à !”.
Chưa để cho mấy Dì cười xong, bỉ nhân giải thích cho các dì là “dám mục” chứ không phải là “giám mục”.
Đọc sách của Thánh Anphongsô – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế – trong tác phẩm “Chân lý đời đời”, Cha Thánh có viết về phận con người rằng mỗi người đều sẽ mục nát sau vài ba ngày mất đi. Khi chôn xuống đất thì ai ai cũng mục nát và lúc đó giòi bọ nó bu hay nói cách khác là mồi ngon cho bọ và giòi.
Thật thế ! Thân phận con người là mong manh, là mỏng dòn và là yếu đuối.
Trước đây, bỉ nhân vẫn thường nghĩ rằng khi đi tu, mình phải làm điều này điều kia thật hoành tráng và vĩ đại để lại gì đó cho đời. Thế nhưng rồi, dần già mới hiểu rằng căn cốt đời tu không phải là làm điều gì hoành tráng. Căn cốt của đời tu đó là có sống rập đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa hay không mà thôi. Nếu không khéo, đời tu chỉ là thứ trang sức mà mình gắn thêm vào để cho có với người ta còn thực tế thì trong mình chả có Chúa.
Năm hết, Tết đến, dừng lại thì ta thấy có quá nhiều điều để suy nghĩ. Thế nhưng rồi, dù gì thì gì, ta vẫn không thoát khỏi mối bận tâm về kiếp người. Phận người có ngần có hạn và Chúa cho bao nhiêu là tùy mỗi người mà thôi.
Lại để giúp vui, bỉ nhân chọc các dì rằng giờ này bỉ nhân chỉ : “không muốn biết chuyện gì khác ngoài chuyện một Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” mà thôi. Chưa kịp nói hết câu thì các dì nhảy vào : “Câu này là châm ngôn của chúng con mà”.
Vâng ! Không phải là câu châm ngôn của quý Dì Mến Thánh Giá mà là châm ngôn sống của đời mỗi Kitô hữu. Khi và chỉ khi ta nhìn lên Thánh Giá và ta khám phá ra có một Đấng yêu thương ta đã chấp nhận chết treo nhục hình vì ta thì ta mới thấy đời ta có ý nghĩa và ta sống làm sao cho tròn đầy ý nghĩa mà Chúa dệt nên đời ta.
Phận người hèn mọn mà Dì Tư chia sẻ làm cho bỉ nhân nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời và phận người của mỗi người. Dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, mình chỉ hiện diện trên cõi tạm này một khoảng thời gian nào đó rồi lại phải khép mắt xuôi tay về với Nguồn Cội của mình. Chuyện quan trọng là mình sống như thế nào để ngày cuối đời mình được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa là Cha chúng ta hay không mà thôi.
Miên man một chút, chúng tôi lại rời nhau để ai về nhà nấy.
Hành trình đời người cũng vậy, chỉ sống chung, chỉ đi chung với nhau như đi chung trên một đoạn đường xe mà chúng tôi vừa đi chung. Nghĩ đến điều đó để mình thu xếp đời mình sao đó để sống cho nhẹ nhàng và thanh thoát như vị nữ tu hiền lành khiêm nhường và âm thầm của Hội Dòng vừa về với Chúa. Hơn thua, tranh giành, chụp giật cuối cùng cũng hoài trắng tay. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn nghĩ đến ngày cuối đời của mình để mình sống cho nhẹ nhàng và thanh thoát.
Người Giồng Trôm