Thời gian này…lâu lắm… mới được đọc một câu chuyện có thật đáng quan tâm trên các trang mạng xã hội hằng ngày…
Phần lớn là những sự kiện “đao to búa lớn” được tung lên với những “lời bình” vô tội vạ – thậm chí đôi khi với những ngôn từ “hàng tôm hàng cá” làm cho người đọc xóa đi rồi…mà vẫn còn thấy nhờn nhợn …Mạng xã hội trở thành “bãi rác tinh thần” ô nhiễm và đầu độc khó có thể dọn dẹp…
Câu chuyện này được ông bạn Hy Văn nào đó sưu tầm và kể lại…Chuyện rằng: bà Sindhutal Sapkal – một phụ nữ Ấn Độ – đã có 207 con rể – 36 con dâu – và gần 1.000 đứa cháu…
Sindhutal Sapkal vốn là một đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn của những người trong gia đình mình – 10 tuổi đã phải kết hôn với một người chồng hơn mình 20 tuổi – và khi được 20 tuổi, chị đã có 3 đứa con trai… để rồi bị đuổi ra khỏi nhà chồng với cái thai 9 tháng tuổi trong bụng…Sindhutal đã sinh một bé gái trong chuồng bò, tự cắt rốn cho con bằng một viên đá nhọn lượm được trên sàn…và quyết định quay về nhà mẹ đẻ… Nhưng – ảnh hưởng nặng nề của hủ tục – mẹ chị cũng như mọi người trong làng đều quay lưng với chị…
Sindhutal đành ôm con vào tạm trú trong một lò thiêu xác…Chị sống bằng nhúm bột mì thân nhân người chết để lại theo nghi thức…Chị nhào chút bột ấy thành bánh và nướng bằng chính ngọn lửa đang thiêu xác người quá cố…
Có lần quá mỏi mệt vì đói và sự vất vả, chị buộc chặt đứa con vào mình…và dự định kết thúc mọi sự…Nhưng rồi một người hành khất lại gần…Ông xin chị giúp đỡ…Chợt bừng tỉnh, chị nhận ra là chị vẫn còn cần thiết cho nhiều người…Vậy là chị quyết định loay hoay kiếm sống để mong có thể chìa tay nắm lấy những bàn tay khốn cùng
khác…
Trời phú cho chị một giọng hát hay…và chị đã lang thang khắp nơi chốn, cất tiếng hát…để kiếm miếng cơm nuôi mình, nuôi con…Rày đây mai đó, chị gia nhập nhiều nhóm ăn xin để tự nuôi sống cũng như giúp đỡ cho những người trong nhóm…Sống giữa những con người cùng khốn, chị thấu hiểu hoàn cảnh của những người cùng cảnh ngộ…và ngày càng biết cảm thông, chia sẻ nhiều hơn…Vậy là chị tìm lại cho mình nghị lực sống…
Chị đặc biệt quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi hay bị gia đình ruồng bỏ…Hằng ngày – trong khi đi ăn xin đây đó – gặp em nào, chị dắt nó theo và quyết tâm nuôi nấng, dạy dỗ nó…Chị nghiêm túc hơn trong công việc hành khất của mình, xoay sở mọi cách để có thể giúp các em…Cứ thế, con số các em đi theo chị ngày càng đông…và suốt 40 năm trường, chị đã trở thành bà mẹ của 1.400 đứa trẻ vô gia cư…Người ta bắt đầu quan tâm đến “hiện tượng Sindhutal”…Bà được mời diễn thuyết ở đây đó…Với câu chuyện đời của chính mình, với những năm tháng trải nghiệm kiếm sống, với vốn liếng là những mẩu chuyện tội nghiệp của những đứa con…và với giọng nói thiên phú của người biết hát, bà đã thuyết phục được nhiều người cùng góp sức để lo cho “những đứa con” của mình chuyện ăn uông, việc học hành…
Ông bạn Hy Văn còn nói đến những phần thưởng người ta dành cho bà…và bà đã dùng số tiền thưởng ấy để xây dựng và hoàn thiện những trại mồ côi…
Người viết thì không muốn nói đến những phần thưởng xã hội hay thế giới dành cho bà , dù nhờ đấy mà “con cháu” bà mỗi ngày được an toàn hơn trong sự bao bọc của bà…
Người viết cảm nhận và trân trọng chí khí của một con người đã biết tận dụng chính hoàn cảnh và cuộc đời bất hạnh của mình để làm cho nó trở thành hữu ích cho người khác – dù ở trong một xã hội mà sự phân biệt giai cấp cũng như những áp lực này kia…lúc nào cũng như muốn dập vùi nhân cách và nhân phẩm của tầng lớp khốn cùng
trong xã hội – một xã hội nhung nhúc những con người: cả trên một tỷ nhân mạng chứ ít ỏi gì đâu !!!
Ngày lễ thánh Giuse 19.3.2018 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ký Tông Huấn “Gaudete et Exultate” về việc kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa “nên thánh” giữa những “xã hội trần thế” hôm nay trên khắp mặt đất này…Và dịp lễ kính nhớ biến cố Truyền Tin cho Đức Maria ngày 9.4.2018, Tông Huấn này được công bố…
Ở chương I, Đức Thánh Cha nói đến “Ơn Gọi Nên Thánh”…và người viết muốn có đôi ba suy nghĩ về hai kiều nói – cũ rồi – nhưng trước đây ít được chú ý tới và hôm nay thì hình như bị lãng quên: đấy là hai kiểu nói dễ thương: – các vị thánh “bên cạnh nhà” chúng ta; – và tất cả mọi tín hữu, bất kể ở điều kiện hay bậc sống nào đều được Chúa mời gọi – mỗi người theo cách của riêng mình – đến sự thánh thiện trọn lành như chính Đức Chúa Cha là Đấng trọn lành (CĐ Vaticano II)
“Bên cạnh nhà” chúng ta thì có thể là nhà hàng xóm, có thể là phòng trọ bên cạnh, có thể là gian hàng kế bên, có thể là người ngay bên cạnh trong một chuyến đi, trong bữa cơm gia đình hằng ngày, trong một bữa tiệc đình đám nào đó hay đơn giản chỉ một giáp mặt trên đường, một vòng tay tình cờ song hành khi đang bơi biển…Họ là
những “vị thánh”…và …
“Mỗi người theo cách riêng của mình” – những cách nhiều khi không giống với bất cứ khái niệm “thánh” nào vẫn có trong đầu óc chúng ta, những khái niệm “thánh” đọc được đây đó trong những tác phẩm tu đức, những khái niệm “thánh” đã trở thành hình mẫu để chúng ta so sánh…và sẵn sàng bày tỏ sự không đồng tình khi thấy “cách riêng” của họ…có vẻ như hơi xô lệch…
Ở số 7, chương I này, Đức Thánh Cha chia sẻ: Tôi thích
chiêm ngưỡng sự thánh thiện hiện diện trong sự kiên nhẫn của Dân Thiên Chúa, nơi những cha mẹ nuôi nấng con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất nụ cười của họ. Trong sự kiên trì hằng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy nơi những người hàng xóm cạnh nhà chúng ta, là những người – đang sống giữa chúng ta- phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa.
Và – để nhấn mạnh đến khía cạnh “ mỗi người theo cách riêng của mình”, Đức Thánh Cha nói tiếp: Công Đồng nói: “Mỗi người theo cách riêng của mình”. Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì điều ấy thậm chí có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tìn hữu nhận ra con đường riêng của chính mình, là họ nói lên những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (xem 1Co 12,7), thay vì vô vọng cố gắng bắt chước một điều gì không dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm nhân chứng, nhưng có nhiều cách thực tế để làm nhân chứng. Thật vậy, khi nhà thần bí vĩ đại, thánh Gioan Thánh Giá, viết “Ca Khúc Tâm Linh” của mình, ngài giải thích rằng: các vần thơ của ngài được sáng tác để có thể hữu ich cho mọi người, mỗi người “theo cách riêng của mình”. Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền đạt “ cho một số người theo cách này và cho những người khác theo cách khác.”
Người viết nhìn thấy “hiện tượng Shindhutal” trong những suy nghĩ như thế này: Sự thánh thiện là dung mạo đẹp nhất của Giáo Hội. Nhưng ngay cả ở bên ngoài giáo Hội Công Giáo và trong những môi trường rất khác nhau đi nữa. Chúa Thánh Thần cũng vẫn khơi lên những “dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, mà chính những dấu chỉ ấy sẽ giúp sức cho những môn đệ của Chúa Ky-tô”. Thánh Gioan – Phaolo II thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng: “việc làm chứng cho Chúa Ky-tô đến độ đổ máu […] đã trở thành di sản chung của cả người Công Giáo, lẫn người Chính Thồng Giáo, của cả người Anh Giáo, lẫn người Thệ Phản.” Trong một buổi cử hành cuộc tưởng nhớ Đại Kết nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Gioan – Phaolo II đã nói rằng: các vị Tử Đạo chính là một “di sản, mà di sản này lớn tiếng hơn tất cả mọi yếu tố gây chia rẽ.”
Người viết đã đọc câu chuyện “Bà mẹ và 1.400 đứa con” trong tâm thức của “Gaudete et Exultate” như thế…và người viết tin rằng đây đó – bên cạnh mình, bên cạnh nhà mình, bên cạnh phòng mình – vẫn có những con người thánh và sống thánh “mỗi người theo cách riêng của mình” với “những hồng ân cá nhân nhất mà Chúa đặt trong lòng họ”…
Điều mà ai ai cũng mong là mạng xã hội sẽ giảm thiểu đi những chuyện không đâu…và chia sẻ với nhau những mảnh đời dũng cảm – không phải để bắt chước, để rập khuôn – nhưng là để khơi dậy niềm hứng khởi để sống đẹp“ mỗi người theo cách riêng của mình” và với những “hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ”…
Chúa Thánh Thần vẫn đang miệt mài để có được những con người như thế – bất chấp họ là ai, ở trong hay ở ngoài Giáo Hội Công Giáo…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp